Kết cục buồn từ những cuộc hôn nhân trẻ em

Chủ Nhật, 01/10/2017, 15:45
Leyla bị buộc kết hôn năm 17 tuổi để đổi lấy dê cho gia đình. Rất nhiền năm trôi qua, Leyla vẫn còn nhớ như in cảm giác khi bị bố đánh đòn ít ngày trước khi diễn ra lễ cưới. Leyla chỉ là một trong hàng ngàn cô gái ở nông thôn Iran bị ép buộc hôn nhân khi còn rất trẻ.

17% cô gái ở Iran đã kết hôn trước 18 tuổi

Leyla đến từ một ngôi làng gần Esfarayen, nằm phía đông bắc của Iran. Leyla nói với phóng viên tờ DW (Đức) rằng, ở làng, trẻ em gái thường kết hôn từ năm 11 tuổi. "Đến năm 16 hay 17 tuổi, hầu hết các cô gái đều đã kết hôn. Con gái 12 tuổi của anh trai tôi cũng mới kết hôn thời gian gần đây", Leyla nói.

Số liệu thống kê năm 2016 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy, 17% cô gái ở Iran đã kết hôn trước năm 18 tuổi. Số liệu thống kê của Tổ chức giám sát nhân quyền Iran đưa ra con số, hơn 40.000 cô gái dưới 15 tuổi đã đăng ký kết hôn trong năm 2015.

Trong xã hội Iran có quan điểm cho rằng, thời điểm lý tưởng để các cô gái về nhà chồng là trước tuổi dậy thì.

Theo luật Hồi giáo Sharia, độ tuổi kết hôn hợp pháp là 13 đối với nữ và 15 đối với nam nhưng hôn nhân vẫn có thể được thực hiện ở độ tuổi thấp hơn nếu có sự đồng ý của cha (hoặc người giám hộ hợp pháp) và sự cho phép của tòa án.

Các nhà nghiên cứu xã hội học ở Iran cho rằng, có ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến kết hôn trẻ em ở nước này. Thứ nhất, là kiểu “hôn nhân máu”, tức là các cô gái trẻ được gả đi như một cách để giải quyết thù hận kéo dài giữa hai bộ lạc trước đó. Thứ hai là kiểu “hôn nhân quà tặng”, tức là hình thức hôn nhân sắp đặt được các gia đình hứa hẹn với nhau từ trước.

Thứ ba là “hôn nhân kinh tế”, tức là những bậc cha mẹ gả con gái cho nhà giàu để lấy một số tiền hoặc tài sản nhất định. Số tiền mà gia đình nhận được phụ thuộc vào sắc đẹp của cô gái và gia thế của gia đình chồng tương lai. Ngoài ra, trong xã hội Iran cũng có quan điểm cho rằng, thời điểm lý tưởng để các cô gái về nhà chồng là trước tuổi dậy thì.

Những hệ lụy

Các chuyên gia nói rằng, con số kết hôn trẻ em ở Iran có thể cao hơn nhiều vì có những cuộc hôn nhân không đăng ký với cơ quan chức năng. Hệ lụy của vấn đề này rất phức tạp. Trẻ em sinh ra từ những cuộc hôn nhân không đăng ký không có giấy khai sinh nên bị mất đi quyền tiếp cận giáo dục, phúc lợi xã hội và phải đối mặt với tương lai ảm đạm của nghèo đói, tội phạm vị thành niên và nghiện ngập.

Majid Abhari, một nhà xã hội học tại Đại học Shahid Beheshti ở Tehran nói rằng, hầu hết các cuộc hôn nhân không đăng ký ở Iran đều diễn ra tại các tỉnh biên giới như Sistan, Baluchestan, Khuzestan, Kurdistan. "Do sự khác biệt về tuổi tác lớn nên các cặp vợ chồng trong những cuộc hôn nhân như vậy thường không có sự hòa hợp về tình dục, dẫn đến các mối quan hệ ngoài hôn nhân, bệnh lây truyền qua đường tình dục, có trường hợp tự sát, bỏ nhà ra đi”, Abhari nói.

"Tôi mơ ước tôi có thể đi học nhưng cũng chỉ học được đến lớp năm. Sau hôn nhân, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đến Tehran làm việc để nuôi con cái. Chồng tôi là một người nghiện ma túy. Tôi kiếm sống bằng nghề may vá, thỉnh thoảng đi dọn vệ sinh thuê. Hai cậu con trai 14 và 15 tuổi của tôi cũng phải đi làm để kiếm sống", Leyla chia sẻ. Leyla là trụ cột duy nhất cho gia đình bốn người. Mặc dù phải làm việc vất vả nhưng cô vẫn thường xuyên bị chồng đánh đập thậm tệ.

Dự thảo luật sửa đổi quy định về tuổi kết hôn hợp pháp ở Iran đang được xây dựng.

Fatemeh Zolghadr, một thành viên của Tổ chức Phụ nữ trong Quốc hội Iran nói với phóng viên Hãng thông tấn Ilna của Iran rằng, dự luật sửa đổi quy định về tuổi kết hôn hợp pháp đang được xây dựng. Dự thảo luật mới này hy vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong xã hội Iran.

Trước đó, vào tháng 8 năm 2017, các nhà hoạt động nhân quyền Iran đã công bố báo cáo hệ lụy do hôn nhân trẻ em gây ra và kêu gọi sửa đổi luật hôn nhân gia đình, tăng tuổi kết hôn tối thiểu cho trẻ em trai và gái lên 18 tuổi. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, hôn nhân sớm là một hình thức lạm dụng trẻ em và nó vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.