Nỗi buồn "câm nín" của người cha tội nghiệp

Chủ Nhật, 06/07/2014, 09:00

Nằm ngay sát bên cạnh căn nhà trọ chật chội, xập xệ của mẹ con bà Trần Cảnh Châu (62 tuổi, quê ở huyện Phú Tân, An Giang, tạm trú khu phố 4, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM) là căn lều bạt được dựng một cách "dã chiến" dành cho người chồng bệnh tật - ông Dương Ngọc Ẩn (74 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) nằm gần như bất động trên giường...

Năm nay 74 tuổi, có tất cả 9 người con với ba người phụ nữ, làm đủ thứ nghề từ thầy giáo cho đến buôn bán… Vậy nhưng những ngày tháng cuối đời của người đàn ông này quả thật bi đát khi gần như mọi nhu cầu cá nhân đều không tự chủ được do di chứng của tai nạn giao thông chấn thương sọ não; đáng buồn hơn khi người vợ hiện tại và đứa con gái của ông với bà này lại quá khó khăn về kinh tế, trong khi đó do mâu thuẫn và một số lý do khác, những người con còn lại của ông gần như không đoái hoài gì tới người cha bệnh tật này từ đầu năm đến nay…

Người cha tội nghiệp nằm liệt giường

Nằm ngay sát bên cạnh căn nhà trọ chật chội, xập xệ của mẹ con bà Trần Cảnh Châu (62 tuổi, quê ở huyện Phú Tân, An Giang, tạm trú khu phố 4, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM) là căn lều bạt được dựng một cách "dã chiến" dành cho người chồng bệnh tật - ông Dương Ngọc Ẩn (74 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) nằm gần như bất động trên chiếc giường được thiết kế giống như một chiếc cũi lớn vì trên bốn cạnh của thành giường được làm cao hơn mặt giường. Trong đó thành giường ngoài cùng thiết kế như một cửa lan can có thể gác lên hạ xuống mỗi khi ông Ẩn cần xuống khỏi giường hay đi vệ sinh.

Theo bà Châu thì nếu không có cái "hàng rào" đó, ông Ẩn có thể bị rớt xuống giường bất cứ lúc nào vì bây giờ mọi hành động của ông đều gần như không tự chủ được. Ngoài chiếc giường sắt thì trong căn lều còn có một cái bệ tiểu được đặt gần sát bên chiếc giường để ông Ẩn giải quyết nhu cầu vệ sinh tại chỗ dễ dàng hơn…

Theo bà Châu thì bà và người con gái tên Dương Trần Bảo Châu (27 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) cùng đứa con trai 7 tuổi của Châu (người chồng của chị Bảo Châu không chịu được cảnh nghèo khó nên đã bỏ mẹ con chị đi biệt tích lúc chị đang mang thai) đã thuê căn nhà trọ này từ năm 2009, với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Hàng ngày bà Châu ở nhà nhận nguyên liệu về may gia công rẻ lau và thảm lau. "Mỗi kilogam thành phẩm chỉ được trả 2 ngàn đồng tiền công. Một ngày làm cật lực giỏi lắm tôi cũng chỉ may được 10kg, tính ra chỉ trên dưới 20 ngàn đồng", bà Châu bộc bạch.

Trong khi đó, chị Bảo Châu ngày trước làm công nhân, sau khi có con, chồng đã bỏ đi từ trước đó, chị phải nghỉ làm. Từ đó đến nay do phải trông giữ, chăm sóc con nhỏ, chị Bảo Châu chuyển sang nghề giúp việc tự do, mỗi giờ được trả 15 ngàn đồng tiền công, nhưng công việc một tuần cũng chỉ làm mấy buổi. Ngoài thời gian làm giúp việc, chị Bảo Châu lại cùng may phụ giúp mẹ mình. "Hai mẹ con quần quật suốt ngày cũng chỉ đủ để dành tiền trả chủ nhà và có hai bữa cơm tằn tiện, do đó chuyện chăm sóc, nuôi dưỡng ba tôi cũng chỉ ở mức tối thiểu, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo thôi", chị Bảo Châu chia sẻ.

Phòng trọ nơi mẹ con bà Châu thuê mướn.

Thỉnh thoảng vừa nhìn vào chiếc giường nơi người chồng đang nằm, bà Châu vừa buồn bã kể chuyện xưa. Hồi còn trẻ do nghỉ học từ sớm nên bà đã theo bạn bè lên Sài Gòn làm nghề buôn bán vải ở chợ Tân Bình. Rồi chẳng hiểu do duyên nợ thế nào mà bà lại đồng ý quen biết rồi kết hôn với ông Ẩn. Lúc đó ông đang là giáo viên của trường cấp 2 Nguyễn Thái Bình, thấy ông là đồng hương lại có tình cảm với mình, thường xuyên lui tới cửa hàng nơi bà bán vải, dù đã ly hôn với vợ và đang nuôi hai con nhỏ (trong số 7 người con với người vợ đã ly hôn, nhưng thời gian ông Ẩn nuôi hai người con này cũng ngắn ngủi, sau đó là do người vợ cũ lo liệu), bà vẫn đồng ý làm vợ ông.

Tuy nhiên, sau khi dọn về chung sống với nhau được một thời gian ngắn, do công việc làm ăn khó khăn, ông Ẩn cùng hai con riêng cùng với bà Châu đành dắt díu nhau về quê An Giang. Nhưng cũng không lâu sau, bà Châu lại quay lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai còn ông Ẩn chạy lên chạy xuống giữa quê và Sài Gòn… Thời gian thấm thoắt trôi qua, khoảng những năm 2000, ông Ẩn bị tai biến nên sức khỏe giảm sút rõ rệt. Cuộc sống của ông Ẩn càng rơi vào khó khăn và không may mắn khi vào đầu năm 2006, ông Ẩn đang đi xe đạp trên đường ở quê thì bị một chiếc xe máy tung vào khiến ông bị chấn thương sọ não.

Dù lúc này ông đang sống với mẹ con bà Châu, nhưng do gia cảnh nghèo khó không đủ khả năng để lo chữa trị cho ông, nên các con của vợ trước đã đứng ra lo chi phí chữa trị cho ông. Sau khi ra viện, ông Ẩn về ở với mẹ con bà Châu tại địa chỉ tạm trú hiện nay ở Thủ Đức. Vì hậu quả của vết thương trên đầu quá nặng nên sau khi điều trị, ông Ẩn đã bị di chứng về thần kinh, không minh mẫn, không hiểu được sự việc xung quanh, đi lại khó khăn. Thực tế thì thời gian này các con của người vợ trước của ông (trong đó có một người hiện đang định cư ở nước ngoài) có sự hỗ trợ về tiền bạc để mẹ con bà Châu chăm lo cho ông Ẩn, nhưng số tiền này cũng chỉ từ 200 ngàn đến 1,2 triệu đồng (tuy nhiên, đến tháng 5/2013 các con của ông Ẩn đã dừng việc hỗ trợ này).

"Cuộc chiến" giữa những đứa con

Khoảng tháng 8/2013 tình trạng bệnh của ông Ẩn ngày càng trở nặng (bệnh động kinh và suy tim 37%) nên đã được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị. Các chi phí vẫn do những người con của vợ trước lo liệu. Sau khi ra viện, ông Ẩn được các con đưa về căn nhà ở quận 7 của cả gia đình bên người vợ trước và thuê người con đầu ngoài giá thú tên L. từ quê lên chăm sóc cho ông. Tuy nhiên, không lâu sau, khi anh L. bỏ về quê thì ngay lập tức ông Ẩn được các con đưa trả trở lại chỗ ở của mẹ con bà Châu… Trong lần đưa ông Ẩn về này, chị Bảo Châu bất ngờ phát hiện những vết thâm tím nghiêm trọng trên đùi ba mình. Tìm hiểu ra thì thời gian ở nhà các con bên quận 7 ông Ẩn đã bị một người con trai gây ra, điều này đã được anh L. và một người chị dâu xác nhận (?)…

Mẹ con bà Châu thừa nhận không đủ khả năng chăm sóc ông Ẩn.

Sau lần này vì cuộc sống ngày càng khó khăn nên chị Bảo Châu đã có lần chở ba mình sang nhà các anh chị cùng cha khác mẹ ở quận 7 với mong muốn họ có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng nhưng hai bên đã có lời qua tiếng lại lớn tiếng với nhau, thậm chí nếu không có hàng xóm và nhiều người can ngăn thì có thể đã xảy ra xô xát. Theo chị Bảo Châu thì người vợ trước của ba mình và một số người con của bà này đã hăm dọa đánh, "xử" chị.

Thấy tình hình quá căng thẳng nên anh Dương Thế Hùng là người con đầu của ông Ẩn đã đứng ra đại diện cho gia đình nói với chị Bảo Châu cứ đưa ông Ẩn về rồi thuê nhà, thuê người chăm sóc và tính luôn cả chi phí thuốc thang, ăn uống của ông Ẩn gộp lại sau đó chia đều ra cho tất cả các con gánh vác chung. Nghe lời, chị Bảo Châu đã tin tưởng thuê người chăm sóc cho ba mình mỗi tháng 3 triệu đồng… Tuy nhiên hết lần này đến lần khác từ đầu năm tới giờ dù đã liên hệ nhiều lần các con của ông Ẩn ở quận 7 gần như cắt đứt liên lạc và bỏ bê mọi việc chăm sóc ông Ẩn cho mẹ con bà Châu.

"Mấy tháng nay ba uống thuốc của người ta cho, chứ mẹ con tôi không có khoản tiền nào để mua thuốc cho ba cả. Điều tôi bức xúc là trong khi mẹ con tôi vô cùng nghèo khó thì các anh chị bên quận 7 rất khá giả nhưng mấy tháng nay họ gần như không đoái hoài gì tới ba… Họ cứ cho rằng mẹ con tôi lợi dụng ba để moi tiền của họ nhưng nói thật số tiền của họ đưa có bao nhiêu đâu, khi thì mấy trăm, lúc cao nhất cũng chỉ hơn 1 triệu đồng, trong khi tiền ăn uống thuốc thang cho ba nếu phải lo chu đáo thì gấp rất nhiều lần số tiền đó… Điều tôi lo lắng lúc này không chỉ là tiền để chăm lo cho ba tôi mà còn số tiền nợ tôi đã vay trước đây để thuê người làm và chăm lo cho ba tôi không biết tôi phải lấy tiền đâu ra để trả cho người ta", chị Châu buồn bã phân trần.

Để khách quan và có thêm thông tin rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm tới gặp vợ con trước của ông Ẩn. Theo những người này cho biết thì sau khi ly hôn, ông Ẩn chỉ sống cùng vợ mới mà gần như không đoái hoài gì tới 7 người con với người vợ trước. Chính người vợ cũ của ông Ẩn đã một tay chăm lo cho đàn con khôn lớn. Ngoài ra, sau này dù đã ly hôn và bản thân ông Ẩn cũng chỉ biết vợ con hiện tại, nhưng khi thấy ông Ẩn bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, người vợ cũ vẫn khuyên nhủ các con cùng chung tay có trách nhiệm với ba mình. "Khi ông ấy (ông Ẩn) bị tai nạn phải vào điều trị thời gian dài trong bệnh viện, người gây tai nạn quá nghèo khó nên chỉ bồi thường được 15 triệu đồng. Ngoài số tiền đó thì tất cả chi phí khác đều do các con tôi chung tay chi trả. Vậy mà mẹ con bà Châu cho rằng chúng tôi nhận tiền đền bù quá nhiều, chi trả các khoản còn thừa nên ghen tức (?)", vợ cũ ông Ẩn bức xúc nói.

Đề cập đến những lời trách cứ của mẹ con bà Châu về việc bỏ bê, không có trách nhiệm với cha mình, anh Dương Thái Hùng, con trai cả của ông Ẩn phủ nhận điều này. Theo anh Hùng giải thích, từ khi ông Ẩn bị tai nạn đến nay, gần cả chục lần nhập viện điều trị đều được anh em anh đứng ra lo liệu. Thậm chí khi ông Ẩn nằng nặc đòi về nhà vợ sau sống, anh và các em vẫn vui vẻ đồng ý, hỗ trợ hàng tháng cho bố. Tuy nhiên cô em gái cùng cha khác mẹ (tức chị Bảo Châu) cứ liên tục đòi hỏi tiền bạc (?) Thậm chí người này còn nhiều lần chửi bới các anh chị của mình khiến mấy anh em anh quyết định "cắt viện trợ" từ Tết đến nay.

Có lẽ câu chuyện này sẽ còn kéo dài và kết quả cuối cùng cũng chưa biết sẽ đi đến đâu. Tôi không có ý kết luận ai đúng ai sai, nhưng qua những chia sẻ, tâm sự của cả hai bên cho thấy, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già là trách nhiệm, nghĩa vụ đương nhiên của các con mà họ đã dứt ruột sinh ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì thật quá đáng buồn, cám cảnh khi chứng kiến tình cảnh vô cùng tội nghiệp của ông Ẩn hàng ngày đau đớn, mòn mỏi vì bệnh tật nặng nề nhưng không được chăm sóc chu đáo và chữa trị đầy đủ, trong khi đó mẹ con bà Châu lại vô cùng khó khăn, cùng quẫn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng khu phố 4, phường Tam Bình, quận Thủ Đức xác nhận, gia đình bà Châu tạm trú tại địa phương thời gian qua. Hoàn cảnh gia đình bà Châu rất khó khăn do phải nuôi chồng bệnh nặng. Để hỗ trợ thêm, từ tháng 5/2014, mẹ con bà Châu đã được xét vào diện hộ nghèo, được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế…

Phú Lữ
.
.
.