Những mảnh đời cần vòng tay bao dung

Thứ Tư, 11/01/2017, 17:13
Bất luận đã phạm tội gì các học sinh tại Trường Giáo dưỡng số 2 vẫn còn quá nhỏ, cần được giáo dục nuôi dưỡng và bao dung, dang rộng vòng tay của gia đình và xã hội.


Mặc dù chỉ mới ở độ tuổi 14 – 15 nhưng hầu hết những đứa trẻ là học viên của Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình đã không còn vẻ hồn nhiên như vốn có. Thay vào đó là sự từng trải, lì lợm, thậm chí bất cần… bởi trước khi bước chân vào đây, chúng đã phạm đủ các loại tội danh từ trộm cắp, hiếp dâm đến giết người. 90% các em ở đây đều có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc.

Bất luận thế nào, vì lý do gì thì các em vẫn còn quá nhỏ, cần được giáo dục nuôi dưỡng và bao dung, dang rộng vòng tay của gia đình và xã hội.

Mới 15 tuổi nhưng Nguyễn Tuấn Trung (tên nhân vật đã được thay đổi – PV) đã mang tội danh giết người. Mới nghe, nhiều người sẽ nghĩ rằng Trung đúng là kẻ sát thủ máu lạnh, bởi, tuổi đời của Trung còn quá trẻ. Thế nhưng, có tìm hiểu mới thấy trong hoàn cảnh đó, Trung đáng thương hơn đáng giận.

Năm 2015, mẹ của Trung chia sẻ rằng bà ta đang nợ một người số tiền là 8 triệu đồng. Chủ nợ đang đòi rất ráo riết mà mẹ Trung không biết làm cách nào để có tiền trả người ta.Vì bị dồn tới bước đường cùng nên mẹ Trung bàn kế hoạch với con trai là sẽ giết chủ nợ. Thương mẹ, Trung cũng chẳng nghĩ gì nhiều nên đồng ý làm theo. Tuy nhiên, ngay sau khi ra tay sát hại chủ nợ, Trung và mẹ bị bắt.

Thời điểm bị bắt, Trung mới chỉ chưa đầy 14 tuổi nên bị đưa vào Trại giáo dưỡng 2 Ninh Bình với thời hạn 24 tháng, còn mẹ Trung bị tòa tuyên 20 năm tù. Trung bảo, dù có vì mẹ mà Trung phải vào đây thì em vẫn không hề oán trách mẹ. Bởi mẹ đã phải vì em mà chịu cực khổ nhiều rồi. Từ khi sinh ra, Trung đã không được nhà nội công nhận nên mẹ Trung đã phải một mình xoay xỏa đủ nghề để nuôi em. Vì hoàn cảnh khó khăn nên Trung đã phải nghỉ học từ rất sớm.

Tham gia lao động sau giờ học.

Khác với Nguyễn Tuấn Trung giết người vì muốn “cứu” mẹ, Phạm Thị Nhung, 16 tuổi (Bảo Thắng, Lào Cai) lại giết chính mẹ của mình. Từ khi bị đưa vào Trường giáo dưỡng, Nhung hầu như sống khép kín, rất ít khi giao tiếp với các học viên khác.

Các thầy cô của Trường Giáo dưỡng 2 Ninh Bình chia sẻ rằng, sự việc dù đã xảy ra hơn một năm nay nhưng Nhung không sao xóa được cảm giác tội lỗi đã gây ra với mẹ của mình.

Kể lại buổi chiều định mệnh ấy, Nhung bật khóc: “Hôm đó bố em đi vắng, em trai em thì đi học chưa về. Ở nhà chỉ có mẹ và em thôi, hai mẹ con em dọn dẹp nhà cửa. Dọn xong em lén lấy điện thoại của mẹ để nhắn tin cho bạn hỏi chuyện bài vở. Mẹ em biết cứ tưởng em lấy máy để nhắn tin cho người yêu nên đã mắng chửi em. Hai mẹ con em lời qua tiếng lại, đến khi không giữ được bình tĩnh em đã chộp con dao ở gần đó rồi đâm vào người mẹ”. Nhát dao oan nghiệt ấy đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng người mẹ của Nhung.

Thời điểm gây án, Nhung đang là học sinh lớp 8. Điều đáng tiếc là, trước khi xảy ra sự việc đau lòng, Nhung được đánh giá là một đứa trẻ ngoan ngoãn với cả gia đình và hàng xóm láng giềng. Nhung cũng là một học sinh chăm ngoan ở trường và năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Đầu năm học lớp 8, Nhung cảm mến một bạn trai cùng lớp, khi bố mẹ biết chuyện đã ra sức ngăn cấm. Lối nói chuyện dễ thương cùng vẻ bề ngoài xinh xắn, hiền lành khiến Nhung rất dễ lấy tình cảm người đối diện. Nhìn vẻ bề ngoài ấy khó ai có thể tin được trong tích tắc “ma xui quỷ khiến”, Nhung đã đoạt mạng mẹ mình.

Trở về là những đứa trẻ hiền lành.

Những đứa trẻ được chúng tôi trò chuyện hầu hết đều cởi mở, thậm chí còn khóc nức nở. Thế nhưng ánh mắt lì lợm, vẻ bất cần của em Phạm Thu Trà (16 tuổi, quê Bắc Ninh) khiến chúng tôi đôi lúc có cảm giác rờn rợn. Phải nhờ đến các thầy cô ở Trung tâm, khoảng gần một tiếng đồng hồ làm quen chúng tôi mới có thể trò chuyện thoải mái được với Trà. Ngay từ khi em chập chững những bước đi đầu tiên, bố của Trà đã bỏ hai mẹ con theo người đàn bà khác.

Bao gánh nặng, nỗi lo cơm áo đè lên đôi vai gầy của mẹ. Dù yêu thương con đến mấy, mẹ Trà cũng không thể luôn kè kè bên con gái mình.

Thiếu đi sự giáo dục của cha, sự quan tâm của mẹ, cuộc sống của em lớn lên như cây cỏ. Trà sớm kết thân với những người bạn hư hỏng, cuộc sống bắt đầu buông thả, nay đây mai đó. Mới chỉ cập kê cái tuổi 15 nhưng Trà đã trải nghiệm tới 4 mối tình. Cách nói chuyện, ánh mắt của Trà đủ thấy sự lọc lõi, từng trải của mình. Sa chân vào các tệ nạn xã hội, chơi bời thác loạn, thiếu tiền ăn chơi, Trà bắt đầu trộm cắp.

Trà hồn nhiên đưa đốt ngón tay lên đếm, buông lời lạnh lùng: “Cháu cũng phải 10 lần tham gia các vụ trộm cắp. Nhưng cũng chỉ ăn cắp mấy thứ lặt vặt mà người ta sơ ý thôi mà. Như chiếc điện thoại, sợi dây chuyền, khi thì vài ba triệu tiền mặt, lớn nhất thì cũng chỉ 4 triệu thôi”.

Trong một thoáng nhìn lại những lỗi lầm của mình, Trà nhìn về phía xa, em nói về tương lai của mình: “Cháu sẽ không đi học nữa, tuổi thơ của cháu đã quá kinh khủng rồi. Cháu tự thấy xấu hổ với quá khứ của mình, cháu sẽ đi đến 1 nơi thật xa, nơi mà không mấy ai biết gì đến cháu. Cháu phải làm lại cuộc đời”.

Ước mơ về một ngôi nhà bình yên.

Ngồi lặng lẽ ở phía góc sân, Lê Văn Thắng (14 tuổi, quê Nam Nam Định) luôn giữ một vẻ mặt không cảm xúc với người xung quanh. Câu chuyện của Thắng cũng khiến chúng tôi ám ảnh, thương cảm cho số phận bất hạnh.

Từ nhỏ Thắng đã phải ở với ông ngoại chỉ vì bố mẹ chia tay nhau. Họ chia tay nhau rồi mỗi người đi một hướng, mỗi người đều tìm cho mình một bến đỗ hạnh phúc. Thắng lớn lên bên ông ngoại, có khi cả tháng cũng không có được một lời hỏi thăm của bố mẹ. 

Ông ngày một già đi, đồng nghĩa với việc Thắng lớn lên và tiếp xúc với rất nhiều thứ mới lạ ngoài xã hội. Có những lần Thắng bỏ học cả tháng trời mà ông bà ngoại chẳng hề hay biết. Mỗi lần người quen mách nhìn thấy thằng Thắng phì phèo điếu thuốc lá, đánh đu xe máy cùng đám bạn ngoài thị trấn, ông ngoại đều không tin. Có gặng hỏi thì Thắng đều chối bay và dùng những lời lẽ ngọt ngào khỏa lấp tất cả.

Trong một lần vô tình vào phòng của cháu, thấy phòng bừa bãi, hai ông bà quyết định dọn dẹp. Cả hai người đã ngã ngửa người khi thấy dưới gầm giường của cháu mình có cả vài chục cái xi lanh dính máu. Ông bà quyết định nhốt Thắng lại, xích chân để mong cháu mình từ bỏ “cái chết trắng” nhưng đều bất thành. Tìm cơ hội, Thắng trốn thoát, tiếp tục đi theo đám bạn, trộm cắp để lấy tiền chơi thuốc.

“Cháu bị bắt và đưa vào đây là một lần đi tháo ốc đường sắt để bán lấy tiền mua thuốc. Trong lúc tháo thì bị các chú Công an bắt quả tang. Vào đây cháu được các thầy nói cho điều hay lẽ phải, cháu thương ông bà lắm. Cháu thề là khi ra khỏi đây, cháu sẽ lao động thật chăm chỉ để nuôi ông bà cháu” – Thắng nghẹn ngào.

* Trung tá Vũ Thị Quý, Phó Đội trưởng giáo vụ hồ sơ (Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình) cho biết: Các em bị đưa vào đây chủ yếu là phạm tội trộm cắp, gần 100% xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, thường là không hạnh phúc. Khi ra trường sẽ là thử thách rất lớn với các em, bởi sự tự ti, mặc cảm mình đã từng phạm tội. Quả thực nếu như không có vòng tay của người thân, gia đình thì các em rất dễ sẽ tái phạm. Làm công tác này, điều khiến chúng tôi buồn nhất là thấy học sinh cũ quay lại nhập trường. Tôi chỉ mong xã hội đừng nhìn các em như là tội phạm. Các em vào đây là để được giáo dục và nuôi dưỡng mà thôi.

Có rất nhiều gia đình không thèm đến nhận con khi đến ngày con được ra trường, họ đưa ra rất nhiều lý do để khước từ các em. Đó thực sự là điều vô cùng nguy hiểm và đáng buồn. Sự ghẻ lạnh của gia đình chính là con đường ngắn nhất dẫn các em đến việc tiếp tục tái phạm.

* Thượng tá Trần Hữu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 cho biết thêm: Ở đây có một học viên nữ phạm tội giết người đặc biệt nghiêm trọng, phải mất tới nửa năm thầy cô mới xóa đi được sự mặc cảm của học viên này. Học viên này đã gần gũi, biết sẻ chia tâm sự với những học viên khác, điều này là rất cần thiết. Trước tiên là nhà trường, môi trường ở đây, sau đó phải đến gia đình và cả cộng đồng xã hội dang rộng vòng tay, có như vậy các em mới quên được quá khứ, hướng tới một tương lai tươi đẹp, thành người có ích cho xã hội.


Song Anh
.
.
.