Giông bão phận người

Thứ Hai, 05/02/2018, 15:46
Cho đến tận bây giờ những người làng thôn Nhì Giáp, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định) vẫn không thể lý giải được vì sao chàng thanh niên Phạm Việt Liêm, SN 1956, đang từ một người thông minh, từng đỗ đầu tỉnh Nam Định trong kỳ thi đại học, sau đó lại được cử sang Nga du học, vậy mà sau 3 năm miệt mài đèn sách nơi xứ người, sắp đến ngày "vinh quy bái tổ" thì buộc phải trở về quê hương vì mang trong mình căn bệnh "nửa dại, nửa khôn".


Giờ đây, chàng thanh niên được cả làng ngưỡng mộ ngày nào đang phải sống cô độc trong túp lều lụp xụp, bên cạnh không còn ai thân thiết.

Khổ từ tấm bé

Hai tuổi, đứa bé Phạm Văn Liêm đã phải chịu cảnh mồ côi cha. Khi ấy mẹ Liêm còn quá trẻ. Người phụ nữ này đã không thể thủ tiết thờ chồng và một mình nuôi con thơ nên khi Liêm vừa tròn 4 tuổi, mẹ Liêm đã bỏ em lại cho bà nội nuôi, còn mình thì bỏ xứ đi nơi khác sinh sống và đi thêm bước nữa.

Nghe người làng kể lại thì người mẹ ấy đã bỏ lên một huyện vùng cao tỉnh Hòa Bình, từ đó chưa một lần về thăm lại người con mà mình dứt ruột đẻ ra. Bố mất, mẹ bỏ đi, nhà chỉ còn hai bà cháu. Thương bà nên dù mới chỉ lên 5, 6 tuổi cậu bé Liêm cũng đã cố gắng giúp bà làm những việc nhà để bà đỡ vất vả.

Một đứa trẻ trong xóm mang bài toán khó nhờ ông Liêm giải giúp.

Về phần bà của Liêm, xót cháu phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh nên bà đã cố gắng làm việc cật lực, hết cấy lúa ruộng nhà lại đi cấy thuê cho người ta. Nếu không phải mùa vụ, bà Liêm lại tranh thủ đi mò cua, bắt ốc, cắt cỏ thuê để lấy tiền nuôi cháu ăn học.

Ông Phạm Việt Hùng, chú họ của Liêm kể lại: "Hoàn cảnh của hai bà cháu đáng thương lắm, nhà lúc nào cũng trong tình trạng đói giáp hạt. Ăn không đủ no nhưng bà vẫn nhất định phải cho Liêm đi học biết cái chữ để sau này đỡ khổ.

Bà bảo, sau này bà già sẽ chết đi chỉ còn lại mình Liêm nên không thể để Liêm thiệt thòi. Chỉ có đi học mới thay đổi được cuộc đời. Bản thân tôi là chú của Liêm cũng muốn giúp cháu mình lắm nhưng hồi đó nghèo thành ra lực bất tòng tâm".

Được cắp sách tới trường, cậu bé Liêm sớm bộc lộ những năng khiếu trong việc học tập cùng với sự chăm chỉ, hiếu học nên trong tất cả các năm học Liêm đều đứng đầu lớp. Được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh năm nào cậu cũng đoạt giải cao.

"Sau này tôi mới hiểu vì sao người bà ốm yếu mà vẫn miệt mài lao động để cháu bà có thể học hành tới nơi tới chốn. Có lẽ từ những kết quả học tập của Liêm đã giúp 2 bà cháu có thêm động lực để vượt qua khó khăn" - ông Hùng nhớ lại.

Ngày ấy, hai bà cháu Liêm còn nhận trâu hợp tác xã để nuôi lấy công điểm, cứ một buổi đi học thì một buổi cậu bé Liêm lại giúp bà thả trâu. Trên lưng trâu lúc nào cũng kèm theo những quyển sách. Khi gặp những bài toán khó, Liêm lại tranh thủ dùng que vạch trên đường rồi tính tính toán toán đến khi nào ra được đáp số mới thôi. Buổi tối, sau khi cơm nước, vì chưa có điện nên phải dùng đèn dầu, Liêm xỏ chân vào bao tải tránh muỗi đốt và học bài tới khuya. Với thành tích đáng nể ấy, Liêm luôn là tấm gương sáng để lũ trẻ trong thôn Nhì Giáp noi theo.

Nhiều người làng khi ấy vẫn bảo lớn lên kiểu gì thằng cu Liêm cũng sẽ làm "ông to". Quả thật, với những cố gắng vượt bậc, sau kỳ thi tốt nghiệp lớp 10 (lớp cuối cùng hệ phổ thông hồi bấy giờ), Liêm mạnh dạn đăng ký thi vào Đại học Y khoa, niên khóa 1975 - 1976. Hồi đó, để giảm bớt chi phí cho các thí sinh đăng ký thi đại học nên việc thi tuyển được tổ chức ngay tại các tỉnh.

Trong kỳ thi năm đó, Liêm đạt 27/30 điểm, đứng đầu toàn tỉnh Nam Định lúc bấy giờ và chính thức trúng tuyển vào Trường Đại học Y khoa. Khỏi phải nói bà nội Liêm đã cảm thấy tự hào và hạnh phúc đến nhường nào. Người làng, ai cũng đến chúc mừng bà vì đã có cháu đỗ đạt, rồi họ còn bảo cuối đời bà được nhờ thằng cháu đích tôn rồi.

Vậy mà, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cũng vì làm việc quần quật để có tiền nuôi cháu ăn học nên bà nội Liêm bị lao lực rồi qua đời. Mất đi người thân duy nhất đã khiến chàng trai trẻ tưởng như sụp đổ. 20 tuổi, chàng trai trẻ ấy phải sống cảnh không còn ai thân thiết khiến Liêm mất phương hướng. Nhưng trong lúc suy sụp nhất Liêm lại nghĩ đến bà.

Nét mặt đăm chiêu khi đi tìm đáp số.

Cứ nghĩ đến cảnh bà vì mình mà chịu bao cực khổ, Liêm lại có thêm nghị lực để vươn lên. Càng đau thương chàng trai trẻ càng dồn sức vào việc học để thành tài. Kết quả đến năm học thứ ba thì Liêm được cử sang Nga du học. Khoác ba lô đến phương trời Tây với quyết tâm đạt thành tích cao nhất coi như một cách để trả ơn người bà tần tảo.

Kết thúc không có hậu

Thế nhưng mọi sự lại không đơn giản thế. Gần 3 năm trời du học, Liêm bỗng đột ngột trở về làng với lý do mắc bệnh nên không thể theo học. "Hồi đó Liêm trở về và có nhiều biểu hiện không được tỉnh táo. Cả làng ai cũng đoán chắc nó học nhiều quá nên bị áp lực mới sinh bệnh. Về nhà nó chẳng tiếp xúc, trò chuyện với ai. Liêm có thể ngồi lì một chỗ cả ngày được. Vừa ngồi nó vừa lẩm bẩm gì đó mà không ai hiểu được" - ông Hùng kể lại.

Vì không còn ai thân thiết nên Liêm được gia đình người chú ruột đưa đi chạy chữa, thuốc thang. Sau vài tháng uống thuốc nam, bệnh tình của Liêm có vẻ thuyên giảm. Lúc này Trường Đại học Y khoa đã tạo điều kiện cho Liêm được quay trở lại tiếp tục việc học.

Tuy nhiên, cũng chỉ được vài tháng gia đình người chú lại bị nhà trường gọi lên để trả Liêm về với lý do bệnh tình của Liêm càng ngày càng nặng. Sau lần trả về này, bệnh tình của Liêm ngày càng nặng hơn, không chỉ có những hành động khác thường mà việc ăn uống Liêm cũng chẳng thiết,  không có người bên cạnh trông nom là lại lùi lũi bỏ đi.

Có khi người ta gặp chàng trai trẻ này ở tỉnh Hà Nam, có khi lại thấy xuống mãi tận Ninh Bình, cũng nhiều khi lại thấy Liêm sang Hải Dương. Cứ hễ thấy người ta báo nhìn thấy Liêm ở đâu là chú Liêm lại tức tốc đến đó đón cháu về. Dù hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng vì tình máu mủ nên người chú họ đã cố gắng đưa Liêm đi nhiều nơi để trị bệnh.

Thế nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm, cuối cùng ông Hùng phải đưa Liêm lên Bệnh viện Tâm thần Trung ương ở Thường Tín (Hà Nội). Tại đây các bác sĩ cho biết Liêm bị "tâm thần phân liệt", không thể chữa khỏi vì bệnh đã quá nặng.

Còn nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trên thì không một ai biết, vì lúc phát bệnh Liêm đang học tập ở nước ngoài. Sau một thời gian chữa bệnh, Liêm đã được cho về và từ đó đến nay thì không còn bỏ đi lang thang nữa, chỉ quanh quẩn ở nhà rồi đi vòng vòng quanh xóm.

Ông Hùng hiện tuổi đã cao nên không thể tự mình trông nom Liêm được. Thế nên việc đó đã được gửi gắm vào những người con của ông.

Người chú họ dọn dẹp lại chiếc giường ngủ cho ông Liêm.

Ông Hùng chia sẻ: "Nhiều người làng tôi vẫn bảo thằng Liêm có số giời đày. Nó bất hạnh từ bé, bố mất sớm, mẹ bỏ đi rồi cũng lại đến bà nội mất. Cứ tưởng nó cố gắng học hành giỏi giang thế sẽ có được cuộc sống tốt về sau. Ai dè giờ lại lâm vào tình cảnh này lúc tỉnh lúc điên. Cơ mà lạ lắm, nó cứ vậy thôi nhưng bất kể ai đưa cho bài toán nào nhờ nó giải là nó cũng đều làm đúng hết. Mang tiếng là điên nhưng nhiều đứa nhỏ vẫn xán đến hỏi bài nó lắm".

Cả đời phấn đấu vậy mà cuối đời người đàn ông này vẫn chỉ gặp toàn bất hạnh. Nhiều người trong thôn khi nói chuyện với chúng tôi vẫn không giấu được sự tiếc nuối cho hoàn cảnh của ông Liêm. Họ bảo nếu như suôn sẻ có lẽ bây giờ ông ấy đã làm quan to rồi hay chí ít cũng là nhà khoa học chứ chẳng đùa.

Vậy mà ông "quan to" hay "nhà khoa học" trong suy nghĩ của nhiều người giờ đang ngồi trước mặt chúng tôi, cặm cụi giải bài toán mà một đứa trẻ trong xóm mới mang sang nhờ làm hộ. Khuôn mặt lúc nhăn nhó, lúc lại giãn ra khi tìm được đáp số.

Không ai có thể biết được cuộc đời của người đàn ông này rồi sẽ ra sao. Chia tay người đàn ông "nửa dại, nửa khôn" trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc rất khó tả, nó vừa là sự tiếc nuối cũng vừa là sự xót xa về một phận người đầy sóng gió.

Ông Phạm Văn Quý, Trưởng thôn Nhì Giáp, cho biết: "Địa phương đã đưa ông Liêm vào diện được hỗ trợ với mỗi tháng 180 nghìn đồng. Vẫn biết đây là số tiền vô cùng ít ỏi nhưng địa phương cũng không thể làm gì hơn được. Hơn nữa, cái ông Liêm cần nhất trong hoàn cảnh này không phải là tiền mà chính là cần có người ở bên trông nom, chăm sóc".
Song Anh
.
.
.