Nỗi đau vẫn còn ở làng 'chim cánh cụt'

Thứ Sáu, 26/06/2015, 09:00
Gần 10 năm trước, làng Yên Bồ (Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội) được người ta gắn với cái tên "làng chim cánh cụt". Hàng trăm trẻ em lành lặn bỗng dưng trở thành tật nguyền, tất cả cùng một nguyên nhân - đó là teo cơ vai. Những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn tự nhiên đi lại lạch bạch, lưng gù, ngực phẳng, tay co quắp, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Dù hiện tượng lạ lùng này đã được các nhà khoa học kết luận nguyên nhân, cơ quan có thẩm quyền khắc phục hậu quả, thế nhưng với chính những người trong cuộc thì nó vẫn là một căn bệnh đầy bí ẩn, hậu quả đến nay còn rất nặng nề.
Vẫn là điều bí ẩn

Đã ngót 10 năm trôi qua, người làng Yên Bồ vẫn chưa ai quên được cái "ngày đen tối" ấy. Hàng trăm trẻ nhỏ đang khỏe mạnh bỗng dưng cơ vai teo tóp, đi lại lạch bạch như chim cánh cụt. Tất thảy mọi người hoang mang, người thì đồn long mạch của làng động, kẻ thì bảo do nguồn nước…

Các đoàn khoa học từ khắp nơi thay nhau về tìm hiểu, nghiên cứu cũng chẳng thể tìm ra nguyên nhân xác đáng. Thế là ngôi làng nghèo Yên Bồ "bỗng dưng" nổi tiếng. Nổi tiếng đến mức người ta gắn cho Yên Bồ cái tên "làng chim cánh cụt".

Biết chúng tôi về tìm hiểu những đứa trẻ bị teo cơ vai, người làng chỉ đến nhà ông Chu Văn Trọng, người đầu tiên phát hiện ra căn bệnh lạ ở làng, bởi chính các cháu của ông là những đứa trẻ đầu tiên mắc phải căn bệnh này.

Ông Trọng kể: "Tôi cả thảy có 4 đứa cháu bị teo cơ vai. Giờ thì chúng nó lớn cả rồi. Hai cháu ngoại, hai cháu nội, cũng may là chúng nó bị sau nên được phát hiện sớm, đi mổ chỉnh hình rồi tập luyện. Mặc dù vậy chúng nó cũng không thể bình thường được, vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày".

Ông Trọng cho hay, từ ngày phát hiện ra đứa trẻ đầu tiên của làng bị bệnh đến nay cũng gần chục năm nhưng ông vẫn chưa có được lời giải nào thỏa đáng. Vào thời điểm đó, dư luận Yên Bồ nóng như chảo lửa. Cả trăm nhà khoa học, bác sĩ phẫu thuật hàng đầu đất nước đến Yên Bồ tìm ông để hỏi han, thu thập thông tin. Có ngày cả chục nhà báo đến tìm ông.

Chính vì thế, các thông tin, thông số từ các nhà khoa học, bác sĩ ông đều nắm rõ như lòng bàn tay. "Cho đến hôm nay, câu trả lời chính xác, thỏa đáng từ các nhà khoa học vẫn chưa có. Đó là điều không chỉ khiến tôi, mà tất cả bà con ở Yên Bồ này mất ăn mất ngủ. Có thông tin cho rằng, trẻ em ở Yên Bồ được tiêm nhiều penicillin, streptomincin vào bắp tay nên bị teo cơ vai.

Thế nhưng ngày đó trẻ em cả nước đều được tiêm những loại thuốc đó, vậy sao chỉ có Yên Bồ gánh hậu quả. Rồi có người còn bảo do nguồn nước có vấn đề nhưng các nhà khoa học kết luận nguồn nước ở đây hoàn toàn bình thường. Các nhà khoa học bó tay, lại đến các nhà tâm linh vào cuộc.

Nhà ngoại cảm, thầy cúng rồi Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cũng về đây đủ cả. Họ về đình, chùa, miếu mạo, lên đồi Voi tìm hiểu nhưng chẳng có gì đặc biệt. Nói chung chẳng thiếu giới chức nào nữa. Họ đến đây tìm hiểu, tặng quà cho các cháu nhỏ rồi một đi không trở lại" - ông Trọng nói.

Bệnh teo cơ vai khiến 160 trẻ em dị tật, người nhẹ thì để lại sẹo, người nặng thì tật nguyền suốt đời. Ông Trọng còn nhớ như in vào những năm 2005, 2006, ông được Phòng Y tế huyện Ba Vì thông báo có 10 cháu nhỏ bị teo cơ vai, những biểu hiện về bệnh giống hệt nhau. Lúc đó cả làng như bấn loạn, cha mẹ các cháu đôn đáo chạy khắp nơi tìm hiểu chữa trị.

Thấy có chuyện chẳng lành, ông Trọng liền lôi mấy đứa nhỏ đang chạy nhảy ở xóm bắt lột áo kiểm tra. Ông bàng hoàng thấy đứa nào cũng bị xệ vai, đếm sơ sơ cũng có tới 30 đứa. Khi chính quyền địa phương biết tin liền chỉ đạo ông Phùng Duyên Hải (Trạm trưởng Trạm y tế xã Vật Lại thời đó) để tìm hướng xử lý. Ông Hải cho kiểm tra lại thì phát hiện thêm 22 cháu gù lưng, ngực phẳng, teo vai. Khi tới trường tiểu học kiểm tra tiếp thì phát hiện thêm 37 cháu nữa mắc chứng bệnh quái dị này.

Ông Trọng nói: "Lúc đó Nhà nước có chính sách hỗ trợ các cháu tàn tật. Một ngày tôi nhận được cả chục lá đơn để làm chế độ cho các cháu. Có những trường hợp ông bà cha mẹ không nhiễm chất độc da cam, không có tiền sử nhưng vẫn bị. Rõ ràng các cháu bị co cơ bả vai, hai tay khuỳnh ra, đi lại khó khăn, nếu làm chế độ có mà làm cho cả làng. Quả thực lúc đó như một cơn địa chấn ở làng".

Nỗi đau vẫn chưa nguôi

Cả làng Yên Bồ lúc ấy có 500 em nhỏ độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi nhưng đã có tới 160 em bị bệnh "chim cánh cụt". Những em nhỏ gánh chịu căn bệnh lạ này dù đã khôn lớn, có người đã dựng vợ gả chồng nhưng hậu quả còn nặng nề. Câu chuyện của anh Chu Nhân Hưng (19 tuổi) khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Khoảng năm 2006, Hưng cũng như các em nhỏ ở Yên Bồ hứng chịu căn bệnh quái dị.

Do bị những vết sẹo trên tay, Hưng đành lỡ dở ước mơ của mình.

Hưng tâm sự: "Lúc đó tôi mới đang học lớp 6, cả lớp có 30 bạn thì 28 bạn bị bệnh như vậy. Trẻ con nên cũng chẳng lo nghĩ gì, hơn nữa cả lớp đều bị như vậy nên tôi cũng thấy bình thường. Nhưng càng lớn mới càng thấy khổ sở".

Gia đình Hưng cũng được liệt vào hàng khá giả trong làng nên anh được gia đình cho đi thăm khám liên tục. Kể cả những lần được mổ miễn phí và kinh phí tự túc, Hưng đã thực hiện phẫu thuật 3 lần. Bên cạnh việc mổ, chỉnh hình, hằng ngày Hưng phải tập luyện thể hình để đảm bảo không bị tái phát lại. Việc khiến Hưng day dứt nhất là tương lai của mình.

Anh kể: "Tôi vốn có năng khiếu hát nên quyết định thi vào Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Vòng sơ loại, tôi đạt. Các thầy bảo tôi có giọng hát, có tương lai. Tôi bàng hoàng khi vào vòng sau người ta kiểm tra thể hình thì lại không đạt. Cũng vì có hai vết sẹo ở vai, do di chứng bệnh teo cơ ngày trước. Tôi buồn quá! Đành chấp nhận về nhà lái xe cho bố mẹ. Coi như ước mơ đã không còn".

Mẹ anh Hưng kể lại những ngày đầu phát hiện con mắc bệnh quái lạ.

Cũng chỉ vì dính căn bệnh "chim cánh cụt" mà tương lai của chị Nguyễn Thị Hằng dường như sang hẳn một trang mới. Dù đã được phẫu thuật 2 lần nhưng Hằng vẫn là người chịu hậu quả nặng nhất trong số hơn 100 em nhỏ ngày ấy. Hằng tâm sự: "Vì bệnh tật như vậy mà tôi phải bỏ học, mà cũng chẳng còn hứng thú đi học nữa. Dù được phẫu thuật nhưng vẫn không thể khỏi được".

Hằng ngày một lớn khôn, ngày một xinh đẹp, nỗi lo chồng con lại càng đè nặng. Nhiều đêm Hằng đã khóc. Chị trách phận mình bạc bẽo, chị cứ hỏi tại sao mình lại nằm vào số những người không may mắn ở Yên Bồ ngày ấy. Rồi cũng đến tuổi yêu, Hằng yêu một người đàn ông hiền lành, chịu khó cùng xã, dẫu biết trước sẽ bị gia đình nhà trai phản đối vì bệnh "chim cánh cụt" mình đang mang.

Dù trải qua 2 cuộc phẫu thuật nhưng Hằng vẫn không thể trở lại bình thường.
"Tôi buồn lắm, cũng nghĩ đời mình sẽ chẳng bao giờ lấy được chồng. Không chỉ thân hình xấu xí, mà tôi chẳng làm được việc gì nặng cả. Làm một lúc là mỏi tay, chính vì thế tôi chỉ làm việc lặt vặt trong nhà thôi. Không ngờ yêu anh ấy, dù bị gia đình phản đối nhưng anh ấy quyết liệt và đã thuyết phục được bố mẹ. Hiện nay, vợ chồng tôi đã sinh được bé trai đầu lòng. Nghĩ đi nghĩ lại thì tôi cũng là người may mắn so với các bạn cùng trang lứa bị teo cơ vai". 

Rời Yên Bồ, chúng tôi vẫn không khỏi xót xa cho hàng trăm con người hằng ngày vẫn phải gánh chịu những hậu quả của căn bệnh quái ác ấy. Điều ám ảnh hơn hết là đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho căn bệnh quái dị mà người dân nghèo nơi đây phải hứng chịu. Nếu không tìm được nguyên nhân rồi một ngày nào đó tai họa lại ập đến thì người dân biết dựa vào ai? Biết kêu ai?

Ông Chu Đình Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại cho biết: "Đúng là trước đây người dân vô cùng hoang mang vì căn bệnh teo cơ vai quái ác. Có tới hơn 100 cháu nhỏ độ tuổi từ 5 đến 15 bỗng dưng mắc phải. Có nhiều nhà khoa học, bác sĩ về tìm hiểu nhưng hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này.

Chúng tôi đã có những chính sách cho những trường hợp này như lo chế độ hay mổ miễn phí. Theo báo cáo của Y tế xã thì vài năm nay không có trường hợp mắc bệnh nào mới. Các ca mắc bệnh cũ đều đã được mổ, chỉnh hình nhưng vẫn không thể bình thường được. Các em, các cháu sẽ phải gánh chịu hậu quả đến suốt đời". 

Phong Anh
.
.
.