Hệ lụy xuất khẩu lao động ở Hải Dương:

Sau giấc mơ hào nhoáng... là sự thật phũ phàng

Thứ Ba, 03/11/2015, 18:07
Xuất khẩu lao động mang lại diện mạo mới cho nhiều làng quê của tỉnh Hải Dương. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh thì tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có hơn 11 nghìn người đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2015, con số này đã lên đến gần 2000 người. Bên cạnh những mặt tích cực, xuất khẩu lao động cũng nảy sinh nhiều hệ lụy đau lòng.

Đắn đo hồi lâu, tôi quyết định chọn phiên tòa xét xử ly hôn của cặp vợ chồng đã từng có thời gian "đầu ấp, má kề" để mở đầu cho bài viết của mình. Lý do người vợ đưa ra trước hội đồng xét xử để giải quyết ly hôn là sau khi đi lao động ở nước ngoài về, cuộc sống của vợ chồng chị phát sinh nhiều mâu thuẫn. Từ điều nhỏ nhặt nhất đến những công việc quan trọng, cả hai đều không tìm được tiếng nói chung. Nếu tiếp tục duy trì hôn nhân không hạnh phúc, các con chị sẽ bị tổn thương.

1. Trong phiên tòa hôm ấy, họ gồm nguyên đơn và bị đơn đều có nguyện vọng được nuôi những đứa con chung (chị Nguyễn Thị Thanh yêu cầu được nuôi hai con chung, còn bị đơn là anh Trần Văn Quang, cùng ở huyện Bình Giang, đề nghị được nuôi một trong hai con). 

Tại phiên tòa hôm đó, cặp vợ chồng ấy đều thể hiện rằng họ muốn dành những điều tốt nhất cho hai đứa trẻ, cả hai giằng co quyền được nuôi dưỡng con chung tại tòa. Song có một điều họ dường như không hiểu, những đứa trẻ cần một mái ấm gia đình hạnh phúc, có đầy đủ cả bố và mẹ. Dù có ở với một trong hai người thì chúng cũng luôn cảm thấy một sự thiếu vắng! 

Chính sự xung đột của người lớn đã gây nên những tổn thương có lẽ sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí của những đứa trẻ. Nếu như những người làm cha, làm mẹ ấy bỏ đi cái tôi của mình, cố gắng hàn gắn, xây dựng hạnh phúc gia đình, vì các con và vì chính cuộc sống vợ chồng thì bi kịch tan vỡ sẽ không xảy ra.

Phiên tòa hôm đó "nóng" lên khi đến phần phân chia tài sản. Chứng kiến đôi vợ chồng ấy tranh giành tài sản với nhau, chẳng ai nghĩ rằng họ đã từng có thời gian đầu gối, má kề. 

Tại phiên tòa đó, cả hai đều thống nhất được các tài sản chung để đưa ra phân xử. Ngoài những thứ đồ dùng có giá trị gồm một căn nhà 2 tầng trên diện tích đất hợp pháp, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả hai vợ chồng, những thứ đồ dùng hàng ngày như  bộ bàn ghế, tivi, tủ lạnh và chiếc lán lợp proximăng cùng một số tài sản khác cũng được mang ra để phân xử. 

Khi nói đến chiếc xe máy Air Blade, anh Quang yêu cầu được chia đôi số tiền trên. Song chị Thanh cũng có những lập luận riêng của mình. Chị cho rằng trong thời gian vợ chồng ly thân, anh Quang không có trách nhiệm với các con nên chị đã dùng số tiền bán chiếc xe máy được 30 triệu đồng vào việc nuôi các con chung ăn học nên không còn để phân chia.

Tìm hiểu gia cảnh của đôi vợ chồng này, chúng tôi được biết họ nên nghĩa vợ chồng hơn 16 năm trước. Sau khi kết hôn, chị Thanh làm nghề cắt tóc, gội đầu, còn anh Quang kiếm sống bằng việc buôn bán lặt vặt, thu nhập cũng đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Các con ngày càng khôn lớn, bàn đi, tính lại, vợ chồng họ quyết định một người ở nhà chăm sóc con, một người ra nước ngoài lao động. 

Khi đó, cả hai đã nghĩ đến một cuộc sống gia đình vương giả và sung túc khi chị trở về nước. Nhưng ở đời, chẳng ai học được chữ ngờ! Sau 3 năm sang nước ngoài lao động, năm 2008, chị Thanh trở về nước… "Xa mặt cách lòng", kinh tế tuy có khấm khá hơn nhưng tình cảm của vợ chồng họ thì lại càng trở nên xa cách. Khi cả hai hiểu rằng, đồng tiền chẳng thể mua nổi hạnh phúc thì mọi sự đã quá muộn.

Trả lời hội đồng xét xử, chị Thanh nói rõ lý do ly hôn là không hợp nhau. Cuộc sống vợ chồng như một địa ngục, thường xảy ra xô xát, mỗi khi như vậy anh Quang lại đá thúng đụng nia, đập phá toàn bộ tài sản. Và rồi, vợ chồng họ đã ly thân từ 5 năm nay, không thể hàn gắn được nữa. Người chồng cũng đồng ý với quan điểm của vợ, thuận tình ly hôn. 

Khi nhắc đến các con, chị Thanh bật khóc: "Sau khi ly hôn, tôi muốn được nuôi cả hai con chung, không yêu cầu anh Quang phải chu cấp tiền nuôi dưỡng". Hai con chung của chị Thanh, khi trả lời hội đồng xét xử hỏi, cũng đều có nguyện vọng được ở cùng mẹ. Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử đồng thuận cho chị Thanh và anh Quang được ly hôn. Hai con chung được ở với mẹ, anh Quang có quyền chăm sóc, thăm hỏi các con mà không bị ngăn cản. Các khoản nợ và tài sản khác được phân chia theo quy định. 

Vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa, anh Quang và chị Thanh đến với nhau bằng tình yêu nhưng rồi tại phiên tòa này, họ còn lạnh lùng với nhau hơn cả những người dưng. Nhìn hai con người ấy lặng lẽ đi về hai phía, chúng tôi bất giác nghĩ đến hai đứa con chung của họ. Ở thời điểm này, chúng cần biết bao một mái ấm gia đình có đầy đủ cả cha và mẹ… vậy mà!

2.  Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương thì tính đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 11 nghìn người đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Trong đó, thị trường Đài Loan chiếm 60%, còn lại là các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông. Số người đi lao động trên địa bàn lại tập trung nhiều ở các xã như Đồng Lạc (Chí Linh); Quang Minh (Gia Lộc); Hiệp Cát (Nam Sách, Hải Dương)… Như một tỷ lệ thuận, ở những xã này tình trạng gia đình ly tán sau khi vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động cũng gia tăng. 

Thẩm phán Vương Đình Phan, cán bộ Tòa án nhân dân huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết: Trong số các vụ xét xử ly hôn được thực hiện trong thời gian gần đây thì có tới 30% có liên quan đến việc vợ hoặc chồng ra nước ngoài lao động. Lý do thẩm phán Vương Đình Phan đưa ra là xuất phát từ cả hai phía. Có trường hợp là do người chồng ở nhà không chí thú làm ăn, không chỉ cờ bạc còn dính vào các tệ nạn xã hội khác. Một số do người vợ hoặc chồng đi làm ăn xa, tình cảm cũng có sự phai nhạt. 

Trường hợp của anh P.X.T ở huyện Bình Giang là một ví dụ. Chín năm đằng đẵng, anh P.X.T thay vợ nuôi con một mình. Ở trong làng, ngoài xã, ai cũng đánh giá anh là một người biết thương vợ, thương con. Những tưởng khi vợ đi lao động xuất khẩu trở về, có kinh tế, cuộc sống gia đình sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn, nào ngờ! Trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi nhưng tình cảm của chị ngày càng trở nên xa lạ. Anh P.X.T cố gắng hết sức nhưng dường như khoảng trống ấy chẳng thể nào lấp đầy. 

Sau khi về nước, vợ anh thường kiếm cớ gây sự với chồng, chị chê anh là người quê mùa. Mỗi lần cãi vã, chị lại bỏ nhà đi vài ngày mới về nhà. Vì các con, anh T đã nhẫn nhịn. Nhưng anh càng cố gắng thì chị càng lấn tới. Mọi việc vỡ lẽ khi chị công khai đưa người tình về nhà và giữa tháng 7/2015, chị gửi đơn đến toà án nhân dân huyện xin ly hôn.

3. Sau bi kịch của những cặp vợ chồng, hệ lụy từ việc xuất khẩu lao động là những đứa trẻ côi cút, có cha thì không có mẹ hoặc ngược lại. Như trường hợp của anh T ở thôn Tranh Xuyên (Ninh Giang). Vợ anh đi lao động nước ngoài hàng chục năm, chồng bảo về nhưng người vợ lại không muốn. Nói nhẹ không được, người đàn ông này thách thức vợ bằng cách đưa cả nhân tình về nhà. 

Do việc này vi phạm vào chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, chính quyền xã buộc phải nhắc nhở anh và cô gái kia. Sau đó, anh T và cô gái kia cũng đường ai nấy đi, anh T vẫn phải chịu cảnh chăn đơn, gối chiếc. Những trường hợp vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động trở về mà cơm lành, canh ngọt chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Số khác thì nếu không ly hôn thì cũng ly thân. 

4. Lúc chúng tôi đến, gia đình bà Vũ Thị Anh (ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) vừa làm đám tang cho cậu con trai xấu số là anh Nguyễn Huy Cường. Anh Cường bị thiệt mạng khi sang làm việc tại Đài Loan… Nỗi đau mất đi người con vì tai nạn giao thông chưa kịp nguôi ngoai thì nay gia đình lại phải chịu thêm một cú sốc quá lớn khác khiến bà Anh như gục ngã. 

Bên di ảnh con trai, bà Anh ngậm ngùi nói trong nước mắt: "Lúc con đi thì tươi tốt thế mà lúc về thì chỉ gỏn gọn trong một chiếc ba lô". Rồi bà tự trách mình, có lẽ do bà ăn ở không ra gì nên đến bây giờ mới phải chịu cảnh tang thương này". Nhìn cảnh người đầu bạc phải tiễn đưa kẻ tóc còn xanh, những người có mặt không cầm được nước mắt.

Từ ngày cậu con trai xấu số qua đời, bà Anh sống mà không bằng chết. Nhìn bà héo hon, tiều tụy, bà con chòm xóm ai cũng thương cảm. Bà Anh có 3 người con, anh Cường là con trai duy nhất… Gia cảnh chẳng dư dả gì nên mọi người bàn nhau vay mượn tiền để anh Cường sang Đài Loan xuất khẩu lao động với hy vọng, vài năm có đồng vốn, trở về phát triển kinh tế gia đình. 

Hôm tiễn chồng ra sân bay, vợ anh (chị Doan) cùng những người thân mừng mừng, tủi tủi rồi lại hy vọng, với bao viễn cảnh tươi đẹp. Thời gian cứ mòn mỏi thoi đưa, chị Doan đếm từng ngày mong được hội ngộ cùng chồng, vậy mà… Trong khoảng sân rộng, hai đứa trẻ con anh Cường đang nô đùa. Nhìn hai con, chị Doan như đứt từng khúc ruột. Những đứa con chị còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau mất cha. Trong tâm trí của chúng, có lẽ bố vẫn đang đi làm ở một nơi xa xôi nào đó. 

Vợ anh Cường đau lòng kể lại sự việc.

Ngày anh Cường ra đi tìm miền đất hứa, đứa con trai thứ hai vẫn còn trong bụng mẹ. Để có số tiền cho anh, gia đình chị phải vay mượn khắp mọi nơi... Anh Cường đi Đài Loan được gần 2 năm, khoản tiền vay để làm các thủ tục vừa mới trả hết thì tai họa đã ập đến. Theo lời chị Doan thì chồng chị bị nhồi máu cơ tim. 

Khi biết anh qua đời, công ty môi giới đề nghị gia đình ủy quyền để họ làm thủ tục hỏa táng rồi gửi anh về nhưng chị cùng gia đình không đồng ý. Chị muốn được đưa anh về với quê hương, thắp cho anh nén hương chứ không để anh lưu lạc, lạnh lẽo nơi xứ người… 

Ở Hải Dương, những trường hợp thương tâm như anh Cường không phải là hy hữu. Theo Hội đồng hương tỉnh Hải Dương tại Đài Loan, từ tháng 5 đến nay đã có 10 lao động Hải Dương bị thiệt mạng nơi xứ người, phần lớn trong số đó đều có tuổi đời còn rất trẻ.

Xuất khẩu lao động là cơ hội nhưng đồng thời cũng chứa nhiều tiềm ẩn rủi ro… Không chỉ bỏ mạng nơi xứ người, không ít mái ấm gia đình tan vỡ khi tình yêu của họ không đủ vững trước sự thay đổi của cuộc sống, một số trường hợp trở thành tàn phế suốt đời như trường hợp của anh Nguyễn Văn Nam (SN 1990, trú tại xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). 

Mọi sinh hoạt của anh Nam chỉ trên chiếc giường góc nhà.

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng ở Đài Loan, anh Nam vĩnh viễn mất đi sức khỏe và khả năng lao động, mọi sinh hoạt của anh vì thế cũng có sự thay đổi. Anh ngày ngủ, đêm gần như thức trắng. Hiện nay, ngoài nỗi đau về thể xác, ngày ngày anh còn phải chịu sự giày vò về tinh thần khi mặc cảm mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những người thân của anh Nam kể rằng, ngày đầu mới về nước, anh Nam bị sốc nặng. Anh thường cáu gắt vô cớ, ngại ngần không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Hai năm kể từ khi bị tai nạn lao động, mọi sinh hoạt của anh Nam đều chỉ trên chiếc giường đặt ở góc nhà. Gặp chúng tôi, anh Nam rơm rớm nước mắt: Mong muốn đổi đời, năm năm trước, anh cùng gia đình vay mượn hơn 150 triệu đồng làm kinh phí sang Đài Loan làm công nhân mạ. Nhờ làm việc chăm chỉ, thời gian đầu, anh cũng có được một khoản tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ. 

Anh Nam làm việc được gần 1 năm thì công việc của công ty ở Đài Loan bắt đầu có những thay đổi. Công việc ngày càng ít đi, các khoản thu nhập chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nghĩ đến khoản nợ hàng tháng, những người thân trong gia đình phải oằn mình trả với lãi suất cao, anh trào nước mắt. 

Rồi anh quyết định làm liều, bỏ công ty ra bên ngoài kiếm tiền. Để có quyết định đó, anh đã phải đấu tranh với bản thân mình rất nhiều, anh Nam tâm sự: "Gần 1 năm lao động bất hợp pháp, tôi đã làm đủ mọi nghề, từ phụ hồ, cửu vạn, phục vụ hàng ăn, thợ điện nước... thu nhập cao hơn nhưng ăn không ngon, ngủ không yên vì nơm nớp lo sợ bị bắt giữ". Thời gian đó, mỗi nơi anh Nam chỉ làm vài ngày rồi bỏ đi tìm việc khác vì sợ bị Công an nước sở tại phát hiện, bắt giữ.

5. Có thể khẳng định rằng, không ít làng quê của tỉnh Hải Dương đã lột xác nhờ hoạt động xuất khẩu lao động… Một trong số đó phải kể đến xã Quang Minh, huyện Gia Lộc; xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). 

Theo báo cáo của xã Quang Minh thì hiện nay, mức thu nhập bình quân theo đầu người của xã đạt khoảng 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,6%. Xã Quang Minh cũng là một trong những đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh… 

Và cũng không ít người nhờ đồng vốn sau khi đi lao động xuất khẩu trở về nước đã phát triển kinh tế như trường hợp của anh Nguyễn Thanh Thiêm (33 tuổi, trú tại thôn Tứ Kỳ Thượng). Sau khi đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản trở về nước, anh Thiêm đã thành lập công ty riêng, tạo công ăn việc làm cho 20 công nhân, với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người…

Hiện nay, mạng xã hội là cách tiếp cận nhanh nhất mà người lao động có thể thông qua đó để tìm hiểu về thị trường xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, mặt trái của việc tiếp cận thông tin qua mạng xã hội là thiếu thông tin chính xác, người lao động nhẹ dạ, cả tin, lại có tâm lý nôn nóng muốn được đi ngay nên dễ bị các đối tượng cò mồi dụ dỗ, lợi dụng để lừa đảo bằng những lời hứa hẹn đưa đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, lại không đòi hỏi cao về tay nghề, trình độ ngoại ngữ.

Để hạn chế tình trạng trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã thực hiện việc tuyên truyền, hỗ trợ người lao động. Mới đây vào ngày 24/5, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã đến bến xe nước ngầm (Hà Nội) đón 35 người lao động của tỉnh Hải Dương bị lừa sang Thái Lan làm việc. 

Sau khi đón các lao động về tỉnh Hải Dương, tổ chức các cuộc làm việc với một số người lao động; chuyển đơn và hồ sơ vụ việc đến Công an tỉnh Hải Dương để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Không dừng lại ở đó, Sở đã có công văn chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện khảo sát nhu cầu, tư vấn nghề, tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động để người lao động sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động cần tìm hiểu kỹ các thông tin về doanh nghiệp dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; liên hệ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố. 

Sở cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: dolab.gov.vn để biết các thông tin. Sau khi liên hệ cần đến trực tiếp để làm các thủ tục đăng ký, nộp tiền... tại trụ sở chính, chi nhánh hay văn phòng đại diện chính của doanh nghiệp đó, không nên thông qua tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.

Những năm qua, nhiều vùng quê của tỉnh Hải Dương lột xác nhờ xuất khẩu lao động. Nhiều người sau khi về nước có một cuộc sống khá giả hơn… Song cũng không ít giấc mơ đổi đời khi ra xứ người, bán sức lao động tan theo bong bóng xà phòng, khi họ trở về nước với bàn tay trắng. Và không ít trong số đó, phải bỏ mạng nơi đất khách quê người, giấc mơ đổi đời vì thế chẳng bao giờ trở thành hiện thực.
Xuân Mai
.
.
.