Những phận đời đớn đau vì ma túy

Thứ Hai, 10/04/2017, 11:17
Chúng tôi gặp bà Lê Thị H. (55 tuổi, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) trong một buổi trưa đỏ lửa tại ngã tư đường. Gánh đậu hũ nóng của bà phảng phất mùi thơm, quyến rũ rất nhiều học sinh đến ăn. Bà tất tả, liên tục quệt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt nhăn nhúm vì nắng gió, bụi đường.


Bà theo gánh hàng rong này tính đến nay cũng ngót mười năm, bao nỗi khổ cũng vì con. Dù bà không muốn kể về thằng con trai duy nhất của mình, bởi nó là nỗi đau và quá khứ ám ảnh bà không lúc nào thôi.

Bà bảo, chưa bao giờ trái tim hết rỉ máu và chưa bao giờ bà hết nỗi nhớ về con. Cho dù nó không thành người tử tế, thì với bà, con vẫn là một phần dòng máu lúc nào cũng “thắt lại” bóp nghẹt hơi thở của người mẹ.

Cánh tay săm trổ của cậu con trai ra đời quá sớm.

Bà H. là người Sài Gòn chính hiệu. Gia đình bà từng có nghề thuốc gia truyền nổi tiếng ở đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP Hồ Chí Minh). Khi lấy chồng thì bà bỏ nghề, về Bình Thạnh làm dâu và ở nhà nội trợ.

Chồng bà là ông chủ của đội xe vận tải chở hàng từ Sài Gòn ra miền Trung. Ông vắng nhà thường xuyên, đi mải miết đến nỗi ngày vợ sinh con, ông cũng không trở về. Bà cam phận ở nhà nuôi con, để chồng yên tâm làm ăn.

Ông về thoảng cái lại đi, nhưng bà vẫn kịp quan sát thể trạng chồng gầy ốm, xanh xao đi mỗi ngày. Bà thương vì nghĩ chồng vất vả, khổ cực kiếm tiền nuôi vợ con. Vài lần thấy ông thiếp đi trong cơn mê man vật vã, bà hoài nghi, gặng hỏi thì ông quát vào mặt: “Tôi đi làm tối mặt, mệt cũng không được ngủ yên”.

Bà lặng lẽ khép cửa, mông lung nghĩ về những dự cảm không lành. Từ đó, bà để ý quan sát chồng nhiều hơn. Cho đến một ngày, qua khe cửa bà run lên cầm cập khi thấy chồng đang cầm bơm kim tiêm chích thuốc vào bắp tay. Bà la lên, vừa lúc liều ma túy được bơm cạn vào người chồng. Trong cơn đê mê của thuốc, ông chồm lên, mắt long như con thú, túm tóc quẳng bà xuống nền nhà.

Hết cơn phê, ông quỳ xuống xin lỗi vợ và biện minh: “Do đặc thù công việc tài xế đường dài nên anh em rủ chơi cái này để tỉnh táo. Không ngờ vài lần nghiện luôn”. Và ông hứa sẽ cố gắng bỏ trong một ngày gần nhất. Bà mềm lòng với giọt nước mắt của con nghiện. Chờ đợi lời hứa cai nghiện của chồng, bà luôn trong trạng thái hồi hộp, lo sợ, bà sợ ma túy sẽ lấy đi con người ông bất cứ lúc nào.

Và nỗi sợ ấy rồi cũng đến, vào một đêm giữa tháng 10- 2005, tiếng điện thoại dồn dập đổ chuông, bà bắt máy nghe rõ giọng thất thanh của một anh tài xế: “Anh T. mất rồi chị ơi”. Mắt bà mờ đi, chân muốn khụy xuống, bà gào lên: “Tại sao chết?”. Bên khia đầu dây lập cập trả lời: “Dạ, bị sốc thuốc...”. 

Ma túy có mặt nhiều nơi sẵn sàng cướp đi tương lai của con trẻ.

Nỗi đau câm nín bà chôn sâu trong lòng, nhưng sáng hôm sau thì bà con họ hàng biết chuyện kéo đến chật nhà, bà đành nói thật. Cậu con trai năm ấy 12 tuổi, đã hiểu biết tất cả biến cố gia đình, nhưng nó lầm lì và cũng chẳng chia sẻ cùng ai.

Nó lớn lên cùng mẹ trong một gia đình thiếu tình thương và sự dạy dỗ của cha. Bà H. thương con quá thành ra mềm yếu, chiều nó quá nên hư hỏng lúc nào không biết. Vừa kết thúc lớp 12, nó xin không thi đại học mà đăng ký học nghề sửa chữa điện thoại.

Chiều con, bà chấp nhận đầu tư vốn liếng cho học rồi thế chấp nhà cho mở cửa hàng. Được hai năm đầu xuôi chèo mát mái, mỗi tháng nó đưa bà 2 triệu tiết kiệm. Bà hài lòng với số tiền ấy và an tâm để con kinh doanh. Ở nhà buồn quá, bà học cách nấu đậu hũ rồi sắm đôi quang gánh ra vỉa hè bán kiếm thêm thu nhập.

Bẵng đi một thời gian, không thấy con đưa tiền, bà đánh tiếng thì nó bảo do đầu tư nhiều nên chưa sinh lời. Bà cũng an lòng. Vài tháng sau con về nhà, bà ra tận tiệm tìm thấy nó đang bù khú với chúng bạn. Bà giận quá quát lên, thì nó vùng dậy mắt đỏ au quát lại: “Cuộc đời con, mẹ đừng tham gia”.

Bao nhiêu niềm hy vọng vào thằng con “độc đinh”,  sụp đổ. Nhiều đêm mơ thấy chồng, bà giật mình thảng thốt bấm điện thoại gọi con thì nó tắt nguồn. Có điều gì đó khiến bà linh cảm không lành, bà chạy ra tiệm nhưng đóng cửa, trên có dòng chữ ghi rõ: “Cho thuê mặt bằng”. Hỏi cửa hàng bên cạnh, người ta nói thằng Đại trả tiệm từ hơn một tuần nay rồi. Chân bà thất thần gọi điện cả ngày trời không liên lạc được. 

Một bà mẹ đã phải trả giá bằng “căn bệnh thế kỷ”.

Không biết con đang ở đâu, làm gì? Có bị ai bắt nạt hay đánh đập không? Trong lòng bà luôn coi nó như một đứa con trai dại khờ, tội nghiệp. Bà không thể ngờ, nó đã “dính” vào ma túy từ bao giờ. Đi chán, nó lết cái xác tiều tụy về nhà, nằm vật ra nhà đòi tiền của bà đi “làm ăn”.

Bà làm gì có tiền để cho, và thế là nó lục tung nhà tìm kiếm, không thấy gì nó lại bỏ đi. Lần này chỉ được vài ngày nó trở về, xuống giọng xin lỗi mẹ tha thứ. Bà nguôi giận, cho nó sà vào lòng, dúi cho ít tiền. Tiền vào tay con nghiện, như gió lùa vào nhà trống, thoáng cái hết veo. Nó lại trở về, giở bài cũ với người mẹ nhẹ dạ cả tin.

Nhìn vào mắt con, bà có dự cảm giống người chồng quá cố của mình. Người nó ngày càng tiều tụy, da dẻ xanh ngắt và đặc biệt là đôi mắt, cứ đờ đẫn như người mất hồn. Bà gặng hỏi và nó thừa nhận đã nghiện ma túy hơn ba năm rồi.

Nó bảo nhiều khi thương mẹ, cố gắng bỏ mà không được. Bà không còn nước mắt để khóc, lạy lục nó đi cai nghiện để làm lại cuộc đời. Nó đồng ý lên Trung tâm cai nghiện trên Bình Phước. Hằng tháng, bà cơm nắm, cơm đùm lên thăm con.

Thấy nó ngoan, hiền, tu chí cai nghiện bà cũng mừng thầm trong bụng. Khi niềm vui nhen lên trong lòng, thì cán bộ trung tâm gọi bà vào phòng riêng. Ông nhìn bà thật lâu rồi hỏi: “Bà có mấy người con”?. Bà giơ một ngón tay lên.

Ông ấy trầm ngâm một lúc mới nói: “Bà có biết Đại bị nhiễm HIV từ khi nào không”? Bà trợn mắt, hỏi lại: “Ai nói thế, nó chỉ bị nghiện thôi mà”. Hỏi là vậy, nhưng trái tim mách bảo, có một sự thật đã và đang hiển diện trước mắt bà. Bà chạy vào phòng quản lý, xin gặp con lần nữa. Đại bước ra, rụt rè nhìn mẹ mình rồi khóc.

Đó là lần đầu tiên và duy nhất nó khóc trong  cuộc đời nông nổi của mình. Bà H. xin con về để hai mẹ con gắn bó với nhau những ngày cuối đời của nó. Gần một năm sau, Đại ra đi lặng lẽ trong nỗi đau dai dẳng và khốc liệt của căn bệnh thế kỷ.

2. Người mẹ thứ hai khi chúng tôi viết những dòng này đang ở một nơi nào đó thật xa. Có lẽ bà là một người mẹ khổ đau và cam chịu nhất trong những người mẹ có con nghiện ma túy. Bà là Nguyễn Thị Kim T. (57 tuổi), nhà ở đường Vạn Kiếp (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Về danh nghĩa, bà T. không có chồng, nếu có ai hỏi cha của thằng Tiến đâu thì bà trả lời: “Nó không có cha từ trong bụng”.

Bạn vong niên kể rằng, thời thanh xuân bà đẹp lắm, từng là gái nhảy ở vũ trường rồi lỡ lầm trong một cuộc chơi nên để mang thai. Bà quyết sinh con và giã từ “ánh đèn màu”.

Những thanh niên mới lớn đã lao vào ma túy để rồi vướng vòng lao lý.

Quê ở Bến Tre nhưng bà không về mà thuê nhà trọ ở Phú Nhuận rồi hành nghề bán mì chay nuôi con. Lúc mới sinh, bà sống bằng những bữa cơm từ thiện và lòng thương của bà con khu phố. Con cứng một chút, bà địu nó ra ngõ tiếp tục nghề cũ. Cuộc sống êm ả trôi, con trai bữa đói bữa no lớn lên bên nồi nước lèo mì chay thanh tịnh. 

Vì không có điều kiện cho con ăn học nên vài tuổi đầu nó đã lăn lóc ra đời. Nó cứng cáp, dạn dĩ và gan lì hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. 10 tuổi, nó đã đánh ông xe ôm già gãy răng vì từ chối chở thiếu.

Bản “thành tích” giang hồ nhí của nó dày cộm những vụ đánh nhau, gây sự rồi trộm cắp vặt. Bà T. vì tối mặt với miếng cơm ngoài đường mà bỏ bê con, khi nhớ ra thì đã không thể dạy bảo nổi nó. Ra ngoài đường nghe người ta chửi nó là đồ vô học, đồ không cha, mẹ cũng chẳng ra gì khiến nó càng cay cú, hận thù.

Máu côn đồ trong người trỗi dậy, nó đánh chửi tất, kể cả đàn bà. 14 tuổi, nó đã săm trổ đầy mình nghênh ngang ngoài đường chỉ chực “thó” đồ của dân. Rồi nó quy phục dưới trướng của một tay đàn anh cũng thuộc hàng có “số má” trong vùng.

Đàn anh cho nó mượn xe chạy, cho tiền ăn chơi, cho thuốc hút. Nó cao ngạo ưỡn ngực giữa đời, mặt vênh váo bất cần mọi thứ. Mẹ nó chào thua, làng xóm thấy nó chào thua. Nhiều khi nhục vì con, bà T. chỉ biết khóc. Ma túy là con đường tất yếu mà nó chạm tới, nó sa vào và bị cuốn rất nhanh. Trở thành “con ma bột trắng”, nó nguy hiểm và liều lĩnh hơn. 

Chỉ hai năm tung hoành ngang dọc, nó đã là một con người khác. Nó đi biệt xứ một thời gian, rồi đùng đùng xuất hiện như “con ma” ở xóm trọ. Bà T. không biết nó làm gì mà cũng không dám hỏi, vì mắt nó lúc nào cũng trợn ngược đe nẹt. Bà lẳng lặng bán buôn, mặc cảm vì con nên bà không dám chơi với ai. Bà sống cô độc cùng gánh mì chay. 

Một buổi sáng tháng 3 năm 2017, người ta không thấy bà T. ngồi bán mì chay nữa. Những ngày hôm sau cũng vậy, nghe mấy bác Tổ bảo vệ dân phố loang tin thằng Tiến chơi ma túy bị sốc chết mấy ngày nay rồi. Bà T. đang đi nhận xác để chôn cất.

Người ta chờ bà T. trở về để gửi lời chia buồn, nhưng một tuần, hai tuần đều không thấy. Chủ nhà trọ gửi thông báo khắp khu phố, ai biết bà T. ở đâu thì nhắn về thanh lý hợp đồng thuê phòng và dọn đồ đi nhưng vẫn vắng bóng. Chỉ có góc tường nơi bà ngồi tựa lưng mỗi ngày còn hằn rõ vệt khói nồi nước lèo.

Ngọc Thiện
.
.
.