"Ga cuối" của những người mang "án tử"

Thứ Năm, 27/10/2016, 11:12
Có những lời nói dối rất đẹp, bởi nó mang lại yêu thương. Và có những nỗi đau, chỉ nước mắt mới làm êm dịu. Ở nơi mà trước khi "trở về nhà", bệnh nhân nói lời cảm ơn bác sĩ, những người luôn phải giữ một "bí mật" nặng trĩu...


Ung thư không chừa một ai

Gặp bác sĩ Lê Văn Đạt Nhân ở hành lang Bệnh viện Ung Bướu (TP Hồ Chí Minh), anh đang hối hả cho những bệnh nhân của mình, đúng với phong cách của tuổi trẻ mang bầu nhiệt huyết với nghề nghiệp. Trong khoảng lặng bình yên ở "nhà ga" cuối cùng này, đôi khi một lời nói, một cử chỉ còn hơn trăm ngàn liều thuốc giảm đau.

Bác sĩ Nhân tâm sự: "Hồi mới về, trải nghiệm cuộc sống còn rất non nớt nên mỗi khi có một bệnh nhân mà hàng ngày mình chăm sóc, điều trị mất là mình buồn mấy ngày. Những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt mà mình gắn bó thì cảm giác hụt hẫng như mất người thân vậy.

Nỗi khắc khoải của những bệnh nhân đang chống chọi với "án tử".

Mình chứng kiến khi họ nhập viện khá khỏe mạnh nhưng sau ba bốn tháng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chỉ có 20-30% các bệnh nhân có thể chào bác sĩ về lại với gia đình. Còn 70-80% bệnh nhân sẽ bước vào giai đoạn cuối. Giai đoạn này thực sự là cơn ác mộng khủng khiếp nhất đối với mọi người".

 Khác với những tử tù đang chờ ngày ra pháp trường để đền tội ác, những người mắc bệnh HIV phần đông có lối sống không lành mạnh và họ phải trả giá cho phút nông nổi của bản thân, thì ung thư lại chẳng trừ ai, từ những vị tiến sĩ, giáo sư đầu ngành, hay những người có quyền có chức, có tiền, có địa vị đến chị bán bắp dạo hay bác xe ôm khắc khổ…

Hầu hết họ đều là những con người lương thiện, đang góp sức lao động cho xã hội bỗng nhiên thần chết ung thư ''chấm'' họ. Ngày tháng cuối cùng của những con người lương thiện bất hạnh còn lưu lại trên thế gian là rất nhiều những câu chuyện xúc động đến nhói buốt tim gan.

Đó là câu chuyện về cô Dương Thị Cẩm Vân (54 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. 24 năm trước, cô gái trẻ vừa ra trường, xin vào làm nữ hộ sinh của bệnh viện, vì cô nghĩ tiếng khóc chào đời của một đứa trẻ là tiếng khóc hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

Yêu trẻ, nhân hậu nhưng cuộc sống bất hạnh không cho cô hưởng niềm hạnh phúc được làm mẹ. Cả cuộc đời không lập gia đình, cô lấy việc ẵm bồng những em bé ở bệnh viện làm niềm vui của mình.

Rồi sức khỏe giảm sút, chân tay hay run, sợ khi bế trẻ chẳng may lại làm rơi các cháu thì ân hận cả đời, vậy là cô xin nghỉ. Về nhà một thời gian, những triệu chứng ở chân tay thể hiện rõ rệt hơn, chẳng những run dữ dội mà còn nhức mỏi khắp các đốt xương, cô mệt mỏi và gầy sút đi rất nhanh.

Người nhà chuyển cô đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì người ta đã phát hiện cô bị ung thư tuyến tụy đã di căn đến xương. Lúc đó, gia đình rất hoảng loạn, họ quyết định giấu cô.

Mọi người nói cô bị u lành, cứ yên tâm uống thuốc Nam sẽ khỏi. Người thân của cô đã đi khắp nơi cắt rễ, lá của những cây tận rừng hoang Tây Bắc đến cánh rừng U Minh bạt ngàn, hun hút. Cô uống hết, với tâm lý rất thoải mái: "Yên tâm là sẽ khỏi".

12 tháng sau, mọi việc tiến triển xấu đi, những cơn đau tăng dần về cả cường độ và tần số. Cô được đưa về khoa chăm sóc giảm nhẹ khi ung thư di căn đã lan đến xương, gan, phổi.

Các can thiệp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị giờ không thể sử dụng. Bác sĩ chẩn đoán thời gian sống của cô chỉ còn hai, ba tháng. Nhưng đến lúc đó vẫn chưa ai nói cho cô biết sự thật. Bác sĩ nói chuyện với anh trai của cô, hỏi tại sao đến lúc này gia đình vẫn không nói rõ bệnh tình?

Người đàn ông đã trên 70 tuổi tóc bạc trắng, da sạm đen khắc khổ trầm ngâm một hồi lâu mới trả lời: "Cả đời Vân không có hạnh phúc riêng, lấy hạnh phúc của gia đình làm hạnh phúc của bản thân mình. Nhưng chắc chắn lúc này đây, cô ấy cũng cảm thấy cô đơn lắm. Chúng tôi muốn cô ấy được ra đi thanh thản".

Trong một lần thăm khám, thấy cô Vân có vẻ bớt đau và vui vẻ, bác sĩ Nhân lựa lời hỏi: "Cô Vân có muốn biết chính xác bệnh tình của mình không?''.

Người nhà của họ vạ vật khắp hành lang.

Cô vân mỉm cười, ngước ánh nhìn vị bác sĩ đầy trìu mến: "Cô biết con sẽ nói gì, và đây chính là lời nói thật mà không phải ai cũng can đảm thốt ra trước mặt bệnh nhân. Thật ra, bệnh tình này cô biết hơn một năm nay rồi. Tuy chỉ là nữ hộ sinh ở bệnh viện, nhưng cô cũng có những kiến thức y học nhất định.

Cô biết mình bị ung thư tuyến tụy khi cô khám ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Nhưng lúc đó người nhà cô không biết, nói là cô bị u lành, đi lấy thuốc Nam khắp nơi. Để chiều lòng mọi người nên cô vẫn vui vẻ uống và vờ tin là sẽ khỏi.

Khi chuyển vào đây, cô cũng biết mình không còn nhiều thời gian nữa, nhưng thương anh chị quá lo lắng nên cũng vờ tin vào chuyện sẽ phẫu thuật, sẽ khỏi". Và thế là mười ngày sau, cô ra đi trong những cơn đau cuối cùng.

Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn cuối, ung thư đã di căn đến các bộ phận của cơ thể thì thường bệnh nhân vô cùng đau đớn, ói mửa, lở loét, liệt, thậm chí là mất ý thức…

Nhưng đau đớn về thể xác chưa phải là đau khổ nhất, khi đối diện với cái chết, họ thường trải qua những trạng thái tâm lý rất phức tạp: giận dữ, lo lắng, ân hận, tiếc nuối, tuyệt vọng, sợ hãi, hoảng loạn…

Có những người trẻ, khỏe và đang là trụ cột của gia đình thì họ lo lắng rất nhiều, trăn trở rất nhiều. Cũng có những người trước khi mất có những ước mong, tâm nguyện chưa thực hiện khiến họ không thể "yên tâm" nhắm mắt.

Tình người ở "ga cuối"

Có rất nhiều cung bậc cảm xúc ở "nhà ga" cuối cùng này. Với bác sĩ, họ phải thật kiên cường để làm chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân và người nhà của họ.

Nhưng dù có mạnh mẽ thế nào thì nỗi buồn và sự trống vắng vẫn không thể nào xóa nhòa được. Bác sĩ Nhân nhớ tới bệnh nhân Nguyễn Hoàn Vũ (50 tuổi, quê Long An), người để lại trong anh cảm xúc không thể nào quên.

Khi đang là lao động chính trong nhà, nuôi 3 con ăn học, thì ung thư ập đến cuộc đời của ông. Lúc đầu, ông bị ho, sốt, tức ngực, bản thân nghĩ chắc là bệnh cảm cúm thông thường, vì sức khỏe của ông từ nhỏ tới lớn chưa khi nào phải đi vô trạm y tế chứ đừng nói bệnh viện.

Tình trạng này kéo dài gần một năm, càng ngày càng trầm trọng. Ôn g thấy ngực đau nhói, ho ra máu, bị sốt kéo dài. Vợ con chuyển ông lên Bệnh viện Bình dân thăm khám.

Các bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư phổi đã di căn đến xương và bắt đầu tới não. Nhưng cũng như phần đông các gia đình khác, họ đề nghị bác sĩ không thông báo tình trạng bệnh với bệnh nhân.

Những cơn đau thấu xương hành hạ ngày đêm, tay chân co giật, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm khiến ông stress quá mức. Cứ ăn vào là ói, mất ngủ, tinh thần bất ổn. Ông Vũ được chuyển sang khoa chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Ung Bướu.

Tại đây, bằng những thuốc điều trị giảm đau đặc hiệu, cùng với phương pháp chăm sóc khoa học, những cơn đau thưa dần và nhẹ. Ông Vũ cảm giác rất phấn chấn, vui vẻ hỏi bác sĩ: "Chừng nào tui được về, nhà cửa ruộng đồng cả tháng nay không có người chăm sóc".

Nghe chồng nói chuyện, bà vợ khóc ngất không nói lên lời, cuối cùng người con trai cả được nhận nhiệm vụ "nói chuyện" với ba. Khi nghe thông tin, phản ứng của ông Vũ rất quyết liệt. Ông hét thật to, một mực cho rằng mình chỉ bị khớp, không có chuyện ung thư.

Bác sĩ Nhân nhận nhiệm vụ đối thoại sự thật với ông Vũ. Suốt 2 tiếng đồng hồ nói chuyện, từ lý thuyết sang khoa học, cuối cùng bác sĩ Nhân phải trưng ra tất cả các kết quả xét nghiệm cho ông Vũ xem. Ông Vũ tay run run cầm xấp kết quả, mắt ông đỏ hoe rồi như có điều gì đó ức chế, ông vùng dậy rút phăng ống thở.

Phải một thời gian sau, ông Vũ mới bình tâm và chịu thừa nhận sự thật: "Tôi tưởng bị khớp thì sẽ cố gắng chữa cho lành để về nhà còn làm, lo cho gia đình, chứ giờ tôi bị ung thư rồi, đằng nào cũng chết, người chẳng cứu được mà tiền bạc cũng bị chôn theo.

Và những cơn đau hành hạ trên giường bệnh.

Thôi thì tôi về nhà với mọi người ở quê hương được đến lúc nào hay lúc đó, chứ sống ở đây một đồng không làm ra còn mang nợ cho vợ con thì chết không nhắm mắt". Xong ông ôm vợ và các con khóc. Tất cả mọi người đều khóc.

Sáng hôm sau, khi bác sĩ đến khám, ông Vũ cầm tay bác sĩ nhỏ nhẹ: "Cảm ơn bác sĩ, nếu bác sĩ không nói tôi cũng chẳng biết được bệnh tình của mình. Bây giờ còn bao nhiêu ngày nữa tôi sẽ sống thật thoải mái, sắp xếp mọi việc gia đình để các cháu không vì thế mà thất học, vợ không phải bán nhà".

Cái bàn tay cả đời cuốc đất, nó đã chai sần và thô ráp của bệnh nhân Vũ, lúc nào cũng ám ảnh và để lại nỗi buồn không gì khỏa lấp được với bác sĩ Nhân. Hôm sau ông Vũ nhất quyết xuất viện về quê. Bác sĩ chỉ còn cách gửi cho ông các loại thuốc giảm đau để phần nào hạn chế những cơn đau thật khủng khiếp cuối đời của một con người mang án tử vì ung thư.

Ngọc Thiện
.
.
.