Nàng dâu một vai “gánh” cả nhà chồng bệnh tật

Thứ Tư, 04/03/2015, 08:30
Nằm lọt giữa xóm nhỏ Bình Sơn, xã Hùng Tiến (Nam Đàn, Nghệ An), ngôi nhà ngói lụp xụp bám đầy rêu phong của một đại gia đình bất hạnh dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Điều đặc biệt là suốt mấy chục năm qua, chị Nguyễn Thị An (49 tuổi), người con dâu đặc biệt ấy hầu như chẳng mấy khi được nghỉ ngơi, yên tĩnh. Chị phải làm đủ trăm công nghìn việc để kiếm tiền chăm sóc chồng và ba người anh em khác bị ngớ ngẩn nhưng không hề một lời kêu ca trách phận.
Chấp nhận gian khổ vì nghĩa tình

Về tới đầu làng xã Hùng Tiến, hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị An, chúng tôi được nhiều người nhiệt tình giúp đỡ khi biết về hoàn cảnh của gia đình "có một không hai" này và những người em chồng đang bị bệnh tật bủa vây.

Dẫn chúng tôi đi, giọng một ông cụ trầm xuống: "Có lẽ chẳng còn hoàn cảnh nào khổ hơn nhà chị đó, 4 người trong gia đình nhà chồng đều bị bệnh bẩm sinh, chị An lại hay đau ốm nhưng vẫn làm lụng chăm sóc họ chu đáo từ ăn uống cho đến vệ sinh. Hiếm có người nào trên đời có tấm lòng như chị ấy. Trăm người thì có lẽ đến 99 người đã bỏ đi từ lâu rồi".

Thấy người lạ vào nhà, những ánh mắt vô hồn ngước nhìn lên của 4 người (3 nam, 1 nữ) đang ngồi nép vào góc tường, còn miệng thì nở nụ cười ngô nghê. "Người thấp nhất là chồng tôi đấy, năm nay anh ấy đã 56 tuổi rồi. Còn đây là bác Đức, bác Thực và chú Hậu, là anh em ruột của chồng tôi", vừa nói chị An vừa đưa tay chỉ vào từng người để giới thiệu.

Bữa cơm rơi nước mắt của gia đình chị An trong căn bếp chật chội.

Căn nhà của họ chỉ có hai gian, trong đó có một gian tạm sạch sẽ hơn chính là nơi chúng tôi đang ngồi. Tuy nhiên, nhìn khắp hai gian nhà không có bất cứ vật dụng gì đáng giá ngoài hai chiếc giường cũ kĩ được tận dụng để làm ghế ngồi. Cạnh chiếc giường là chiếc bàn xiêu vẹo và chiếc tủ chè có cửa kính, mà nhìn qua, tôi đoán tuổi đời của nó ít nhất cũng nhiều hơn tuổi của đứa con trai đang học lớp 11 của chị. Rót nước mời tôi, chị An kể chuyện nhân duyên về làm dâu và gắn bó với gia đình đặc biệt này.

Chị Nguyễn Thị An sinh ra trong một gia đình đông anh em ở xóm 3, xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), thương bố mẹ làm lụng vất vả nên chị cũng đâu dám nghĩ tới chuyện sớm cất bước theo chồng. Rồi lần lượt bao chàng trai theo đuổi nhưng chị chưa đồng ý mối nào. Bước qua tuổi 27, thấy chị vẫn giường đơn gối chiếc, ở quê thời điểm đó cũng xem như "quá lứa lỡ thì" nên anh em họ hàng liền tìm cách mai mối cho chị một tấm chồng. Duyên số run rủi, chị được người chị họ mai mối cho người đàn ông đứng tuổi ở xã Hùng Tiến tên là Nguyễn Công Hiền (56 tuổi).

Mặc dù biết những người thân trong gia đình nhà chồng tương lai toàn người bệnh tật ốm yếu, nhưng người con gái ấy vẫn quyết định chọn anh làm chồng trước sự can ngăn của nhiều người. Năm 1992, một đám cưới đặc biệt được diễn ra tại xóm nghèo. Đám cưới không có xe hoa lộng lẫy, mà cũng chẳng có pháo nổ rền vang như những đám cưới khác thời đó. Cô dâu được rước về nhà chồng bằng một chiếc xe đạp cà tàng, tiếng vỗ tay chúc mừng của quan viên hai họ thay cho pháo nổ. "Dù thiếu thốn về vật chất, nhưng tôi thấy hạnh phúc lắm, vì đó là ngày tôi đã có được một nửa đời mình", chị An bồi hồi nhớ lại.

Biết gia đình nhà chồng nghèo khó và đã chấp nhận nhưng khi về làm dâu, chị An cũng không ngờ tình cảnh lại bi đát đến vậy. Ngày chị về làm dâu, trong nhà không có gì đáng giá, đến cái kiềng sắt dùng để đặt nồi nấu ăn trong bếp cũng gần gãy. Dù hơi hụt hẫng nhưng khi nhìn bố mẹ chồng ốm nặng nằm liệt trên giường, những người anh em của chồng trí não ngớ ngẩn, không tự chăm sóc nổi cho mình, chị lại thấy thương cảm, muốn lo cho họ khỏi cảnh cơ cực. Chị thầm nghĩ, đã chấp nhận về làm dâu thì bố mẹ chồng cũng như bố mẹ mình, anh em của chồng dù ngớ ngẩn cũng phải chăm sóc như anh em ruột thịt của mình. Kể từ đo,á chị quyết tâm ở lại lo lắng cho những người khốn khổ trong gia đình nhà chồng không một lời oán thán hay hối hận.

Một vai gánh cả nhà chồng bệnh tật

Giờ trong gia đình chồng chị An, người lớn tuổi nhất là bác Nguyễn Văn Đức (66 tuổi), kế tiếp là bác Nguyễn Thị Thực (63 tuổi) tiếp theo là anh Hiền và cuối cùng là chú Nguyễn Văn Hậu (57 tuổi). Hằng ngày anh Đức nói cười trong ngây dại - những câu nói vô nghĩa và những tiếng cười ngặt nghẽo. Gia đình đã hao tiền tốn của cũng vì chạy chữa cho anh. Số lần anh vào cửa viện còn cao hơn cả tuổi đời.

Đang tâm sự về bệnh tình của anh Đức thì từ dưới nhà, chị Thực chệnh choạng đi lên, hai tay vung tứ phía, miệng lẩm bẩm gì đó chẳng ai nghe rõ. Hóa ra chị bị điếc bẩm sinh, ưng gì nói nấy, tính khí thất thường. Có hôm đang nằm ngủ, chị bật dậy đấm vào người chị gái mình thùm thụp. Ngồi cạnh đó, đôi mắt vô hồn của anh Hậu khiến chúng tôi bỗng quặn thắt. Xấp xỉ tuổi 60 nhưng trông anh còn "vô tư" như một đứa trẻ. Ngoài tàn tật, anh còn bị thiểu năng nặng. Có khi đang ngồi, anh lại chui xuống gầm giường lăn qua lăn lại mấy vòng.

Chị An (hàng trên, ngồi giữa) bên gia đình nhà chồng.

Giờ cả gia đình chị An nhìn vào vài ba sào ruộng và mấy trăm tiền trợ cấp ít ỏi. Ngoài chi tiêu hằng ngày, nói về mong muốn của mình, chị An chẳng cầu ước gì cho bản thân, chỉ hy vọng ngày nào cũng đủ gạo để thổi cơm cho chồng và các em. Vì chỉ cần đến giờ ăn mà chưa có gì, y như rằng ngôi nhà ấy sẽ chát chúa tiếng kêu van, khóc lóc, thậm chí là quậy phá.

Đến giờ trưa của gia đình, chị thật cám cảnh nhường nào. Bốn chiếc tô nhựa, hai chiếc chén sứt mẻ, một tô rau đã thẫm màu và một nồi cơm nấu rạ. Chiếc nồi đất bốc lên nghi ngút khói khiến căn nhà bếp vốn chật chội, nay còn trở nên tối tăm.

Chỉ riêng việc tập trung mọi người đông đủ trong một bữa ăn đã phần nào thấy rõ nỗi vất vả thường ngày của hai người phụ nữ trong gia đình. Anh Đức cầm tô đòi cơm, anh Hiền ngồi khư khư một góc cửa, chị Thực cầm roi dọa nạt, anh Hậu đòi phải có cơm nguội. 21 năm nay, hằng ngày chị nấu cơm, xới ra bát đưa cho từng người một. Khi mua được chút cá phải gỡ hết xương cho các anh, chị, em, nếu không họ mắc xương. Không những vậy, chị phải tắm rửa cho từng người, giặt giũ cả đống quần áo cáu bẩn của tất cả mọi người trong gia đình.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền như hằn lên khuôn mặt người phụ nữ bất hạnh. Ngẩng khuôn mặt khắc khổ lên nhìn yêu thương chồng và 3 người em, chị An run run: "Nhiều khi nghĩ hoàn cảnh mình chắc không có ai khổ hơn, nhưng thấy thương chồng và các em quá nên không thể dứt gánh mà ra đi được".

Chị Nguyễn Thị Thảo, Hội trưởng Hội Phụ nữ của xóm cũng cho biết: "Gia cảnh chị An đúng là rất vất vả, sự hy sinh của chị An luôn là tấm gương sáng cho chị em Bình Sơn học tập. Hoàn cảnh đáng thương của họ đang rất cần sự quan tâm của toàn xã hội để vơi bớt phần nào gánh nặng kinh tế, động viên tinh thần của cả gia đình".

Được biết, người chị cả của anh Hiền cũng ở cùng nhưng nay đã 73 tuổi nên không đỡ đần được nhiều cho chị An. Hàng chục năm qua, chị An tự tay chăm chồng và những người anh em bị khuyết tật khác: ngày thì bón cơm, chùi rửa…, đêm thì đánh vật với công việc gia đình. Đặt lưng xuống giường, chị vẫn chưa hết trằn trọc bởi tiếng ho hắng của chồng, tiếng khóc ti tỉ khi trời trở gió của bác Đức, bác Thực, chú Hậu.

Chợp mắt đã đến sáng, chị lại quay cuồng với một núi công việc và vô vàn điều phải lo lắng. Hiện sức khỏe chị An không còn như trước, bệnh cao huyết áp, hiện tượng mờ mắt… đang gặm nhấm dần sức lực của chị, nhưng vẫn còn biết bao lo toan, gánh vác đang đợi phía trước.

Đức Chung
.
.
.