Hạnh phúc từ tình yêu với người chồng điên

Thứ Hai, 13/04/2015, 14:00
Dù biết anh bị tâm thần, nhưng ngay từ lần đầu gặp anh, chị vẫn quyết theo anh về làm vợ. 14 năm nay, chị vẫn tần tảo khuya sớm để nuôi người chồng điên và hai đứa con bị bệnh thần kinh mà không một lời kêu ca, oán thán. Câu chuyện tình cảm động của chị Nguyễn Thị Hằng (ở thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) khiến nhiều người cảm phục.
Cuộc sống cùng cực

Không khó để tôi tìm được căn nhà cấp 4 tồi tàn, rách nát của gia đình chị Hằng ở thôn Văn Hội. Nhiều lần gọi cửa, đứa con gái lớn, dù rất to cao, nhưng vẫn ú ớ, nói không ra từ, bảo mẹ đi làm. Hỏi mẹ đi đâu, bao giờ về, con bé cũng lắc đầu trả lời cộc lốc "không biết" rồi nhanh chóng đóng sập cửa vào.

Còn anh Nguyễn Đức Đăng, người chồng điên của chị Hằng thì cởi trần ngồi thu lu giữa một đống củi góc hè, lúc ném cái quần, lúc ném cái áo ra sân. Xế trưa, khi chị Hằng đi mò cua bắt ốc trở về tôi mới gặp được chị. Nhìn chiếc chậu nhựa chỉ có vài con cua, cái tép khiến tôi không khỏi chạnh lòng.

Chị thở dài: "Cả sáng chỉ được có thế này thôi. Giờ đồng ruộng cũng hết cua rồi. Cả 3 bố con có biết làm gì đâu, trước đây cứ đi làm đồng về là tôi lại cơm nước phục vụ bố con ông ấy. Con lớn năm nay hơn 13 rồi, mới biết cắm nồi cơm cho mẹ, còn lại chẳng biết làm gì".

Nói rồi chị nhanh tay vắt màn, xếp gọn lại giường chiếu. Căn nhà bừa bộn, những tấm đệm cáu bẩn rải đầy nền nhà làm chỗ nằm ngủ, chơi bời của hai đứa con khi chị vắng nhà. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi đã cũ, là quà của những nhà hảo tâm tặng cho gia đình chị.

Chị kể, nhà chị ở làng Văn Trai, cách không xa làng Văn Hội là mấy. Nhà nghèo, chị sớm phải theo chân mẹ lang thang khắp các chợ lớn nhỏ trong vùng để buôn bán. Rồi tai ương ập đến khi người mẹ vừa là trụ cột trong gia đình, vừa là người thương yêu chị nhất lâm bệnh nặng qua đời. Cha chị không thể sống mãi cảnh gà trống nuôi con nên đã tục huyền. Bắt đầu từ đây là những chuỗi ngày khổ cực, đày đọa với chị.

Căn nhà tồi tàn của chị Hằng.

Thay vì được nuôi nấng, chăm sóc, được học hành, chị Hằng và các anh chị em khác phải ở nhà đi mò cua bắt ốc, làm thuê, làm mướn kiếm tiền đưa cho mẹ kế… "Có lần tôi mua được cái áo mới, mang về nhà chưa kịp mặc thì bà ấy đã mang ra xé, cắt nát", chị Hằng ngậm ngùi kể lại. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà ngoài 30 tuổi, chị Hằng vẫn chưa lập gia đình.

Duyên trời định

Một lần đi gặt lúa cho cô em dâu ở thôn Văn Hội, trong lúc nghỉ ngơi, mọi người trêu đùa, gán ghép chị với anh Đăng - một người mắc bệnh tâm thần trong làng. Lúc ấy chị giãy nảy lên phản đối. Chị bảo thà làm gái ế cả đời chứ nhất định không chịu lấy một người điên làm chồng. Thế nhưng âu cũng là cái duyên cái số, dù nói thế, nhưng một lần tình cờ đi gặt lúa về, khi nhìn thấy anh Đăng, chị đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ.

Nhìn anh Đăng hiền lành, tha thẩn chơi như một đứa trẻ, đôi mắt chất chứa bao nỗi buồn không thể nói ra, một cảm xúc bất chợt dâng lên trong lòng chị. Hỏi gì anh cũng chỉ gật, lắc, rồi lại ngơ ngơ ngác ngác. Tìm hiểu kỹ hơn, chị biết anh bị tâm thần là do di chứng của những năm tháng tham gia chiến trường ở Campuchia, hiếm hoi có lúc anh tỉnh táo như một người bình thường, nên chị càng thương anh hơn. Chị muốn được chăm lo, săn sóc cho anh và biết đâu, có bàn tay chăm sóc của chị, bệnh tình của anh sẽ bớt đi phần nào. Chính ý nghĩ ấy đã thôi thúc chị theo anh về làm vợ.

Ngày chị cưới, người mẹ kế vui mừng vì tống được đứa con chồng ra khỏi nhà, còn bố và anh trai ra sức khuyên ngăn nhưng chị không nghe. Chị còn nhớ, khi ấy, anh trai chị có nói dứt khoát rằng: "Mày lấy nó, khổ kệ mày. Và đừng có nhìn mặt tao nữa".

Đi làm đồng về, chị Hằng lại phải dọn dẹp nhà cửa cơm nước cho ba bố con.

Chị khóc hết nước mắt. Có người ác khẩu còn bảo chị hâm, dở mới lấy một lão chồng điên như thế, rồi sau nay cũng đẻ ra toàn lũ con điên, nhưng chị bỏ ngoài tai tất cả. Hôm đón dâu, người làng kéo nhau đi xem đông nghịt, họ tò mò muốn biết người điên làm chú rể như thế nào và cô dâu liệu có "hâm, dở" không mà dám lấy một người điên làm chồng.

Cưới nhau được một thời gian, chị Hằng hạnh phúc khi biết tin mình có thai. Anh Đăng ngày thường ngơ ngơ ngẩn ngẩn là thế, nhưng khi nghe vợ thông báo sắp được làm bố, chẳng hiểu sao cũng tỉnh táo lạ thường. Gương mặt anh rạng rỡ, cả ngày cứ quanh quẩn ở nhà mà không lang thang đầu làng ngõ xóm như mọi ngày. Khi chị sinh, anh luôn ở bên cạnh nhìn vợ con âu yếm, trìu mến, dù chẳng biết làm gì.

Nhưng rồi niềm hạnh phúc chẳng được trọn vẹn, khi đứa con ra đời đồng nghĩa với gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai chị. Anh Đăng mắc bệnh tâm thần, cứ ngày điên, ngày tỉnh, sức khỏe lại yếu nên không thể giúp chị bất kể việc gì. Anh đi lang thang, có lần tự nhiên biến mất khỏi nhà khoảng 3 tháng, chị cùng anh em họ hàng chia nhau đi tìm mà không thấy. Cứ ngỡ anh đi lạc không nhớ đường về, hay chẳng may chết đường chết chợ thì bất ngờ 3 tháng sau anh trở về. Lúc tỉnh anh kể đã đi lạc vào tận Thanh Hóa, may mà có người thương cho anh cơm ăn, cho tiền về nhà.

Chồng đã bệnh tật thế, nhưng niềm hi vọng lớn nhất là đứa con lớn Hiểu Ly cũng dần vụt tắt. Càng lớn, con bé càng có biểu hiện không bình thường giống bố. Năm nay đã hơn 13 tuổi, nhưng cô bé rất ngờ nghệch, nói câu được câu chăng. Lúc tôi ngồi nói chuyện với chị, anh Đăng thì tha thẩn bên vợ con, lúc nằm, lúc ngồi lẩm bẩm nói một mình, còn con bé thì xem ti vi cười hềnh hệch, đến con gà con mèo chạy vào mâm, lục đồ ăn ngay trước mặt nó cũng chả buồn đuổi.
Chị Hằng bên người chồng điên và hai đứa con tâm thần.

Đau lòng hơn, cô con gái thứ hai sinh năm 2009 của anh chị mang tên Ngọc Anh cũng có dấu hiệu tâm thần như cha. Chị bảo, những lúc nó lên cơn, hai mắt cứ trợn ngược lên, nghiến răng nghiến lợi mà nắm chặt tay lại. Để lo cho chồng con, chị Hằng không từ một việc gì từ làm thuê, kiếm mướn đến mò cua, bắt ốc đi bán lấy tiền mua gạo.

Có một đứa con đã vất vả, nay lại một lúc nuôi bốn miệng ăn, gia đình chị càng trở nên túng bấn. Từ ngày chị lấy chồng, nhà ngoại cũng từ mặt luôn. Hai làng chẳng cách xa là mấy nhưng chẳng bao giờ anh em, bố con hỏi han đến nhau. Gia đình nhà chồng cũng khó khăn chẳng kém nên chẳng giúp đỡ được gì.

Dù anh Đăng được hưởng chế độ của người bệnh tâm thần, nhưng số tiền ít ỏi ấy chẳng đủ tiền thuốc thang cho anh và tiền ăn cho cả gia đình, trong khi tháng nào chị cũng phải mua thuốc điều trị đều đặn cho ba bố con. "Ông ấy bị bệnh nhưng được cái chẳng gây gổ, đánh đập ai cả. Chỉ lúc lên cơn thì la hét, gào thét, quát vợ, quát con. Nhưng khi tỉnh táo cũng biết quan tâm đến vợ đến con lắm", chị Hằng kể.

14 năm làm vợ người điên nhưng chị không hề than thân trách phận mà lúc nào cũng lo lắng hết mực cho gia đình. Chấp nhận lấy anh, là chị đã chấp nhận cuộc sống khó khăn, vất vả sau này. Với chị, hạnh phúc chính là được quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho những người thân yêu nhất của mình.

Bà Nguyễn Thị Mận, Trưởng thôn Văn Hội cho biết: "Gia đình anh Đăng chị Hằng là khó khăn thực sự. Anh Đăng bị bệnh tâm thần, ngày xưa đi bộ đội, khi trở về thì bị điên điên dại dại. Hai đứa con lớn cũng ngây ngây ngô ngô. Hiện chỉ anh Đăng có chế độ trợ cấp nhưng chẳng được bao nhiêu, nên hàng ngày, chị Hằng vẫn phải lăn lộn, bươn trải, mò cua bắt ốc, cấy ruộng nuôi chồng con, thực sự là rất khó khăn".

Chúng tôi hi vọng rằng, qua bài viết này, sẽ có nhiều nhà hảo tâm quan tâm đến cuộc sống của gia đình chị Hằng anh Đăng, để giúp chị vơi bớt đi phần nào gánh nặng trong cuộc sống. 

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.