Nghề phu than: Đánh đu cùng số phận

Thứ Bảy, 12/09/2015, 10:00
Do cuộc sống khó khăn, nhiều năm nay tại xóm Vọ, xã Cuối Hạ (Kim Bôi, Hòa Bình) người dân đang phải đánh liều cả mạng sống của mình tại các mỏ than thổ phỉ. Liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là nổ khí metan khiến nhiều người phải bỏ mạng hoặc mang thương tật suốt đời. Đỉnh điểm vào ngày 24/4/2015 đã xảy ra vụ nổ khí metan khiến 4 người chết, 2 người bị thương nặng như một tiếng chuông cảnh tỉnh với việc khai thác than ở đây. Chính quyền địa phương cho biết, việc khai thác than vẫn còn những diễn biến hết sức khó lường.

Hiểm nguy rình rập

Xã Cuối Hạ nhiều năm nay không chỉ được biết đến là địa phương có kinh tế khá giả bậc nhất huyện Kim Bôi mà còn là địa bàn khá phức tạp. Hễ có người lạ tới chắc chắn sẽ bị soi mói, thậm chí "hỏi thăm". Mọi người giải thích đó là do ở đây tập trung khá nhiều mỏ than lớn nhỏ, bên cạnh những công ty được cấp phép khai thác còn nhiều dân "anh chị" tới đây tự động khai thác và hết sức manh động. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về tình trạng than "thổ phỉ", Trưởng Công an xã Cuối Hạ lắc đầu: "Nói chung là rất khó kiểm soát, bên cạnh công ty được phép khai thác thì vẫn còn những ông chủ của địa phương khác tới lập lán, thuê công nhân làm than. Chính vì thế ở đây địa bàn khá phức tạp".

Đời sống nhân dân ở đây mặc dù có những bước chuyển mình, thế nhưng hậu quả của việc khai thác than là không thể phủ nhận. Con số thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi, tính từ năm 2010 đến hết tháng 5/2015 tại xã Cuối Hạ khiến không ít người giật mình. Tổng số có tới 7 vụ nổ khí metan tại các hầm lò, làm chết 14 người, 5 người bị thương nặng. Điều đặc biệt, hầu hết các vụ nổ khí này tập trung chủ yếu tại vỉa 8 thuộc xóm Vọ.

Người dân xóm Vọ còn nhớ như in ngày 30/12/2010 tại vỉa khai thác số 8 đã xảy ra vụ tai nạn nổ khí metan làm 3 người chết tại chỗ. Chỉ hơn 1 năm sau cũng chính tại đây lại tiếp tục xảy ra một vụ tương tự khiến 1 người tử vong. Đỉnh điểm của sự hoang mang xảy ra vào  khoảng 10 giờ sáng, ngày 29/10/2013 cũng tại vỉa 8 tử thần này. Vụ nổ khiến 2 người tử vong tại chỗ, 4 người còn lại được cấp cứu.

Ông Ky buồn bã kể chuyện về người con xấu số.

Tuy nhiên sau đó chỉ có 2 người may mắn thoát chết. Nạn nhân gồm: Bùi Văn Hoài (23 tuổi), Bùi Văn Hưng (28 tuổi), Bùi Văn Nguyên (37 tuổi), Bùi Văn Chỉnh (21 tuổi) đều là người ở xóm Thông; Bùi Văn Quỳnh (21 tuổi) ở xóm Khoang và Quách Công Phương (24 tuổi) ở xóm Pang, xã Cuối Hạ.

 Liên tiếp những vụ nổ khí metan xảy ra, người dân bắt đầu hoảng sợ nhưng vì miếng cơm manh áo nhiều người vẫn phải làm liều. Anh Bùi Văn Hưng (một nạn nhân) chia sẻ: "Đúng là đã xảy ra rất nhiều vụ nổ khí metan nhưng nhiều người vẫn chưa sợ. Vừa rồi vào ngày 24/4/2015 cũng tại vỉa số 8, xóm Vọ lại xảy ra một vụ nổ khí metan làm 4 anh em bị thương rất nặng". Qua tìm hiểu của chúng tôi vụ nổ khí metan mới nhất xảy ra tại lò khai thác trái phép do Nguyễn Văn Dũng (44 tuổi) trú tại thị trấn Mạo Khê (Quảng Ninh) làm chủ.

Đau đớn đời phu than

Về xóm Vọ những ngày này, đâu cũng thấy người ta bàn ra tán vào chuyện cấm khai thác than. Cũng có ý kiến cho rằng việc cấm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nhân dân, nhưng những gia đình có người thân phải bỏ mạng thì coi đó là một chủ trương đúng đắn.

Chúng tôi qua nhà anh Bùi Văn Hưng (người thoát chết trong vụ nổ khí metan vào năm 2013) trong một buổi chiều mưa tầm tã. Anh Hưng có lẽ là người thấm thía nhất kiếp phu than bạc bẽo này. Trong một buổi chiều tồi tệ, cả thảy có tới 4 người trong một gia đình, họ mạc đều dính nổ khí metan, trong đó có 2 người chết. Nhắc lại vụ tai nạn kinh hoàng đó anh Hưng vẫn còn chưa hết hoảng loạn.

Anh Hưng còn chưa hết bàng hoàng sau lần chết hụt.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn cũ nát, anh Hưng tâm sự: "Không chỉ tôi đâu, người dân trong làng này rất nhiều người đi làm than khi mới lớn. Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên chúng tôi mới phải liều mình. Ban đầu mới thì họ trả khoảng 200 nghìn/ ngày. Sau đó than khai thác nhiều, hầm sâu cả vài trăm mét họ bắt đầu xoay sang khoán mét khối cho chúng tôi. Kiếp phu than khổ mà bạc bẽo quá!".

Anh Hưng còn nhớ như in hôm xảy ra tai nạn. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, khi anh cùng một nhóm 5 người đang dưới hầm sâu khoảng 300 mét thì bỗng có tiếng nổ lớn. Toàn thân như tê dại, anh chỉ kịp nhìn thấy những người anh em của mình thân xác đen kịt, máu tươi bắn ra khắp nơi rồi anh ngất lịm đi. Người ta đưa anh đi cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia, các bác sĩ kết luận anh bị bỏng tới 70%.

Trong vụ tai nạn thảm khốc ấy còn có 1 người cháu, 1 người anh họ của anh Hưng, cả hai đều được đưa đi cấp cứu nhưng đều không qua khỏi. Cả gia đình bấn loạn như thể bị dồn vào bước đường cùng. Gia cảnh khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mọi người vừa phải lo ma chay cho hai người, vừa chạy vạy khắp nơi lo tiền viện phí cho anh Hưng.

Chị Bùi Thị Luận (chị gái anh Hưng) nhớ lại: "Lúc đó gia đình tôi gần như bất lực! Hai đám tang cùng một lúc. Trong khi đó chú Hưng còn đang nằm viện, sống chết chưa biết thế nào. Nhà thì nghèo tôi phải vay mượn khắp nơi để lo tiền viện phí. Ngoài việc giúp đỡ của các nhà hảo tâm, gia đình tôi chạy vay gần 100 triệu mới đủ. Đến bây giờ 2 năm trôi qua rồi chúng tôi đã trả hết nợ đâu".

Chỉ tay lên mái nhà sàn cũ nát chị Luận nói tiếp: "Chúng tôi định bán ngôi nhà này đi để trả nợ, nợ người ta 10 triệu tiền lãi mà không lấy đâu ra trả. Họ biết nhà tôi cần tiền, cho người đến trả cả ngôi nhà này có 6 triệu. Nếu không còn đường xoay chắc rẻ cũng phải bán thôi".

Câu chuyện của gia đình bà Bùi Thị Bầu cũng khiến nhiều người thương cảm. Vốn là người không có chồng, khó khăn lắm mới kiếm được mụn con nương tựa về già. Vậy mà chính đứa con duy nhất là anh Bùi Văn Hoài lại bỏ bà đi vì kiếp phu than. Đau đớn hơn anh Hoài mất đúng ngày sắp cưới. Bà Bầu khóc: "Gia đình hoàn cảnh quá nên cháu nó gần cưới vẫn phải đi làm. Chỉ vài ngày nữa là làm lễ cưới, vậy mà không kịp".

Bà Bầu cùng đứa cháu nhỏ sinh ra mà không một lần được nhìn mặt cha.

Những tưởng cuộc đời bà Bầu không còn lối thoát thì bỗng bà nhận được tin vui, cô con dâu sắp cưới thủ thỉ với bà là mình đã mang bầu trước đó. Bà như bắt được vàng, tương lai lại thắp lên với người phụ nữ cả đời đơn thân ấy. Dù chưa làm đám cưới nhưng cô con dâu vẫn quyết định về ở cùng bà Bầu để phụng dưỡng và sinh cháu nội cho bà. Bế đứa cháu nội sinh ra không biết mặt cha, bà Bầu nói: "Giờ ba chúng tôi ở với nhau, nương tựa vào nhau mà sống. Thằng Hoài đi rồi nhưng chắc nó vui lắm nếu biết mình đã được làm cha".

Sau lần thoát chết do nổ khí metan, anh Quách Công Phương, xóm Pang lựa chọn làm những công việc khác. Anh Phương ngán ngẩm: "Công việc khai thác than trong hầm lò là loại công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm bậc nhất. Tuy nhiên, tính ra ngày công cũng chẳng đáng là bao. Lời lãi nhiều cũng chỉ là chủ lò thôi. Chúng tôi cũng chỉ đủ ăn trong khi đó nguy hiểm luôn rình rập, nếm vị đắng chát của mồ hôi".

Ông Bùi Văn Liển, Trưởng Công an xã Cuối Hạ (Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết: Quả thực ở đây việc khai thác than lén lút có những diễn biến hết sức phức tạp. Để xử lý triệt để cần phải có sự tham gia của các lực lượng chức năng của huyện. Xã chúng tôi đã thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền nhưng vì lực lượng quá mỏng, các chủ than "thổ phỉ" hoạt động rất tinh vi.

Mỏ than xóm Vọ, xã Cuối Hạ trước đây thuộc quyền quản lý của Công ty CP khoáng sản Kim Bôi. Họ đã hết hạn giấy phép từ tháng 1/2015. Tuy nhiên đã có những người không thuộc địa bàn của xã về đây khai thác lén lút. Sau vụ nổ ngày 24/4/2015 vẫn còn khoảng 4 nhóm khai thác than trái phép. Dù nhiều lần UBND xã và các ngành chức năng đã đình chỉ, tổ chức lực lượng truy quét, thu hồi máy móc, phương tiện khai thác, dùng đá lấp, đánh sập cửa hầm, lò khai thác…nhưng các nhóm này không chịu bỏ cuộc. Các đối tượng này còn đào hố cho máy móc xuống đó rồi lấp đất lên để tránh sự tuần tra của chúng tôi. Ban ngày họ trốn lên rừng, khi đêm đến lại cho máy lên và khai thác. Hiện nay chúng tôi cho người trực chốt tại các tuyến đường vận chuyển, nếu phát hiện xe chở than là chúng tôi bắt giữ và báo lên cấp trên.

Việc người dân vẫn lén lút đi khai thác là do đời sống của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nhiều người bất chấp cả nguy hiểm tham gia khai thác than trái phép. Điều nguy hiểm nhất là không có sự bảo vệ, bảo hộ nào trong quá trình làm việc. Trong khi đó các hầm than, mỏ than ngày càng cạn kiệt, các hầm sẽ phải đào sâu vào lòng núi hơn nữa. Vì thế, khi xảy ra tai nạn, người lao động phải gánh chịu là điều không tránh khỏi.

Phong Anh
.
.
.