Nỗi buồn miền sơn cước

Thứ Ba, 14/07/2015, 16:17
Gia đình ông Thào Seo Cáo vẫn nghèo lắm, bữa cơm chiều chỉ có đĩa rau xanh và bát muối ớt. Mái nhà tranh đã mục chưa thay được, cái nghèo còn khủng khiếp hơn con ma từng ám Thào Thị Dung. Tưởng rằng có cây cầu thì nồi cơm sẽ đầy hơn, văn minh tràn về bản nhỏ. Nhưng "ánh sáng văn minh" chỉ dừng lại ở mấy chiếc xe máy và những cái điện thoại cảm ứng rẻ tiền. Còn lại, vẫn âm u, mịt mù mang theo bao nỗi buồn của miền sơn cước…
Nhịp cầu nối bản văn minh

Đoạn sông Ba lởm chởm đá hộc, đá ong. Mùa mưa nước đỏ au, sặc mùi đất. Một cây cầu lừng lững nối "văn minh" về với đồng bào xã Quảng Hòa (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông) mới được khánh thành. Khỏi phải nói, niềm vui vỡ òa trên từng khuôn mặt ngẩn ngơ, hốc hác của nhiều người. Cũng xin nói thêm, cách đây ba năm, tôi đã đặt chân tới vùng núi này.

Lúc ấy, cầu đang ì ạch xây, còn người dân thì liều mình đu bè băng sông, bất chấp những cái chết đã được báo trước. Đứng trên cầu, ngước mặt về phía thượng nguồn mặc sức ngắm những chùm đá lô nhô nhọn hoắt đang được dòng nước miệt mài bào mòn. Từ đây tạo ra những hố xoáy tử thần có thể cuốn phăng tất cả những gì đi ngang qua.

Để có được cây cầu này, bà con bên kia con sông Ba đã phải sống hơn 10 năm bằng việc đi chợ qua bè. Năm nào cũng xảy ra vài vụ chìm đò thương tâm, những cái chết tức tưởi do thủy thần. Báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực, cuối cùng cũng "kiến nghị" được cây cầu.

Trai gái, ông già bà cả không phải dậy từ gà gáy cuốc bộ hơn 10 cây số ra chợ Đam Rông (Lâm Đồng) trao đổi hàng hóa (vị trí này là vùng tam giác giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, bị ngăn cách bởi dòng sông Ba và những dãy núi trập trùng). Đường vào thôn 11, 12 của xã Quảng Hòa cứ hun hút xuyên vào lòng núi, xé rách những quả đồi. Xe chạy tới đâu, bụi đất đỏ đuổi theo quấn rịt lấy người.

Con gái ngủ, Nô tranh thủ cho chim ăn.

Từ ngày có cầu, bà con thi nhau bán nương rẫy để sắm xe máy, điện thoại. Nhà nào dù nghèo đói cũng cố gồng lên tậu cho được "con ngựa sắt" mà "đua" với xóm làng. Ngày xưa cả làng đi bộ thì đường xá còn mịn màng, phẳng lì. Mái nhà không phủ bụi, quần áo không dơ bẩn. Nhưng nay đường bị cày nát bởi bánh xe và những cú rồ ga "phi nước đại" tạo thành những ổ voi, có thể nuốt chửng một đứa trẻ con. Trưởng thôn 12 Sùng Sái Pá lắc đầu ngao ngán khi nói về mức độ "văn minh" của thôn. 

Ông Pá chỉ ra ngoài đường, chúng tôi nhìn theo một chiếc xe máy đang bốc đầu lao qua ổ gà. Cậu thành niên tóc dài ngang vai, bù xù chẳng khác nào Tazan cười hô hố với màn diễn xiếc trước những cặp mắt thao láo của lũ trẻ và đám con gái. Ông Pá cho biết: "Thanh niên ở đây lái xe giỏi lắm. Chiều nào cũng luyện bốc đầu, rồ ga đinh tai nhức óc. Hễ đụng đến xe là như bắt được vàng. Mùa thu hoạch cà phê, cứ xe máy mà thồ chở được vài tạ ra huyện bán".

Phóng tầm mắt ra bốn phía đồi núi, những cánh rừng đã bị tận diệt, thay vào đó là từng vạt hoa màu. Không xa lắm là một bãi vàng ngày đêm ì ầm máy múc. Họ khoan vào núi, phá nát những mảng rừng. Nguồn nước uống của bà con bị nhiễm quặng vàng khè, phải lọc mấy lượt mới dùng được. Quần áo quanh năm màu cháo lòng, có giặt kiểu gì cũng không trắng nổi.

Nhưng bà con hiền lắm, chả biết nói gì cả, chỉ than trời trách đất thôi. Một điểm trường tiểu học đã mọc lên ngay giữa bản làng, các em nhỏ có cơ hội cắp sách tới trường. Đa số các em đều có khả năng nghe và nói được tiếng Kinh. Đây là "đốm sáng" duy nhất le lói giữa bản làng "mụ mị" văn minh này.

Lần trở lại này, người tôi muốn gặp là Thào Thị Dung, cô gái bị cha mẹ nhốt trong cũi hơn ba năm trước vì bị đồn ma nhập. Thào Thị Dung vẫn thế, vẫn ngơ ngẩn và sợ hãi trước người lạ. Chỉ có điều, Dung giờ không phải sống trong lồng nữa. Gia đình ông Thào Seo Cáo vẫn nghèo lắm, bữa cơm chiều chỉ có đĩa rau xanh và bát muối ớt.

Mái nhà tranh đã mục chưa thay được, cái nghèo còn khủng khiếp hơn con ma từng ám Thào Thị Dung. Tưởng rằng có cây cầu thì nồi cơm sẽ đầy hơn, văn minh tràn về bản nhỏ. Nhưng "ánh sáng văn minh" chỉ dừng lại ở mấy chiếc xe máy và những cái điện thoại cảm ứng rẻ tiền. Còn lại, vẫn âm u, mịt mù…

Chuyện tình miền sơn cước

Tiếng cười đùa của trẻ nhỏ làm vỡ tung bầu không khí của ngày chủ nhật. Bà con hai thôn có một tập quán bất di bất dịch, dù lúa dưới ruộng đang khát cháy rạ, dù ngô trên nương đang khô héo thì họ vẫn dành cho mình ngày chủ nhật để ở nhà. Đi dọc đường thấy cô gái đang địu em bé lặc lè trên lưng, chưa qua đầu dốc đã phải ngừng lại thở. Tưởng rằng chị địu em, hóa ra là mẹ địu con. Đó là người mẹ Thào Thị Nô (18 tuổi) năm nay 3 tuổi.

Đường vào thôn 11, 12.

Nhà Nô nằm gọn trên một triền đồi, nền đất nứt nẻ toang hoác, mái tôn hoen gỉ, bụi bám nhiều tầng. Bố chồng Nô là Ma Rình đang đút cơm cho đứa con 3 tuổi. Từ các ngóc ngách trong nhà thêm mấy đứa nữa ùa vào bấu vai bấu cổ Ma Rình. Ma Rình cười hềnh hệch để lộ hàm răng vàng khè vì thuốc lá: "Tất cả đều là con của mình đấy. Vợ mình và con dâu sinh cùng thời gian, giờ hai đứa trẻ bằng tuổi nhau. Nếu không giới thiệu thì chẳng ai biết nó là cô cháu đâu". Sao bắt dâu sớm thế? Ma Rình xua tay: "Chúng nó thích nhau thì cho lấy thôi, biết làm sao được". Thiên tình sử của cô bé Thào Thị Nô lai láng, đẫm lệ mà cười ra nước mắt.

Đang học lớp hai, Nô phải nghỉ học đi lên rẫy vì cha mẹ không nuôi nổi. Những ngày cuốc đất trồng ngô, Nô bị cậu bé rẫy bên cạnh là Ma Si để ý rồi đem lòng thương lúc nào không biết. Chuyện tình trẻ con, chẳng ai quan tâm đến chúng. Ma Si thường đánh trâu lên rẫy chăn thả rồi cho Nô "quá giang" vượt đường rừng về nhà. Được ngồi lưng trâu đỡ phải đi bộ, Nô thích lắm. Những vụ mùa có điều kiện thồ hàng ra chợ bán, Ma Si và Nô đều được cha mẹ cho đi theo.

Phụ nữ M'Nông ra chợ.

Vụ ngô năm đó, Ma Si cả gan ăn trộm chục ký ngô đem bán để mua cho Nô một chiếc áo hoa mai. Tình yêu đang chớm nở thì gia đình Nô bán hết nương rẫy bỏ xứ ra đi. Ma Si vật vã trong nỗi cô đơn, nỗi nhớ ngày càng mãnh liệt. Ma Si biết rằng, cậu đã yêu Nô thật rồi và không thể sống thiếu Nô được. Cậu quyết tâm băng rừng, vượt sông đi tìm Thào Thị Nô. Tìm được Nô đang lam lũ trong cánh rừng ở huyện Lắk (Đắk Lắk). Hai đứa trẻ ngồi tâm sự với nhau một ngày lại phải chia tay.

Ma Si phải vượt sông trở về bản. Ma Si khóc lóc đòi bố mẹ đi "bắt" Thào Thị Nô về làm vợ. Người lớn cho đó là trò con trẻ, khuyên thế nào cũng không được. Cuối cùng, bố mẹ Ma Si phải dắt nhau đi "bắt" con dâu. Nô cảm thấy thích Ma Si từ cái độ được tặng áo hoa mai và nhiều lần cùng ngồi lưng trâu qua núi... Hơn nữa chẳng biết làm gì ở cái xó rừng nên có người "bắt" dâu là bố mẹ Nô gật đầu ngay.

Ma Rình lên chức ông ngoại sớm nhất của bản.

Đám cưới diễn ra, cô dâu 14, chú rể 15. Từ ngày về nhà chồng, Nô ở nhà nấu cám lợn và trông em cho bố mẹ chồng. Ma Si thì vẫn đi chăn trâu. Cuộc sống quẩn quanh ở cái xóm núi này khiến người ta mụ mị đi, không có điện thì muốn có cái tivi về xem "văn hóa" cũng đành chịu. Tối đến, có hôm gà chưa kịp lên chuồng thì người cũng tắt đèn đi ngủ.

Hai năm sau, Thào Thị Nô sinh hạ một bé gái. Hỏi Nô về tình yêu và chuyện lấy chồng? Nô rụt rè mãi mới nói được vài câu: "Người ta bảo yêu mà đau tim mới đúng là tình yêu. Ngày trước, chồng em nó cũng làm cho em đau tim mấy lần rồi mới cưới". Sự hồn nhiên trong câu chuyện của Nô khiến chúng tôi thật sự bàng hoàng, chua xót. Trước khi lấy chồng, Nô chưa hề biết đến tuổi dậy thì của con gái là gì.

Sau hai năm, cái lần đầu tiên em cảm giác sự phổng phao của cơ thể cũng là lúc Nô được làm mẹ. Còn Ma Si thì vẫn bám đuôi trâu. Có lần làm trâu lạc về bị bố đánh, Ma Si khóc như một đứa trẻ. Nô kể về chồng, tủm tỉm cười xấu hổ: "Từ ngày lấy về, nó chưa mua cho em cái áo nào nhưng lại rất thương con. Nó bảo, sau này sẽ cho con ra huyện học chứ không cho ở rừng".

Ôm con vào lòng, Nô loay hoay mãi mới đưa được bầu sữa vào miệng con. Lắm khi con quấy khóc, Nô không thể bế đi dỗ dành, vì… nặng. Con Nô từ khi chào đời, ngoài sữa mẹ ra, bé chưa bao giờ được biết một loại sữa nào khác. Cũng không thuốc thang, không tiêm chủng. Nô ngơ ngác: "Không biết đi đâu tiêm, với lại đường ra ngoài xa quá". "Thế Nô có biết kế hoạch không?" Tôi hỏi Nô tròn mắt hỏi lại: "Kế hoặc là gì, không biết đâu".

Và chính cái sự không biết ấy mà Nô lại chuẩn bị làm bà mẹ hai con. Ông Ma Rình năm nay 40 tuổi, bà vợ cũng đang trong thời kỳ cho con bú. Vợ chồng nhà Ma Rình đã sinh 4 đứa con trai, vì muốn có đủ nếp tẻ nên Ma Rình bắt vợ "ráng". Từ ngày có con gái, Ma Rình vui lắm, ít đi uống rượu hơn và chăm chỉ lên nương.

Chiều buông, bóng tối tràn về, tiếng hoang thú gọi bầy vọng ra từ rừng già, chúng tôi vội vã xuống núi cho kịp chuyến xe cuối cùng về thành phố. Lời ru con của thiếu nữ bản nghèo như vẫn văng vẳng sau lưng, nghe thật xót xa, tái tê lòng người.

Ngọc Thiện
.
.
.