Phận đời đáng thương của một người con lai

Thứ Tư, 28/01/2015, 07:30
Sinh ra với phận đời là con một người lính lê dương, bà không gặp may mắn như bao đứa trẻ khác khi bị kì thị, xa lánh bởi mái tóc xoăn tít và làn da đen nhẻm. Trải qua hai cuộc hôn nhân không trọn vẹn, giờ đây vào cái tuổi "thất thập cổ lai hi", lại mang tấm lưng gù, bà vẫn phải làm thuê kiếm tiền nuôi đứa con bị thiểu năng trí tuệ.

Trong căn phòng nhỏ chật chội, ẩm thấp của hai mẹ con bà Nguyễn Thị Gái ở khu tập thể Thành Công, Đống Đa, Hà Nội, ngoài mấy đồ đồng nát được tích để chờ bán thì chẳng có vật dụng gì đáng giá. Dù đã ngoài 60, cái tuổi lẽ ra phải được sống an nhàn, hạnh phúc bên con cháu thì bà vẫn phải lặn lội kiếm ăn từng bữa để nuôi cậu con trai bị thiểu năng trí tuệ.

Ngày ngày, người dân trong khu tập thể lại thấy bà cụ lưng còng lọ mọ ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tận tối khuya mới trở về. Ai thuê gì bà làm nấy, ban ngày rửa bát, dọn nhà thuê, chiều tối lại đi nhặt đồng nát đem về bán. Buổi tối, bà lại tranh thủ ra vỉa hè bán ngô nướng đến tận khuya để kiếm thêm từng đồng. Vất vả, cực nhọc là thế, nhưng cuộc sống của hai mẹ con bà vẫn bữa đói bữa no.

Vài năm trở lại đây, sức khỏe của bà đã yếu đi nhiều, tấm lưng gù thì càng ngày càng còng xuống khiến việc đi lại rất khó khăn. Bà bảo, lúc còn khỏe thì còn có nhiều người thuê làm việc lặt vặt, bây giờ già yếu, làm việc chậm nên càng ít việc hơn. Chẳng ai muốn thuê một bà già bệnh tật lại chậm chạp như bà, nên may lắm mới có ngày thu nhập được 50.000-70.000 đồng, nhưng cũng bữa có bữa không. Thỉnh thoảng có người thương tình cho thêm một hai chục nghìn để mua đồ ăn, thức uống.

Cậu con trai năm nay đã ngoài hai mươi tuổi, nhìn cao to, hiền lành, nhưng thực chất lại bị thiểu năng trí tuệ, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, cơm nước, dọn dẹp, hay phụ bà bán ngô nướng. Trước đây, bà cũng đã động viên và cố cho con đi học với hy vọng, biết đâu, sau này con có thể nhận thức được bình thường, rồi sẽ có một cái nghề ổn định để tự chăm lo cho mình khi bà khuất núi. Nhưng 12 năm đi học, Đức cũng chỉ biết được hết mặt chữ, còn động đến môn học nào đòi hỏi tư duy là Đức chịu, không tiếp thu được. Thấy Đức học dốt nên bạn bè hay trêu chọc, kì thị khiến cậu xấu hổ, phải xin nghỉ ở nhà.

Bà Gái tâm sự, cuộc sống của bà khó nhọc, vất vả từ nhỏ, có lẽ cũng chỉ vì bà mang thân phận một người con lai. Từ lúc sinh ra, bà đã có nước da đen nhẻm khác thường. Lớn lên, dần nhận thức được sự khác biệt của mình với bạn bè cùng trang lứa, bà mới đem thắc mắc của mình hỏi mẹ và được mẹ cho biết, bố của bà là một người gốc châu Phi, là lính đánh thuê cho thực dân Pháp.

Khoảng năm 1950, thực dân Pháp lập một trại đóng quân ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ngày đó, mẹ bà Gái sống gần trại đóng quân đã gặp và phải lòng một người lính đánh thuê. Kết quả của cuộc tình chớp nhoáng là sự ra đời của bà Gái. Tuy nhiên, khi bà Gái được một tuổi thì cha bà bỏ về nước, cắt đứt mọi liên lạc, khiến mẹ con bà rơi vào cảnh đơn độc, đến giấy khai sinh cũng không thể làm được.

2 mẹ con bà Gái bán ngô nướng trên vỉa hè.

Khi bà Gái được 5 tuổi, mẹ bà đi bước nữa với một người đàn ông đã có 2 đời vợ. Bà Gái được mang họ của người bố dượng từ đó nhưng cuộc sống của hai mẹ con bà cũng chẳng khá hơn là mấy. Lên 6 tuổi, bà Gái mắc tật ở lưng khiến tấm lưng gù lên, người thì càng ngày càng còng xuống. Bắt đầu từ đấy là chuỗi những ngày bất hạnh đến với bà. Sống cảnh con riêng con chung, lại mang trên mình hình dáng khác thường, bà bị bạn bè cùng trang lứa trêu trọc, kì thị. Hàng xóm thì nhìn vào dè bỉu bởi cảnh rổ rá cạp lại, con anh con tôi. Suốt cả tuổi thơ, bà phải sống trong ghẻ lạnh. 

Khi mẹ là người thương yêu nhất và là chỗ dựa duy nhất của cuộc đời mất đi, bà Gái bắt đầu lang thang, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Ban đầu, bà theo đám bạn đi xin làm bốc vác ở chợ nhưng vì hình dáng xấu xí, lại bị gù nên không nơi nào nhận bà vào làm. Nghe mọi người mách nước, bà theo những chuyến tàu Bắc - Nam bán hàng xén kiếm thêm thu nhập. Nhờ có duyên với công việc buôn bán, bà cũng có được đồng ra đồng vào đủ trang trải cuộc sống.

Bà Gái đang đi nhặt giấy vụn.

Trong một lần bán hàng, bà gặp được một người đàn ông người miền Nam và hai người phải lòng nhau, nhanh chóng dọn về chung sống như vợ chồng. Ngỡ tưởng người phụ nữ bất hạnh đã tìm được bến đỗ hạnh phúc thì một thời gian sau bà phát hiện người chồng "hờ" đã có một đời vợ, lại không có khả năng sinh con. Đau đớn, tủi nhục vì bị người đàn ông đầu gối tay ấp lừa dối, bà Gái quyết định ra đi và lao vào những chuyến buôn hàng xén xuôi ngược.

Một thời gian sau, bà được người quen làm mối cho một người đàn ông đã có một đời vợ ở Gia Lâm, Hà Nội. Qua tiếp xúc, trò chuyện, nhận thấy ông là một người tốt, có thể làm chỗ dựa cho mình sau này nên bà Gái đồng ý theo ông về chung một nhà. Một người đàn ông góa vợ, một người đàn bà bỏ chồng, họ cùng chung hoàn cảnh, số phận nên thấu hiểu, cảm thông cho nhau. Đưa nhau về sống trong căn phòng hơn chục mét vuông, gia tài chẳng có gì đáng giá, họ chỉ nghĩ rằng sẽ có người bầu bạn, chăm lo lúc tuổi già sức yếu, chứ chẳng nghĩ rằng có thể có con, vì lúc này cả hai đều đã ngoài 40 tuổi, bà Gái lại mang dị tật trên người. Thế nhưng, thật bất ngờ, một thời gian sau bà có mang và cậu con trai Nguyễn Trung Đức ra đời trong niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ oà của hai vợ chồng bà.

Có con, hai vợ chồng bà càng có thêm động lực làm việc ngày đêm, kiếm tiền chăm lo cho con với niềm hy vọng lớn lao rằng, mai sau khôn lớn trưởng thành, Đức sẽ kiếm tiền báo đáp công ơn cha mẹ. Thế nhưng, hi vọng lớn để rồi thất vọng nhiều khi Đức càng lớn càng có những biểu hiện không bình thường. Đến lúc đưa con đi khám, các bác sĩ kết luận, Đức bị mắc chứng trí tuệ chậm phát triển, trời đất như sụp đổ dưới chân bà, mọi hi vọng tan thành mây khói. Chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau sinh ra đứa con không lành lặn về trí tuệ thì vài năm sau, chồng bà mất sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư gan quái ác, khiến cuộc sống gia đình đã khó khăn lại càng thêm kiệt quệ, túng thiếu.

Giờ đây, biết mình sức đã yếu, chẳng còn biết gắng gượng bao lâu nữa, mong muốn lớn nhất của bà Gái là cậu con trai tìm được công việc ổn định, sau này có thể tự chăm lo cho bản thân. Nhưng mong ước vẫn chỉ là mong ước, bởi dù cao lớn, tính tình hiền lành, có thể lao động chân tay, nhưng vì chậm phát triển trí não nên dù bà đã đi xin nhiều nơi vẫn không có ai nhận Đức. Đức vẫn ngơ ngác ở nhà bao năm nay trông chờ vào đồng tiền bán đồng nát người mẹ già, còn bà Gái ngày ngày vẫn lê tấm thân còm cõi làm thuê kiếm tiền nuôi con.

Phong Trâm
.
.
.