Sự nghèo ở thời hiện đại

Thứ Năm, 13/11/2014, 20:30

Có lẽ, chưa lúc nào, gương mặt của cái nghèo lại hiện lên rõ ràng như lúc này. Ngày nào cũng có thông tin ai đó tìm cách chết để giải thoát con đường cùng của số phận khi mà gánh nặng tiền bạc, cơm áo và những nhu cầu của đời sống hằng ngày truy đuổi. Chết vì không có lối thoát cho căn bệnh hiểm nghèo của mình khi mà số nợ cho những lần xạ trị đã lên tới hàng chục triệu đồng. Một món nợ khủng bởi đối với những người nghèo thì trong tay họ chưa bao giờ có nổi bạc triệu. Chết bởi con không có tiền đóng học phí, mẹ lại đau yếu bệnh tật. Chết sẽ có tiền phúng viếng để con có thể tiếp tục đến trường từ món tiền phúng viếng của mẹ mình.

Chết để gia đình được công nhận là hộ nghèo, để các con được hưởng trợ cấp…Những cái chết tiêu cực này ít ra vẫn còn le lói chút tích cực khi người chết chỉ chết một mình, nghĩa là tự xử mà không kéo theo ai đó chết cùng vì quá quẫn bách. Chết để cuộc sống của những người còn lại trong gia đình mình bớt khó khăn hơn. Nhưng, khủng khiếp hơn, tận cùng dã man hơn là những cái tự chết khi bố hoặc mẹ cột con vào người cùng nhảy sông tự vẫn. Cha gây ngạt cho con chết trước để tự tử cùng con. Mẹ bỏ bả chuột vào sữa cho các con uống cùng chết với mình…

Ngày xưa, thời bao cấp, nghèo không phải là xấu hổ, nếu không nói là một cảm giác hãnh diện thanh thản về sự trong sạch của gia đình ba đời bần cố nông của mình. Ngày xưa, nếu nhà mình không phải giỗ, không phải tết, tự dưng có một con gà để thịt ăn thì chắc chắn phải đóng cửa mà ăn, xương gà đương nhiên có chó ăn hộ, còn lông gà thì phải bỏ vào bao bóng đến tối đem ra vườn chôn, chứ nhỡ hàng xóm bên cạnh tập thể chung một bức vách nhà mình mà biết mình ăn thịt gà thì người ta dè bỉu mất. Thế nên có áo đẹp không dám mặc, mặc quần áo có mảnh vá tích kê đi làm là bình yên nhất, an tâm nhất, tự tin nhất.

Di ảnh em Phạm Thị Nhung (học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đức Bồng, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Đã có thời trong quá khứ chưa xa, giàu là một nỗi ngại ngùng vô bờ bến. Mình có thịt để ăn mà không phải là đợt được mua theo tem phiếu, nghĩa là tự dưng có thịt thì bữa ăn đó giấu giấu giếm giếm như thể sự ăn uống đầy đủ của mình là xa hoa, là như có lỗi với hàng xóm nghèo khổ bên cạnh, chưa nói xấu hổ với đất nước vừa mới trải qua đau thương do chiến tranh, hay trải qua cơn địa chấn tâm lý của cuộc đấu tranh giai cấp địa chủ khốc liệt. Quá khứ lịch sử là sự thật mà chúng ta luôn phải tôn trọng, cho dù sự thật ấy vui sướng hay buồn đau. Bước qua được thời ấu trĩ để tiến về phía trước hoàn thiện hơn mới là điều quan trọng và tối cần thiết. Bởi vậy mà cái thời chưa xa ấy, giàu như một thứ cảm giác tội lỗi trong tinh thần, còn nghèo là thứ được đón nhận, được thông cảm.

Nhưng cuộc sống hiện đại hôm nay, cái nghèo không còn là sự tự tin của mỗi công dân nước Việt. Mỗi người Việt chúng ta càng ngày càng thấm thía muôn nỗi cay cực, ê chề về sự nghèo của bản thân mình, của xã hội mình. Thế mới có chuyện cả xã phải lập thành tích xoá nghèo, quyết không để tồn tại hộ nghèo. Việc xoá hộ nghèo là chính sách nhân đạo, nhân văn và phát triển xã hội của đất nước, nhưng thực chất việc xoá nghèo được đến đâu, đã xoá nghèo hẳn chưa thì lại là một câu chuyện phức tạp khác.

Rõ ràng cái nghèo ở thời hiện đại không đơn giản. Trong một xã hội mà mọi kết nối có thể giải quyết bằng diện thoại, internet, thẻ tín dụng, thì cái nghèo của một bộ phận nào đó, một cá nhân nào đó chắc chắn ít có cơ hội để sinh tồn. Ngày xưa đói nghèo con người vào rừng đào củ mài để chống đói. Mọi người có thể vác rá chạy quanh xóm để vay gạo… vì ai cũng nghèo như ai cả. Nhưng bây giờ cuộc sống ngày càng hiện đại, sự phân hoá giàu nghèo càng khốc liệt thì cái nghèo càng khó có chỗ để dung thân.

Người nghèo càng rơi vào cảnh khốn cùng, quẫn bách, mất hết ý chí để chống lại cái nghèo, tìm cách thoát nghèo. Thế nên một bộ phận những người nghèo khổ vẫn lầm lụi sống dưới đáy tầng xã hội với hành trang 3 không, không nhà, không hộ khẩu chứng minh nhân dân, không của cải. Họ sống ngoài lề đường, rìa sông, dưới gầm cầu…Nhưng đó là những người nghèo tích cực. Còn những người nghèo tiêu cực, tất nhiên bộ phận này chỉ là các trường hợp cá biệt. Song trong cơn tuyệt vọng, họ đã tìm đến cái chết để thoát nghèo như một giải pháp cực đoan nhất, thương tâm nhất và đáng lên án nhất.

Ước gì, mỗi ngày mở trang báo ra, hay lên mạng đọc tin tức, chúng ta không còn phải rơi lệ bởi những cảnh cha mẹ tự tử để con được sống, hay cha mẹ ép con chết cùng vì gia cảnh quá bần cùng. Ước gì không bao giờ có những người mẹ phải tự tử để lấy tiền phúng viếng cho con đi học, hay như cô bé nghèo đau ốm ở Hà Tĩnh không phải sau khi rơi xuống cầu chết trên đường đi học về do đói, do bệnh ốm… rồi gia đình mình mới được xã công nhận lại là hộ nghèo. Ước gì xã hội sẽ có nhiều phương pháp thiết thực tối ưu hơn để giải quyết tốt tình trạng xoá nghèo đối với các hộ dân ở trên tất cả mọi vùng miền

Như Bình
.
.
.