Nỗi đau mang tên Axit

Thứ Ba, 08/09/2015, 08:00
Xuất phát từ những động cơ đê hèn, đội lốt thú tính, những tên tội phạm nung nấu dã tâm triệt hạ đồng loại bằng axit. Để rồi, chúng thỏa mãn cơn hận thù của mình khi nạn nhân bị hủy hoại thể xác, tan nát tinh thần, phải sống hết đời trên nỗi đau không lành lặn. Cơn ác mộng axit đã và đang rò rỉ âm ỉ vào mỗi gia đình, mỗi nạn nhân…
Cơn ác mộng… axit

Điểm lại những vụ tạt axit trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mấy năm trở lại đây vẫn khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Ngoài những hậu quả nặng nề trước mắt thì nạn nhân đang phải sống trong cảnh đau đớn về thể xác lẫn tinh thần nghiêm trọng, để lại hệ lụy kinh hoàng đến hết cuộc đời. Còn nhớ vụ tạt axit cách đây hơn hai năm tại quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) khiến gia đình 4 người gồm vợ chồng và hai con nhỏ của chị Phạm Thị Thanh Xuân (37 tuổi) bị tàn phá tinh thần và thân xác nặng nề.

Hung thủ vẫn đang bám vào bản giám định tâm thần để được tự do ngoài xã hội. Còn gia đình chị Xuân, kẻ ở người đi, hạnh phúc vụn vỡ. Đứa con trai đến tuổi đi học, bị bạn bè xa lánh, trêu chọc là "con quỷ". Cháu mặc cảm ê chề, chỉ muốn bỏ học. Nỗi ám ảnh khiến căn nhà luôn khóa trái cửa. Những nạn nhân axit ngày này qua tháng nọ sống thu mình, tự kỷ, không dám đối mặt xã hội.

Nguyên nhân chỉ vì những xích mích đơn thuần của hàng xóm láng giềng. Chẳng ai nghĩ tới cuộc va chạm nhỏ nhặt tầm thường như vậy lại khiến những người hàng xóm mà ông bà ta vẫn nói "tắt lửa tối đèn có nhau" mang lòng hận thù cay độc. Hắn rửa thù bằng những ca axit dội thẳng vào người hàng xóm, kể cả một đứa trẻ hắn cũng không tha.

Vào đầu tháng 11 năm 2013, nỗi đau còn nóng hổi trên cơ thể các nạn nhân của vụ tạt axit khiến 6 người bị thương xảy ra tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TP Hồ Chí Minh) một lần nữa gây chấn động xã hội. Kẻ đê hèn Nguyễn Văn Dũng (32 tuổi, ngụ Bến Tre) ra tay với cả những người hắn chưa từng va chạm, chưa từng gây thù chuốc oán với hắn.

Cuộc sống địa ngục của những nạn nhân bị thảm họa axit.

Hắn quyết tâm thực hiện ý đồ tàn phá nhan sắc cô Hồng Kim Huôi (23 tuổi, ngụ Kiên Giang) vì tội đã khước từ tình cảm của hắn. Hôm đó hắn phục sẵn ở cổng công ty cô Huôi làm. Giờ tan tầm, nhác thấy bóng cô Huôi đi cùng ba người bạn gái, hắn nhào tới tạt thẳng ca axit vào nhóm bạn cô Huôi. Bị dính axit, các cô lăn lóc ra nền đất kêu khóc. Cô Huôi phát hiện và gượng bỏ chạy, hắn truy kích đến cùng. Cô Huôi chạy nép vào bà bán vé số, hắn bất cần biết sẽ làm ảnh hưởng đến những người vô tội, hắn thẳng tay tạt axit về phía "tình địch".

Hậu quả, bà bán vé số bị bỏng nặng. Hai đứa trẻ đứng chơi gần đó cũng bị axit văng trúng người. Hắn khai với cơ quan điều tra rằng, do cô Huôi nợ tiền hắn không có ý định trả nên hắn phải "dằn mặt" chỉ để lấy lại tiền chứ không có ý giết người. Tuy nhiên, hắn cũng thừa nhận là có cảm tình với cô Huôi ba năm rồi.

Hắn ngụy biện là thế, nhưng hầu hết bạn bè và hàng xóm đều hiểu chắc chắn một điều, hắn vì căm tức việc cô Huôi chuẩn bị lấy chồng. Hắn uất hận vì mối tình đơn phương mấy năm trời mà kết cục lại không thể "đơm hoa kết trái". Mục đích chính của hắn là phải hủy hoại dung nhan cô Huôi cho hả lòng hả dạ. Những ca axit chính là sự dồn nén thù hằn, căm phẫn bấy lâu nay hắn ôm trong lòng.

Càng ngày, loại "tội phạm axit" càng là mối đe dọa thường trực đối với tính mạng con người. Nguy hiểm hơn, đa phần những vụ án axit xảy ra có liên quan đến lĩnh vực tình cảm, ghen tuông. Những hiềm khích bất hòa trong cuộc sống hằng ngày khiến con người tự cho mình cái quyền hủy hoại cuộc sống đồng loại. Dù thế nào đi nữa thì cách hành xử với nhau theo kiểu tạt axit là một tội ác không thể dung thứ. Thiết nghĩ, pháp luật cần mạnh tay trừng trị loại tội phạm này để làm gương răn đe.

"Sát thủ axit" Nguyễn Văn Dũng.

Mua axit ư, loại nào cũng có…

Trong vai những người đi mua axit, chúng tôi ghé chợ Kim Biên (quận5, TP Hồ Chí Minh). Khu chợ này nổi tiếng là trung tâm kinh doanh hóa chất, phẩm màu thực phẩm, công nghiệp… chuyên cung cấp cho các cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố.  Khi chúng tôi vào hỏi mua axit, một số chủ quán ban đầu đều tỏ vẻ nghi ngờ, cảnh giác.

Ghé vào một gian hàng, vừa hỏi mua axit, lập tức chủ quán xua tay, lắc đầu: "Ở đây không bán". "Chỗ tui toàn bán hóa chất thực phẩm thôi, lấy đâu ra cái loại "chết người" đó mà bán". Đến một quầy khác, chủ quán vừa nghe chúng tôi hỏi mua axit vội ngửng mặt lên nhìn chằm chằm: "Mua loại gì? Nhiều không”. Chúng tôi trả lời: "Mua một lít". Đột nhiên chủ quán gắt: "Ở đây không có".

Không rõ họ cảnh giác với giới báo chí, đội quản lý thị trường, hay trông chúng tôi giống mấy đứa đi đánh ghen nên không dám bán? Rõ ràng trên kệ hàng những can nhựa ghi công thức hóa học nhiều loại axit loãng như axit clohydric, axit percloric, axit phosphoric… nằm chình ình ngay trước mặt nhưng chủ cửa hàng cứ lia lịa xua tay. Ông ta nói thẳng: "Ở đây không bán lẻ". "Vậy mua bao nhiêu mới bán?". "5 lít trở lên".

Ngược xuôi nhiều vòng không mua được axit lẻ, chúng tôi đành hỏi thăm cánh xe ôm. Vừa hỏi chỗ nào bán axit, một ông hăng hái chỉ: "Ôi trời, cái chợ này thiếu gì chỗ bán lẻ axit. Tại mấy cưng hỏi mua ở chỗ hay bán sỉ nên không được thôi. Mấy cưng tới cửa hàng T.N đầu chợ kìa. Chỗ đó bán lẻ, mua một xị cũng bán, loại nào cũng có. Còn không thì mấy cưng mua ở mấy tiệm sửa xe hay chỗ sạc bình ác quy gần nhà cho tiện, ở mấy chỗ đó có hết. Tội tình gì mà mò lên đây chi cho khổ ".

Axít, nếu cần là có.

Cửa hàng T.N. bày bán rất nhiều loại hóa chất dùng trong công nghiệp, từ chất tẩy rửa đến các loại hóa chất thực phẩm. La liệt trước cửa hiệu là các can, thùng nhựa to nhỏ loại 30 - 20 lít đến loại 1 lít, nửa lít… đựng đủ loại dung dịch trắng, vàng loãng, xanh... không nhãn mác. Thấy có khách, bà chủ vồn vã. Biết chúng tôi mua axit clohidric, bà ta kêu cậu nhân viên đong cho khách mà không đoái hoài tới việc chúng tôi mua để làm gì. Cậu nhân viên chừng mới 13, 14 tuổi lóng ngóng dốc thùng axit vàng nhờ đổ vào can 1 lít cho khách.

Cậu nhân viên đưa cho chúng tôi can đựng axit đã bỏ vào bọc nilon cẩn thận. Chỉ 20 ngàn đồng cho một lít axit. Không ngờ thứ vũ khí chết người này lại rẻ đến vậy. Bà chủ quảng cáo thêm: "Tụi em mua càng nhiều thì chị càng bớt cho, lấy mỗi lít chỉ 15 ngàn thôi". Trước khi quay ra, bà không quên dặn dò: "Tụi em hoặc bạn bè có đứa nào muốn mua nhiều thì cứ alô cho chị. Chị kêu lính giao hàng tận nơi, miễn phí. Loại nào cũng có".

Nắng trưa, mặt chúng tôi ai nấy đỏ bừng bừng. Chạy xe một vòng để tránh sự chú ý của bà chủ quán, chúng tôi tạt vào cửa hàng M. hỏi mua axit sunfuric - loại axit đậm đặc cực nguy hiểm. Ông chủ nghe xong, không thèm để ý vẻ mặt khách hàng, liền lấy ngay một chai axit đã đóng sẵn đưa cho chúng tôi. Trên thân chai chỉ thấy ghi vẻn vẹn công thức hóa học H2SO4, ngoài ra không có thêm bất cứ thông tin gì. Chúng tôi hỏi vẻ ngơ ngác: "Hàng gì đây? Tụi em cần loại mạnh ấy". "Cái này nhập từ Trung Quốc, muốn loại xịn hơn thì cưng lấy hàng của Đức, Nhật… Nhưng giá "chát" hơn. Năm trăm mấy một chai".

Ông chủ cũng chẳng đoái hoài xem hai đứa con gái kia có phải đi đánh ghen không mà mua loại axit cực mạnh vậy. Ông ta chỉ dẫn cẩn thận: "Tụi em có nhu cầu pha chế tăng độ đậm đặc, muốn axit xịn hơn thì cứ đến chỗ anh".

Thời đại Internet, giờ chỉ cần ngồi nhà, lên Google đánh ba từ "cần mua axit" là hàng triệu kết quả hiện ra chưa đầy 0,3 giây. Trên mạng còn phong phú, đa dạng hơn với hàng trăm loại "thần chết" loãng, đặc khác nhau với giá cực "sốc". Cách thức mua hàng vô cùng đơn giản, chỉ cần click chuột đăng ký số lượng, báo địa chỉ giao hàng là có ngay "thần chết" trong vài phút.

Ngày 1/7/2008, Luật Hóa chất, trong đó bao gồm các quy định chặt chẽ về việc quản lý hóa chất axit, chính thức có hiệu lực. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2008/NĐ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Nghị định 108 phân axit ra gần 30 loại, và xếp hóa chất này vào danh mục hóa chất phải khai báo khi lưu thông trên thị trường vì tính độc hại nghiêm trọng. Để hướng dẫn cụ thể việc khai báo, Bộ Công Thương ban hành tiếp Thông tư số 28/2010/TT quy định cụ thể về nội dung ghi phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc. Thông tư này quy định rõ, khi mua, bán hóa chất độc, bên bán và bên mua đều phải ghi rõ trong phiếu kiểm soát: Họ tên người bán - người mua; địa chỉ; số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp; điện thoại; thông tin hóa chất… Tuy nhiên, trong quá trình thâm nhập thực tế, chúng tôi không hề nhận được phiếu kiểm soát nào ở các cửa hàng bán axit.
Bác sĩ Trần Đoàn Đạo - Trưởng khoa Bỏng và Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định: "Một trong những đặc thù thường gặp của bỏng axit  là nạn nhân bị hủy hoại dung nhan với những ám ảnh khủng khiếp, gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý. Hung thủ khi ra tay thường nhằm vào vùng thẩm mỹ như mặt, cổ… Axit thường gây bỏng lan rộng và sâu xuống toàn lớp da nên nạn nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Và thường để lại những vết sẹo xấu, sẹo biến dạng, sẹo co rút… khiến khuôn mặt bị hủy hoại, biến dạng, ảnh hưởng đến các giác quan làm nạn nhân đau khổ đến mức "sống không bằng chết"…
Nhóm PV
.
.
.