Mẹ ung thư nuôi con bại não, chồng thần kinh

Thứ Năm, 24/10/2013, 07:59

15 năm trước, nỗi đau đầu tiên đến với chị khi đứa con trai bị não úng thủy. 5 năm sau, người chồng của chị lại bị tâm thần trong một tai nạn vô tình. Chưa dừng lại, số phận nghiệt ngã lại mang đến cho chị căn bệnh ung thư xương vào 3 năm sau đó...

Số phận trớ trêu

Phải nói rằng, số phận đã quá trêu ngươi với gia đình chị Trần Thị Thi (thôn Thượng, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Trong căn nhà thờ của họ đã xập xệ cũ nát, chị Thi được chia cho một gian nhỏ để ở và chăm sóc đứa con trai tên Ngô Doãn Thái bị não úng thủy đến nay đã được 15 năm. Căn bệnh quái ác này đã tước đi khả năng con người của cháu bé, nằm trên xe lăn, mỗi thìa cơm của cháu chan đầy nước mắt của người mẹ. Do còn lưu lại một ống dẫn nước trong cổ họng nên việc cho cháu ăn quả thật là cực nhọc. Mỗi bữa ăn kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, hết nôn rồi ọe, nếu không nhờ có tấm lòng người mẹ bao dung thử hỏi ai có thể chăm sóc được cho cháu trong suốt 15 năm trời.

Ngồi trước hiên nhà với khuôn mặt khắc khổ, tấm lưng còng rạp do căn bệnh ung thư tủy xương đã có dấu hiệu di căn, chị Thi kể lại những biến cố cuộc đời chị trong nước mắt: "Cháu Thái sinh năm 1999. Lúc tôi sinh cháu, phần đầu cháu to bất thường, đi khám thì các bác sĩ nói cháu bị bệnh não úng thủy và đã 2 lần phải phẫu thuật nhưng cháu không trở lại bình thường được. Ai cũng nói thằng bé không sống nổi nhưng nó ở với tôi 15 năm rồi, chân không đi được, cũng không nói được gì cả".

Con là vậy, rồi đến chồng chị là Ngô Doãn Mạnh cũng mắc chứng thần kinh sau một lần ngã đập đầu xuống đất cách đây 10 năm. Từ đó, mọi việc trong nhà đều một tay chị cáng đáng do anh Mạnh không có khả năng lao động hay hiểu biết điều gì. Một tay nuôi 2 đứa con gái, 1 đứa con trai nằm bất động lại thêm người chồng thần kinh và mẹ già đã qua tuổi 80, tưởng chừng như số chị đã khổ đến mức cùng cực rồi, vậy mà không phải. Năm chị 49 tuổi, ông trời lại giáng vào đầu chị  Thi bản án tử hình với căn bệnh ung thư xương quái ác. Sau nhiều tháng ngày chữa trị, chuyển hết từ viện này sang viện khác, bệnh viện quyết định trả chị về để được chết ở nhà cho đỡ tội.

Chị Thi rớt nước mắt khi đút cơm cho cậu con trai.

Nói trong nước mắt, chị kể lại những ngày còn nằm điều trị, thương các con, thương chồng, thương mẹ già đã 80 tuổi nhưng chị không biết làm cách nào để có thể được sống. Trước khi sức khỏe bắt đầu có dấu hiệu xấu, chị đã nghĩ đến việc nhờ vả các anh chị em họ hàng chăm sóc chồng và gửi đứa con trai vào trại mồ côi.

Chưa dứt nợ đời

Thế nhưng ông trời lại chưa cho chị đi như vậy, có lẽ cái nợ tiền kiếp của chị quá nặng, như lời cô em chồng nói: "Khổ thân chị ấy lắm, ông trời bắt tội nên không cho đi để gánh cái gánh món nợ đời này. Năm đó tưởng chị ấy chết rồi, vậy mà cũng sống cùng căn bệnh ung thư được 7 năm...".

Năm ấy, khi chị bị bệnh viện trả về, người nhà chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa để lo đám tang nhưng đến một cái chiếu lành lặn cũng không có. Người nhà phải đi ra chợ cách đó vài cây số để mua một cái chiếu và một chiếc gối mới để cho chị Thi nằm chờ chết. Ấy vậy mà từ khi về nhà, thở được hai bình oxi thì sức khỏe chị Thi có dấu hiệu hồi phục và cứ thế chị cầm cự cùng căn bệnh này đến tận bây giờ.

Nhờ người thân trong nhà nuôi hai cháu lớn, còn mình chị thì cố sống để nuôi đứa con trai út 15 tuổi mà nhìn chỉ như một đứa bé lên 5. Giờ đây, căn bệnh ung thư xương đã di căn vào cột sống, vậy mà tấm lưng còng đó vẫn cặm cụi nấu nướng, giặt giũ, chăm lo cho gia đình. Mắt chị đã mờ, tai lại có dấu hiệu điếc. Nghĩ về vài năm nữa, chị Thi lại khóc: "Chắc tôi cố thì cũng được vài năm nữa, không biết chết đi ai chăm lo cho các cháu. Mẹ tôi thì cũng chỉ còn sống ngày sống tháng, chỉ khổ cho cháu Thái, người tàn tật thế không biết có trại nào nhận nuôi cho không. Hồi trước mình tưởng sắp chết thì nói thế, chứ nghĩ lại thì thằng bé đến ăn uống còn khó thì ai dám nhận nuôi...".

Lau vội hai dòng nước mắt, chị Thi nói như van xin: "Các chú làm thế nào giúp cháu nó với, tôi chết cũng được, hai cháu lớn nó được các chú nó nuôi giúp tôi yên tâm rồi. Chỉ sợ lúc tôi chết cháu Thái lại không ai chăm rồi lại đi theo mẹ thì khổ". Cứ như vậy, ngày qua ngày, chuyện nước mắt chan cơm đã như là một thói quen trong gia đình chị. Cả gia đình giờ đang sống nhờ vài trăm ngàn tiền trợ cấp của nhà nước và số tiền ít ỏi chị vất vả mới kiếm được. Người mẹ, người vợ, người con này đã làm hết sức mình để gánh vác món nợ đời mà chị đang phải chịu. Với căn bệnh ung thư đã di căn ấy, liệu chị có sống thêm được vài năm nữa. Khi ấy, phép màu nào sẽ cứu giúp cho những người thân mà chị còn để lại trên trần gian.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về gia đình chị Thi hoặc Nhịp cầu nhân ái, Báo Công an nhân dân, số 92, Nguyễn Du, Hà Nội

Ngọc Minh
.
.
.