Nỗi đau tột cùng của gia đình thanh niên bị cưa chân

Thứ Hai, 22/08/2016, 13:35
Con trai bị tai nạn ở đầu gối chân phải, dù đã được cứu chữa ban đầu ở bệnh viện tuyến dưới, nhưng vợ chồng bà Phạm Thị Kim Chi vẫn quyết định đưa con lên tuyến trên, vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh chữa trị vì lo sợ chuyện không hay xảy ra với con.


Nhưng không ngờ cuối cùng bệnh nhân này vẫn bị cắt bỏ hơn 1/3 chân phải. Vụ việc này đã khiến gia đình bệnh nhân vô cùng bức xúc và yêu cầu bệnh viện nêu rõ sai sót của bác sĩ điều trị cũng như phải bồi thường tiền cho họ.

Buổi hòa giải bất thành

Mới đây nhất, ngày 12-8, gia đình bệnh nhân Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, quê Tân An, Long An)- người bị cưa 1/3 dưới đùi chân phải sau khi điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (BV CTCH) TP Hồ Chí Minh - đã có buổi làm việc với lãnh đạo BV này. Đây là buổi gặp để hòa giải và tiếp tục thỏa thuận phương án hỗ trợ, bồi thường từ phía bệnh viện đối với bệnh nhân Lâm.

Tham gia buổi hòa giải còn có luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) với vai trò hỗ trợ pháp lý miễn phí cho gia đình bệnh nhân Lâm; và ông Trần Sơn Đông với vai trò hỗ trợ đối ngoại cho BV CTCH TP Hồ Chí Minh.

Anh Lâm khi còn nằm điều trị tại BV.

Cũng như buổi làm việc trước đó vào ngày 25-7, gia đình bệnh nhân Lâm đã yêu cầu bệnh viện phải đưa ra những nhận định rằng bác sĩ CKII Trần Chí Khôi (bác sĩ điều trị Khoa Chi dưới) đã sai sót về chuyên môn khi nhận định và khám chữa cho bệnh nhân Lâm; đồng thời đưa ra 5 yêu cầu bồi thường tổng cộng số tiền là 818 triệu đồng.

Trong đó, với hai khoản chi phí lắp chân giả và chi phí chuyển đổi nghề nghiệp, BV đã cam kết sẽ hỗ trợ, trên cơ sở tham khảo bảng giá thị trường, gia đình yêu cầu BV lắp loại chân có giá 200 triệu đồng. Ngoài ra, BV phải thanh toán các khoản phát sinh trong quá trình điều trị là 50 triệu đồng.

Trường hợp sau này có phát sinh thêm chi phí do bị di chứng, cần khám, chữa bệnh từ vết thương, gia đình sẽ thông báo để BV kịp xử lý. Về chi phí chuyển đổi nghề nghiệp, gia đình đề nghị BV mở một tiệm internet cho Hoàng Lâm với chi phí là 350 triệu đồng.

Ngoài ra, gia đình người bệnh yêu cầu BV bồi thường thêm các khoản tổn thất về tinh thần với mức 30 tháng lương tối thiểu (vùng II) tương đương với 93 triệu đồng; khoản tiền lao động bị mất trong thời gian một năm kể từ khi bị cắt cụt 1/3 dưới đùi phải với mức 6 triệu đồng một tháng, tương đương với 72 triệu đồng.

Bên cạnh đó, gia đình còn yêu cầu bồi thường thiệt hại về người với tỷ lệ thương tật khoảng 65% do bị cắt 1/3 dưới đùi phải là 53 triệu đồng. Tổng các khoản gia đình yêu cầu BV bồi thường là 818 triệu đồng.

Về kết luận của Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh (lập ngày 14-7) đối với bác sĩ Khôi cho rằng có sự tắc trách nhưng không phải sai sót chuyên môn; ngoài ra kết luận cũng chỉ cho rằng vụ việc giữa gia đình bệnh nhân với BV CTCH là tranh chấp đơn thuần, phía gia đình bệnh nhân bày tỏ rõ sự bức xúc và thái độ không đồng tình với kết luận này.

Gia đình bệnh nhân cho rằng, Hội đồng chuyên môn đã nhận định có sự tắc trách của bác sĩ Khôi nhưng nhận định này không đầy đủ khi không xác định rõ bác sĩ Khôi đã có những sai sót về chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.

Việc bác sĩ Khôi không kiểm tra kỹ chấn thương cho bệnh nhân hoặc yêu cầu nhập viện để theo dõi tiếp nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh mà đã vội vàng kết luận là "chấn thương phần mềm" và cho về, dẫn đến hậu quả bệnh nhân Lâm bị cắt cụt 1/3 dưới đùi phải là sai sót về chuyên môn.

Đại diện ban lãnh đạo BV CTCH làm việc với gia đình bệnh nhân.

Ngoài ra, bản kết luận đánh giá quá trình khám chữa bệnh của bác sĩ Khôi của Hội đồng chuyên môn chưa khách quan, toàn diện và đầy đủ, do Hội đồng chuyên môn chỉ xem xét thông tin từ một phía là BV CTCH, chưa lấy thông tin từ những nội dung gia đình trình bày với bác sĩ trong quá trình khám bệnh, cũng như bệnh án từ BV Mộc Hóa, tỉnh Long An để xem xét, kết luận.

Trước những ý kiến trên của gia đình người bệnh, đại diện ban lãnh đạo BV CTCH chia sẻ với mất mát vô cùng to lớn của bệnh nhân và gia đình, nhưng cho rằng kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế với bác sĩ Trần Chí Khôi là đã khám bệnh "đúng quy trình" và việc bệnh nhân Lâm bị cắt chân là sự cố ngoài ý muốn.

BV không chấp nhận bồi thường mà chỉ hỗ trợ chi phí làm chân giả loại tốt tại cơ sở y tế do phía BV đề xuất (không nêu rõ mức giá) và hỗ trợ 150 triệu đồng chi phí chuyển đổi nghề nghiệp cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Linh, Phó Giám đốc BV CTCH TP Hồ Chí Minh giải thích thêm về trường hợp bệnh nhân Lâm: "Tất cả những kết luận không phải của BV mà là của Hội đồng chuyên môn cấp Sở. Lý do hội đồng chuyên môn cấp Sở nói đây là trường hợp khó vì khớp gối đã được nắn và gây tê ở BV Mộc Hóa nên không còn các biểu hiện lâm sàng.

Ngoài ra, BV cũng không nhận được giấy chuyển viện của BV tuyến dưới. Nếu có giấy này thì chắc chắn bác sĩ sẽ theo dõi thêm tổn thương mạch máu. Tổn thương này ít gặp và không biểu hiện liền mà cần phải theo dõi, khó là khó chỗ đó".

Với ý kiến của người mẹ bệnh nhân muốn đặt làm chân giả từ chỗ khác chứ không phải tại cơ sở y tế do phía BV đề xuất, bác sĩ Nguyễn Tiến Linh cho biết: "Trường hợp gia đình muốn mua chân giả từ nơi khác rồi mang hóa đơn về BV thanh toán thì BV không thể đáp ứng được vì đây là BV công không có nhiều nguồn quỹ".

"Dù có trả bao nhiêu tiền cũng không thể lấy lại được chân cho con tôi"

Trước các đề nghị hỗ trợ của BV như trên, bà Phạm Thị Kim Chi (mẹ của bệnh nhân Lâm) tỏ rõ sự không đồng ý.

Theo bà Chi, nếu Lâm không bị mất chân thì có thể kiếm được 300 - 400 triệu đồng chỉ sau vài mùa vụ dưa (gia đình bà Chi làm nghề buôn bán dưa), hoặc Lâm cũng có thể đi bốc vác kiếm vài trăm ngàn đồng/ngày là bình thường.

"Chúng tôi bận nhiều việc nhưng nhiều lần đi lên đi xuống làm việc với BV để mong BV có thiện chí hòa giải và bồi thường cho chúng tôi chứ không phải chúng tôi đến để xin xỏ ai.

Con tôi đang lành lặn, chỉ vì sự ẩu tả và không có trách nhiệm của bác sĩ mà nó bị mất một chân khiến nó tàn phế suốt đời, dù có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không thể lấy lại được chân cho con tôi.

Hiện mọi sinh hoạt đi lại của anh Lâm đều do vợ chồng bà Chi và người thân giúp đỡ.

Nhưng trước quyết định của BV như vậy thì rõ ràng không cho thấy sự thiện chí của BV", bà Chi bức xúc.

Có thể thấy, qua những ý kiến của đôi bên rõ ràng buổi hòa giải chưa đạt được mục đích như mong muốn nên luật sư Lê Quang Vũ thay mặt gia đình bệnh nhân Lâm cho biết sắp tới sẽ có kiến nghị lên Giám đốc Sở Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị xem xét lại các kết luận liên quan và có biện pháp giải quyết vụ việc hợp tình, hợp lý.

Nếu nỗ lực trên không mang lại hiệu quả như mong đợi, gia đình có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện ra tòa và đề nghị lập hội đồng y khoa để phân tích, kết luận lại toàn bộ vụ việc.

Trước đó, khoảng 18h ngày 21-6, anh Lê Hoàng Lâm điều khiển xe máy lên xã Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An) để giữ rẫy dưa, do đường xấu nên anh bị ngã, chân phải đập mạnh vào gốc cây ven đường. Sau đó anh được người dân chở đến BV Mộc Hóa cấp cứu.

Xác định đây là ca nặng nên sau khi sơ cứu, BV đã chuyển lên BV Đa khoa Long An. Lúc này chân anh Lâm ngày càng sưng to và đau hơn nên gia đình quyết định chuyển lên BV CTCH TP Hồ Chí Minh. Tại đây, bác sĩ Trần Chí Khôi khám và chỉ định chụp X-quang kiểm tra.

Sau khi xem qua kết quả chụp phim, bác sĩ này cho biết bệnh nhân chỉ bị bong gân, chấn thương phần mềm. Sau đó, bác sĩ kê toa thuốc cho xuất viện, hẹn tuần sau lên tái khám. Nhưng về nhà được 3 ngày thì vết thương trở nặng, gia đình lập tức đưa Lâm trở lại BV CTCH kiểm tra lại.

Sau khi xem lại kết quả chụp phim, bác sĩ trực nói: "Ca bệnh này nguy hiểm, cần phải nhập viện theo dõi từ 36 đến 72 giờ, sao lại cho bệnh nhân về?". Sau đó, BV đã họp và chuyển anh Lâm sang BV Chợ Rẫy.

Sáng 25-6, các bác sĩ BV Chợ Rẫy chẩn đoán bệnh nhân Lâm bị hoại tử bàn chân phải, tắc động mạch kheo phải, chấn thương gối phải. Do đó, phải nhanh chóng phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới đùi phải để bảo toàn tính mạng.

Từ một bộ đội phục viên, một thanh niên khỏe mạnh, một lao động trụ cột của gia đình, chỉ vì một thương tổn tương đối nhẹ, giờ đây anh Lâm phải nhờ vào sự chăm sóc của người thân bởi vẫn chưa hết bàng hoàng với cái chân bị cắt tới 1/3 dưới đùi của mình.

Cũng từ đây, những dự định, ước mơ sắp thực hiện của anh lại càng trở nên xa vời trong suy nghĩ của Lâm. Theo bà Chi, trước khi bị tai nạn, anh Lâm đã xin gia đình hỗ trợ và sắm sửa đầy đủ mọi thứ để mở một quán cơm.

Anh Lâm còn chạy khắp nơi tìm mua những chiếc bàn cũ rồi mang về nhờ cậu hàn lại thành chiếc bàn ăn hoàn chỉnh. Mọi thứ vừa chuẩn bị xong thì tai nạn ập đến.

Cũng theo bà Chi, những ngày này mọi sinh hoạt đi lại của anh Lâm đều do vợ chồng bà và người thân giúp đỡ. "Lâm là con trai lớn, cũng là lao động chính. Trước giờ 2 ha dưa hấu một mình Lâm lo chăm sóc, hai vợ chồng tôi chỉ phụ.

Sau khi Lâm bị tai nạn, cả nhà phải theo chăm sóc nên bỏ bê vụ dưa vừa rồi lỗ mất gần trăm triệu đồng.

Nhưng tiền bạc với gia đình tôi lúc này cũng không phải là vấn đề quan trọng, bởi nỗi đau phải chứng kiến con trai mình đang khỏe mạnh thế bỗng dưng bị cắt mất một chân là quá lớn, ai không ở hoàn cảnh chúng tôi sẽ không thể hiểu hết nỗi đau này", bà Chi nghẹn ngào chia sẻ.

Ánh Xuân
.
.
.