Nỗi đau của mẹ Tính

Thứ Hai, 20/02/2012, 12:22

Ngôi nhà của bà Tính nằm trên một góc đường thành phố Vinh nhộn nhịp dường như lạc lõng với vẻ ồn ã của phố xá ngày tết. Bà Tính năm nay đón tết một mình. Hai con gái đã đi lấy chồng xa. Cậu con trai duy nhất của bà cũng vừa qua đời sau 46 năm nằm liệt giường. Chưa bao giờ bà Tính thấy mình cô đơn đến thế…

Nỗi đau làm vợ liệt sĩ, làm mẹ của một người con tật nguyền hơn 40 năm qua khiến bà Tính khô lại. Bà lại giở nhật ký ra và viết… Bà trút nỗi buồn vào đó, nhưng liệu bà có trút hết được những gánh nặng trần ai của cuộc đời mình.

Nỗi buồn hoá đá của người mẹ

Nhiều người gọi bà bằng cái tên thân thuộc Mẹ Tính. Bởi phía sau mái tóc bạc như cước của bà Tính, phía sau ánh mắt buồn thăm thẳm của bà là một cuộc đời đẫm nước mắt của một người vợ, người mẹ thời hậu chiến. Chiến tranh đã đi qua hơn 35 năm, nhưng những vết thương vẫn còn đó, hằn vệt trong đôi mắt buồn thăm thẳm của bà. 

Năm nay bà Tính đã gần 80 tuổi. Bà đã quen với nỗi buồn và cuộc sống một mình. Hai năm trước, bà còn có cậu con trai tật nguyền làm bạn. Nhưng rồi, anh cũng đã bỏ bà ra đi ở tuổi 46. Không có Sơn, cuộc đời bà Tính trở nên cô đơn lạ lùng. Dù tật nguyền nằm một chỗ, nhưng Sơn hiểu được nỗi buồn của mẹ. Bà chỉ cần được nhìn thấy đứa con tội nghiệp hàng ngày, coi như một niềm an ủi cho cuộc đời nhiều bất hạnh. Nhưng rồi niềm hy vọng cuối cùng đó của bà cũng bị cướp đi. Sơn mất đã được hai năm.

46 năm Sơn bị bệnh nằm một chỗ, chính bàn tay khẳng khiu gầy guộc của bà đã chăm sóc, tắm rửa và lo cho anh từng bữa ăn. Bà chạy vạy khắp nơi để chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Khi Sơn mất bà đã khóc cạn cả nước mắt. "Kiếp trước mình ăn ở thế nào mà giờ khổ thế này không biết". Trên bàn thờ của bà Tính là di ảnh của cha, của chồng và đứa con trai tội nghiệp. Nỗi đau cũng đã khô lại trong đôi mắt của bà…Tôi ngồi trên chiếc giường vừa là chỗ tiếp khách của bà Tính, cầm bàn tay hằn vệt gân guốc của bà, cảm giác như bà đã thuộc về người thiên cổ.

Bà Hà Thị Tính sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Bà từng làm Chủ tịch xã khi còn rất trẻ, 20 tuổi. Cha bà Tính là cụ Hà Trình, chi ủy viên chi bộ xã Nam Giang, bị thực dân Pháp bắt tù chung thân và hy sinh năm 1945. Bà gặp Trần Minh, người đàn ông mà bà gắn bó nhớ thương cả cuộc đời nhưng chỉ sống với nhau vẻn vẹn 60 ngày. Ngày đó, ông Minh về đóng quân ở làng của bà, lên Ủy ban xin xác nhận đơn xin nghỉ phép. Ông bị hút hồn bởi một cô gái trẻ nhưng tính cách quyết liệt, thông minh và chững chạc. Ông ngồi ở Ủy ban cả buổi không chịu về. Đến hôm sau, ông Minh nhờ Đảng ủy mối lái làm quen với cô Tính.

"Ông ấy mẹo lắm, đầu tiên là nhờ Đảng ủy, sau đó là nhờ mẹ tôi. Hồi đó tôi thương mẹ chịu nhiều thiệt thòi, nên bà nói gì cũng nghe vì không muốn làm mẹ buồn". Bà kể: Hồi đó, Đảng ủy mang trầu cau xuống, mẹ tôi bảo, mi lấy khi mô tau chết mi muốn mần răng thì mần".

Mẹ Tính.

Cô gái 20 tuổi, chưa một lần yêu, thậm chí sợ đàn ông đã trở thành vợ của một cán bộ cách mạng. Một đám cưới giản dị đã diễn ra trên chính mảnh đất Nghi Xuân, nhưng ngày đầu tiên làm vợ, hai người vẫn chưa chính thức là vợ chồng. Ông Minh vì nhiệm vụ phải lên đường. Mãi đến chuyến về phép lần sau, hai người mới chính thức là vợ chồng, và một cô con gái ra đời… Cả cuộc đời làm vợ của bà Tính cũng như nhiều người vợ trong chiến tranh, chỉ sống với chồng trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi chồng đi công tác ghé qua nhà. Bà thương chồng đơn độc, vì ông Minh mồ côi bố mẹ từ khi còn nhỏ.

Một ngày với nhau cũng nên nghĩa, nên đối với bà Tính, mối thâm tình của ông với bà còn lớn hơn tất cả. Bà nhận về mình tất cả mọi lo toan. Ba đứa con, kết quả của ba lần về phép của ông đều một mình bà chăm chút. Cả đứa con tật nguyền vì bị sức ép của bom. Đến 1968, nhận được giấy báo tử của ông, bà vẫn không tin. Chiến tranh, loạn lạc, biết đâu có sự nhầm lẫn. Bà Tính vẫn âm thầm nuôi niềm hy vọng. Ngày đó, ông công tác trong phái đoàn đặc biệt sang Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan nên không liên lạc với gia đình. Bà hy vọng, biết đâu họ nói dối bà để giữ bí mật.

Bà Tính trút nỗi buồn, những nhớ thương của mình vào những trang nhật ký viết cho chồng hàng đêm, khi các con đã ngủ. Cuốn nhật ký đã ố màu vì thời gian và nước mắt của cuộc đời một người phụ nữ đau khổ.

Những trang nhật ký đẫm nước mắt

Cuộc đời bà Tính là một cuốn nhật ký dài đẫm nước mắt. Mãi đến năm 1984, bà Tính mới tin là chồng đã hy sinh khi bà tìm gặp được những đồng đội xưa của chồng. Ông mất trong chuyến công tác đặc biệt gần sông Mê Công. Trong khoảng thời gian chờ đợi, hy vọng, bà trút nỗi buồn vào những trang nhật ký.

Nhật ký của mẹ Tính.

"Anh đi im lặng. Để lại cho cuộc đời bốn mẹ con em đầy cay đắng và khổ đau. Năm 1965, Sơn ốm, em phải đưa con lên Bệnh viện ở Hà Nội trong lúc lương anh không có. Thế là mẹ con em sống giữa Hà Nội bằng không khí, không tiền, không gạo".

"Khi anh đi cầm súng mới 16 tuổi mang tên người khác. Ở chiến trường, nơi nào gian khổ nhất thì anh có mặt. Từ lúc anh hy sinh đến nay vẫn chưa biết anh ở đâu…". "Cả cuộc đời anh, tuy anh thương vợ, thương con, nhưng vợ con anh chỉ là một phần nhỏ bé. Như vậy, cả cuộc đời anh sống trọn vẹn cho đất nước, cho nhân dân".

Gian khổ mấy rồi cũng vượt qua, nhưng những nỗi đau thì không bao giờ lành vết. Bà thương một nỗi ông mất mà không mang được mộ phần về. Bà lặn lội 2 năm ròng rã sang tận đoạn sông Mê Công để đưa được hài cốt chồng trở về. Đi bộ gần 10 ngày trời dọc con sông đó cùng đồng đội của chồng, bà mới tìm được ông. Có thế bà Tính mới an lòng. Hình ảnh một người phụ nữ gầy yếu vượt Nam tìm mộ chồng đã khiến nhiều người cảm động. Họ hiểu tấm chân tình của bà Tính. Nỗi buồn đã hóa đá trong đôi mắt người phụ nữ mòn mỏi vì chờ đợi. Bởi nỗi đau của bà Tính đâu chỉ dừng lại ở đó. Anh Sơn, đứa con thứ 3, bị sức ép bom và nằm liệt giường từ khi còn nhỏ tuổi.

Cuộc sống khốn khó, một mình bà Tính bươn chải nuôi các con lớn lên. Nhưng có Sơn, tâm hồn giá lạnh của bà như được sưởi ấm. Từ ngày anh Sơn mất, bà gần như ngã quỵ. Phải 49 ngày sau, bà mới gượng dậy được. Nhật ký của bà Tính lại đẫm những dòng nước mắt như thế này: "Anh Minh ơi, có nỗi đau nào mà em không phải gánh chịu. Mất cha mẹ, anh chị rồi mất anh mất con. Còn nỗi đau nào lớn hơn thế. Em lấy anh từ lúc 18 tuổi đến nay đã 73 rồi. em đã cố gắng chăm sóc Sơn để anh được yên lòng. Vậy mà".

46 năm bà Tính một mình chăm nuôi đứa con tật nguyền. Khổ đau, vất vả, một mình bà nín chịu. Một mình bà Tính bươn bã phiêu bạt đưa các con từ nơi này sang nơi khác trong những năm chiến tranh. Nhiều người mất chồng còn có gia đình và những người thân. Còn mấy mẹ con bà Tính, gần như không có người thân thích. Nhiều lúc bà tự hỏi, không hiểu mình đến từ đâu, sao không có gốc gác cội nguồn.

Nhật ký của bà Tính còn dành một phần lớn viết về người cha thân yêu mà bà chưa một lần thấy mặt. Bà Tính đã mất ròng rã hơn 20 năm lần mò và gõ cửa nhiều nơi. Mãi đến năm 2001, bà mới tìm được hồ sơ về cha mình tại Cục Lưu trữ-Bộ Công an. Bà đã òa khóc nức nở như một đứa trẻ, bởi lần đầu tiên bà được nhìn thấy người sinh thành, dù chỉ là bức ảnh đã nhòe nét. Rồi sau đó, bà cũng tìm được mộ của cha. Cây có cội, sông có nguồn, nhiều lúc bà Tính tự hỏi, không hiểu tại sao mình sinh ra trên đời như một mầm cây, tự nảy mầm, tự lớn lên mà không có anh em họ hàng. Con người không có cội nguồn sẽ cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời không chốn nương thân. Bà Tính lại lặn lội đi tìm lại dòng họ Hà ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh…

Ở tuổi 75, bà Tính mới tìm được sự bình an trong tâm hồn. Mái tóc bạc trắng vì những đêm không ngủ. Giờ bà Tính không còn viết nhật ký nữa. Bà giữ gìn cuốn nhật ký cẩn thận như một báu vật. Nhiều năm nay, bà Tính quy y cửa Phật, tìm đến cõi thiền để hóa giải những muộn phiền trên cõi nhân gian. Hàng ngày bà tụng kinh niệm Phật. Hình như ở bà Tính, không có nỗi đau nào có thể chạm tới bà được nữa. Tôi chợt nhớ đến một câu thơ của nhà thơ Anh Ngọc viết về nỗi buồn. Ở đâu, ở đâu nỗi buồn hóa đá. Ở đây, đá hóa nỗi buồn. Vâng, ở mẹ Tính, đá đã hóa nỗi buồn.

Nhiều năm nay, bà Hà Thị Tính sống một mình ở thành phố Vinh. Bà là con độc nhất của liệt sĩ Hà Trình.  Bà vẫn canh cánh trong lòng hai điều: được xã hội công nhận chế độ tù đày cho cha và chế độ đặc biệt cho chồng. Trung ương Đảng cũng đã có chế độ đặc biệt cho những người tham gia Đoàn 95. Năm 2001, Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã có Công văn 425 về việc báo cáo thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công tác ở Đoàn 95 gửi các Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy yêu cầu kiểm tra, nếu có sai sót báo cáo Trung ương. Ông Trần Minh có tên trong danh sách 16 người ở trong đoàn đặc biệt, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được chế độ, hay giấy chứng nhận. Bà Tính chỉ mong nhận được một tờ giấy công nhận những đóng góp của chồng, vì danh dự, vì xương máu của ông đã đổ xuống. 

Khánh Linh
.
.
.