Những cái Tết lạnh giá của người nghèo:

Niềm vui của Tiên

Thứ Sáu, 24/01/2014, 16:44

Ngày mong chờ nhất của Tiên trong năm là những ngày giáp Tết. Đó là lúc Tiên nghỉ học, được ông bà trẻ mua cho quần áo mới, được ra xe về quê ăn Tết. Quê Tiên ở Thanh Hóa nhưng nơi Tiên về là ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chính là "Xóm chạy thận" nổi tiếng, nơi mỗi năm cả nhà Tiên sum họp. Tết nào cũng vậy, không có hoa đào, không có mứt kẹo, cũng không đi chúc Tết. Cả gia đình Tiên ôm ấp nhau trong chiếc chăn mỏng, trong ngôi nhà thuê đắt đỏ, thầm cầu chúc cho người bố của Tiên khỏe hơn một chút sau một năm dài, với hơn 144 lần chạy thận.

Tết ở xóm nghèo

Đến căn nhà nhỏ trong "Xóm chạy thận" Lê Thanh Nghị vừa lúc anh Nguyễn Văn  Trinh cùng vợ và con gái (là bé Tiên) từ quê Thanh Hóa ra. Cả xóm chạy thận hoàn cảnh ai cũng khổ, nhưng có lẽ gia đình anh Trinh là vất vả nhất với căn bệnh suy thận quái ác. Bất hạnh này chồng lên bất hạnh khác khi 11 năm trước, ngay sau khi anh Trinh phát hiện ra bệnh thì em trai anh, cậu em út trong gia đình cũng có kết luận của bác sĩ mắc bệnh suy thận. Lúc phát hiện anh Trinh suy thận độ 1, nhưng vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, gia đình anh lại dẫn anh đi chữa bệnh ở các thầy lang khắp nơi tứ chốn. Bệnh chẳng thuyên giảm, ngày lại một nặng thêm. Hai anh em thuê chung một căn phòng ở "Xóm chạy thận" Bạch Mai từ năm đấy, làm thêm nghề vá xe đạp kiếm tiền chi phí cho một tuần 6 lần chạy thận.

Nói về những cái Tết vui, anh Trinh ngậm ngùi, có lẽ cuộc đời anh chưa bao giờ có một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn. Ít nhất là được ở nhà đoàn tụ cùng vợ con. Từ ngày bệnh tật đọa đày, con trai gửi nội, con gái gửi ngoại ở tận Sơn La, vợ anh cặm cụi theo anh đi bệnh viện, cả nhà anh 4 người 3 nơi không thể nào khác được. Mấy ngày trước, Tiên từ Sơn La về, thấy bố đã hôn mê, cô con gái nhỏ đã biết giục mẹ đưa bố về nhà vì sợ sẽ không qua khỏi. Hai anh em Tiên tuy bé, nhưng đã hiểu được hết những khó khăn mà gia đình đã trải qua. Tết nào, em cũng vui mỗi lần trở về đoàn tụ với bố mẹ tại xóm chạy thận Bạch Mai.

Những hạt mầm xanh xóm chạy thận Ngọc Hồi.

Những ngày Tết đến, người Tiên thương nhất chính là bố của Tiên, anh Trinh kể: Bệnh thận của anh khủng khiếp lắm, đến ngày Tết bệnh viện nghỉ việc chạy thận từ 28 Tết đến mùng 2, cho nên chẳng dám ăn uống bất kể một thứ gì. Nhiều khi, anh muốn vợ đi mua vài lạng thịt cho con ăn Tết nhưng vợ con anh nhất quyết không chịu. Bữa cơm ngày Tết cũng chỉ có rau dưa tập tàng, có thêm thịt mẹ con ăn "nhèm" bố, vợ con anh cũng không nỡ lòng. Bé Tiên cũng chẳng bao giờ đòi mẹ bất cứ thứ gì, bố ăn gì con ăn nấy. Mọi san sẻ ở xóm chạy thận khiến cho đau đớn giảm đi bội phần.

Không biết có bao nhiêu cái Tết ở xóm chạy thận nữa anh Trinh đoàn tụ với vợ con. Nói đến cái chết với những người suy thận đã vào giai đoạn cuối như a Trinh, anh không còn sợ anh nữa. Cái chết giờ lại là sự giải thoát con người khỏi thân bệnh não, anh chỉ thương vợ con anh đã khổ vì anh lại tiếp tục buồn lòng trên quãng đời sắp tới. Có những cái Tết, chị Trinh vẫn nhận chăm sóc người ốm ở bệnh viện để lấy tiền dành dụm cho anh mồng 2 đi chạy thận được yên tâm. 

Những hạt mầm xanh

Xóm chạy thận ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội trước đây cũng mang cái không khí ảm đạm ngập mùi bệnh tật, hóa chất của những cơn suy thận. Niềm vui đến khiến những cái Tết may mắn hơn gia đình Tiên rất nhiều khi có những hạt mầm xanh. Những hạt mầm do một sư thầy mang đến, chỉ cho xóm chạy thận cách ươm, phần nào đó để dịu đi những khổ đau bệnh tật. Chị Thúy, một bệnh nhân chạy thận ở đây được cả xóm bầu ra là người gieo mầm giỏi nhất. Từ khi bệnh tật, từ khi chồng chị ôm con chạy trốn mất khỏi cuộc đời của chị, có lẽ những hạt mầm xanh mà một thầy sư ở chùa mang đến cho xóm nhỏ này là niềm vui lớn nhất. Những ngày giáp Tết là những ngày mầm xanh lên nhanh nhất, bất chấp cả gió rét, buốt lạnh ngày cuối năm.

Mọi người trong xóm nhỏ thay nhau về quê ăn Tết. Những chuyến đi ngắn ngủi một vài ngày, những nỗ lực tìm về nơi quê hương có gia đình ở đó lúc thân mang bệnh tật quả là không dễ dàng hiểu được. Những người đã già như cô Chủng, chú Thược của xóm chạy thận luôn chọn cách ở lại Tết cho khỏe. Nhưng thời gian nghỉ Tết càng lâu, bệnh thận lại càng có cơ hội hành hạ. Không thể ăn nhiều vào ngày Tết, có những khi cả mấy người lớn tuổi lăn ra xỉu. Người này xỉu, người kia dìu, những ngày Tết ở xóm Ngọc Hồi cứ trôi qua như vậy suốt hơn 10 năm trong cuộc đời mỗi thành viên "bám rễ" ở đây. Những tháng gần Tết, rau mầm bán chạy hơn một chút, cả xóm nghèo lại có một buổi tất niên sung túc hơn, nhưng dù đầy đủ đến thế nào cũng chỉ là hộp muối vừng, ít thịt nạc và rau mầm xanh. 

Gia đình của bé Tiên ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị.

Chú Nguyễn Văn Thược, bệnh nhân chạy thận đã mắc bệnh đến năm thứ 8 ngậm ngùi nói rằng: Bây giờ mọi người trong xóm chủ yếu là an ủi nhau để sống, lọc máu để kéo dài sự sống nên không bao giờ nghĩ đến những điều gì quá xa xỉ, chỉ có quan trọng tình cảm giữa mọi người với nhau, cho nên không bao giờ có "tiếng to" ở cái xóm nghèo chạy thận này. Hầu hết mọi người ở đây xa gia đình cũng là lâu, những khoảnh khắc vui vẻ bên gia đình thực sự chỉ còn trong kí ức. Tâm lý mọi người hầu như không muốn gia đình phiền khổ thêm vì bệnh tật chỉ còn nước chết nên ngoài bà Chủng, em Nam có mẹ đi cùng, chẳng còn ai có người thân bên cạnh nữa. Mỗi người một nỗi khổ riêng

Vợ chú Thược ở quê một mình vì đi theo chồng chữa bệnh sẽ không có thêm tiền để chi phí. Nhà cũng chẳng ra hồn nhà. Công việc quanh năm chỉ có trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn gửi tiền lên cho ông đi chạy thận. Con cái đi lấy chồng cũng "nghèo rớt mùng tơi" không giúp gì được cha mẹ già bệnh tật. Em Mai, bệnh nhân chạy thận trẻ nhất trong xóm nghèo năm nay vừa tròn 20 tuổi. Căn bệnh hiểm nghèo làm cho cô bé nhợt nhạt hẳn đi. Mai biết yêu, muốn yêu thương nhưng rào cản bệnh tật quá lớn nên Mai nói rằng em không dám.

Nhưng cả xóm ai cũng chúc phúc cho em trong ngày Tết, trong buổi tất niên bằng cốc chè loãng thay rượu. Năm nào Mai cũng về với mẹ, với bố và gia đình, cũng là một chuyến đi chóng vánh trong năm nhưng không thể nào thiếu được. Em nói rằng dù có hôn mê, có không nhấc nổi chân lên nữa em vẫn tìm cách về quê hương nơi cha mẹ em phải chịu nỗi đau xa con, lo lắng cho con bệnh tật để có tiền cho Mai chạy thận hằng tháng.

Niềm vui nhất ở xóm nghèo chạy thận chính là buổi tất niên cuối năm trong căn phòng thuê trọ vỏn vẹn 12 mét vuông có bày bàn thờ Phật linh thiêng. Bệnh tật là một nhẽ nhưng những giá trị tinh thần truyền thống mọi người ở xóm trọ nghèo vẫn luôn nhắc nhau gìn giữ. Bàn thờ Phật ngày Tết cúng cơm trắng, muối vừng, tiếng tụng kinh niệm phật vang lên xua tan tất cả khổ đau phiền muộn. Tết này hãy cầu chúc cho họ gieo thêm được những hạt mầm xanh

Huyền Cẩm- Đậu Dung
.
.
.