Người đàn bà nặng 25kg phải bán máu để nuôi mẹ già và bốn đứa cháu nhỏ

Thứ Năm, 05/02/2015, 14:00
Bà Nguyễn Thị Hương, dẫu mới 47 tuổi nhưng lại mang khuôn mặt già cỗi bởi thân hình gầy gò nhỏ thó. Trong một thời gian ngắn bà Hương đã phải chứng kiến 5 cái chết của những người thân, ám ảnh cảnh tang thương, bà rời bỏ vùng quê nghèo ở đất Huế vào TP. HCM mưu sinh. Bi kịch vẫn chưa thôi đeo bám người đàn bà này khi phải 1 tay nuôi mẹ già bệnh tật cùng 4 đứa cháu mồ côi. Đường cùng, bà phải chọn con đường hàng tháng đi bán máu khắp các bệnh viện để có tiền cho cả nhà có chỗ tá túc.

Bi kịch bủa vây người đàn bà bất hạnh

Người phụ nữ khắc khổ ấy dẫu đã bước qua ngưỡng cửa bên kia cuộc đời thế mà vòng xoáy khổ đau của số phận dường như chưa buông tha bà. Ở cái tuổi 47 mà thân hình còi cọc, nhỏ thó như một đứa trẻ tiểu học, ấn tượng duy nhất về người phụ nữ luống tuổi này là sự khắc khổ, khắc khổ đến tận cùng và bà cũng đặc biệt nhất trong muôn vàn những số phận bi đát mà chúng tôi từng gặp trên cuộc hành trình của mình. Đó là bà Nguyễn Thị Mai Hương (sinh năm 1967, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh).

Tìm gặp bà Hương vào những ngày cuối năm, không khí tết đang đến gần càng làm cho căn phòng trọ tồi tàn của bà thêm hiu quạnh. Dường như gánh nặng đang đè nặng trên vai người đàn bà bất hạnh ấy, khi hằng ngày phải chạy hết chỗ này đến chỗ kia để kiếm từng bữa ăn nuôi sáu đứa nhỏ mồ côi, và người mẹ già bệnh tật đang ở Cà Mau.

Nhắc lại bi kịch cuộc đời mình, bà lặng lẽ giấu vội giọt nước mắt: “Chuyện dài lắm, khổ lắm, nhưng cũng quen rồi nên nhiều khi chẳng buồn mà nhớ đến cái khổ nữa. Nhìn lũ cháu và mẹ già bệnh tật thì đành gượng dậy mà kiếm sống thôi. Được ngày nào hay ngày đó”. Ngồi bên những đứa trẻ ngô nghê bà Hương kể về cuộc đời mình, như lật giở lại từng trang kí ức đau buồn về chuỗi ngày dài toàn bi kịch.

Bà Hương  sinh ra trong một gia đình có sáu anh chị em tại Huế, cuộc sống cơ cực đeo bám bà từ nhỏ. Vì hoàn cảnh quá khó khăn nên bố mẹ phải bỏ quê hương, đưa cả gia đình vào mảnh đất Cà Mau, nơi tận cùng Tổ quốc để mưu sinh, mong muốn một cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng ở vùng đất mới cái nghèo vẫn cứ bám dai dẳng gia đình bà. Năm 1987, qua sự mai mối của người quen, bà đã lập gia đình với một người đàn ông kém mình bốn tuổi, làm nghề đánh cá tại Cà Mau.

Cuộc hôn nhân gần như viên mãn khi một năm sau đó bà sinh đôi được hai cô con gái, rồi hai năm sau lại sinh thêm đứa thứ ba. Thế nhưng dường như lúc này bi kịch mới bắt đầu. “Nhà nghèo quá nên ổng theo tàu đi đánh cá ngoài khơi, nào ngờ bị lũ cuốn trôi, khi đó hai đứa đầu mới lên 2, đứa con gái út còn đang đỏ hỏn. Đến giờ chúng cũng có nhớ mặt cha nữa đâu. Chỉ vì nghèo quá mà con mất cha, tôi thì phải lao vào kiếm sống từ đó”. Bà Hương nấc nghẹn khi nói về chồng.

Bà Hương (ngoài cùng bên trái) cùng bốn cháu nhỏ, hai cháu còn lại đang ở Cà Mau.

Thế rồi khi mộ chồng còn chưa xanh cỏ hai đứa con gái bà cũng lần lượt bỏ đi trước sự ngỡ ngàng của người mẹ. Hai đứa trẻ bỗng dưng biếng ăn, hay bị sùi bọt mép rồi lần lượt qua đời. bà bảo, lúc đó chồng mới mất, thấy con bệnh nhưng không còn một xu dính túi nên đành bất lực nhìn con đi mà không thể cứu vãn.

Chưa dừng lại ở đó, trong một lần đi làm về gặp trời mưa to người em trai của bà là Nguyễn Văn Phúng (sinh năm 1974) bị tai nạn rồi qua đời. Mất chồng, em dâu bà là Nguyễn Hồng Nhung đã phát bệnh tâm thần, bỏ đi khắp chỗ này chỗ kia. Hai vợ chồng họ để lại cho bà Hương sáu đứa con nheo nhóc. Thương cháu mồ côi, bà đã một tay bao bọc làm việc quần quật suốt ngày, sao cho các cháu có được bữa cơm.

Những tưởng như thế đã là tận cùng nỗi đau rồi, số phận đã tạm tha cho bà rồi, thế nhưng nỗi đau lại bất ngờ ập xuống đời bà một lần nữa. Đó là khi bà nhận được hung tin đứa con gái út Nguyễn Thị Mỹ Linh qua đời vì tai nạn giao thông. Chiếc phao cuối cùng bà bấu víu vào để sống nay cũng đã mất. Vết thương cũ chưa lành mà nỗi đau mới lại chồng chất, bà vật vờ như chiếc bóng không hồn. Nhưng vì thương mẹ già và đàn cháu khờ dại không nơi nương tựa, bà cất giấu nỗi đau của mình để tiếp tục chống chọi với số phận.

Bán máu nuôi mẹ và đàn cháu

Đôi vai gầy của bà Hương như oằn đi khi phải gánh vác sứ mệnh nuôi đàn cháu nheo nhóc cùng người mẹ già bệnh tật. Quyết không đầu hàng số phận, bà làm việc quần quật suốt cả ngày lẫn đêm, từ giặt đồ, rửa chén, làm hồ… miễn là kiếm được chút bạc lẻ lo đủ ngày hai bữa cơm cháo cho tám miệng ăn. Nhiều khi quá túng quẫn, bà còn phải chấp nhận đi bán máu, lấy tiền mua cơm nuôi đàn cháu nhỏ và mẹ già đang nằm bệnh viện.

Năm 2009, bà quyết định dắt díu người mẹ già đã ngoài 80 tuổi và đàn cháu nhỏ lên TP. HCM mưu sinh. Không nơi nương tựa, một mình gồng gánh, lo toan chạy ăn từng bữa cho tám miệng ăn mỗi ngày. Chứng kiến cảnh mấy cô cháu họ ăn cơm, nhiều người không cầm được nước mắt. Bữa cơm sang nhất với họ chỉ là nước tương và cơm trắng, dù là một miếng thịt nhưng có lẽ điều đó thật là khó với cuộc sống của bảy cô cháu họ.

“Trên thành phố dù sao cũng dễ kiếm sống hơn dưới quê, nghĩ vậy nên tôi dắt díu cả nhà lên. Ban đầu một mình tôi cứ phải sáng ve chai, chiều lượm rác mà kiếm sống nuôi cả 6 đứa cháu, sau có người giới thiệu nên tôi đã gửi hai đứa cháu nhỏ Nguyễn Thị Trà My (6 tuổi) và Nguyễn Tiến (7 tuổi) vào làng văn hóa SOS ở quận Gò Vấp, dù sao vào đó nó vẫn được ăn no, mặc ấm, chứ ở với tôi biết chết đói ngày nào”.

Trong số sáu đứa nhỏ, chỉ duy nhất bé Nguyễn Văn Bình (12 tuổi) là có sức khỏe hơn những người còn lại. Hàng ngày ngoài thời gian đến lớp học tình thương, Bình lại đi nhặt ve chai, bán vé số để lấy tiền đưa cho cô mua gạo. Cuối tuần, em lại ra quán cơm gần nhà xin phục vụ để được ăn cơm miễn phí. Năm người còn lại đứa thì mắc bệnh gan, đứa thì bị tâm thần do bị sốc nặng từ khi thấy cha chết.

Nhìn thấy đôi tay gầy trơ xương, với những vết kim đâm khắp nơi trên cơ thể của bà Hương mà không khỏi xót xa. Bởi đó chính là dấu vết của những lần bà đi bán máu. Nhìn thân hình người phụ nữ gần bước đến tuổi 50 mà chỉ nặng có 25kg, thế nhưng nghị lực của bà thì hơn thế nhiều.

Bà cho biết thêm: “Ban đầu tôi đi “hiến” máu mà người ta không nhận, nhưng khổ quá, đến bước đường cùng rồi tôi biết làm sao. Người có bao nhiêu máu đâu, mất một giọt là xót đến nhường nào. Nhưng đã túng thì phải liều, thế là tôi đi “chui”. Thế là bà đã cứu gia đình mình khỏi cảnh màn trời chiếu đất bằng những chuyến đến bệnh viện đều đặn như thế.

Anh Nguyễn Văn Thành (42 tuổi, chủ khu nhà nơi bà Hương ở trọ), cho biết: “Bà Hương và các cháu ở đây sống rất thoải mái với mọi người, vì thế được hàng xóm thương yêu rất nhiều. Giờ về khu ấp 4 này thôi, chỉ cần hỏi nhà bà Hương 25kg ở đâu là ai cũng biết. Lúc trước khi họ mới tới, thấy hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã hỗ trợ 6 tháng không lấy tiền nhà trọ. Bên cạnh đó là cho nồi niêu, xoong chảo, bếp ga để cô cháu họ nấu ăn. Nhiều hôm thấy họ không có gì ăn, tôi và một vài người xung quanh có đồ ăn cũng mang qua san sẻ cùng cô cháu họ”.

Ngày ngày, những bước chân của bà Hương vẫn rảo bước khắp mọi nẻo đường, nhặt nhạnh những thứ người ta vứt bỏ, gom góp cho cuộc mưu sinh của riêng mình. Người phụ nữ nghị lực, giàu đức hy sinh ấy bảo, còn thở là còn kiếm sống, bởi không chỉ sống cho bà mà còn sáu đứa cháu và người mẹ già nữa. Hy vọng một ngày gần đây, đôi chân ấy sẽ bước tới một một ngày mai tươi sáng hơn.

Đang vận động chăm lo nhiều hơn

Chia sẻ về gia cảnh bà Hương, ông Nguyễn Văn Mỹ, trưởng ấp 4, xã Xuân Thới Sơn cho biết: “Bà Hương là người ở nơi khác tới đây ở trọ để mưu sinh, nhưng việc làm của bà ấy là đi bán máu nuôi mẹ và đàn cháu mồ côi khiến rất nhiều người cảm động đến rơi nước mắt. Trong ấp cũng nhiều lần xuống động viên, tặng quà và hỏi thăm sức khỏe bà ấy. Chúng tôi sẽ vận động lên Hội chữ thập đỏ của thành phố, để có phần chăm lo quan tâm tới cuộc sống của mấy cô cháu họ được chu đáo hơn nữa”.

Thanh Nhi
.
.
.