Nỗi đau thân phận cô gái hóa bà lão

Thứ Hai, 28/03/2016, 09:06
Về Hội An (Quảng Nam) hỏi chị Mai "lão hóa", người dân đều xuýt xoa: "Tội nghiệp, giờ nó héo úa lắm rồi". Vì quá "nổi tiếng" nên chúng tôi dễ dàng tìm ra nơi ở của mẹ con chị Mai, đó là quán tạp hóa nhỏ nằm trên con đường nhỏ gần biển Cửa Đại. Người đàn bà vừa bước qua tuổi 30 nhưng mang hình hài của một bà lão 70 bối rối, luống cuống khi có người hỏi về căn bệnh của mình.


Đại phẫu nhan sắc

10 tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1984) đã mang trong mình căn bệnh lạ, hiếm gặp. Lúc đầu, tay chân Mai nổi nhiều hạt mề đay, ngứa. Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) chẩn đoán chị Mai bị bệnh mề đay mãn tính vô căn.

Lúc nào khỏe, chị Mai chăm sóc hai con.

Ngày bệnh chưa trở nặng, chị Mai vẫn đi làm công nhân bình thường cho một công ty hải sản. Do mỗi ngày phải tiếp xúc với nước tanh, dơ, nên lớp vảy trên tay chân chị Mai ngày càng lan rộng, hết phồng rộp lại nhăn nhúm. Chỉ nghĩ đó là bệnh dị ứng thông thường, chỉ cần nghỉ việc là xong, nên chị cũng không đi khám xét gì. 22 tuổi, chị Mai lấy chồng và sinh liên tiếp hai đứa con.

 Từ khi sinh xong đứa con thứ hai, bệnh của chị Mai có dấu hiệu trở nặng. Những thớ da trên mặt và tay chân nhăn nhúm, co rút như da bà già. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ thể chị Mai suy giảm rõ rệt, người chị héo dần và hay ngất xỉu.

Từ một bộ mặt của cô gái trẻ ngoài 20 tuổi, chị Mai biến thành bà lão 70. Gia đình đằng nội khó khăn, lại gánh thêm lời dị nghị của bàn dân thiên hạ có cô con dâu già nua nên ức chế và đối xử nhạt nhẽo với chị. Chồng chị Mai thì bị bệnh thần kinh "sớm nắng chiều mưa", lúc nhớ lúc quên cũng không bảo vệ, giúp đỡ được vợ.

Quá tủi thân, chị Mai ôm hai con về nhà mẹ đẻ nương nhờ. Từ ngày chị Mai trở về, thêm một lúc ba miệng ăn thì nguy cơ đói ăn bủa vây. Không chịu nổi cảnh một đống người ốm đau bệnh tật ngồi ở nhà nhìn nhau, bà Nguyễn Thị Mức chạy vạy, bán tháo tài sản trong nhà cơi nới thêm một gian bán hàng tạp hóa.

Những hôm chị Mai khỏe mạnh thì phụ mẹ trông quán, bán hàng và tính tiền vì bà Mức vừa mổ cột sống, trí nhớ không minh mẫn. Tuy nhiên, thời gian chị Mai khỏe chỉ tính bằng phút, còn lại chị luôn trong tình trang ốm yếu, khó thở.

Biết tin bệnh tình của chị Mai, nhiều người viết thư ngỏ lời muốn giúp đỡ nhưng cuối thư thì đề nghị gia đình thân chủ gửi tiền phần trăm làm chi phí. Chị Mai ôm ra một xấp thư viết tay của những nhà hảo tâm "cò mồi", để nói có sách mách có chứng. Bà Nguyễn Thị Mức buồn rầu: "Từ thiện gì mà bắt người ta gửi tiền phần trăm? Thật là không tin nổi".

Bà Mức đau lòng khi nghĩ về người con gái duy nhất của mình.

Trong nhiều năm trời, các đoàn y, bác sĩ trong nước và quốc tế đã về Hội An để tìm hiểu nguyên nhân bệnh tình của chị Mai, lấy máu xét nghiệm đủ kiểu, nhưng mỗi nơi một kết quả khác nhau. Năm 2012, có đoàn từ thiện bác sĩ đến từ Đài Loan đã về tận nhà làm thủ tục đưa chị đi chữa bệnh miễn phí. Với hy vọng "còn nước còn tát", chị Mai hăm hở xách quần áo đi "tân trang" lại nhan sắc.

Tại một bệnh viện của Đài Loan, chị Mai được làm các xét nghiệm và có kết luận chính thức: Chị bị lão hóa do hội chứng Werner (rối loạn lão hóa sớm, bệnh di truyền tình trạng lặn của nhiễm sắc thể 8, được thừa hưởng từ ông bà, cha mẹ hoặc đột biến gen).

Trong vòng một tháng, người ta đưa chị Mai đi mổ xẻ ba lần, mỗi lần mười mấy tiếng đồng hồ. Trong đó, nặng nhất là ca xẻ đôi đầu chị Mai để khơi thông mạch phổi, kế đến là rạch mặt, rạch mũi và khoét hai mí mắt. Khi thuốc mê của ca mổ này vừa xong thì bệnh nhân tiếp tục chịu đựng nỗi đau của việc đụng chạm dao kéo, mổ xẻ, chắp vá toàn thân.

Nói chung là bầm dập và đau đớn. Với công nghệ và máy móc hiện đại, chị Mai luôn hy vọng hành trình "đại phẫu" nhan sắc này sẽ mang lại cho chị niềm tin vào cuộc sống. Sau ba tháng chịu đựng đớn đau, các vết mổ dịu lại, sức khỏe hồi phục, người ta cho chị xem những bức ảnh chụp trước và sau khi phẫu thuật để thấy sự khác biệt. Chị Mai mừng rơi nước mắt khi thấy khuôn mặt đầy đặn, làn da căng bóng và khóe mắt cong vút. Nhìn dung nhan mình trong gương, chị muốn hét lên vì sung sướng.

Phút huy hoàng chợt tắt

Trở về Việt Nam, chị Mai được chào đón như hoa hậu vừa ẵm vương miện, hàng xóm tập trung đông kín ở nhà chị để chiêm ngưỡng màn "lột xác" hoàn hảo. Chị Mai lấp lánh hạnh phúc, tự tin sống với hình hài cơ bản, chỉ già hơn một vài tuổi so với tuổi thật, điều đó hoàn toàn chấp nhận được. Các bác sĩ nước ngoài phẫu thuật cho bệnh nhân thường xuyên gọi điện thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe khiến chị Mai càng vững tin và yêu đời hơn.

Chị Mai bất lực, thả trôi số phận với căn bệnh quái ác của mình.

Tròn 4 năm sau ngày chị Mai đi phẫu thuật, căn bệnh kỳ lạ, quái ác từng ám ảnh người đàn bà trẻ này bỗng nhiên "thức dậy". Chị Mai phải chống chọi với những cơn đau đầu như búa bổ kèm theo triệu chứng ho muốn long phổi, dập lưng. Cơ thể chị Mai sụt giảm không phanh, giờ chỉ còn 28kg, giống như một bộ xương khô.

Cách đây vài ngày, khi đi vệ sinh, chị Mai đã ngất xỉu ngay trên bồn cầu, may có người phát hiện đưa đi cấp cứu. Bác sĩ phải tiêm cho chị Mai một loại thuốc trợ lực, có tác dụng tăng cường sức khỏe trong vòng một đến hai tháng. Nhờ có mũi tiêm, chị Mai mới có thể đi lại được vài bước từ nhà trong ra nhà ngoài và nói chuyện vài câu không bị ngất.

Bệnh án ngày chị Mai đi chữa bệnh ở Đài Loan.

Chị Mai gọi điện cho đoàn bác sĩ tình nguyện bên Đài Loan để thông báo tình hình song không thấy ai trả lời hoặc có trả lời nhưng cảm giác rất hời hợt, qua quýt. Chị Mai tâm sự: "Dù thế nào thì tôi vẫn biết ơn những người đã chữa bệnh miễn phí cho tôi, giúp tôi tự tin sống vui vẻ trong một thời gian dài. Bây giờ thấy bệnh tôi trở nặng, nhiều người khuyên nên tìm lại các bác sĩ năm ấy để nhờ tư vấn giúp đỡ".

Chán nản, chị Mai mặc kệ, thả trôi số phận. Chị bảo, giờ sống được ngày nào hay ngày đó, để cho con còn có mẹ trên đời. Nói đoạn chị khóc, kể rằng có bà thầy bói đi bán trái cây dạo ngoài phố cổ, nhìn chị phán một câu xanh rờn: "Chị không sống qua năm nay đâu". Từ ngày nghe thầy phán, chị Mai chưa lần nào nuốt trôi chén cơm, bệnh tình càng trầm trọng.

Khuôn mặt chị phù nề, sưng tấy, hai cánh tay tóp lại, đôi chân như que củi, bước đi run bần bật. Gia đình khuyên chị đi bệnh viện khám, nhưng chị Mai từ chối: "Khám cũng không thay đổi được hoàn cảnh, lại ra thêm bệnh. Cứ để vậy đến đâu hay đến đó".

Chồng chị Mai ngày trước làm thợ nề, nhưng chậm chạp quá không ai thuê, sau đi buôn trái cây. Mỗi ngày, anh chở xe trái cây dạo quanh phố cổ, nhưng cũng chẳng có ai mua vì anh lơ ngơ, lóng ngóng, nói trước quên sau, ngày nào nhiều nhất cũng chỉ được 30 ngàn. Ngần ấy tiền, anh để dành thỉnh thoảng sang ngoại thăm mua bánh cho con.

Từ ngày xuống sắc, già nua, nhăn nhúm, chị Mai ít dám ra đường. Mấy đứa con đi học về bấu áo mẹ dằn vặt: "Bạn bè của con chê mẹ xấu xí như bà già". Chị Mai quay đi, cố giấu nước mắt vào trong, giải thích cho con hiểu: "Mẹ bị bệnh chứ không phải già".

Ở Việt Nam cũng từng có một số trường hợp mắc phải căn bệnh già trước tuổi như chị Mai. Năm 2011, chị Nguyễn Thị Phượng ở Giồng Trôm (Bến Tre) hóa bà lão ở tuổi 26. Chị Phượng được nhiều giáo sư, chuyên gia y tế đầu ngành về da liễu của Việt Nam thăm khám, chữa trị. Tuy nhiên, trở về nhà một thời gian, chị Phượng đã đột ngột qua đời. Tương tự, em Nguyễn Chí Hiền 17 tuổi (Cà Mau) nhưng khuôn mặt như ông lão do mắc phải căn bệnh lão hóa, chân tay em nhăn nhúm, mỗi tuần lột da một lần. Gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng cuối cùng Hiền đã qua đời vào năm 2011. Hiện nay, bệnh lão hóa sớm là một loại bệnh hiếm gặp, khó chữa, người bệnh thường rơi vào tình trạng mặc cảm, mất tự tin trong cuộc sống, làm suy giảm tinh thần dẫn đến những hệ quả đau lòng.
Ngọc Thiện
.
.
.