Nỗi thống khổ của những nạn nhân bị hiếp dâm

Thứ Năm, 12/12/2019, 14:12
Ngày 5-12, một cô gái 23 tuổi đã bị nhóm 5 người đàn ông tưới xăng lên người và thiêu sống khi đang tới tòa án quận Unnao, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ để dự phiên xét xử vụ án cưỡng hiếp mà cô là nạn nhân. Bị bỏng 90% cơ thể, cô gái xấu số đã qua đời tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi sau hai ngày điều trị.


Vụ án nghiêm trọng này một lần nữa cho thấy tình trạng phụ nữ bị những kẻ đồi bại hãm hiếp và trả thù khi họ tố cáo với cảnh sát luôn là vấn đề nhức nhối ở quốc gia hơn 1 tỷ dân này.  

Những vụ án kinh hoàng

Theo hồ sơ của cảnh sát, cô gái này đã nộp đơn tố cáo hồi tháng 3-2019, sau khi bị 5 người đàn ông trên cưỡng hiếp tập thể vào tháng 12-2018. Ba nghi phạm trong số này bị bắt nhưng được tại ngoại tuần trước, còn hai kẻ bỏ trốn. Hiện cảnh sát đã bắt cả nhóm nghi phạm.

Bình luận về vấn đề này, bà Swati Maliwal, Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ New Delhi cho rằng, chính các lỗ hổng pháp lý đã cho phép những kẻ nguy hiểm được tại ngoại. Bà Maliwal cho rằng: "Có rất nhiều vụ hãm hiếp xảy ra và những vụ tấn công này do những kẻ đã bị kết án hoặc liên quan đến một vụ hiếp dâm khác được tại ngoại thực hiện".
Nữ diễn viên Bhavana nổi tiếng Bollywood cũng là nạn nhân của "yêu râu xanh".

Uttar Pradesh là bang đông dân nhất ở Ấn Độ và là "điểm đen" về nạn bạo hành phụ nữ. Riêng năm 2017, cảnh sát bang này đã nhận được hơn 4.200 báo cáo về các vụ hiếp dâm. Tuy nhiên, theo các nhà xã hội học, con số thực tế cao hơn nhiều do rất nhiều nạn nhân không tới cảnh sát trình báo do sợ bị đe dọa tính mạng.

Chỉ trước đó một tuần, ngày 27-11, nữ bác sĩ thú y 27 tuổi Priyanka Reddy ở gần thành phố Hyderabad, bang Telangana đang trên đường đến bệnh viện thú y làm việc thì xe máy bị xịt lốp ở thị trấn Shamshabad, bang Telangana, Ấn Độ. Một nhóm đàn ông đã tiếp cận cô và đề nghị "giúp đỡ".

Bhavya, chị gái của Priyanka, cho hay lần cuối cô nói chuyện với em gái là vào tối hôm đó. Trong cuộc điện thoại cuối cùng, Priyanka nói rằng mình rất sợ hãi khi bị mắc kẹt ở một nơi xa lạ, chỉ có vài người đàn ông và chiếc xe tải đỗ gần đó. Bhavya bảo em gái bỏ lại xe và đi bộ đến trạm thu phí đường bộ chờ cô đến đón, nhưng mọi chuyện đã không như dự kiến.

Sáng ngày 28-11, thi thể bị thiêu rụi của Priyanka được người dân địa phương phát hiện dưới một cầu cạn. Gia đình Priyanka chỉ có thể nhận dạng cô qua chiếc vòng cổ. Cảnh sát Shamshabad sau đó đã bắt giữ 4 nghi phạm. Ngày 6-12, khi cảnh sát đưa 4 nghi phạm tới thực nghiệm hiện trường, 4 kẻ này đã định bỏ trốn và cảnh sát đã phải nổ súng tiêu diệt. Việc quyết định tiêu diệt những nghi phạm của cảnh sát đã được gia đình nạn nhân và nhiều người dân đã hoan nghênh khi cho rằng đó là hành động kịp thời.

Sau khi xảy ra vụ án nữ bác sĩ Priyanka Reddy bị cưỡng hiếp và đốt xác, hàng nghìn người Ấn Độ đã người bày tỏ sự thương cảm và giận dữ sau sự việc, yêu cầu chính quyền hành động để những ngăn chặn thảm kịch tái diễn. "Tại sao chúng ta nuôi con cái ăn học rồi để chúng trở thành con mồi cho ai đó?".

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ án những kẻ hiếp dâm thiêu sống nạn nhân. Tháng 5-2018, dư luận Ấn Độ cũng bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra 2 vụ thiếu nữ bị hiếp dâm và thiêu sống. Một vụ xảy ra tại bang Jharkhand miền Đông Ấn Độ.

Theo Cảnh sát quận Pakur, cô bé này được nhập viện vào chiều 7-5-2018 với 70% cơ thể bị bỏng nặng. Lúc xảy ra sự việc, nạn nhân 17 tuổi đang ở nhà một người họ hàng. Sau đó một đối tượng, người nạn nhân có quen từ trước, đã xông vào nhà và hãm hiếp cô, rồi châm lửa thiêu cô gái trước khi chạy khỏi nơi thủ ác.

Trước đó vài ngày, một thiếu nữ 16 tuổi khác cũng đã thiệt mạng vì bị thiêu sống sau khi bị hiếp dâm tập thể. Giới chức điều tra cho biết thiếu nữ này đã bị bắt cóc khỏi nhà trước đó một ngày khi gia đình đang dự lễ cưới.

Cô gái bị đưa tới một khu rừng gần đó và bị nhóm đàn ông cưỡng hiếp tập thể. Sau khi bị gia đình nạn nhân khiếu nại, hội đồng trong làng phạt những người đàn ông này 100 lần gập bụng và 50.000 rubee. Tức giận trước mức phạt của làng, nhóm người này đốt nhà nạn nhân và cô gái đã bỏ mạng trong ngôi nhà cháy.

Tiếp đó, cuối tháng 6-2018, tại Mandsaur, miền Trung Ấn Độ lại xảy ra vụ án một bé gái 7 tuổi bị hiếp dâm tập thể ở. Một tuần sau đó, một bé gái 4 tuổi được tìm thấy đang nằm ở một nơi hẻo lánh trong một ngôi làng ở Satna, Madhya Pradesh, cũng ở miền Trung Ấn Độ. Em đã bị một người đàn ông 23 tuổi có quen biết với gia đình tấn công tình dục.

Ngoài trẻ em và những phụ nữ vô danh, ngay cả người nổi tiếng cũng trở thành nạn nhân của "yêu râu xanh". Tháng 2-2017, nữ minh tinh của điện ảnh Ấn Độ là Bhavana đã bị 7 gã đàn ông, trong đó có cả tài xế riêng, hiếp dâm. Thậm chí, những kẻ này còn quay lại quá trình làm nhục Bhavana, đồng thời, chụp ảnh cô trong tình trạng không một mảnh vải che thân và vô cùng hoảng loạn.

Sau đó, nhóm người trên bỏ trốn bằng một chiếc xe tải đã chờ sẵn. Thời điểm đó, thông tin nữ minh tinh Bhavana bị cưỡng hiếp tập thể được đăng tải trên hầu hết các trang báo của Ấn Độ và dấy lên một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ, thúc đẩy nhiều người lên tiếng yêu cầu chính phủ phải có những biện pháp cứng rắn hơn nhằm bảo vệ phụ nữ.

Không chỉ phụ nữ Ấn Độ, đã có những nữ du khách nước ngoài cũng trở thành nạn nhân của những kẻ bệnh hoạn. Tháng 9- 2015, một khách du lịch người Mỹ bị những kẻ lạ mặt tấn công và cưỡng hiếp tập thể khi tới thăm thành phố miền Bắc Dharamsala.

Theo cảnh sát, nạn nhân khai rằng cô bị tấn công khi đang trở về nhà lúc nửa đêm. Những kẻ lạ mặt túm lấy cô từ phía sau và đánh cô bất tỉnh. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, người phụ nữ 46 tuổi biết mình đang bị cưỡng hiếp.  Tháng 2-2015, một nữ du khách Nhật mới 20 tuổi bị cưỡng hiếp tại thành phố Jaipur.

Người dân biểu tình yêu cầu chính phủ hành động sau vụ cô gái 23 tuổi Nirbhaya bị cưỡng hiếp tại New Delhi tháng 12-2012. Họ mang biểu ngữ viết "Treo cổ kẻ hiếp dâm".

Vấn nạn nhức nhối

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và bé gái từ lâu đã là một vấn nạn ở Ấn Độ, khiến giới chức phải đề xuất tử hình các tội phạm cưỡng hiếp trẻ em dưới 12 tuổi.  Theo thống kê của Cục Hồ sơ Lưu trữ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, mỗi ngày có khoảng 100 vụ tấn công tình dục xảy ra ở Ấn Độ. Trong năm 2016, có gần 39.000 vụ tấn công.

Năm 2012, một vụ việc kinh hoàng đã xảy ra khi một nữ sinh viên, đang học ngành vật lý trị liệu, 23 tuổi, bị hiếp dâm tập thể ngay trên chiếc xe buýt đang di chuyển ở thủ đô New Delhi. Cả 6 người trên xe, bao gồm cả tài xế, đã thay nhau hãm hiếp, đánh đập cô và đánh bạn của cô. 11 ngày sau vụ việc, cô được chuyển đến một bệnh viện ở Singapore để điều trị nhưng không qua khỏi và đã chết hai ngày sau đó.

Vụ việc gây phẫn nộ trên khắp Ấn Độ và thế giới. Hàng nghìn người Ấn Độ đã xuống đường biểu tình đòi ra luật thật nghiêm khắc đối với tội phạm hiếp dâm ở Ấn Độ và thúc giục xử lý nhanh chóng các vụ tấn công tình dục. Bởi khi đó luật không cho phép công khai tên nạn nhân nên công chúng đã gọi nạn nhân là "Nirbhaya" (có nghĩa là không sợ hãi).

Dưới áp lực của công chúng sau vụ Nirbhaya, nhiều cải cách pháp lý đã được đưa ra. Một tuần sau khi Nirbhaya bị hiếp dâm tập thể,  Ủy ban Tư pháp JS Verma được thành lập để xem xét các luật hình sự và đề nghị sửa đổi luật đối với tội phạm hiếp dâm. Báo cáo 644 trang của ủy ban đã hình thành cơ sở cho Đạo luật Hình sự (sửa đổi) năm 2013.

Đạo luật năm 2013 này mở rộng định nghĩa hãm hiếp gồm quan hệ tình dục bằng miệng cũng như việc chèn một vật thể hoặc bất kỳ phần cơ thể nào khác vào âm đạo, niệu đạo hoặc hậu môn của người phụ nữ. Hình phạt cho tội hãm hiếp cũng nghiêm khắc hơn. Những kẻ hiếp dâm sẽ bị phạt tối thiểu 7 năm tù giam tới tù chung thân. Tuy nhiên, theo India Times, tới năm 2018, tình trạng hiếp dâm ở Ấn Độ vẫn không thể kiếm soát và việc thực hiện luật đã không được thực hiện nghiêm túc.

Phụ nữ Ấn Độ biểu tình phản đối bạo lực tình dục.

Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), mặc dù luật đã tỏ ra có tác dụng khi số vụ hiếp dâm được báo cáo với cảnh sắt tăng 39% nhưng các chính sách và luật về tội phạm hiếp dâm thường không được áp dụng đúng, dẫn đến việc nhiều kẻ hiếp dâm vẫn được hưởng mức án thấp hơn so với luật.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân không dám tố cáo là do những định kiến xã hội. Ở Ấn Độ, nhiều nạn nhân vẫn còn mặc cảm và bị xấu hổ sau khi bị hãm hiếp vì những định kiến hay sự kỳ thị của những người xung quanh. Vẫn còn nhiều người có tư tưởng là "không bao giờ nói với bất cứ ai rằng bạn bị hãm hiếp, không bao giờ được nói một lời nào về việc bị hãm hiếp".

Một lý do nữa khiến nạn hiếp dâm phổ biến tại Ấn Độ chính là tỷ lệ giới tính. Xã hội Ấn Độ chứng kiến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Năm 2016, tỷ lệ nam nữ ở đất nước này là 112:100. Đàn ông độc thân Ấn Độ dễ bị dẫn dắt đến các hành vi bạo lực.

Để đẩy nhanh tiến trình xét xử, Ấn Độ sẽ thành lập hơn 1.000 tòa án đặc biệt chuyên xét xử các vụ án hiếp dâm. Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển trẻ em và nữ giới Smriti Irani, chi phí vận hành các tòa án này sẽ là khoảng 110 triệu USD, trong đó có 68 triệu USD trích từ ngân sách chính phủ.

Minh Khuê (Tổng hợp)
.
.
.