Gia tài để lại cho con là nỗi đau

Thứ Năm, 03/08/2017, 07:11
Vợ mù, đâu thể nhìn thấy nước mắt của chồng. Thật ra, ông đã khóc thật nhiều, vào mỗi đêm cô liêu tĩnh lặng. Ông hận bản thân vì đã cho con “kế thừa” một nỗi đau...


Tiếng đàn định bệnh

Bà Cương sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em tại Đồng Tháp. Gia cảnh khó khăn nên cha mẹ thường xuyên hục hặc, cãi vã. Vì thế, cuộc sống của anh em bà bị “sứt mẻ” tình thương rất nhiều. Năm ba tuổi, bà bị đau mắt phát ban, rồi mù hẳn. Ở cái tuổi ấy, bà mãi mãi không thể nhớ nổi khuôn mặt của cha mẹ và các em của mình.

 Lớn thêm một chút, nghe những đứa trẻ cùng trang lứa nô đùa, vui sướng cắp sách tới trường, cô bé Cương ngồi buồn xo trong căn nhà trống vắng, tủi thân mà nước mắt cứ trào ra. Các anh chị em lần lượt ra đời, tung cánh khắp bốn phương trời, chỉ còn lại mình Cương mỏi mòn, le lói sống bám vào cha mẹ già nua, bệnh tật. Cương không thể làm gì với đôi mắt mù, suốt ngày ngồi nghe âm nhạc và nghêu ngao hát theo.

Được cái cô bé mù “cảm” âm nhạc rất nhanh, cộng thêm chất giọng ngọt ngào, trong trẻo nên nhanh chóng trở thành “cây” văn nghệ có tiếng của xóm. Nhiều người thương hay mời cô bé đến hát trong các buổi trà dư tửu hậu, rồi dúi cho vài đồng làm quà.

Càng lớn, mặc cảm là gánh nặng với gia đình đôi lúc làm Cương muốn bỏ đi thật xa, nhưng không thể vì thân gái khiếm khuyết. Thời gian choàng qua tuổi trẻ, lấp dần những khao khát của người phụ nữ.

Để rồi, tuổi 40 chớm đến, Cương như cái bóng cô liêu, mắc kẹt giữa dòng đời. Bà quyết tâm không thể chết khô héo ở chốn quê nhà được, phải ra đi thôi. Thế là, người đàn bà mù quyết chí đi tìm tương lai ở một thành phố đông đúc, nhộn nhịp. 

Ngày ra đi, trong tâm hồn khờ dại của bà chỉ chọn được duy nhất nghề bán vé số. Bà bập vào nghề, như một lẽ đương nhiên của những người không thấy ánh sáng. Rồi bà gặp người bạn cùng cảnh ngộ, cùng nghề và cùng một nỗi đau bệnh tật là Đào Văn Be. Ông hơn bà đúng 10 tuổi.

Ông bà bén duyên bằng tiếng đờn số phận.

Bà nhớ rõ, đó là buổi chiều nhập nhoạng tối, bên gốc cây ven một con đường rợp bóng mát thuộc quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), đôi chân của bà chợt chững lại khi có tiếng ghi ta khỏe khoắn, véo von lọt vào tai. Bà dò dẫm lần tìm đến nơi phát ra âm thanh êm ái đó và bắt gặp “gã” lãng du đang “phiêu” theo tiếng đờn.

Biết được ông cũng mù, bà càng có thêm sự đồng cảm khăng khít. Ngay lần đầu ấy, ông hỏi bà có biết ca không? Bà tủm tỉm cười, vì có người chạm trúng trái tim yêu âm nhạc, bà trả lời liền: “Tui ca được lắm đó”.

 Ông dạo phím đàn, bà bắt nhịp. Bản tình ca bolero “Duyên phận” vút lên. Ca xong, bà nghe tiếng vỗ tay ầm ầm, giọng người khen tấm tắc. Lúc ấy, ông bà mới biết xung quanh mình đông kín khán giả. Sau lần tao ngộ tình cờ, ông Be thấy nhớ bà Cương. Hai người thường hẹn nhau ở gốc cây ven đường, tâm sự bằng tiếng đàn, tiếng hát.

Ông bảo, mình thương giọng hát của bà, cần chi thấy mặt. Lúc này, ông đã ngoài 60 tuổi, bà cũng vừa chớm 50. Hai số phận bất hạnh đã đi qua hết quãng đời thanh xuân, cũng chẳng còn sự lãng mạn của tuổi trẻ để nói lời yêu, đành chôn chặt nỗi nhớ thầm kín trong đôi mắt bị màn đêm bưng kín.

Ông Be day dứt vì cho con thừa kế một nỗi đau.

Suốt hai năm quen nhau, ông Be đã đàn cho bà Cương hát không biết bao nhiêu bản nhạc. Những lúc thân xác mệt mỏi, đau nhức rã rời, ông Be lại gọi điện thoại cho bà Cương gặp nhau nghe hát. Những bài ca trữ tình của bà luôn làm trái tim người đàn ông vốn thiệt thòi về số phận tan chảy.

Rồi ông lấy hết can đảm thổ lộ với bà: “Mình hợp vào làm ăn nghen cô Cương”. Bà nghe có vẻ bẽn lẽn, nhưng trong lòng hạnh phúc lắm. Họ trở thành một cặp đôi ăn ý, hợp tâm nhất trong lúc hát rong đường phố. Người đến mua vé số rất nhiều, vì “say” giọng ca của bà. Khi tình cảm đủ chín, ông bà quyết định về sống chung một nhà. Chuyện tình này không ai phản đối cả, vì quá môn đăng hộ đối.

Lấy ông Be, bà Cương chỉ nghĩ sẽ làm chỗ dựa lúc cô đơn, ốm đau bệnh tật. Nhưng đùng một cái, bà có thai. Biết tin sắp được làm mẹ, bà hoang mang, cảm giác vui buồn lẫn lộn. Thứ nhất là tuổi bà quá cao, liệu sinh nở có an toàn? Thứ hai là sinh ra thì lấy gì nuôi con và điều lo sợ nhất chính là “giọt máu” của hai con người không lành lặn liệu có di truyền?

Ông Be an ủi vợ: “Chúng mình mù do bệnh tật chứ không phải bẩm sinh nên chắc con sẽ không sao”. Nghe yên tâm, bà Cương lâng lâng hạnh phúc, mơ về ngày thiên thần chào đời.

Con chào đời, mọi gánh nặng dồn lên đôi vai của người đàn ông mù.

Ước nguyện cuối đời dành cho con

Từ ngày vợ mang thai, mọi việc kiếm tiền đều đổ lên vai ông Be. Không có người hát bên cạnh, ông xếp cây đàn vào một góc. Ông lầm lũi đi bán vé số, bữa đói bữa no. Thời gian đã lấy đi của ông sức khỏe, hàng trăm con bệnh ở trong người, nặng nhất là căn bệnh viêm phế quản mãn tính. Những cơn ho khan hành hạ ông cả ngày lẫn đêm. Ông đi bán vé số chỉ được vài chục tờ là phải về, vì quá mệt không thể đi nổi nữa.

Hy vọng trông chờ vào thằng con trai duy nhất. Con chào đời, khỏi phải nói nỗi vui mừng của hai vợ chồng già. Ông Be không nhìn thấy, suốt ngày nựng nịu hai má của thằng bé rồi tưởng tượng. Lúc nào ông cũng hỏi vợ: “Nó giống tui nhiều không bà?”. Bà Cương cười méo mó, cay đắng trả lời: “Ông đui hỏi bà mù thà hỏi đầu gối hay hơn”.

Thiếu thốn, bệnh tật bủa vây hai con người nhưng bù lại, tiếng khóc cười của con trẻ như liều thuốc diệu kỳ xóa tan tất cả. Nuôi con bằng bản năng của người mẹ, bà Cương dùng trái tim để cảm nhận sự trưởng thành của con. Tuy nhiên, thính giác nhạy bén của người mẹ đã cho bà biết, có điều gì đó không bình thường từ đứa con trai bé bỏng.

Lên ba tuổi mà nó vẫn ê a, chưa biết gọi một tiếng cha, mẹ. Nó hay khóc ngằn ngặt vào buổi đêm, không chịu ăn và thường dùng tay khua khoắng một cách vô định. Đưa con đi bệnh viện kiểm tra, bà Cương chết ngất khi bác sĩ thông báo: Bé bị tim bẩm sinh và hội chứng đao.

Nụ cười vô hồn của đứa trẻ bị tim bẩm sinh và hội chứng đao.

Trăm ngàn nỗi đau giày xéo tâm can người mẹ. Bà trách bản thân mình thật nhiều. Giá như không mang thai thì sẽ không có đứa trẻ đáng thương này. Giá như có điều kiện đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ thì đã phát hiện sớm, biết đâu bệnh của con không trầm kha như bây giờ. Và giá như, ở độ tuổi “cạn kiệt” năng lượng, bà không nên sinh con... Bao nhiêu câu hỏi giá như đầy tuyệt vọng của người mẹ buông vào thinh không.

Ông Be không nói gì. Những ngày sau đó, ông lặng lẽ dậy thật sớm đi lấy vé số bán. Ông cố gắng gồng mình lên, đi thật nhiều, mời chào thật nhiều để bán được thật nhiều. Chỉ có cách đấy ông mời bù đắp được cho con trai bé bỏng, tội nghiệp của ông. 

Bác sĩ khuyên khi nào bé 4 tuổi thì cho mổ tim để bé phát triển nhanh hơn, nhưng vì nghèo nên hai vợ chồng không dám nghĩ đến việc chữa bệnh cho con. Vợ mù, đâu thể nhìn thấy nước mắt của chồng. Ông hận mình vì đã cho con kế thừa một nỗi đau.

Thằng bé 8 tuổi nhưng vẫn hồn nhiên như đứa trẻ lên 3, gầy rộc, héo hon. Ánh mắt của nó vô hồn, lúc nào cũng đẫm nước. Ước mơ lớn nhất cho đến cuối cuộc đời của hai ông bà là làm được điều gì đó cho con. Nhưng với hai thân thể yếu đuối và khiếm khuyết ấy, họ không biết phải làm gì.

Với đôi mắt mù lòa, bà Cương chăm con bằng bản năng của người mẹ.

Bà Cương bàn với ông Be: “Ông già yếu lắm rồi, thôi ở nhà chăm con để tôi đi làm. Chân tôi vẫn còn khỏe và tôi còn có cả giọng hát”. Tuy nhiên, đề xuất này bị ông Be bác bỏ, với triết lý: “Tui dù sao vẫn là đàn ông.

Chừng nào tui nằm xuống đó thì bà mới được đi làm”. 70 tuổi, người cha mù lòa, bệnh tật vẫn cặm cụi sớm hôm phơi nắng, dầm mưa bán vé số. Cơn mưa ngày bão ào về rất nhanh khiến người đàn ông không kịp chạy trốn, toàn thân ướt sũng. Nước lạnh ngấm vào người, tàn phá cơ thể mong manh của ông.

Ông luôn miệng thúc mình phải ráng, tất cả vì con. Đó chính là nỗi day dứt tột cùng của hai vợ chồng. Rồi đây nó sẽ chống chọi với cuộc đời ra sao trên một thân thể yếu đuối, bất hạnh như vậy.

Ngọc Thiện
.
.
.