“Nhặt” được vợ sau 30 năm ăn mày thiên hạ

Chủ Nhật, 20/03/2016, 15:43
Người đàn ông tật nguyền với đôi chân teo tóp, lủng lẳng suốt 30 năm đã dùng đôi bàn tay của mình lê khắp hang cùng ngõ hẻm để xin từng đồng tiền bố thí của thiên hạ nuôi cha mẹ già. Trong một lần đi xin ăn, anh đã gặp một người phụ nữ lành lặn nhưng quá lứa lỡ thì. Bạo miệng, anh buông lời tán tỉnh, vậy mà không ngờ người phụ nữ ấy gật đầu đồng ý theo anh về làm vợ.

Bỗng chốc "nhặt" được vợ với anh nó chẳng khác nào một giấc mơ. Hạnh phúc tưởng nở hoa khi vợ anh sinh được con trai đầu lòng, nhưng cũng từ đó chị đổ bệnh. Gánh nặng cuộc đời lại đè lên thân thể tật nguyền của anh thêm một lần nữa.

Tật nguyền vẫn phải làm trụ cột gia đình

Người đàn ông bất hạnh ấy là anh Trần Văn Khiển ở xã Thanh Hải, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Chúng tôi gặp anh Khiển khi anh đang "hành nghề" ở thị trấn Đồi Ngô. Nhiều người dân ở đây đã quá quen với hình ảnh một người đàn ông trườn đôi bàn tay của mình rồi đu cơ thể về phía trước. Vậy mà, không nơi nào anh không dò đôi bàn tay của mình tới.

Anh Khiển chia sẻ: "Sau nhiều năm đi xin ăn, tiền tích cóp được tôi bỏ ra 500 nghìn đồng mua sắt vụn rồi tự chế ra chiếc xe này. Chỉ cần ngồi lên đó, hai tay thọc vào hai cái hộp rồi choãi ra bơi như thể người ta bơi thuyền là đi được. Nhờ thế mà tôi cũng đỡ vất hơn rất nhiều đấy". Có lẽ, với anh Khiển đó cũng là một thành quả tuyệt vời. Nó giúp đôi bàn tay của anh không phải tứa máu vì lê mãi xuống mặt đường.

Chiếc xe tự chế giúp anh Khiển đỡ vất vả hơn trong việc di chuyển.

Hôm chúng tôi gặp anh Khiển tại thị trấn Đồi Ngô, đang là mùa đông nhưng tiết trời nắng nóng như mùa hè. Anh Khiển mặc áo cộc xanh bộ đội và chiếc quần xà lỏn. Anh bảo cứ phải "bơi" thế này nóng lắm, nhiều khi trời rét mướt nhưng anh cũng chỉ mặc vỏn vẹn có cái áo len mỏng mà thôi. Chỉ cần "bơi" một lúc là mồ hôi tứa ra nhầy nhụa, ngứa ngáy khó chịu lắm. 

Hơn nữa, với đôi chân khác thường của mình, anh Khiển hiếm khi mặc quần dài. Vì theo anh mặc thế nó vướng víu vô cùng. Với anh Khiển, ngày nắng cũng như ngày mưa anh đều phải ra khỏi nhà hành khất. Bởi ngày nào anh ở nhà là ngày đó mẹ, vợ và con anh sẽ bị đói. Dù tật nguyền nhưng anh lại chính là trụ cột của cả một gia đình. Sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc tỉnh Hải Dương nhưng chưa đầy một tuổi anh Khiển phải theo cha mẹ lên vùng đồi núi này khai hoang. 

Anh Khiển kể lại: "Ngày bố mẹ tôi đưa tôi lên xe cùng đi khai hoang, nhiều người trên xe cứ chỉ trỏ, bàn tán xôn xao. Người bảo tôi là quái thai, người lại bảo tôi như người ngoài hành tinh. Lúc đó mẹ tôi bật khóc vì tủi thân, còn bố tôi thì suýt đánh nhau với mấy người trên xe để bảo vệ tôi. Chuyện này thỉnh thoảng vẫn được mẹ tôi nhắc lại".

Nghỉ một ngày là gia đình nhỏ bé của anh sẽ không được một bữa no.

Ngày sinh anh Khiển, bố mẹ anh chưa kịp mừng vì có con trai đầu lòng thì họ đã đau thắt tâm can khi nhìn thấy đôi chân bất thường của con. Đôi chân bé như ngón tay, ngắn cũn. Đến tuổi tập đi Khiển vẫn chỉ nằm bất động, mọi sinh hoạt hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ. Cũng chính vì thế mà dù rất muốn nhưng Khiển chưa một lần được cắp sách tới trường. Tuổi thơ cứ thế trôi qua trong lặng lẽ và tủi hờn. Đến tuổi trưởng thành, Khiển vẫn chỉ là một người đàn ông vô dụng, bố mẹ cho ăn gì thì ăn nấy. 

"Nhiều đêm tôi nằm nghĩ mà nước mắt cứ chảy. Bố mẹ rồi cũng sẽ già, sẽ mất, nếu tôi không tự lập được thì sau này biết dựa vào đâu. Nghĩ vậy nhưng cũng chẳng biết sẽ phải làm gì với đôi chân lủng lẳng, có cũng như không này. Vô tình một hôm tôi được bố chở xuống phố, có người nhìn thấy tôi tật nguyền thương tình nên cho tiền. Từ lúc đó tôi nghĩ tôi sẽ đi ăn xin để kiếm cơm qua ngày" - anh Khiển nhớ lại.

Những ngày đầu hành nghề ăn xin, đôi bàn tay trắng trẻo vì chả mấy khi ra nắng giờ tứa máu là chuyện thường. Nhiều khi bơi tay không để ý anh đè lên mảnh sành, những viên sỏi nhọn. Mỗi lần như thế tay lại bị nhiễm trùng, có khi phải nghỉ vài ngày ở nhà đến khi nào tay đỡ mới dám đi xin trở lại.

Cái kiếp ăn xin cứ thế bám chặt lấy cuộc đời anh Khiển. Khắp nơi từ các bến xe, góc chợ, ngã tư… không nơi nào là anh không có mặt. Xin mãi thành quen nên anh bảo mình phải đi xa hơn. Người ta thương mình nhưng tiền đâu ra mà cho mãi nên phải tìm địa điểm mới. Chứ cứ xin mãi một chỗ chính bản thân mình cũng cảm thấy xấu hổ.

Hạnh phúc sao quá mong manh

Nói chuyện với chúng tôi anh Khiển cười khoe: "Cứ nghĩ người như mình chắc cả đời sẽ phải sống cô độc. Vừa nghèo vừa tật nguyền thế này thì làm sao dám nghĩ sẽ lấy được vợ. Thế mà mình "nhặt" được vợ mới tài chứ. Bây giờ dù có chết thì cũng có thằng cu nối dõi rồi". 

Chuyện anh Khiển bỗng dưng "nhặt" được vợ khiến làng trên xóm dưới bàn tán xôn xao. Người có tâm thì bảo, may cho đời anh Khiển, người ác khẩu thì lại nói, có khi người phụ nữ ấy phải có vấn đề về thần kinh hoặc mang trong mình trọng bệnh thì mới đồng ý lấy anh. Chứ ai hơi đâu mà gắn đời mình với một người nghèo rớt lại "không chân". Ai nói gì cũng được, anh Khiển không quan tâm. Bởi với anh đó là thứ hạnh phúc mà đến trong mơ anh cũng không bao giờ dám nghĩ tới.

Hồi đó, trong một lần lang thang lên thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để xin ăn, anh Khiển gặp chị Nguyễn Thị Tuyên. Biết chị Tuyên là gái quá lứa lỡ thì nên anh Khiến đánh bạo buông vài lời tán tỉnh. Ai ngờ chỉ chừng đó thôi chị Tuyên chấp nhận lấy anh làm chồng. 

Ngày anh Khiển "nhặt" vợ, bố mẹ anh cũng cố gắng làm mấy mâm cơm mời anh em, bạn bè tới chia vui. Hạnh phúc càng nhân lên bội phần khi chỉ chưa đầy một năm sau ngày cưới, vợ anh Khiển sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Thời gian sau khi lấy vợ, anh Khiển đã nghỉ hẳn "nghiệp" ăn xin. Số tiền dành dụm được từ của bố thí của thiên hạ anh đã mở một quán tạp hóa nho nhỏ cho vợ trông coi. 

Thế nhưng sinh con xong, vợ anh bỗng dưng đổ bệnh và nằm liệt từ đó. Tiệm tạp hóa của anh cũng phải giải tán. Nhà có bao nhiêu tiền dành dụm được anh Khiển lại dốc hết để chữa bệnh cho vợ nhưng bệnh của vợ anh chẳng hề thuyên giảm. Chân tay chị Tuyên cứ run lên bần bật, đi lại khó khăn rồi sau đó thì nằm liệt hẳn. 

Những tưởng có vợ là có thêm chân, thêm tay nhưng bây giờ vợ anh Khiển lại nằm đó, một mình anh phải cáng đáng 4 miệng ăn. Mẹ anh, bà Bưởng tuổi ngày một nhiều, sức khỏe cũng yếu đi, bệnh tật, đau ốm liên miên. Tiền hết, anh Khiển buộc lòng phải trở về với nghiệp ăn xin. Đôi bàn tay chai sạn lại lang thang khắp nơi xin từng cắc bạc lẻ của người đời về nuôi gia đình bé mọn.

Những con người khốn khổ trông cậy cả vào người đàn ông tật nguyền.

Bà Bưởng kể lại: "Ngày nó lấy được vợ tôi mừng lắm. Cứ nghĩ là có vợ có chồng chúng nó nương tựa vào nhau, sau này tôi có già, có chết thì vẫn có người chăm sóc cho nó. Ai ngờ sau đó nó lại phải chăm thêm một người bệnh nữa. Chẳng hiểu rồi cuộc sống sau này nó xoay xỏa ra sao?".

Hồi đó, chị Tuyên nằm bẹp, thỉnh thoảng chỉ ú ớ vài lời không rõ nghĩa. "Có những lúc tôi tưởng mình không ngóc đầu dậy được, vợ ốm liệt giường, mẹ già đổ bệnh, con trai khóc ngằn ngặt. Vừa nhấp được cho mẹ cái khăn đắp vào trán thì lại phải quay sang đưa vợ đi vệ sinh và pha sữa cho con. Có lúc vì vội quá, tôi phải trườn nhanh, không làm chủ được bánh xe nên đập đầu vào thành giường, chảy cả máu. Lúc đó nghĩ đời mình tuyệt vọng lắm".

Đến giờ, sau mấy năm chữa chạy, bệnh tật của chị Tuyên cũng thuyên giảm phần nào. Chị đã ngồi dậy và nhúc nhắc đi lại được. Những việc vặt trong nhà chị Tuyên đã có thể làm giúp chồng. Với anh Khiển, đó cũng là hạnh phúc lớn lao.

Niềm hy vọng duy nhất trong ngôi nhà ấy bây giờ chính là con trai anh, cháu Trần Văn Được. "Sinh được nó gia đình tôi coi như của trời cho nên quyết định đặt tên nó là Được. Thằng bé khôn lắm, biết thương bố, thương mẹ nhưng ngặt nỗi còn nhỏ quá nên chưa giúp gì được cho bố mẹ''. Chiều muộn, mỗi khi nghe tiếng cót két từ chiếc xe lăn tự chế của bố là Được chạy ùa ra đón. Nó giúp bố đẩy xe lên bậc nhà, rồi nhanh nhảu lấy nước cho bố uống. Có lẽ, những khoảnh khắc hạnh phúc ấy chính là động lực để anh Khiển cố gắng. Anh tâm sự: "Đời mình coi như bỏ đi rồi, giờ đã có được mầm hy vọng thì phải cố gắng để chăm nó thật tốt".

Phong Anh
.
.
.