Vụ người phát cơm từ thiện bị sát hại ở quận 6:

Nỗi đau phận người “cùng khổ”

Thứ Ba, 09/09/2014, 18:30

Vụ án mạng thương tâm khiến một người phát cơm chay từ thiện cho người nghèo tử vong, xảy ra đúng vào ngày Rằm tháng Bảy khiến cho dư luận bàng hoàng, xót xa. Đằng sau vụ án này là những câu chuyện đời, là những số phận người đầy buồn tủi, bi thương…

Đang phát cơm từ thiện, bất ngờ bị sát hại

Hình ảnh chị Hứa Thị Thanh Tâm (31 tuổi) với thân hình gầy ốm, đầu tóc cắt ngắn lởm chởm, vừa bế đứa con nhỏ hơn hai tuổi nheo nhóc vừa nước mắt giàn giụa khóc ngất trước nhà đại thể Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi quàn thi thể của người chồng - anh Trần Minh Phước (23 tuổi, ngụ đường Phan Văn Khỏe, phường 13, quận 5) khiến cho những người chứng kiến không cầm được nước mắt. Câu chuyện về cuộc sống vợ chồng không hôn thú, những khó khăn đời thường và cả chuyện cực nhọc mưu sinh hàng ngày của họ được người vợ tội nghiệp này chia sẻ đứt quãng trong nước mắt đớn đau…

Theo lời kể của chị Tâm, chị và anh Phước sống chung với nhau đã nhiều năm nay nhưng chẳng tổ chức cưới xin hay đăng ký kết hôn do gia đình anh Phước không chấp nhận chị là dâu con. Trước khi sinh con trai, cả hai vợ chồng chị thường lang thang, phiêu bạt hết hẻm phố này đến các công viên, không ở nơi nào cố định. Khi chuẩn bị sinh con, cách đây hơn hai năm cả hai mới thuê phòng ở cố định một chỗ. Và dù đứa con của chị đã được hai tuổi nhưng cháu còi cọc, vẫn chưa cai sữa mẹ, vì hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề.

Mẹ nạn nhân Phước đau đớn trước cái chết đột ngột của con trai.

Hằng ngày, để mưu sinh, chị Tâm bế con đi xin ăn người qua đường ở khu vực Chợ Lớn, còn anh Phước thì ai thuê gì làm nấy, khi không có việc thì lại đi nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. Cách đây hơn hai năm, anh Phước được một người phụ nữ tên Thủy thuê cứ tầm 4h chiều đến 7h tối mỗi ngày đứng ở vòng xoay đường Phạm Đình Hổ - Lê Quang Sung (thuộc địa bàn phường 2, quận 6, TP Hồ Chí Minh) để phát khoảng 40 suất cơm cho người lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn. Thấy công việc cũng không mất quá nhiều thời gian, rồi lại được ăn cơm miễn phí (không có tiền công), anh Phước và chị Tâm chiều nào cũng đến nhận cơm để phát.

"Chiều nào cũng vậy, cứ xong việc là anh ấy chạy đến ngay điểm phát cơm miễn phí để giao cơm cho người ta. Có nhiều lần anh đưa cơm chậm còn bị một số người tỏ ý khó chịu, thậm chí la mắng nặng lời nữa. Những lúc như thế em nghĩ buồn mà chảy nước mắt. Sau mỗi buổi làm việc, anh ấy còn xin được hai hộp cơm mang về nhà để vợ chồng và con cùng ăn chung", chị Tâm vừa khóc vừa kể lại.

Như thường lệ, khoảng 18h ngày 10-8, vợ chồng anh Phước bế con ra chỗ giao cơm, lúc đó có khá đông người lang thang đến để nhận cơm ăn. Trong lúc anh Phước và chị Tâm đang giao cơm thì một thanh niên tên Thanh chen vào lấy phần cơm. Nhưng do lúc đó quá đông người nên anh Phước chưa kịp đưa cho hắn. Chỉ vì lý do đó mà Thanh tỏ ra tức tối, rồi buông lời chửi bới anh Phước, chưa dừng lại Thanh bất thình lình rút dao trong người ra đâm anh Phước liền mấy nhát. Do quá bất ngờ, không đề phòng nên anh Phước lãnh trọn những nhát đâm chí mạng nên ngã gục tại chỗ.

Nỗi đau xé lòng của chị Tâm.

Trong khi đó, chị Tâm lúc này vẫn đang bế con ngồi trước một cửa hàng sữa để xin tiền. Khi vừa được một người đi đường cho 10 ngàn đồng, chị đã nghe tiếng kêu cứu của chồng. "Khi tôi quay qua thì thấy chồng đã bị tên Thanh đâm mấy nhát ở vùng cổ, bụng, anh ấy gục xuống máu chảy ra rất nhiều. Tôi chạy lại một tay bế con một tay ôm chồng nhưng tôi vẫn bị hắn đâm sượt vào ngón chân. Quá kinh hoàng tôi chỉ biết ngồi giữa vòng xoay cầu cứu trong vô vọng vì mọi người quá sợ hãi đã chạy tán loạn, chẳng ai dám vào can ngăn cả", chị Tâm kể với giọng chưa hết hãi hùng.

Theo chị Tâm, lúc đó anh Phước đã phát được hơn phân nửa số hộp cơm, xung quanh đang có vài người đứng nhận nhưng không ai dám vào can thiệp. Chỉ đến khi tên thủ ác bỏ đi, mọi người mới đưa nạn nhân đến bệnh viện gần đó cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng anh đã tử vong trên đường đi.

"Hàng ngày chúng tôi chú ý phát cơm cho người già và trẻ tàn tật trước, sau đó mới tới thanh niên. Vậy mà cách nay một tuần chỉ vì nhận phần cơm chậm hơn một chút, tên này cũng đã gây sự với chồng tôi rồi. Do nghĩ rằng hắn chỉ bực tức nên nổi nóng như thế, không ngờ hôm đó cũng vì lý do ấy mà hắn đã nổi điên rút dao đâm lén chồng tôi từ phía sau… Chồng tôi cũng chỉ làm việc thiện, phát cơm mà không lấy công cán gì cả, vậy mà tên đó nỡ lòng nào đâm anh ấy tàn ác như vậy", chị Tâm nấc nghẹn.

Sau khi nhận tin báo, các đơn vị nghiệp vụ Công an quận 6 đã nhanh chóng có mặt khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc. Công an thu giữ được một cán dao Thái Lan màu vàng (bước đầu xác định đây có thể là hung khí mà hung thủ vứt lại), hai đôi dép, một vạt áo màu đen đã bị rách…

Theo lời chị Tâm mô tả thì tên Thanh là một kẻ bụi đời lang thang ở khu vực bến xe Chợ Lớn thường đến xin cơm: "Tên đó nói giọng Bắc, người gầy cao trên 1m60, khoảng 30 tuổi, mặc áo sơ mi trắng dài tay, mái tóc phía trước để dài… Do đều là dân lang thang nên gần như chẳng ai biết rõ về gia cảnh hoặc đó có phải là tên thật của hắn hay không. Tôi chỉ nghe có người nói Thanh từng làm việc đấm bóp giác hơi rồi hành nghề mại dâm ở khu Hồng Bàng - Thuận Kiều, phường 12, quận 5, nhưng cũng không biết rõ thực hư ra sao".

Nỗi đau xé lòng của những người "cùng khổ"!

Cũng có mặt ở nhà đại thể hôm đó, bà Trần Tố Trân (42 tuổi, mẹ anh Phước) đau đớn thẫn thờ trước cái chết quá đột ngột và tức tưởi của con trai. Theo chia sẻ của bà thì vợ chồng bà có ba người con, anh Phước là con cả. Lâu nay gia đình bà sinh sống ở chung cư cũ trên đường Phan Văn Khỏe trong khu Chợ Lớn, phường 13, quận 5. Hàng ngày bà Trân đi rửa chén thuê cho một tiệm ăn uống, còn chồng bà làm nghề bốc vác kiếm tiền nuôi các con sống qua ngày. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ anh Phước không được học hành như bao đứa trẻ khác. Vừa mới lớn, anh đã lăn lộn đủ nghề kiếm tiền sinh nhai trong khu chợ như nghề bốc xếp, chở hàng...

Cũng theo bà Trân cho biết, khoảng ba năm trước, anh Phước quen biết rồi nảy sinh tình cảm với chị Tâm, người từng nghiện ma túy (?), rồi tự thuê nhà sống chung và sinh con. Thực tế thì vợ chồng bà Trân không chấp nhận mối quan hệ của con trai mình vì thấy chị Tâm là dân phiêu bạt lang thang, người luôn gầy yếu, lại hơn anh Phước đến 12 tuổi.

Hiện trường vụ án.

Chia sẻ về điều này, chị Tâm buồn bã nói: "Mẹ chồng chê tôi không ra gì nên không chấp nhận cho chúng tôi cưới hỏi gì cả. Do đó, chúng tôi cứ thế dọn về ở với nhau, không đăng ký kết hôn, cũng không tổ chức cưới xin gì. Khi đó, chồng tôi an ủi tôi rằng ba mẹ lúc đầu không ưng thì sau này có cháu nội cũng sẽ phải thừa nhận thôi. Nhưng khi tôi sinh con trai, ba mẹ anh ấy vẫn không thay đổi quan điểm về tôi".

Theo lời chị Tâm, hai vợ chồng chị hàng ngày kiếm tiền được "đồng nào xào đồng đó", gần như không dành dụm được chút gì. Lúc xảy ra chuyện anh Phước bị đâm, trong túi chị Tâm chỉ có 10 ngàn đồng mới xin được của người đi đường. Nói về cuộc sống vợ chồng "hờ" của mình, chị Tâm khóc nức nở như một đứa trẻ. Chị chia sẻ rằng dù chỉ là dân lang thang phiêu bạt, nhưng chị đã được sống trong vai trò của một người vợ, một người mẹ hạnh phúc bên chồng, con mình, dù người ngoài nhìn vào gia đình chị đôi khi có sự đánh giá chẳng ra gì. Bởi dù gì chị cũng đã mấy lần phải vào trại cai nghiện, gia đình chị bỏ bê, không có ai bên cạnh, nên đã có lúc chị suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống "vô nghĩa", nhưng nhờ tình cảm của anh Phước đã giúp chị như hồi sinh, yêu đời hơn. Nhất là khi có đứa con, chị càng cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.

"Tôi từ nhỏ chẳng được học hành gì, nên nửa đầu đời tôi sống chẳng ra gì. May mắn khi được làm vợ anh Phước, tôi thấy cuộc sống của mình gần như thay đổi hoàn toàn. Dù công việc của vợ chồng tôi chẳng ra gì nhưng chúng tôi luôn ăn uống cùng nhau, lo lắng cho nhau, đó là điều tôi thấy rất hạnh phúc", chị Tâm chia sẻ thật lòng.

Ngồi trong lòng mẹ, đứa con trai của vợ chồng chị Tâm vẫn hồn nhiên, vô tư bên mẹ, nhưng khi thấy mẹ khóc, bé lại lấy tay lau nước mắt cho mẹ. Nhưng những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên khuôn mặt gầy hốc hác của người vợ trẻ, chị cứ ôm miết đứa con vào lòng trước bao ánh mắt thương cảm, xót xa. "Tôi vốn đã ốm yếu, cũng chẳng biết sống được bao nhiêu nữa; bây giờ anh ấy lại bỏ mẹ con tôi mà đi, chỉ thương đứa con trai, sau này chắc nó cũng khó mà thoát được kiếp sống lang thang như ba mẹ nó", tiếng khóc buồn tủi của chị lại nấc lên.

Riêng việc lo hậu sự cho anh Phước, do gia đình ba mẹ anh đều nghèo khó, không thể chu tất được, may mà người em gái của bà Trân đứng ra lo. "Gia đình tui nghèo khó, công việc của vợ chồng tui cũng chỉ chi xài tối thiểu cho gia đình, nên khi con chết chúng tôi cũng chẳng có tiền mua cỗ quan tài cho nó. Gần như tất cả tiền lo hậu sự cho con là của người em gái tôi cho", bà Trân nghẹn ngào. Thỉnh thoảng bà Trân lại cất tiếng than khóc ai oán: "Con tôi có tội tình chi đâu. Phát cơm từ thiện mà sao người ta nỡ giết nó chứ. Mai này đứa con của nó biết ai sẽ lo được đây!".

Chiều 11/8, Công an quận 6, TP Hồ Chí Minh cho biết vẫn đang tiến hành mọi công tác điều tra, truy bắt hung thủ gây ra cái chết của anh Phước.

Báo CSTC xin kêu gọi tấm lòng của các nhà hảo tâm hãy chia sẻ nỗi đau mất mát quá lớn này, hỗ trợ gia đình chị Hứa Thị Thanh Tâm vượt qua nỗi đau không gì bù đắp nổi. Mọi sự đóng góp xin gửi về tòa soạn Báo Công an nhân dân 92 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội: SĐT: 04338222157.

Lữ Phạm
.
.
.