Nỗi buồn của đại gia đình có nhiều người lùn nhất Việt Nam

Thứ Sáu, 19/07/2013, 10:48

Gia đình ba thế hệ nhà ông Phạm Văn Thiêm và bà Nguyễn Thị Mơ (xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) có mười sáu thành viên thì một nửa trong số họ có chiều cao chưa tới 100cm. Có lẽ với từng ấy người lùn thì gia đình họ đã được liệt vào kỷ lục Việt Nam. Nhưng đó là một lỷ lục buồn mà có lẽ không ai trong số họ muốn có.

Ngôi nhà của những chú lùn kỷ lục

Có lẽ điều kì diệu nhất đối với gia đình bà Mơ chính là những mối tình đẹp, những  người trong gia đình lùn  kỷ lục Việt Nam lại lấy được những cô vợ đẹp biết yêu thương.

Ông Phạm Văn Thiêm, người lùn thế hệ thứ nhất của gia đình chỉ cao có 80cm. Các anh chị em trong gia đình đều cao ráo khỏe mạnh, trừ ông Thiêm. Không hiểu vì sao mà từ 5 tuổi trở đi, ông Thiêm gần như không cao thêm được nữa. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, ông Thiêm vẫn lủi thủi một mình, không có mảnh tình vắt vai, cuộc sống của ông chỉ gắn liền với cây sáo và lang thang đi biển. Nhưng chẳng ai ngờ, tiếng sáo của "chàng lùn" Thiêm lại mang lại cho ông một mối tình tuyệt đẹp như chuyện cổ tích.

Cô gái Nguyễn Thị Mơ, người bên huyện Hải Hậu, một lần sang Nghĩa Thắng ăn cưới họ hàng, trong một đêm trăng ra biển chơi tình cờ nghe thấy tiếng sáo. Ban đầu tiếng sáo còn lẫn tiếng sóng biển nhưng càng đi, tiếng sáo càng rõ. Cô Mơ cứ mơ màng theo tiếng sáo đêm trăng. Về nhà, tiếng sáo theo cô vào cả trong giấc ngủ, khi nhận ra mình đã phải lòng… tiếng sáo, cô lại từ Hải Hậu qua sông lụy đò để sang Nghĩa Hưng.

Ngồi nghĩ lại chuyện xưa, bà Mơ tủm tỉm cười: " Có khi do trời xui đất khiến đấy cô ạ, tôi không hiểu vì sao lại lấy ông ấy, tình cảm của tôi dành cho ông ấy không hiểu sao lại nhiều đến thế…".

Cuộc đời của vợ chồng ông Thiêm, bà Mơ đưa người dân miền biển Nghĩa Thắng từ những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sống với nhau được 7 mặt con thì ông bà có đến 5 người con (ba trai, hai gái) đều mang gen lùn của ông Thiêm.

Khi đến tuổi dựng vợ gả chồng cho các con của ông bà, vùng quê nghèo này lại thêm những câu chuyện tình đẹp như cổ tích. Hai cậu con trai của ông bà đều cưới cùng một ngày. Cậu con trai Phạm Văn Tuyến cao hơn 80cm lại lấy được cô vợ cao ráo, xinh xắn, khỏe mạnh. Hai cậu con trai Phạm Văn Tuyến và Phạm Văn Tới cưới vợ trong cùng một ngày. Anh Phạm Văn Tới mang gen mẹ nên cuộc sống bình thường như bao người khác.

Còn với anh Phạm Văn Tuyến thì cổ tích được lặp lại. Chị Lê vợ anh cao ráo, khỏe mạnh, xốc vác đúng chất con nhà ngư phủ. Cô em gái Phạm Thị Lơi không lùn, cô lấy chồng rồi về nhà chồng, anh Tới lập nghiệp bên làng nhà vợ, thế là trong ngôi nhà xiêu vẹo ấy chỉ còn lại mẹ chồng, con dâu "cao lớn" và sáu "chú lùn".

Vợ chồng anh Tuyến - chị Lê cùng các cháu.

Mong sao cái "sự lùn" ấy đừng đeo bám gia đình tôi nữa

Tựa tấm thân gầy gò bên chiếc ghế, bà Mơ mặt buồn xa xăm. Với bà, tình yêu chưa bao giờ có lỗi và việc nhất mực lấy được người mà mình yêu thương cũng không bao giờ là có lỗi. Nhưng cái lỗi duy nhất mà bà cảm thấy day dứt chính là việc sinh ra những đứa con với chiều cao cực kỳ khiêm tốn. Điều ấy đã làm khổ những người con của bà. Nó làm cho hầu hết những đứa con của bà cảm thấy tự ti trước xã hội.

Mỗi lần mang bầu thêm một đứa con là mỗi lần bà mang nặng sự hồi hộp, lo âu và cả những phập phồng hy vọng. Dù mong manh thôi nhưng bà luôn mong đứa sau sẽ không như đứa trước. Ấy vậy mà, trong bảy lần mang nặng đẻ đau thì chỉ có hai lần bà được toại nguyện.

Tính đến thời điểm này, ngoài 5 "chú lùn" mà bà sinh ra thì có tới ba người cháu cả nội lẫn ngoại cũng mang gen giống chồng bà. Vợ chồng anh Tuyến - chị Lê sinh ba đứa con thì chỉ cô út là cao giống mẹ, còn hai cậu con trai Phạm Văn Toàn (26 tuổi), Phạm Văn Luân (24 tuổi) cũng chỉ cao chấp chới chưa đầy một mét giống bố, giống ông. Đôi chân của Toàn còn khuềnh khoàng hơn bố, hơn các chú, các cô nên việc đi lại của cậu chẳng hề dễ dàng. Cháu Huy, con trai của cô út Phạm Thị Mừng cũng mang gen lùn của mẹ.

Bà Mơ cùng con gái và cháu ngoại.

Người con cả của ông Thiêm và bà Mơ là anh Phạm Văn Thiển chỉ cao 85cm nhưng vẫn đêm đêm cùng bố đi biển để phụ mẹ nuôi các em. Do thể lực kém cộng với việc phải làm lụng vất vả nên anh Thiển đã mắc bệnh và qua đời khi tuổi mới vừa tròn đôi mươi. Bốn người con lùn chưa đầy mét nhà ông bà hạn chế về sức khỏe nên lao động nặng nhọc đều do bà Mơ và vợ anh Tuyến gánh vác. Hai người đàn bà với chiều cao bình thường ấy đã trở thành trụ cột chính cho đại gia đình. Cuộc sống quá khó khăn khiến cả hai người đàn bà ấy nhiều lúc muốn kiệt sức.

Đến một ngày, tương lai trở nên tươi sáng hơn khi người con thứ Phạm Văn An xin được một chân trong gánh xiếc rong. Người dân Nghĩa Thắng vẫn tấm tắc khen anh An tài giỏi vì có bao nhiêu trò xiếc anh đều nhanh chóng học và diễn được. Khi đã thạo nghề, đã có thể theo đoàn xiếc đi khắp nơi, tự kiếm tiền nuôi thân, anh An về quê đưa hai đứa cháu Toàn, Luân đi theo học nghề của chú.

Đến giờ này thì hai người con lùn của anh Tuyến và chị Lê đã có thể kiếm tiền tự lo cho bản thân. Nhắc đến hai con, chị Lê không giấu được nỗi xúc động: "Nhờ chú An mà giờ hai con của tôi đã có thể tự lập. Thôi thì không may mắn có được hình hài như người bình thường nhưng các con của tôi vẫn vươn lên sống có ý nghĩa là tôi vui lắm rồi. Mà tôi nghe người ta nói, thằng Luân nhà tôi còn hát hay nhất đoàn cơ đấy".

Nghe con dâu nhắc đến chú An, bà Mơ rơm rớm nước mắt: "Nó giỏi nhất nhà đấy, thế mà một lần biểu diễn trò thổi lửa, chẳng hiểu làm sao mà người phục vụ lại đưa nhầm chai dầu thành chai xăng. Lúc nó ngậm xăng phun vào lửa, lửa bén cháy loang khắp mặt. Nó không chết, nhưng mặt mũi giờ trông thảm thương lắm. Khổ thân!". Nói rồi bà Mơ thở dài hắt ra, cứ nghĩ đến anh An là lòng dạ bà lại đau như cắt.

Mang tiếng là người tài nhất nhà nhưng cuộc sống của anh An lại luôn gặp phải những trớ trêu, oan trái. Dù vẫn lấy được vợ cao ráo nhưng đầu óc vợ anh An lại "có vấn đề". Chả thế mà khi đi làm giấy khai sinh cho đứa con trai đầu lòng, bố nó họ Phạm, mẹ nó họ Đồng nhưng tên họ của con lại là Nguyễn Văn Đoàn. Anh An đã bao phen dở khóc dở cười vì cái sự thiểu năng của vợ mình.

Khi cu Đoàn lên 3 tuổi thì chị vợ anh bỏ về quê Thái Nguyên. Vì phải lang bạt nay nơi này mai nơi khác để kiếm sống nên anh buộc lòng phải gửi khúc ruột của mình nhờ anh Tuyến, chị Lê nuôi hộ. Hồi cháu Đoàn đi học, anh Tuyến và chị Lê đã phải rất khổ sở vì cái giấy khai sinh không ăn nhập gì của nó.

Hai người con gái của bà Mơ là chị Phạm Thị Vui và Phạm Thị Mừng dù nhan sắc chả đến nỗi nào nhưng khổ nỗi chỉ vì cái chiều cao quá khiêm tốn ấy nên đã chả thể lấy chồng. Chân tay ngắn ngủn, sức vóc chẳng được bằng người, song chị Vui chăm chỉ, khéo tay nên xin được việc làm ở một xưởng may trên TP Nam Định. Không danh chính ngôn thuận lấy chồng nhưng chị cũng may mắn "xin" được giống của một người đàn ông với mong ước khi về già có người mà dựa dẫm.

Chị Mừng (thứ 2 từ trái qua) những ngày còn ở gánh xiếc.

May mắn không mang gen lùn của mẹ nhưng Nam lại bị suy thận mãn tính. Thế là cả đại gia đình những người lùn làm được bao nhiêu lại gom góp, tích cóp để đi chạy thận để mong kéo dài sự sống cho cháu. Sau này, chị Vui đã ôm con vào Nam nhờ anh An đùm bọc, ngày ngày chị lũn cũn đi khắp nơi bán vé số, bán tăm.

Chị Mừng cùng chung phận "xin" con với chị gái, cháu Huy khỏe mạnh, nhưng lùn xủn giống mẹ, mới bốn - năm tuổi đầu cháu đã "khiêm tốn chiều cao". Nheo nhóc theo mẹ mấy năm trời ở gánh xiếc bay, giờ cháu Huy lại theo mẹ vào Nam, lại nương nhờ vào bác An.

Không vô tư, xởi lởi như vợ, ngồi bên, thái độ anh Tuyến có vẻ không hợp tác. Hễ chị Lê kể gì về con cái, gia đình là anh lại lẩm bẩm bảo: "Hay ho gì mà khoe". Phải đợi đến lúc anh Tuyến đi ra sân chị Lê mới thầm thì với chúng tôi rằng: "Cô chú thông cảm nhé. Ngày xưa tính ông ấy không thế đâu nhưng kể từ ngày chú An bị tai nạn với bản thân ông ấy cũng mắc đủ thứ bệnh trong người nên ông ấy mới sinh ra cáu bẳn thế đấy!".

Thiệt thòi về chiều cao nhưng anh Tuyến lại là người rất sâu sắc.  Anh luôn cảm thấy "đau" vì hiểu rằng cực chẳng đã những đứa em, những đứa con của anh mới phải đem thân phận "lùn tịt" ra làm trò mua vui cho thiên hạ. Đấy là chưa kể đến việc những người lùn trong gia đình anh luôn ủ trong mình rất nhiều bệnh tật.

Mấy năm trở lại đây sức khỏe anh Tuyến suy giảm đi nhiều nên anh cũng chả thể đi biển giúp mẹ, giúp vợ chèo chống cho gia đình mình. Những việc anh có thể làm bây giờ cũng chỉ là vài việc lặt vặt như nấu cơm, quét dọn nhà cửa.

Nhìn anh Tuyến bần thần ngồi ngoài sân, chị Lê thở dài: "Ông ấy nhà tôi hay nghĩ lắm. Hết nghĩ thương các em, các con lại lo đến đời của các cháu. Lúc nào ông ấy cũng chỉ ước ao cái "sự lùn" ấy đừng đeo bám thêm gia đình tôi thêm một đời nào nữa. Khổ nhục lắm cô chú ạ!".

Phong Anh
.
.
.