Người đàn bà bị thờ sống 32 năm

Thứ Hai, 09/05/2016, 15:53
khi con gái có gia đình riêng, con rể muốn được thăm quê vợ nên bà dẫn con gái và con rể trở về. Lần trở về đó bà ngã ngửa khi thấy di ảnh của mình được đặt nghiêm ngắn trên bàn thờ. Thậm chí nhiều người thân và người làng khi nhìn thấy bà lại tưởng đó là hồn ma trở về. Đó là bi kịch của bà Nguyễn Thị Phải, 80 tuổi (Phổ Yên, Thái Nguyên).

Bị đuổi ra khỏi nhà chồng vì cái tội không biết đẻ con trai. Bà ôm đứa con gái duy nhất lang thang từ Thái Nguyên xuống đất Thủ đô kiếm sống. Trong một lần dẫn con đi làm, con gái của bà đã bị kẻ xấu bắt cóc. Đau đớn đến tột cùng, bà mò mẫm khắp nơi để tìm con. Sau này, khi con gái có gia đình riêng, con rể muốn được thăm quê vợ nên bà dẫn con gái và con rể trở về. Lần trở về đó bà ngã ngửa khi thấy di ảnh của mình được đặt nghiêm ngắn trên bàn thờ. Thậm chí nhiều người thân và người làng khi nhìn thấy bà lại tưởng đó là hồn ma trở về. Đó là bi kịch của bà Nguyễn Thị Phải, 80 tuổi (Phổ Yên, Thái Nguyên).

Bị đuổi khỏi nhà vì không biết đẻ con trai

Trong xóm trọ Phúc Xá, Long Biên (Hà Nội), bà Phải đang lúi húi ngồi phân loại rác. Nào là vỏ lon bia, nào là những túi nilon bùng nhùng, bên cạnh là mấy thanh sắt rỉ… Đó là công việc thường ngày của bà Phải. Dù đã bước vào tuổi bát tuần nhưng ngày ngày bà vẫn phải lang thang khắp các khu chợ, các ngõ ngách ở khu vực Long Biên để gom nhặt đồ phế thải. 

Nếu không làm công việc đó bà sẽ không có thu nhập để tự nuôi sống bản thân. Công việc này của bà được bắt đầu từ 3 giờ sáng cho tới khi thành phố đã lên đèn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chỉ trừ khi nào bà ngã bệnh, không thể lôi đôi chân tập tễnh thì bà Phải mới chịu nằm yên trong căn phòng trọ xập xệ, bốc mùi hôi tanh của rác thải. 

Hỏi bà, ngày nào cũng vất vả như thế có kiếm được nhiều không, bà lắc đầu trả lời: "Nhiều nhặn gì đâu cô chú, đủ ăn qua ngày và tiền thuê nhà trọ". Mấy năm trước, trong một lần đang lúi húi nhặt rác, bà bị một chiếc xe tải quệt phải làm gãy bên chân phải. Từ đó đến giờ bà vẫn mang dị tật ở chân, bước đi tập tễnh và không thể mang vác nặng.

Để ngăn mùi hôi thối quyện vào quần áo, bà thường xuyên mặc áo mưa. 

Mời chúng tôi vào căn phòng trọ chỉ đủ kê một tấm phản, bà Phải nói: "Cuộc đời của tôi cay đắng lắm, sống lang thang thế này cũng mấy chục năm rồi, giờ ngoài con gái ra cũng còn ai thân thiết nữa đâu". Hai tuổi, bà Phải đã chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sau đó bà được người anh trai khi đó đã lập gia đình mang về nuôi. Năm 22 tuổi, theo sự sắp đặt của anh trai và chị dâu, bà lấy chồng. Những tưởng bất hạnh sẽ vơi bớt khi bà Phải có cuộc sống mới. Nhưng có vẻ đỉnh cao của bi kịch lại bắt đầu từ ngày bà xuất giá tòng phu.

Lấy chồng 8 năm bà Phải vẫn chưa có được mụn con nào. Những ngày tháng đó chẳng khác nào địa ngục, bà phải chịu biết bao lời xỉa xói của người mẹ chồng. "Mẹ chồng tôi đi ra lườm, đi vào cũng lườm. Lúc nào bà ấy cũng chửi tôi là loại đàn bà vô phước, "cây khô không lộc, gái độc không con" - bà Phải rơm rớm nước mắt nhớ lại chuyện cũ. Chồng bà thương bà nhưng vì sợ mẹ cũng đành nín lặng, thương vợ cũng chỉ biết để trong lòng. 

Đang trong lúc tuyệt vọng nhất, tưởng không còn sức để chịu đựng thì bà Phải đậu thai. Cứ nghĩ, khi có cháu ra đời, mẹ chồng sẽ bớt khắc nghiệt với bà hơn. Nhưng đứa con bà sinh ra là gái, không được như kỳ vọng của mẹ chồng nên sự hắt hủi lại càng tăng lên. 

Bà Phải tâm sự niềm an ủi lớn nhất của bà bây giờ là con gái sống hạnh phúc.

"Khi con gái tôi được gần một tháng thì mẹ chồng đuổi tôi ra khỏi nhà. Vì nhớ con nên tôi không dám đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trốn trong nhà hợp tác xã, thỉnh thoảng lại lén về nhìn con. Mấy ngày sau, con bé khóc quá, gia đình chồng không làm sao dỗ nó được nên đã gọi tôi về trả con".

Kể từ ngày đó, hai mẹ con bà Phải lang thang khắp nơi. Để kiếm kế sinh nhai, bà bế con lên nông trường chè ở Thái Nguyên xin vào làm việc ở đó. Hết giờ làm, bà lại tranh thủ đi mót chè vụn bán. 

"Lúc mót được 2 tải chè, tôi bế con xuống Hà Nội bán. Lên tàu, tôi địu con đằng sau nên không biết trán con bị đập vào thành tàu, máu chảy bê bết. Thấy vậy, có một người phụ nữ ra nói với tôi cứ băng bó cho con đi để bà ấy trông 2 tải chè cho. Một lát sau khi tôi dỗ được con nín quay ra thì người phụ nữ đó đã đi mất. Hai tải chè của tôi cũng đi theo luôn" - bà Phải khóc khi kể lại chuyện mình bị lừa.

Phơi thành quả sau một ngày nặng nhọc. 

Lang thang sống ở đất Thủ đô nhưng không có một xu dính túi, bà Phải ôm con đến chợ Bắc Qua xin việc. Thấy bà nhỏ bé lại bận con nhỏ nên chả ai mướn. Mãi sau này một người phụ nữ đã thương tình nên đồng ý nhận bà gánh nước thuê cho cửa hàng phở nhà mình. Khi không gánh nước, bà Phải lang thang đi nhặt rác bán kiếm thêm tiền nuôi con. 

Năm con gái lên 4 tuổi, trong một lần dắt con đi theo mình nhặt rác, do không để ý nên con gái bà đã bị kẻ xấu bắt mất. "Lúc đó tôi như phát điên, gào khóc vật vã ở bãi rác. Đời tôi chỉ còn nó là máu mủ, giờ nó cũng bị bắt mất rồi, tôi không còn thiết sống nữa". 

Những ngày tháng sau đó, bà lang thang khắp nơi tìm con. Khi thì người ta thấy bà ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), lúc lại thấy bà "dạt" lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Cũng có lúc bà lặn lội vào tận những bản vùng cao Phú Thọ. Ròng rã nhiều ngày tháng, bà Phải lang thang khắp 10 tỉnh để tìm con gái. Để có tiền làm lộ phí tìm con, bà đã xin làm thuê đủ mọi việc. 

Có lần, trời mùa đông giá rét, bà chỉ khoác trên người một chiếc áo mỏng nên đã bị ngất xỉu ở bến phà Tân Đệ. Cũng may, người dân phát hiện kịp thời nên bà được cứu sống. Sau gần một năm trời rong ruổi khắp nơi, cuối cùng, bà bất ngờ tìm được con mình trong một gia đình hiếm muộn ở Bắc Giang.

Trở về nhà sau 32 năm đã yên vị trên bàn thờ

Tìm lại được con gái, hai mẹ con trở về sống cuộc sống như trước đó. Ngày ngày bà vẫn lang thang nhặt rác, ai thuê gì làm nấy để nuôi con. Con gái lớn hơn thì cả hai mẹ con cùng đi nhặt rác. "Tôi cứ tưởng con gái tôi sẽ mãi mãi phải sống cuộc đời lang thang cùng với mẹ. Nhưng may sao cuối cùng nó cũng gặp được người đàn ông yêu thương nó. Lúc đầu, khi người ta ngỏ lời muốn cưới nó, nó còn từ chối vì thương tôi phải sống một mình nhưng tôi bảo, đời mẹ coi như vứt đi rồi, giờ con phải có cuộc sống riêng. Phải động viên mãi nó mới đồng ý đấy" - bà Phải ngậm ngùi kể.

Lấy vợ được mấy năm, con rể bà tha thiết bày tỏ nguyện vọng được một lần về quê vợ ra mắt. Chiều lòng con rể, bà dẫn con gái và con rể về quê. Ngày bà hồi hương, nhiều người làng đã không nhận được ra bà. Người nhận ra thì hoảng hốt nghĩ là mình đang gặp ma, ai cũng bảo tưởng bà chết từ lâu rồi.

Khi bước chân vào nhà người cháu trai gọi bà bằng cô, bà bàng hoàng nhận ra di ảnh của mình đang đặt yên vị trên ban thờ. Cháu trai bà cũng không nhận ra được cô ruột. Sau này, người cháu giải thích rằng, do nghe thấy nhiều người đồn cô mình đã chết nên anh đã lấy ngày cô bỏ làng ra đi làm ngày giỗ cho cô. Ban thờ ấy đã được lập cách đó 32 năm tính tới ngày bà dẫn con rể về quê năm 2010. 

Bà Phải cay đắng tâm sự: "Tôi nói với đứa cháu là không cần phải gỡ cái di ảnh đó xuống đâu. Đời người ai chả có lần phải chết, chết trước chết sau nào có quan trọng gì đâu. Quan trọng là mình đã phải sống một cuộc đời còn bất hạnh hơn nhiều lần cái chết". 

Hơn 40 năm phiêu bạt nơi đất khách quê người thì có tới 30 năm mẹ con bà phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Bà bảo, mãi hơn chục năm trở lại đây khi con đã trưởng thành, biết kiếm tiền giúp mẹ thì mẹ con bà mới dám thuê một căn phòng trọ tồi tàn để ở qua ngày. Giờ đây, dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng ngày ngày bà Phải vẫn đi nhặt phế liệu. Đời bà có lẽ số ngày vui chỉ đếm được trên đầu ngón tay, cay đắng, tủi nhục mới chính là cuộc sống. Niềm an ủi lớn nhất của bà chính là nhìn con gái hạnh phúc…

Phong Anh
.
.
.