Nỗi đau của người cha bị chia cắt tình phụ tử

Thứ Ba, 08/05/2012, 15:52

Có lẽ sau khi đọc câu chuyện tan vỡ của một gia đình dưới đây, chắc chắn nhiều người sẽ có cảm giác ngạc nhiên và tự hỏi tại sao trên đời lại có những hoàn cảnh trớ trêu và ngược đời đến vậy. Bởi một người đàn ông dù hết lòng với gia đình, với đứa con gái bé bỏng, nhưng sau khi vợ chồng ly dị, ông đã bị chính người vợ tìm mọi cách và không từ thủ đoạn nào để ngăn cản cha con ông gặp nhau.

Đằng sau câu chuyện "không của riêng ai" này là bao nỗi đau đớn, xót xa của một người cha bị ngăn cấm tình phụ tử!

"Tôi đã chọn nhầm mẹ cho con tôi"!

Trước khi gặp ông Võ Trọng Nguyên (52 tuổi, ngụ KP3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai), chúng tôi cứ suy nghĩ miên man rằng rất có thể ông phải là một người như thế nào đó thì vợ ông mới tìm cách chia lìa tình cha con của ông. Nhưng sau khi được tiếp xúc và nghe ông trải lòng về cuộc đời ông, về cuộc hôn nhân "sớm nở tối tàn" của ông với bà Đ.T.B.H. (45 tuổi, ngụ ở đường Lương Định Của, phường An Khánh, Q.2, TP HCM) và cuộc chiến giành lại con của ông mới thấy quả thật trên đời này luôn ẩn chứa những điều không thể hiểu nổi.

Cách đây 9 năm, ông Nguyên (lúc đó cũng đã hơn 40 tuổi) và bà H. (trước đó bà này đã từng có một đời chồng và một con trai riêng) cùng tự nguyện xây dựng gia đình với nhau. Một năm sau ngày cưới, hai ông bà đã sinh được đứa con gái xinh xắn là cháu Võ Thị Thùy Linh (8 tuổi). Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, cuộc hôn nhân không thể cứu vãn được và người đứng đơn xin ly hôn chính là bà H. 

Trước khi tòa giải quyết cho vợ chồng ông được thuận tình ly hôn, theo lời ông Nguyên thì chỉ sau mấy ngày sinh con ra, bà H. gần như bỏ mặc đứa con gái còn đỏ hỏn cho ông chăm sóc và nuôi dưỡng - "Ccháu Thùy Linh đã èo uột lớn lên bằng nước cháo, sữa bột và hơi ấm của người cha. Sữa mẹ với cháu chỉ là sự ban ơn và là thứ xa xỉ mà thỉnh thoảng cháu mới được mẹ ban cho", mắt ông rưng rưng.

Một tin nhắn cháu Thùy Linh đã gửi cho ba.

"Tôi thất vọng và cảm thấy có lỗi với con mình vì tôi đã chọn nhầm cho cháu một người mẹ không có tình mẫu tử và cũng từ đó tôi tâm nguyện với lòng mình sẽ hy sinh tất cả vì các con, kể cả con riêng của cô ấy - chính cháu đã xác nhận tôi (ba Nguyên) thương yêu cháu hơn ba ruột của mình. Còn đối với Thùy Linh, thương con bị chính người mẹ phân biệt, tôi đã vừa là ba, vừa là mẹ, vừa là bạn và là bác sĩ của cháu. Được đứa cháu gái gọi tôi bằng cậu ở chung (học đại học) hỗ trợ, tôi đã lo từ bữa ăn - giấc ngủ - vui chơi và cả vệ sinh cho con gái. Chỉ cần nghe hơi thở của con, nắm bàn tay, bàn chân con là tôi đã biết trước sức khỏe con mình ra sao và cần phải làm gì", ông Nguyên nói với chúng tôi mà cứ như ông đang tự sự với chính mình.

Cứ thế, thời gian thấm thoắt cho đến lúc trước khi họ ly hôn đã đúng 7 năm kể từ khi cháu Thùy Linh được sinh ra. Những lúc cháu gái ông nghỉ hè về quê, ông đi làm phải nhờ các cô ở cơ quan hầm xương nấu cháo mang từ Biên Hòa về TP.HCM đón và cho con ăn tại trường mầm non, trong khi đó người mẹ chẳng đoái hoài gì tới con mình (!?).

"Con gái tôi vô cùng tình cảm, nó rất thương ba và cũng rất thương mẹ, nhưng điều đau đớn nhất là nó còn quá nhỏ nhưng đã gặp phải chuyện bất hạnh và giờ đây nó phải chọn kiểu sống "hai mặt" - một mặt nó chiều mẹ, theo ý mẹ, nếu mẹ nói xấu ba, nó cúi mặt xuống, không tham gia vào, nhưng mặt khác trong lòng nó rất thương và nhớ ba. Nhiều lần nhận được tin nhắn của nó nói nhớ thương ba mà tôi rớt nước mắt, cảm giác đau đớn đến tột cùng vì mình làm cha mà chẳng giúp được gì cho con", ông thẫn thờ chia sẻ.

"Hãy cứu lấy con gái tôi"!

Tuy nhiên, theo ông Nguyên, vì sự tính toán cực đoan và lo sợ con gái sẽ theo cha sau khi ly hôn… bà H. đã không từ một thủ đoạn nào để chia cắt tình cảm phụ tử giữa ông và con như dùng dao đe dọa đâm chém, ép con gom quần áo của cha và bắt con đuổi người cha mà nó yêu thương ra khỏi nhà, con khóc đòi đi theo cha thì bà H. quát lớn - "đi theo, tao chém chết".

Tệ hơn nữa, bà H. còn chuẩn bị một cây kiếm Nhật dài 1m sắc nhọn rồi dùng nó đe dọa đứa con nhỏ là sẽ chém chết ba nó nếu còn quấn quýt với ông (?) "Thương con gái còn bé bỏng lại phải giằng xé tâm can khi quá yêu thương ba nhưng buộc phải nghe lời mẹ vì sợ bị chém chết, tôi đã phải cắn răng chịu đựng ở lại Biên Hòa và xa con từ tháng 2/2011.

 

Tình phụ tử của cha con ông Nguyên đã bị chính vợ ông chia cắt.

Thời gian đầu cha con liên lạc với nhau qua điện thoại (ông Nguyên mua cho con) đồng thời cô cháu gái học xong nhưng vì thương em xa ba nên ở lại để chăm sóc em, nhưng ngay sau đó cô ta phát hiện ra nên đã thu điện thoại của con, cắt điện thoại bàn và đuổi đứa cháu của tôi đã bao năm gắn bó chăm sóc em ra khỏi nhà. Cấm tuyệt đối không cho cháu tôi và tôi về thăm em, thăm con...", ông Nguyên đau xót giãi bày.

Ông Nguyên còn cho biết rằng, điều đáng buồn và bức xúc là mặc dù giành giữ con nhưng bà H. lại bỏ mặc con và chỉ nhờ một cô hàng xóm cạnh nhà giúp đỡ. Vì thế, dù là chỗ thân tình với bà H. nhưng người hàng xóm này cũng không chịu nổi và công khai phê phán sự bỏ bê con cái của bà ta...

Ông Nguyên kể, khi vợ chồng lục đục, tôi cũng nghĩ bây giờ mình có con rồi thì mình phải hy sinh phần nào đó để cho con có đầy đủ cha mẹ, không gây tổn thương cho cháu. Do đó chính tôi đã chấp nhận mọi chuyện, còn chuyện vợ chồng cứ để cuộc sống hàn gắn tới đâu hay tới đó. Đương nhiên, chuyện ly hôn tôi không hề muốn và tôi cũng đã làm hết sức để hàn gắn nhưng mọi chuyện sau đó đã không còn nằm trong khả năng của tôi".

Một chuyện không phải ai cũng biết, đó là trước khi cưới nhau, ông Nguyên đã biết về hoàn cảnh của bà H. do ông bà từng là bạn bè, nhưng có lẽ cuộc đời chẳng ai lường được chữ ngờ.

"Cô ấy trước kia là bạn bè của tôi, tôi nghĩ mình cũng đã lớn tuổi nên chỉ cần có một gia đình ổn định, mà cô ấy đã tan vỡ một lần chắc cô ấy sẽ quý trọng hạnh phúc gia đình, do đó tôi mới quyết định tiến tới hôn nhân. Nhưng sau này có người đã nói với tôi rằng tôi đã sai lầm vì bản chất con người không thể thay đổi được. Đặc biệt, chính cô ta từng tuyên bố sẽ làm mọi việc để khiến cho tôi mất chức, trắng tay và cô đơn suốt đời. Chắc có lẽ trên thế giới này, phụ nữ như cô ta chỉ có một (những tình tiết ông Nguyên nói về con người và những quan hệ tình cảm không trong sáng của bà H., chúng tôi không tiện nêu ra đây - PV)", ông chua chát.

Một lá đơn của ông Nguyên về việc bà H. ngăn cản không cho ông thăm con.

Điều đáng nói là sau hai phiên xử ở cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm (tháng 10/2011 và tháng 3/2012), với sự suy xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh liên quan, Tòa án nhân dân TP. Biên Hòa và Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đều có chung phán quyết, đó là "giao cháu Võ Thị Thùy Linh cho ông Nguyên nuôi dưỡng…" (Những chuyện tòa xử phân chia tài sản giữa vợ chồng ông Nguyên, chúng tôi xin không đề cập trong bài viết này - PV).

Vậy mà cho đến hôm nay, bà H. vẫn không thực hiện theo phán quyết của các cấp tòa là giao trả con gái cho ông Nguyên. Đã bao lần ông tìm đến thăm con, thậm chí phải ngồi đợi nhiều giờ liền giữa đêm khuya mà vẫn không gặp được con, nhiều người hàng xóm láng giềng đã chứng kiến và cảm thương cho ông. Lần ông gặp con gần đây nhất chính là ở phiên tòa phúc thẩm và hình ảnh cháu Linh ở tòa không biết phải theo cha hay theo mẹ cứ mãi ám ảnh ông.

Lúc này, điều ông Nguyên lo lắng nhất chính là tâm lý và tinh thần của con gái mình sau mọi chuyện có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. "Dù nói gì thì trong chuyện này cũng đã trải qua phán quyết của cả hai cấp tòa, vì thế những người liên quan phải chấp hành. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là phải làm sao bảo đảm cho tâm lý và tinh thần của con gái tôi không bị tổn thương. Tôi rất mong các cơ quan tuyên truyền có thiện chí, các đoàn thể có liên quan nên thể hiện vai trò của mình để vừa giúp ngăn chặn một "tội ác" (ông sử dụng từ "tội ác" - vì một người mẹ sinh con ra mà lại hành hạ con mình, khiến nó đau khổ, và có thể có nguy cơ bị trầm cảm nặng nề bởi nó chỉ là một đứa trẻ mà đã sớm phải suy nghĩ, giằng xé, lâu ngày sẽ mang bệnh), cứu lấy một đứa bé cụ thể, đồng thời cảnh báo cho xã hội để những người lớn phải có trách nhiệm và suy nghĩ đến những đứa con bé bỏng của mình trước tiên", ông nhắn nhủ.

Chuyện ông Nguyên nhiều lần đến thăm con nhưng bà H. đã tìm mọi cách để ngăn cản, cấm đoán không cho ông Nguyên thăm con, thậm chí đưa con đi chỗ khác để cha con không được gặp mặt nhau đã được ông Nông Đức Sầm - Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 41 khu phố 3, phường An Khánh, quận 2 xác nhận. Ông Sầm cho biết: "Việc cô H. không cho ông Nguyên gặp con là sai, ở đây hàng xóm láng giềng ai cũng đều thấy việc làm của cô H. là vừa không đúng pháp luật vừa không đúng với bản chất của người phụ nữ Việt Nam…".

Một luật sư ở tỉnh Đồng Nai cho rằng:

"Dù tòa án hai cấp đều đã tuyên bà H. phải giao con gái cho ông Nguyên nuôi dưỡng, nhưng bà ấy vẫn không chấp hành, hơn nữa còn ngăn cản cha đến thăm con. Trong chuyện này ngoài mặt luật pháp còn có mặt đạo đức, tình cảm gia đình, bởi dù có ly hôn thì họ vẫn là cha là mẹ của đứa bé. Việc quan trọng nhất chính là làm sao để đứa bé phát triển tốt nhất và người làm cha làm mẹ phải thấy được điều này".

Phú Lữ
.
.
.