Giận thương kiếp vợ chịu đòn đau

Thứ Hai, 17/03/2014, 13:30

Cái chết bất thường của người đàn ông 50 tuổi tại nhà riêng với lý do bị cảm lạnh khiến dư luận không khỏi nghi ngờ. Đám tang người đàn ông xấu số được vợ con ông ta tiến hành thật nhanh và tịnh, không có một giọt nước mắt nào dành cho ông khiến người dân xóm Còn II, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ càng thêm băn khoăn. Khi cơ quan điều tra đề nghị giải phẫu tử thi để tìm nguyên nhân dẫn tới cái chết thì vợ con nạn nhân quyết liệt phản đối.

Ông chồng bị vợ và con coi như kẻ thù

Ngày 9/3, lãnh đạo PC45 Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, cơ quan này vừa có kết luận điều tra vụ án “giết người” xảy ra ở xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, liên quan đến ba mẹ con. Chủ mưu trong vụ án đau lòng này chính là hai đứa con trai và người mẹ là kẻ ủng hộ nhiệt tình kế hoạch tàn độc của hai đứa con trai. Còn nạn nhân chính là chồng, là cha của họ.

Thông tin ông Phùng Văn Ngữ, SN 1964, ở xóm Còn II, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn bị cảm lạnh chết khiến người dân nơi đây vô cùng bất ngờ vì bình thường, ông Ngữ là một người đàn ông khỏe mạnh, và việc nhiều năm nay, ông ở một mình trong trang trại giữa rừng, đã quen với gió máy phong sương nên không dễ gì bị cái lạnh rừng núi đánh gục. Khi Công an xã tới nhà đã phát hiện trên thi thể của ông Ngữ có dấu vết lạ, đặc biệt là ở cổ có nhiều vết bầm tụ máu, mặt phù tím. Nghi ngờ đây là vụ án mạng, Công an xã đã cấp báo lên Công an huyện Tân Sơn và từ đây, đã phát hiện một sự thật gây bàng hoàng dư luận.

Trong những dòng nước mắt vừa ân hận, vừa cay đắng, Hà Thị Hiếm, SN 1957, vợ của ông Phùng Văn Ngữ kể, bao nhiêu năm làm vợ ông Ngữ là bấy nhiêu năm Hiếm bị chồng đánh đập, chửi mắng, dù Hiếm không có lỗi lầm gì. Có với nhau tới 3 cậu con trai, nhưng thỉnh thoảng, ông Ngữ lại kiếm cớ gây sự rồi đánh vợ, mắng con. Những trận đòn đến như cơm bữa khiến chính quyền xã đã nhiều lần nhắc nhở ông Ngữ nhưng ông này vẫn chứng nào tật nấy khiến chính quyền nơi đây đã ra quyết định đưa ông này vào cơ sở giáo dục.

Đám tang của ông Phùng Văn Ngữ được vợ con tổ chức chóng vánh.

Năm 2009, ông Ngữ được trở về địa phương nhưng vẫn duy trì thói đánh vợ và chửi con. Lần này, cấp độ đánh vợ của ông ta tăng lên vì ông ta lại mắc thêm chứng nghiện rượu. Không chịu nổi những trận đòn vô cớ của chồng, Hiếm đã bàn với 3 cậu con trai tách ra ở riêng. Hàng ngày ông Ngữ vào trang trại của mình ở trong rừng và ở luôn trong đó ít khi về nhà.

Ở trong rừng một thời gian, ông Phùng Văn Ngữ về nhà thì phát hiện con trai út là Phùng Văn Sơn, SN 1991 (Sơn đã có vợ và một con) tự ý lấy sổ chứng nhận quyền sử dụng đất cùng chứng minh nhân dân của ông Ngữ đi làm thủ tục tách khẩu và tách bìa đất. Ông Ngữ phát hiện đã chửi mắng Sơn. Cả ngày hôm đó, ông Ngữ chửi mắng cậu con trai và dọa đánh vợ.

Vốn tức sẵn với bố và bênh mẹ nên Sơn đã xảy ra xô xát với ông Ngữ. Hai bố con vật nhau bất phân thắng bại. Thấy con trai yếu hơn chồng, Hiếm đã bảo vợ Sơn là Trương Thị Thúy, SN 1991 lên gọi Phùng Văn Duyên, SN 1985, là anh ruột Sơn ở gần đó xuống hỗ trợ em trai đánh bố. Sau đó, Thúy đã lấy dây thừng đưa cho anh em Duyên trói chân tay ông Ngữ lại rồi khiêng về nhà riêng của ông Ngữ cách đó 50 mét. Hai thằng con bỏ bố lại trên giường rồi đi về. Một lúc sau sang kiểm tra, Sơn thấy ông Ngữ giãy giụa ngã lăn từ trên giường xuống đất nên đã lấy thêm sợi dây cao su thường dùng để buộc hàng trói thêm vào tay và chân bố cho... chắc.

Theo bản kết luận điều tra, thật đáng sợ là khi nghe hai con bàn bạc kế hoạch giết bố, người mẹ ấy không những không ngăn cản mà còn vào hùa. Cuối cùng, hai anh em Duyên mò sang nhà ông Ngữ. Tại đây, anh em chúng đã dùng quai đeo của chiếc túi thổ cẩm xiết cổ ông Ngữ.

Nhà riêng của ông Phùng Văn Ngữ - nơi ông bị sát hại.

"Khi đang hành động thì em định thôi vì sợ nhưng thằng Sơn bảo, đã làm thì làm luôn đi..." - Duyên - thằng con trai trực tiếp xiết cổ bố đến chết nói. Sau đó, hai kẻ ác độc này khiêng ông Ngữ đặt lên giường, tháo dây trói, kéo chăn đắp ngang ngực giả như đang ngủ rồi đi về nhà. Chúng cùng người mẹ độc ác tiếp tục bàn nhau tạo hiện trường giả và cách che giấu tội ác của mình. Theo kế hoạch, sáng sớm hôm sau, Sơn giả vờ lên nhà gọi bố xuống ăn cơm thì phát hiện bố đã chết nên chạy ra ngoài hô hoán là bố mình tử vong do bị cảm lạnh.

Không kịp đợi hàng xóm tới thăm hỏi, ba mẹ con Hiếm đã vội vàng tắm rửa cho ông Ngữ và mặc cho ông này chiếc áo len cao cổ để che đi vết bầm tím. Vợ con ông Ngữ đặt ông nằm ngay ngắn trên giường, kéo chăn đắp ngang cổ. Khi Công an huyện có mặt để tiến hành thủ tục khám nghiệm, do sợ lộ, ba mẹ con Hiếm cương quyết phản đối không cho tiến hành giải phẫu tử thi, họ nằng nặc nói rằng do ông Ngữ say rượu nên cảm chết.

Nước mắt muộn màng

Những vụ án xảy ra khi những người thân thiết trong gia đình sát hại nhau vì mâu thuẫn thường khiến dư luận nhức nhối hơn bao giờ hết. Đạo đức và pháp luật đều lên án những hành động độc ác ấy. Có lẽ mối thâm thù do bị bạo hành quá nhiều, trong một thời gian quá dài khiến người đàn bà lam lũ Hà Thị Hiếm đã không còn một chút tình cảm nào với người chồng vũ phu, khiến bà ta nghe chuyện hai thằng con trai bàn bạc cách giết bố mà không mảy may xúc động cũng chẳng hề ngăn cản.

Cuộc sống nghèo đói, thất học hay vì cái gì nữa khiến ông Phùng Văn Ngữ bức xúc, chán đời lao vào nghiện ngập rượu chè, để rồi tự biến mình thành nạn nhân của những người thân thiết, từ chính thói vũ phu của mình. Đến nỗi, vợ và các con của ông đều coi ông như kẻ thù. Hà Thị Hiếm khóc rất nhiều khi bị bắt, bà ta bảo, cả đời vục mặt vào cày cuốc chỉ mong đắp đổi ngày ba bữa cơm cho các con, thế rồi cũng không có một ngày được chồng tôn trọng, yêu thương. Hiếm bảo, lúc nghe các con bàn bạc, nỗi căm tức người chồng vũ phu lấn át lí trí khiến bà ta không còn biết đâu là phải trái, chỉ mong người chồng chết quách cho rảnh.

Đỗ Thị Đượm - người đàn bà cả đời làm ôsin sát hại chồng vì bị dồn đến bước đường cùng.

Trong những chuyến công tác, chúng tôi đã tiếp xúc với khá nhiều người đàn bà nông thôn lam lũ, bỗng một ngày phạm tội ác tày trời: Giết chồng. Đó là khi cơn bức xúc, giận dữ lên tới đỉnh điểm, bắt nguồn từ lỗi của nạn nhân trước. Mới đây, Đỗ Thị Đượm, SN 1969, ở xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương - người đàn bà cả đời đi làm ôsin ở nước ngoài để gửi tiền về nuôi các con ăn học, khi bị chồng bóp cổ, tống cho cả chậu nước bẩn vào mồm, đã cầm ngay con dao đang làm thịt vịt, đâm một nhát chí mạng vào đùi chồng, khiến ông chồng tử vong trước khi được đưa đi cấp cứu. Trước đó, vợ chồng Đượm đã có một thời gian hục hoặc vì những mâu thuẫn không đáng có. Mỗi lần như vậy, chồng Đượm - một người làm nghề mổ trâu bò - lại dành cho vợ những lời chửi mắng và đánh đập không tiếc tay. Đượm thật thà kể lại câu chuyện buồn từng chi tiết và luôn miệng: "Đời tôi khổ lắm các cô ạ".

Chúng tôi luôn nghĩ rằng, những tội ác tày trời thường xuất hiện ở chốn thành thị phức tạp, khi con người ta phải chịu nhiều áp lực, bức xúc với cuộc sống bon chen, nhưng thật đáng buồn là ở sau lũy tre làng, những vụ án đau lòng, vi phạm đạo đức nghiêm trọng xảy ra cũng nhiều không kém. Mới đây, TAND Tp Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ một người vợ giết chồng.

Cũng lại là một người phụ nữ nông thôn lam lũ. Bị cáo là Đỗ Thị Minh, SN 1963, ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Suốt phiên xét xử, người đàn bà dáng vẻ quê mùa cứ gục xuống vành móng ngựa mà khóc. Trong nước mắt, bà Minh kể, bà là trụ cột của gia đình, một tay lo công việc đồng áng, lợn gà, lại còn chạy chợ kiếm thêm thu nhập nuôi cả nhà. Ông Hòa - chồng bà mỗi lần say rượu lại thường kiếm cớ gây sự khi cho rằng vợ giỏi kiếm tiền hơn mình nên... khinh chồng. Đó là ông Hòa nghĩ thế thôi chứ là người vợ, chỉ muốn làm sao để lo cho chồng con cuộc sống tốt nhất, bà Minh nhiều lần bỏ qua những lời xỉ vả, những trận đòn của chồng cho êm ấm nhà cửa.

Khi các con lập gia đình, ông Hòa vẫn tiếp tục rượu chè, đánh mắng vợ, mà nguyên nhân không gì khác là ông cho rằng bị vợ khinh vì không biết kiếm tiền. Những trận đòn ấy, bà Minh cắn răng chịu đựng, không dám kể với con vì sợ chúng buồn. Cũng vì tâm lý "xấu chàng hổ ai" nên bà Minh cứ âm thầm chịu đựng và không nhớ nổi đã bao nhiêu lần bị chồng đánh đập. Có lần ông Hòa còn đuổi vợ ra khỏi nhà khiến bà Minh phải ngủ nhờ nhà hàng xóm tới hai đêm liền.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn dẫn đến việc bà Minh dùng kéo đâm chồng gây tử vong là khi ông Hòa uống rượu đã đập phá nhà cửa và đổ dầu hỏa vào đống quần áo đốt. Bà Minh từ hàng xóm chạy về can ngăn, đã bị ông Ho âa đấm, đá khắp người. Uất ức dồn nén khiến người đàn bà ấy không làm chủ được nữa, đã gây tội ác. Không phải là những kẻ giang hồ, côn đồ cộm cán, thế nên khi bị bắt, họ đều khóc vì ân hận. Nước mắt của họ, ngoài sự đau đớn, còn có cả sự đắng cay, tủi hận

Đ.Hiền - X.Mai
.
.
.