Nước mắt người cha

Thứ Ba, 06/01/2015, 13:00
Hai chân vừa bị cưa cụt, máu mê còn loang lổ, đau đớn thể xác xuyên thấu tận tim, thì Tấn nhận được tin vợ rũ áo ra đi. Tấn gào lên, muốn chết ngay lúc đó nhưng ba đứa con bấu vạt áo khóc oe oe đã kéo người cha trở về thực tại. Không còn muốn chết nữa nhưng Tấn căm thù người đàn bà bội bạc đến tận xương tủy. Những cơn đau của vết cắt tự nhiên trở thành vô cảm, Tấn ôm con quay về túp lều chuồng gà ngày xưa. Nồi niêu, xoong chảo, giường chiếu Tấn bán hết, tờ giấy kết hôn cũng xé vụn ra vứt vào sọt rác.

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang

"Trên đời này, tôi chưa bao giờ thấy người mẹ mang nặng đẻ đau lại rũ bỏ thiên chức mà ra đi như thế. Con vật nó còn biết cho con bú mà, huống chi mình là con người". Dó là lời oán trách của Nguyễn Công Tấn (46 tuổi, ngụ phường Phạm Ngũ Lão, quận1, TP HCM) về người vợ đã nhẫn tâm ra đi, bỏ lại chồng bại liệt và ba đứa con thơ.

Là dân Sài Gòn chính hiệu, nhưng mấy đời nhà Tấn vẫn không có nổi một căn nhà đúng nghĩa. Cái nhà đang ở là do ngày xưa bà ngoại chiếm đất hẻm, cơi nới ra làm chuồng gà. Bà mất để lại cho các con cháu. Cha mẹ Tấn bán gà đi, vá víu lên thành nhà ở. Tấn lớn lên được thừa hưởng của hồi môn là “căn nhà” này.

Ba tuổi, Tấn bị sốt, hai chân tóp lại, chữa chạy khắp nơi không được, Tấn sống đời bại liệt từ đó. Tấn học đến lớp 9 thì phải bỏ vì không có tiền. Tấn bắt đầu đi bán vé số tự nuôi thân. Nhờ đôi chân bại liệt, chống nạng dặt dẹo ngoài đường, nhiều người thương nên bán vé số ít khi bị ế. Có một mình, Tấn sống khỏe qua ngày. Đời Tấn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có vợ, một phần vì nghèo, phần khác Tấn là người tàn phế.

Ngày nào không đi bán vé số là ngày đó, anh phải vay tiền để ăn.

Tấn nghĩ sẽ chẳng có ai yêu mình và bản thân cũng không dám đến với ai. Nhưng rồi cái duyên nợ tự nhiên xô đẩy vào Tấn trong một buổi tối lai rai cùng vài ông bạn trên một hàng ăn ngoài vỉa hè. Có cô phục vụ thanh thoát, mau mồm, dễ gần, Tấn mạnh miệng trêu ghẹo vài câu, cô ấy không giận lại còn cười toe toét. Sau buổi tối ấy, Tấn nhen nhóm hy vọng làm quen. Tấn hẹn cô nhân viên một ngày đẹp trời ra công viên ngồi tâm sự. Cô ta nguyên quán người Campuchia, tha phương sang Việt Nam kiếm sống. Gia cảnh khó khăn, cha mất, mẹ già yếu bệnh tật nằm tại chỗ. Cô ta thua Tấn đúng 10 tuổi, là gái có sắc và hoàn toàn lành lặn. Chỉ một ngày tâm sự ỉ ôi, trút lòng trút dạ, cả hai đã đổ ngả đổ nghiêng vì nhau. Cho đến giờ, Tấn cũng không hiểu được, vì sao cô ta lại yêu Tấn, người đàn ông bại liệt, nhan sắc khiêm tốn, nếu không muốn nói là xấu.

Tấn bày tỏ mong muốn có một tổ ấm, có những đứa con. Cô kia gật đầu ngay. Thế là, dọn về sống chung với nhau, không cưới xin nhưng có đăng ký kết hôn. 39 tuổi, Tấn kết thúc cuộc đời độc thân. Căn nhà chuồng gà không đủ chỗ cho hai người lớn nằm, vợ chồng Tấn thuê một phòng trọ rộng rãi hơn để hưởng hạnh phúc. Lấy vợ, Tấn cho vợ ở nhà không phải làm gì, còn mình ngày ngày phơi nắng, dầm mưa bán vé số. Hạnh phúc thời gian đầu ngọt ngào không tưởng, Tấn vô cùng thỏa mãn mặc dù phải gồng gánh nuôi thêm một miệng ăn. Ba năm liên tục, hai đứa con ra đời, là lúc sự chật vật dồn ứ. Tiền lời vé số không kham nổi cho ba miệng ăn, chưa kể sữa cho con. Vợ Tấn phải gửi con quay lại nghề phục vụ. Ba năm sau, một "miệng ăn" nữa lại ra đời ngoài kế hoạch của vợ chồng Tấn. Lo nghĩ, cộng thêm bệnh tật nhiều năm dồn ứ, Tấn ngã bệnh. Vợ thì vẫn đang "ở cữ", không có một xu. Cơn túng thiếu, bĩ cực bao trùm ngôi nhà oang oang tiếng trẻ con khóc lóc đòi ăn. Bệnh viện thông báo một tin động trời cho Tấn: "Bệnh tiểu đường nhiều năm không được điều trị nay vào giai đoạn nguy kịch, nó đã xâm lấn vào hai chân, nếu không cắt sẽ bị hoại tử".

Vậy là cắt chân. Thật ra, đôi chân này đã bị bại liệt từ nhỏ, để nó tồn tại chỉ có tác dụng làm giá đỡ cho cây nạng, giờ cắt đi cũng không phải là điều khủng khiếp. Khi chưa cắt chân, mỗi ngày vợ vẫn mang cơm và ôm con vào bệnh viện thăm chồng. Tấn cắt chân được một ngày, tự nhiên không thấy tăm hơi của vợ nữa. Sang ngày thứ ba khỏe hơn, Tấn gọi điện cho vợ thì không liên lạc được. Cùng lúc đó, người chị gái ôm ba đứa con vào bệnh viện giao cho Tấn cùng một thông báo như sét đánh bên tai: "Vợ mày đã bỏ đi rồi".

Cuộc gặp gỡ tại nhà hiếm hoi của bốn cha con anh Tấn.

Một mình cơ cực nuôi con

Những khi đau đớn bởi vết cắt hành hạ, Tấn chỉ muốn chết đi cho đỡ phải chịu đựng đau khổ và sự phản bội. Nhưng nhìn ba đứa con đang hồn nhiên sống thì anh lại muốn sống hơn lúc nào hết. Tấn cố gắng vùng dậy, vết mổ chưa được một tuần, bác sĩ không cho xuất viện nhưng anh quyết tâm bỏ về nhà. Anh nói với bác sĩ: "Tôi giờ chẳng còn gì để mất nữa rồi, tôi chịu trách nhiệm với mạng sống của mình và không oán trách ai. Tôi về để đi kiếm cơm cho đàn con đang khóc thét vì đói ngoài kia".

Tấn mang các con về  căn nhà “chuồng gà” ngày còn độc thân. Nó chỉ rộng đúng một mét, dài chưa tới hai mét. Một người có chiều cao hơn 1,7m phải nằm cong chân mới vừa. Lúc ấy, ba đứa con còn nhỏ, Tấn quẳng mỗi đứa một xó, chúng nằm vừa vặn như con cún trên chiếc gối đầu bẩn thỉu, sặc mùi chuột, gián. Còn Tấn, bây giờ đã cắt chân lên đến đầu gối rồi nên thoải mái nằm, không sợ chạm đầu, cũng chẳng sợ đụng chân. Với diện tích nhỏ hơn cái nhà vệ sinh như vậy, bốn cha con nằm ngang không được mà nằm dọc cũng chẳng xong. Tấn đặt một đứa trên đầu, một đứa dưới chân, còn đứa út nằm trên bụng. Bé út thèm sữa khóc ngằn ngặt suốt ngày, hai đứa lớn hơn cũng đòi ăn suốt, mà túi cha thì rỗng, không có một xu. Tấn đóng cửa bỏ ba đứa con ở nhà, để sẵn bánh mì, cơm, sữa bao giờ chúng đói thì tự bốc ăn. Tấn lê lết đi bán vé số. Trước khi đi, Tấn nhờ hàng xóm thỉnh thoảng đảo mắt sang nhà xem lũ trẻ như thế nào.

Từ ngày cụt chân, Tấn đi lại khó khăn, không chống nạng được nữa, phải ngồi xe lăn. “Nhờ” thân xác tả tơi như thế mà Tấn bán vé số đắt đỏ hơn. Trưa, Tấn mang đồ ăn về tiếp tế cho lũ con rồi lại đi bán đến tối mịt. Có người bạn vé số giới thiệu cho Tấn một người đàn bà chuyên nuôi dạy  trẻ em ở bên quận 8 (TP HCM). Thấy hoàn cảnh "gà trống nuôi con" của Tấn đáng thương quá, bà nhận nuôi dạy ba đứa trẻ với giá 3 triệu đồng/tháng. Tấn mừng quá, "hốt" ba "nhúm thịt" lên xe ba gác chở đi ngay. Không phải lo chuyện cơm nước, quấy khóc của lũ trẻ, Tấn dồn lực bán vé số, không quản nắng mưa, miễn sao có tiền. Có chiếc xe lăn được một nhà hảo tâm tặng, Tấn đẩy từ quận 1 xuống tới vòng xoay Phú Lâm (quận 6), đoạn đường dài gần 10 cây số để bán vé số. Ngày nào bán hết cũng được hơn trăm ngàn, đủ nộp tiền gửi con. Còn lại bao nhiêu, Tấn để ăn cơm bụi và hút thuốc lá. Tấn nghiện thuốc lá rất nặng, hút đến đen răng, cháy da, ho sù sụ. Thuốc lá là người bạn thân nhất mà Tấn không thể bỏ. Mải miết bán vé số, Tấn không có nhiều thời gian thăm con. Cứ cuối tuần, Tấn tranh thủ trên đường đi bán tạt qua dòm mặt mũi các con xem gầy ốm ra sao. Lũ con Tấn rất ít khi về nhà, vì bây giờ lớn rồi, nhà không đủ chỗ ngồi. Hai đứa con lớn đến tuổi được cho đi học chữ. Đứa bé đói sữa ngày mẹ bỏ đi nay đã 4 tuổi. Tấn khoe: "Hai con học giỏi và ngoan, chúng đều biết mẹ bỏ đi nên không bao giờ nhắc đến, chúng rất thương cha".

Hơn ba năm từ ngày vợ bỏ đi, anh Tấn một mình nuôi con.

Ngày đi bán vé số, đêm Tấn lầm lũi về nhà. Nơi ấy, chỉ có chiếc ti vi trắng đen lúc có sóng lúc tịt ngủm, chiếc chiếu rách như xơ mướp gói đài tụng kinh suốt đêm và một bịch chai lọ dùng để đi tiểu. Vài ngày Tấn mới tắm một lần, tắm nhờ vòi nước của bà bán phở bên cạnh.

Chưa đầy một năm sau, khi vết thương cũ chưa lành, nỗi đau tinh thần còn đó thì Tấn biết được tin vợ cũ đã lấy chồng và đang hạnh phúc với đứa con mới sinh. Cô ta dày mặt gọi điện cho Tấn ngỏ ý muốn thăm con, Tấn không đồng ý.

Sự bội bạc của người vợ trở thành nỗi ám ảnh quá lớn trong suy nghĩ của Tấn. Anh thề rằng, giờ có ai cho một đống tiền bảo lấy vợ nữa thì anh cũng từ chối ngay. Cuộc đời anh, một người đàn bà phụ bạc đã là quá đủ.    

Ông Đặng Thành Trung, Tổ trưởng khu phố 3 (phường Phạm Ngũ Lão, quận1, TP HCM): "Hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Công Tấn rất đáng thương. Cha anh Tấn mất đã lâu, còn mẹ bị tai biến nhiều năm nay. Kể từ ngày vợ bỏ đi, anh một mình nuôi ba đứa con. Là người bại liệt, lại phải gồng gánh mọi lo toan nên địa phương đã đưa anh vào diện khuyết tật, neo đơn để anh được hưởng các chính sách ưu tiên cùng như sự giúp đỡ thiết thực nhất của cộng đồng".
Ngọc Thiện
.
.
.