Gia cảnh nghiệt ngã của hai anh em có năng khiếu âm nhạc

Chủ Nhật, 24/09/2017, 15:17
Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, chưa hề được đào tạo hay bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng âm nhạc nhưng hai anh em Huỳnh Phong Bảo, Huỳnh Đại Phong – trú ở thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được nhiều người biết đến với khả năng âm nhạc đặc biệt. Nhiều lần các em gây “bão” trong những lễ tiệc bình dị ở miệt vườn quê và cả sân khấu ca nhạc ở đô thị sôi động âm thanh và rực rỡ sắc màu...

1. Rất nhiều khán giả của chương trình giải trí “Mặt trời bé con” tập 2 trên VTV3 ngày 16-9-2017 đã xúc động khi chứng kiến hình ảnh hai anh em Bảo – Phong bước ra sân khấu trong trang phục học sinh cũ kỹ, da rám nắng, giao tiếp đậm chất chân quê từ dáng vẻ đến âm ngữ.

Khi biết được gia cảnh anh em Bảo - Phong, không riêng nhà báo Lại Văn Sâm – người dẫn chương trình đã gửi tặng hai tháng lương hưu đầu tiên của ông, mà ca sĩ Quốc Thiên  - người trình diễn cùng với Bảo - Phong trong phần tài năng cũng đã gửi tặng phần tiền catse của mình cho hai cậu bé.

Hai anh em Huỳnh Phong Bảo – Huỳnh Đại Phong biểu diễn tại nhà.

Không phải đến lúc Bảo – Phong xuất hiện trong chương trình giải trí “Mặt trời bé con”, mà trước đó tôi đã tìm về vùng quê hai tài năng âm nhạc nhí đang sinh sống. Giữa một buổi sáng, nắng vàng lấp loáng trên con đường bê tông len lỏi qua những thửa ruộng tươi luống đất cày sau vụ thu hoạch lúa. Nằm nép mình bên cánh đồng là một căn nhà nhỏ hẹp, mái ngói, vách gạch xây dựng cả chục năm rồi nhưng chưa tô trát.

Chủ nhân căn nhà là chị Phan Thị Ngọc Châu - mẹ ruột của anh em Bảo – Phong, có gương mặt già hơn tuổi 36, vì nhiều năm trời người phụ nữ này phải đánh vật với căn bệnh tim và những khó khăn chật vật trong đời sống thường nhật, chăm lo hai đứa con nhỏ cùng người chồng là Huỳnh Văn Vũ nằm liệt trên giường gần 4 năm qua, do nhóm côn đồ tấn công.

Bằng âm giọng trầm buồn, chị Châu chia sẻ: “Nếu chồng tui không lâm nạn thì gia cảnh chẳng đến mức tồi tệ như thế này. Hồi đó ảnh làm thợ xây, dù vất vả nhưng mỗi tháng cũng có vài triệu để chăm lo gia đình, kết hợp hơn gần 1 tấn thóc thu được từ 3 sào ruộng canh tác hai vụ lúa mỗi năm thì đời sống kinh tế gia đình đảm bảo ổn định, hai đứa con không khổ cực với miếng cơm, manh áo khi còn đang độ tuổi ăn ngủ, học hành”.

Buổi chiều cuối tháng 12-2013, anh Vũ rời khỏi công trình xây dựng trở về nhà khi ánh ngày sắp tắt, để rồi sau đó hối hả vác cuốc ra cánh đồng làng, xẻ bờ dẫn nước vô thửa ruộng của gia đình để sáng sớm hôm sau cày bừa sản xuất vụ mùa lúa mới. Không ngờ mâu thuẫn phát sinh dẫn đến xô xát ẩu đả lẫn nhau, hai cha con người cùng làng cầm rựa, cây gỗ tấn công khiến anh Vũ gục ngã gây chấn thương sọ não.

Nhiều tháng trời cấp cứu và điều trị từ các bệnh viện, những khoản tiền dành dụm bấy lâu và tài sản mua sắm được đều rời khỏi nhà, chị Châu gạt nước mắt tất tả ngược xuôi, vay mượn tiền nhiều người với hy vọng cứu chữa cho chồng, nhưng kết cục mọi nỗ lực của gia đình và bác sĩ không thể nào tìm lại trí lực cho anh Vũ. Hiện nạn nhân chỉ tồn tại với đời sống thực vật nên chị Châu cùng hai đứa con đã sớm đối mặt với cuộc sống khó khăn gian khổ.

2. Nói đến “hành trình âm nhạc” của hai con, chị Châu bày tỏ: “May mắn duy nhất tui có được là ông trời chưa lấy hết tất cả, mà còn thương tình cho hai đứa nhỏ chút năng khiếu âm nhạc. Hồi nào tới giờ tụi nó có được ai truyền dạy đàn, trống gì đâu. Ai ngờ bây giờ hai anh em nó chơi thành thạo một số nhạc cụ, được nhiều người cảm mến và nhờ đó có thêm một khoản thu nhập khi phục vụ lễ tiệc”.

Bà Huỳnh Thị Tơ, bà nội của hai anh em Bảo – Phong nhớ lại: “Thường ngày, tui đi xe đạp vòng vèo từ thôn xóm này đến làng xã kia để gom mua phế liệu. Mỗi khi tui chở phế liệu về nhà, hai anh em Bảo – Phong lật tìm nắp xoong, vỏ lon, tấm nhôm, hộp nhựa để làm công cụ đập gõ theo nhịp điệu những bài hát tụi nó đã từng nghe được ở đâu đó. Không ít lần bị “ăn” roi của mẹ vì cái tội đập gõ, gây ồn ào náo nhiệt nhưng tụi nó vẫn không từ bỏ niềm đam mê…”.

Bảo chở Phong đến trường.

Chị Châu cho biết thêm: “Không chỉ gõ trống bằng phế liệu, mà từ nhỏ hai anh em nó đã nhặt những đoạn dây đàn bị đứt vứt bỏ trong phế liệu để “chế tạo” cây đàn, kết nối với nhịp điệu âm thanh đập gõ trên nắp xoong, vỏ lon, tấm nhôm, hộp nhựa. Biết tụi nó đam mê, nhưng gia cảnh nghèo khó làm sao dám nghĩ tới chuyện mua sắm nhạc cụ và cho con đi học âm nhạc”.

Mặc dù không biết nhạc công, nhạc lý và cũng chẳng biết tính năng, cường độ âm thanh, tiết tấu… của mỗi loại nhạc cụ, nhưng sau một thời gian bám đuổi những nhịp trống, nhịp đàn bằng “nhạc cụ”… phế liệu, anh em Bảo – Phong đã chứng minh mình là người có năng khiếu âm nhạc. Bất ngờ hơn nữa là sau vài ngày tiếp cận với nhạc cụ chính hiệu, hai cậu bé chân quê trở thành tay chơi trống và đàn organ khá sành điệu, có sức cuốn hút nhiều người.

Một buổi sáng cuối năm 2014, khi một nhóm người giàu lòng nhân ái tìm đến nhà riêng chia sẻ nỗi đau của anh Vũ sau vụ bị côn đồ hành hung trở thành người sống thực vật, họ tình cờ nghe thấy những âm thanh sôi động do anh em Bảo – Phong gõ nhịp trên vỏ lon bia, nắp xoong, hộp nhựa và tiếng đàn trên công cụ tự tạo như những tay chơi chuyên nghiệp, nên rủ nhau góp tiền mua tặng hai cậu bé chiếc đàn organ và bộ trống.

Có nhạc cụ chính hiệu trong tay, anh em Bảo – Phong tiếp tục tự mình học hỏi bằng cách sử dụng chiếc smartphone cũ của người quen gửi tặng, tìm kiếm những ca khúc mới đang thịnh hành để rèn luyện tay đàn, tay trống và đã chơi được các điệu nhạc Bolero, Rock, Disco…

Tiếp chuyện phóng viên, Bảo chia sẻ: “Hồi đó cháu đang học lớp 4, em Phong lớp 2, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hai anh em nhờ người thân quen dẫn dắt, giới thiệu biểu diễn đàn, trống cho các lễ tiệc tân gia, cưới hỏi, mừng thọ, thôi nôi… tại các vùng quê ở thị xã Ninh Hòa. Có lần anh em cháu đi biểu diễn trong tiệc cưới tổ chức tại tư gia bên sông Dinh qua địa phận phường Ninh Đa, một người dò hỏi: Có hiểu biết gì về âm nhạc không?

Trước tình huống nhiều người nghe thấy, cháu phải đối phó khi nói đến các nốt nhạc “Đồ, Rê, Mi, Pha, Son, La, Si” chứ hồi nào tới giờ hai anh em đâu có được đào tạo, hướng dẫn âm nhạc; thậm chí chưa viết được ký hiệu nốt nhạc, mà chỉ nghe được từ những người sành điệu âm nhạc”.

Dường như để chứng minh “hành trình âm nhạc” của mình khởi đầu từ “nhạc cụ” phế liệu, anh em Bảo – Phong bước ra góc sân nhặt vỏ lon bia, nắp xoong, hộp nhựa để gõ cho tôi nghe những nhịp điệu âm thanh rất… có nghề, sau đó mới ngồi trước chiếc đàn organ và bộ trống chính hiệu để biểu diễn.

Từ khi có hai nhạc cụ chuyên nghiệp và trang facebook cá nhân quảng cáo “dịch vụ ca nhạc” được thiết lập trên chiếc smartphone cũ, hai anh em Bảo – Phong có cơ hội kiếm thêm tiền mua sắm áo quần, sách vở, dụng cụ học tập cho chính mình, phụ giúp người mẹ chăm lo đời sống của gia đình và mua thuốc cho người cha.

Bảo tâm sự : “Mùa hè có thời gian nghỉ ngơi nên cháu nhận nhiều show diễn ở thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, đến khi đi học cháu chỉ nhận những show diễn trong ngày thứ bảy, chủ nhật. Mỗi lần diễn xong, chủ nhân lễ tiệc cho bao nhiêu, cháu nhận bấy nhiêu. Có người đưa vài trăm ngàn theo giá thuê bình thường, nhưng cũng có người biết được gia cảnh của cháu khó khăn nên họ dúi tiền triệu vô túi”.

Khi tên tuổi và gia cảnh của anh em Bảo – Phong được nhiều người biết đến, một số tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái đã tìm đến động viên chia sẻ, hỗ trợ gia đình chăm sóc anh Vũ; một số tổ chức truyền thông cũng đã sản xuất chương trình liên quan đến gia cảnh và “hành trình âm nhạc” của hai cậu bé.

Cuối năm 2016, anh em Bảo – Phong được mời biểu diễn chương trình “Trái tim nhân ái” tại Khánh Hòa và được ca sĩ Thanh Thúy mời vào TP Hồ Chí Minh tham gia một MV ca nhạc. Bảo tâm sự : “Chuyến đi ba ngày được tài trợ chi phí đi lại, ăn ở và tiền thù lao đã giúp hai anh em có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các ca sĩ, nhạc công…”

Hai anh em Huỳnh Phong Bảo – Huỳnh Đại Phong cùng nhà báo Lại Văn Sâm và ca sĩ Quốc Thiên trong chương trình “Mặt trời bé con” tập 2.

3. Khi nghe tôi hỏi đến những điều ước, Huỳnh Phong Bảo tâm sự: “Năm nay cháu đang học lớp 8 Trường THCS Phạm Ngũ Lão, em Phong học lớp 5 Trường Tiểu học Ninh Ích. Hai anh em sẽ nỗ lực học tập thật tốt mới có thể bước vào con đường nghệ thuật âm nhạc ở trường đại học. Tuy nhiên, gia cảnh còn nhiều khó khăn ở phía trước, trong khi chi phí học tập mỗi năm tăng cao, chưa biết anh em cháu có đủ điều kiện đi học văn hóa cho đến khi tốt nghiệp THPT hay không”.

Dứt lời, Bảo xoay mặt nơi khác như cố giấu những giọt nước mắt đang lăn chảy xuống gương mặt rám nắng. Trong khi đó cậu bé Phong tiết lộ bằng chất giọng hồn nhiên pha chút dí dỏm: “Bộ trống điện tử và hệ thống amply sử dụng đã lâu nên nhiều lần hư hỏng, hai anh em cháu phải sửa chữa nhiều lần. Nhạc cụ này cùng với chiếc đàn organ là cái “cần câu cơm” của hai anh em cháu, mai mốt nếu mấy nhạc cụ đó hư hỏng hết, chắc hai anh em cháu hết đường kiếm cơm, nên cháu ước mong có một bộ nhạc cụ mới!”.

Tạm biệt Bảo – Phong và vùng quê Ninh An giữa chiều dịu nắng, tôi tin hai anh em cậu bé chân quê đó sẽ tìm thấy con đường âm nhạc trong tương lai bằng nghị lực sống và năng khiếu.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.