Người làng Vân

Thứ Hai, 25/04/2016, 14:35
Bệnh "hủi" ập vào người, các đầu ngón tay rơi rụng từ bao giờ, các ngón chân lở móng, lòi da đỏ bầy nhầy như miếng thịt bò thối, ruồi nhặng nhìn thấy là bu kín, Trịnh Văn Ven phải trốn chạy khỏi quê hương. Cuộc đời lão lật sang trang mới từ khi trở thành cư dân làng Vân. Nơi đó đã cho lão danh phận con người.


"Mày hãy đi đâu thật xa"

Chín tuổi, căn bệnh quái ác gõ cửa tìm lão. Lúc đầu, chân tay lão lở loét, bong tróc, để lòi ra mảng thịt đỏ lòm, cứ tưởng là dị ứng ghẻ lở gì thôi. Lão đang học lớp 3 trường làng, thì bị cô giáo đuổi vì sợ lây lan sang các bạn khác.

Hễ thấy lão, từ người già đến trẻ nhỏ đều bịt mũi lảng tránh, nhiều người ác miệng còn la lớn: "Thằng hủi kìa, chạy đi". Dân làng cô lập, lão suốt ngày ở nhà, không dám bước ra ngoài cổng. Cha mẹ thương con cũng không thể làm gì hơn, đành ngậm đắng nuốt cay nhốt lão ở nhà. Lão thấy cuộc đời đen bạc quá, tuổi thơ bị "con hủi" đeo bám, bị người đời kỳ thị, vậy thì sống ở đây làm gì nữa.

Chiều chiều, cư dân làng Vân mới ra cửa hóng gió trời và nhớ về làng cũ.

Mẹ lão nuốt nước mắt dúi cho con trai nắm tiền lẻ, rồi đẩy phía sau lưng lão: "Mày hãy đi thật xa đi". Lão vơ vội túm quần áo, chạy ra bến xe Khánh Hòa leo lên một chiếc ô tô xuôi về Sài Gòn. Những năm 60 của thế kỷ trước, Sài Gòn thu nhận tất cả những hạng người, từ thượng vàng đến hạ cám. Chẳng ai để ý đến con bệnh của lão, họ vui vẻ chia sớt cho cậu bé tỉnh lẻ từng miếng bánh, từng ngụm nước. Do cùi đã ăn sâu vào đốt ngón tay, nên lão không thể lao động bình thường như những đứa trẻ khác.

Những ngày hết tiền, lão đi xin ăn ở các khu chợ. Nhìn thằng bé rách rưới, ghẻ lở đầy mình, tay chân thì cụt ngủn, nhiều người thương mang cho lão cơm ăn, tối về mấy đại ca khu ổ chuột kéo lão vào ngủ cùng. Lão sống vật vờ đầu đường xó chợ bằng lòng trượng nghĩa của các nhóm giang hồ.

Được một đại ca cho mượn vốn, lại mách cho mối đi buôn quần áo, lão hăm hở vào nghề. Lão đi thu gom quần áo "sida" ở các khu chợ, sau đó mang về đổ mối các cửa hàng may gia công cho công nhân, người lao động. Tiền lời không nhiều nhưng được các mối cố định, lão "năng nhặt chặt bị" cũng có tiền rủng rỉnh ăn cơm và uống rượu mỗi ngày.

Năm 1975, tình hình xã hội Sài Gòn biến động khôn lường, các băng nhóm giang hồ từng cưu mang lão loạn lạc khắp nơi, đâu đâu cũng vang vọng tiếng súng nổ, pháo gầm. Với thân xác thương tật trầy trật như lão, để bám trụ ở nơi sắp diễn ra chiến sự ác liệt e rằng khó mà thích nghi. Lão quyết định nhảy lên xe đò quay về quê.

Xe chạy qua địa phận đất Khánh Hòa, lòng lão cồn cào, nôn nao khó tả. Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em trào dâng mãnh liệt. Nhưng rồi nhìn vào đôi tay, nhìn xuống bàn chân lều thều thịt da, nát be nát bét, hai hàng nước mắt lão chảy dài. Lão ôm chặt túi quần áo, nấc khan trong cuống họng. Người lơ xe gào thét hỏi đi hỏi lại nhiều lần có ai xuống Khánh Hòa? Lão bậm môi im lặng, xe chạy tới Huế thì lão xin xuống.

Ngày thường, con cháu đóng cửa đi làm hết, làng Vân mới không một bóng người.

Huế vừa mới giải phóng, khung cảnh còn ngổn ngang, nhưng đã bình yên khi không còn nghe thấy tiếng súng nổ. Lão xin vào làm ruộng và chăn trâu thuê cho một nhà giàu ở thành phố Huế để kiếm bữa cơm qua ngày và kiếm giấc ngủ khi đêm về. Người chủ không để tâm đến bệnh tật của lão, thương lão cô độc một mình. Ba năm sau, thấy lão ngoan ngoãn, chăm chỉ, ông chủ có ý muốn gả con gái cho lão.

Biết ý ông chủ, lão thảng thốt, không tin đó là sự thật. Đời lão, làm gì dám mơ đến chuyện lấy vợ, lại là con gái của nhà giàu. Ông chủ bảo lão cứ suy nghĩ cho kỹ, tìm hiểu cho thoải mái, khi nào muốn lấy vợ thì nói với ông.

Cô chủ không đẹp người nhưng tốt nết, hơn nữa lại lành lặn, không bệnh tật. Lão ưng liền, nhưng phải một năm sau mới dám thổ lộ với ông chủ. Do đàng trai không có ai nên nhà gái chỉ làm một mâm cúng tổ tiên rồi cho lão về ở rể. Từ ngày có vợ, lão không còn đi chăn trâu nữa, nhà vợ cho vợ chồng lão chiếc xe đạp làm của hồi môn, lão xách xe đi khắp nơi làm ăn.

Thương nhớ làng Vân

Một hôm, tình cờ gặp được người bạn trong Sài Gòn ra, dẫn lão tới một khu làng toàn những người bị bệnh cùi như lão. Họ sống quây quần bên nhau, làm nhà sinh sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Ngắm địa thế ngôi làng, thấy có núi non, biển hồ, lão ưng liền. Về nhà, lão bàn với vợ để lão đi khai khẩn làm ăn một thời gian, khi nào ổn định sẽ về đón vợ.

Vậy là lão đi, gia nhập cư dân làng phong nằm dưới chân đèo Hải Vân (TP. Đà Nẵng). Sau một năm, lão khai hoang được mảnh đất, dựng được căn nhà lá tựa lưng vào vách núi, quay mặt ra biển xanh ngăn ngắt. Về nhà, lão giật mình khi nghe tiếng khóc của con trẻ. Vợ lão đứng ở bậu cửa nhìn chồng lau nước mắt, trách hờn: "Ông nói đi một thời gian mà biền biệt chẳng thấy tăm hơi. Tôi tưởng ông không về, con sẽ mồ côi cha".

Lão không ngờ thời gian mình vắng nhà đã xảy ra nhiều biến cố. Ngoài niềm vui lão được làm cha, còn bao nhiêu nỗi cay cực ập xuống gia đình nhỏ của lão. Cha vợ mất, anh em trong nhà tranh giành của cải, đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Lão quyết định mang theo vợ con dứt áo ra đi, không lấy bất cứ thứ gì của nhà vợ.

Các cụ lấy công việc trông cháu làm niềm vui tuổi già.

Những năm tháng sống ở làng Vân, là quãng đời ý nghĩa và hạnh phúc nhất đối với lão. Lão không phải trốn tránh, không phải sợ hãi trước thiên hạ. Lão được thỏa thích cởi trần dầm mình xuống làn nước trong vắt mà kỳ cọ, nâng niu đôi bàn tay cụt, đôi bàn chân cong cới, xiêu vẹo. Cuộc sống với lão như trên tiên cảnh.

Chiều về, mấy ông bạn đồng niên lại tụ tập ngoài bãi biển chơi bóng hay túm tụm dưới tán dừa đánh cờ tướng, cười nói vỡ làng vỡ nước. Ở đó, sáng lão đi quăng chài kiếm cá ngoài biển, chiều lên rừng hái rau, tối quây quần bên mâm cơm "cây nhà lá vườn", cả nhà chén no say.

Lão bắt đầu nghĩ đến gia đình mình ở cố hương, không biết cha mẹ còn sống hay đã khuất núi? Câu hỏi ấy cứ day dứt, giằng xé lão khôn nguôi. Lão quyết định một lần vượt biển vào đất liền, bắt xe đò về Nha Trang. Vậy là sau 40 năm, lão mới được đặt chân lên mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Lão không thể nhớ nổi mái nhà ngày xưa của mình nữa, vì xung quanh các nhà cao tầng mọc chen chúc. Lão thất thần đi xung quanh, cố lục lại ký ức nửa đời phiêu bạt. Lão hỏi một cụ ông về cha mẹ mình, ông nhìn lão rồi ú ớ: "Mày là thằng Ven cùi ngày xưa đấy à? Cha mẹ mày mất cả rồi, sao bây giờ mới quay về. Mẹ mày chết không nhắm được mắt vì mày đấy". Vừa nghe xong, lão khuỵu gối xuống đường, khóc ông ổng như một đứa trẻ. Phải một lúc sau, lão mới đứng dậy đi ra mộ cha mẹ thắp nén hương và lại khóc.

Trở về làng, lão buồn bã cả tháng trời, lão tự dằn vặt trách móc bản thân. Từ đó, hễ có tiền là lão lại trở về quê, chỉ đơn giản là thắp hương cho cha mẹ rồi lại quay đi. Năm tháng trôi đi bình yên bên làng Vân, vợ lão còn trẻ khỏe muốn sinh thêm đứa con nữa nhưng ông chồng đã lực bất tòng tâm, muốn lắm mà không được.

Cô con gái lớn vào đất liền học, thi thoảng mới về thăm nhà, chỉ còn hai ông bà trơ trọi một mình. Vợ chồng lão sống bằng con tôm con cá dưới biển, hôm nào nhiều thì mang đi đổi gạo, cảnh nông nhàn thư thái cứ ngỡ sẽ theo những con người làng Vân đến cuối đời. Nào ngờ năm 2012, chính quyền Đã Nẵng có chủ trương di dời làng Vân vào đất liền, để hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Thật ra từ lâu, gần một trăm năm mươi con người từng mang bệnh "hủi" trong người ở làng Vân đều đã khỏi hoàn toàn nhưng họ vẫn phải chịu điều tiếng cay nghiệt từ miệng lưỡi người đời. Đùng một cái nghe tin được vào đất liền sống cảnh phố xá nhộn nhịp, đèn đường lấp lánh, những người già như lão Ven háo hức không thể chợp mắt.

Cuối cùng, niềm mơ ước cả đời của họ cũng thành hiện thực, một dãy nhà liền kề mọc lên gần bãi biển ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Hơn 100 hộ dân của làng Vân lũ lượt rời đi, đổi hòn đất hoang sơ lấy căn nhà tường xây bốn góc, vôi vữa xanh lè. Về thành phố một thời gian ngắn, nhiều người nhớ làng quá cứ thơ thẩn, thẩn thơ.

Vợ chồng lão Ven vác hẳn chiếc giường tre ra vỉa hè ngồi, chán thì nằm, chỉ biết ngóng lên trời rồi thở dài não nề. Lão than, ra phố thị được ngót ba năm rồi mà như ba mươi năm, nhớ làng đến ứa nước mắt. Năm ngoái chưa bị gãy chân, lão còn thuê xe ôm chở lên đỉnh đèo Hải Vân ngắm hình hài ngôi làng cũ cho đỡ nhớ, xong lại về.

Kể về làng Vân, mắt lão sáng rực lên, nói mãi không chán. Đôi chân đi cùng trời cuối đất, nhưng chưa nơi nào khiến lão yêu đến mê mệt như vậy. Đó chính là nơi hồi sinh cuộc đời lão, cho lão cái danh phận con người trên thế gian này.

Ngọc Thiện
.
.
.