Những cuộc đời "chạy máy"

Thứ Hai, 16/01/2017, 16:54
Dường như Tết chưa bao giờ đi ngang qua nơi này. Ông Hải rít một hơi thuốc thật sâu, cười nhăn nhúm bảo rằng: "Mấy năm rồi chúng tôi không có Tết. Buồn lắm, nhưng vẫn còn hạnh phúc vì được ở nơi này thêm một mùa xuân nữa".

Chiến đấu giành sự sống

Bước vào phòng bệnh nhân đang chạy thận mới thấy hết được sự nghiệt ngã của bệnh tật. Căn phòng nhỏ có hàng chục bệnh nhân già, trẻ nằm lặng lẽ bên những chiếc máy dây dợ nhằng nhịt. Cũng như những căn bệnh khác, người mắc bệnh thận phải chịu đựng những đau đớn không chỉ về thể xác mà cả tinh thần.

Ở ghế đá ngoài hành lang bệnh viện Chợ Rẫy, ông Đinh Văn Hải (Ninh Thuận) ngồi thẫn thờ từ sáng tới trưa. Ông Hải đã ngồi như thế này 4 năm rồi, tất cả mọi thứ ở hành lang khoa thận từ ghế đá đến những cây cỏ, vật dụng ông đều quen thuộc.

Bệnh viện như là nhà của những bệnh nhân duy trì sự sống bằng máy lọc máu.

 Ông Hải trầm ngâm kể: "Cứ tưởng cuộc đời sau bao năm bôn ba lao động khi về già sẽ được hưởng những ngày tháng yên bình, thanh thản thì đột nhiên vợ đổ bệnh. Gia đình đưa bà vào bệnh viện bác sĩ chẩn đoán bà bị suy thận nặng. Bệnh viện chuyển bà lên bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và chạy thận nhân tạo. Tính đến nay đã 4 năm rồi đó".

Ở tuổi 68, ông Hải cặm cụi mỗi ngày nấu ăn, chăm sóc vợ rồi lại mỗi tuần 3 lần đưa vợ đến bệnh viện chạy thận. "Tôi thuê nhà trọ ở tận Chợ Lớn, mỗi lần chở bà ấy đi cũng mất 30 phút. Lúc đầu bệnh nhẹ thì thời gian chạy thận chỉ khoảng 3 tiếng thôi, giờ bệnh bà ấy nặng lắm rồi, phải lọc máu 4-5 tiếng mới xong". ông Hải buồn rầu cho biết.

Con người chống lại với tuổi già đã khó, nay phải chiến đấu với bệnh tật thì càng khó vô cùng, nhưng hai ông bà không buông xuôi. Nhiều lúc bà nản quá, khuyên chồng nên đưa về nhà hưởng những ngày cuối cùng bên con cháu. Những lúc như thế, ông nắm chặt tay bà trách yêu: "Bà nỡ bỏ tôi mà đi vậy sao".

Nhờ sự chăm sóc chu đáo, ân cần, hết lời động viên của chồng mà người vợ đã vững tin và có cái nhìn tích cực hơn về cuộc đời. Bên trong phòng bệnh, vợ ông Hải nằm im lặng, nhìn những ống dẫn máu đang thảnh thơi làm việc trên cơ thể mình, để kéo dài sự sống cho bà. Dường như bà đã chấp nhận và bằng lòng với thực tại.

Mỗi sáng, trước khi vào bệnh viện, ông Hải tranh thủ ra chợ mua đồ về nấu cơm cho bà ăn trước để lấy sức vào phòng máy, còn ông nhai tạm ổ bánh mì. Ông giãi bày: "Chăm vợ nhọc nhằn mấy tôi cũng chịu được, nhưng chi phí cho mỗi lần chạy thận thì nặng quá, tôi đã đuối sức rồi. May có Thẻ Bảo hiểm y tế nên mới chống đỡ được đến thời điểm này".

Tất cả những bệnh nhân đang chạy thận, dù kinh tế khá giả mấy thì chỉ một thời gian cũng cạn kiệt tiền bạc. Còn những người nghèo khó, thì gánh nặng như cả bầu trời đang đổ ập xuống đầu họ. Như trường hợp của chị Trần Thị Thiên (Đắk Nông), đã nghèo lại còn mang "án tử" dai dẳng mấy năm nay.

Trước lư hương nghi ngút trong ngôi miếu thờ nhỏ, người đàn bà mặc áo bệnh nhân bơ phờ, hốc hác, xanh xao chắp tay khấn vài rồi lầm rầm nói điều gì đó chẳng ai nghe được.

Chị Thiên bảo rằng, ngày nào đến chạy thận chị cũng thắp hương, cầu nguyện, gửi một chút niềm tin mong manh vào thần linh, thượng đế. Sóng gió liên tiếp ập đến gia đình nhỏ bé và nghèo nàn của chị Thiên. Cách đây một tháng, người chồng và cũng là bờ vai nương tựa của cả gia đình bị tai nạn qua đời, bỏ lại chị và hai đứa con nheo nhóc, bơ vơ.

Nỗi đau và vết thương lòng chưa lành thì tai họa lại ập đến. Không biết con bệnh quái ác đột nhập vào cơ thể chị từ bao giờ mà hôm nay nó phát tác quật ngã chị giữa dòng đời đang "ba chìm bảy nổi".

Bên ngoài hành lang, người thân của họ vạ vật, lê lết tiếp sức để chiến đấu với bệnh tật.

Chị chết lặng khi nghe bác sĩ thông báo mình bị suy thận cấp 3 (gần giai đoạn cuối). Biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, chị cố gắng chạy thận, để kéo dài sự sống vì chị thương 2 đứa con nhỏ côi cút, không cha. "Còn nước còn tát", chị dặn lòng phải chiến đấu vì con.

Chị bán nhà, bán đất gửi con cho bà ngoại rồi khăn gói tới bệnh viện điều trị. Hết đợt lọc máu chị lại về thăm con. Đoạn đường về nhà mỗi ngày một xa, vì đôi chân của chị đã yếu đi nhiều, sức khỏe cũng xuống rất nhanh. Mỗi lần về gặp con, chị như được tiếp thêm sức mạnh, tinh thần tươi tỉnh hẳn.

Chỉ vào chiếc giỏ đựng đầy thuốc, chị khoe: "Bác sĩ kê cho ít thuốc bổ về uống lấy sức. Giờ thắp hương xong tôi ra bến bắt xe về luôn. Hai đứa nhỏ đang mong mẹ lắm". Sau hai năm đi và về, chạy thận triền miên, số tiền bán nhà đất của chị Thiên đã gần hết. Nếu cứ duy trì một tháng 13 lần lọc máu thì chẳng bao lâu nữa sẽ cạn kiệt.

Chị Thiên đang đi tìm việc làm thêm để trang trải. Và Tết này, chị sẽ không về thăm con, để tiết kiệm tàu xe cho đợt lọc máu vào đầu năm. Mới nói đến đây, hai hàng nước mắt tuôn chảy, chị mếu máo: "Phải hy sinh nỗi nhớ thôi. Nếu về thì phải bỏ đợt lọc máu, như thế con sẽ mất mẹ nhanh hơn". 

Phải sống dù chỉ một ngày

Mỗi bệnh nhân đang duy trì sự sống bằng máy lọc máu là một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. Có người giàu, người nghèo, nhưng khi vào trong phòng kín, đeo trên mình những chiếc dây lạnh lùng, họ đều có chung một hy vọng sống, dù chỉ một ngày.

Kết thúc nào có hậu? Sẽ chẳng có điều kỳ diệu xảy ra nếu họ không tự nỗ lực bằng chính niềm tin của mình. Ngoài kia, những hành lang ghế đá, cũng chật kín người ngồi, kẻ nằm. Họ không phải là bệnh nhân, chỉ là người đồng hành tiếp sức.

Bệnh tật dù khắc nghiệt và sức khỏe dù không vĩnh cửu nhưng bệnh nhân chạy thận vẫn kiên trì điều trị hàng tuần, hàng tháng thậm chí từ năm này qua năm khác. Ông Huỳnh Văn Mộng (Mỏ Cày, Bến Tre) đã cùng vợ đến chạy thận ở Bệnh viện Chợ Rẫy từ 3 năm nay.

Để có tiền chạy thận cho bà, ông phải đi vay mượn anh em, họ hàng, làng xóm. Nhà có 5 người con, 1 người mất vì tai nạn, còn 4 người chỉ làm ruộng hoặc đi phụ hồ, chúng không khá giả để lo cho mẹ. Vay hết chỗ, ông quyết định bán một nửa mảnh vườn với quyết tâm chữa chạy đến cùng cho bà.

Ông lý giải rất mạnh mẽ: "Của cải vật chất có thể làm ra được nhưng con người thì không sinh ra lần thứ hai. Thế nên cho dù phải bán tất cả tôi cũng chấp nhận. Tôi luôn tin và cầu mong bà nhà sẽ sống lâu hơn nữa".

Đôi khi mệt quá, họ lả đi ngay trên chiếc ghế đá bệnh viện.

Chỉ sang ông Hạnh, người nhà của cụ bà đang chạy thận trong phòng, ông Mộng buồn thiu: "Nhà ông ấy có tiền cũng đâu cứu được mẹ". Người đàn ông tóc hoa râm, hai hốc mắt sâu hoắm nhìn vô cảm ra khoảng không trước mặt.

Ông kể: "Mẹ tôi gần 80 tuổi rồi, con cháu muốn bà sống lâu nên đưa đi ghép thận. Nhưng tuổi cụ cao, sức khỏe yếu, ghép được một thời gian ngắn là phản tác dụng". Ông Hạnh buồn xo, mắt ngấn lệ khi nghĩ đến một ngày không xa về người mẹ của mình.

Các con của ông Mộng cũng từng bàn nhau đưa mẹ đi ghép thận, nhưng phân tích thấy kết quả không khả quan nên thôi. Ông Mộng chấp nhận đồng hành cùng vợ ở bệnh viện, bên chiếc máy lọc máu.

Ông bảo, mấy cái Tết rồi không được sum họp gia đình, bữa cơm giao thừa năm nào cũng thiếu người. Bệnh bà nặng, Tết không dám đưa về quê, sợ "lên" không kịp. Năm nay, ông bà sẽ ăn Tết ở phòng trọ gần bệnh viện để có mệnh hệ gì thì chạy vào cho nhanh.

Trong khuôn viên bệnh viện có một am thờ nhỏ, để những người bệnh gửi gắm niềm tin tâm linh khi niềm tin hiện thực quá hữu hạn. Những hy vọng và mong ước của bệnh nhân chạy thận và người nhà của họ dường như chưa bao giờ dừng lại. Tết đối với họ, chỉ đơn giản là được ở lại bệnh viện, để còn tiếp tục nhìn thấy nhau, nắm bàn tay nhau thêm một mùa xuân nữa.

Ngọc Thiện
.
.
.