Một gia đình có 4 người con nhiễm chất độc da cam

Tận cùng nỗi đau

Thứ Năm, 22/08/2013, 17:09

Ngôi nhà nhỏ nằm hút trong con ngõ sâu. Nhưng ai biết, trong ngôi nhà đó, nỗi đau của chiến tranh sau 35 năm vẫn còn hiện hữu. Gia đình chú Hằng và bốn người con là nạn nhân chất độc da cam, nằm liệt một chỗ, còng queo, gầy yếu là nỗi ám ảnh của bất cứ ai khi đến đó.

Con đường làng vắng vẻ, tiêu điều, khiến cho ngôi nhà của gia đình chú Hằng càng trở nên u buồn hơn... Chúng tôi không thể cầm lòng khi nhìn thấy ba thân hình teo tóp đang nằm trên giường. Dường như cảm nhận được có người lạ đến thăm, các em cố huơ đôi tay, miệng phát ra những tiếng kêu ú ớ như muốn nói câu chào. Cô Nhũn, vợ chú Hằng nhìn các con mắt ngân ngấn nước. Cô đã khóc ròng suốt hơn ba mươi năm qua, vậy mà nước mắt đâu có cạn, lúc nào cũng chực trào ra. Chúng tôi lặng người đi. Sợ rằng, mỗi câu hỏi của mình sẽ là một vết dao cứa thêm vào nỗi đau quá lớn trong trái tim cô.

Chú Vũ Văn Hằng già sọm đi. Đôi mắt trũng sâu, ngấn nước. Trong câu chuyện rời rạc với chú buổi chiều u buồn ấy, tôi thấy nỗi đau đã vắt kiệt cuộc đời người đàn ông này. Chú Hằng sinh năm 1949. Năm 1967, như bao trai làng, chú lên đường chống Mỹ cứu nước, cùng đồng đội xông pha vào các chiến trường khốc liệt nhất bấy giờ để cứu chữa thương bệnh binh. Hết chiến tranh, chú vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội.

Ba đứa con của chú Vũ Văn Hằng.

Năm 1977, phần vì sức khỏe yếu, phần vì gia đình neo người, chú xin phục viên về quê và nên duyên vợ chồng cùng người con gái thôn quê là cô Bùi Thị Nhũn. Năm 1978, chú Hằng hạnh phúc đón cô con gái đầu lòng chào đời. Hạnh phúc được nhân lên khi năm 1980, cô Nhũn mang thai lần thứ hai. Cậu con trai thứ hai ra đời trong sự chờ đợi, háo hức của cha mẹ và người thân nhưng rồi cả nhà chết lặng khi thấy đứa bé sinh ra là một đứa trẻ tật nguyền, chân tay èo uột, mặt mũi ngây dại.

Năm 1983, 1985, hai bé trai nữa tiếp tục ra đời, và cũng chẳng khác gì người anh trai, chúng đều là những đứa trẻ tật nguyền nằm liệt một chỗ. Năm 1989, niềm hy vọng lại được thắp lên khi cô con gái thứ năm là một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Năm 1991, cô chú cố sinh thêm người con thứ sáu, hy vọng sẽ có đứa con trai khỏe mạnh để nối dõi. Nhưng rồi một lần nữa nỗi đau lại giáng xuống khi bé trai vừa sinh ra cùng chung số phận với các anh mình.

Nỗi đau chồng lên nỗi đau khi làng xóm buông những lời dị nghị,"Tại nhà ấy kiếp trước ăn ở không ra gì...". Đau lắm, buồn lắm nhưng cô chú vẫn nén lòng vượt qua tất cả, chăm chút cho các em, dù các em có thế nào thì vẫn là những núm ruột của mình.

Cuối năm 1991, một người bạn của chú Hằng cùng Đại tá Trần Đồn (nguyên Giám đốc Sở Công an thành phố Hải Phòng) đến thăm gia đình. Sau khi nghe chuyện, với sự giúp đỡ của ông Trần Đồn, chú Hằng và bốn em được đưa đi giám định sức khỏe. Kết quả, chú Hằng và các em đều bị nhiễm chất độc da cam, hậu quả của những ngày chú chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Từ đó xóm làng cũng bớt đi những lời dị nghị. Họ nhận được nhiều hơn những ánh mắt đồng cảm, chia sẻ. Cách đây 3 năm, chính quyền địa phương đã xây cho gia đình chú Hằng ngôi Nhà tình nghĩa, để các em có chỗ nằm khô ráo, sạch sẽ hơn.

Nhưng cuộc sống của gia đình chú vẫn là những nỗi đau, khốn khó. Chú Hằng về phục viên không có chế độ, cô Nhũn làm nông nghiệp. Nhưng rồi, cũng phải bỏ dở cả việc đồng áng để ở nhà chăm sóc các con. Trông cô gầy mòn, ốm yếu. Tất cả chỉ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp hằng tháng của các em (mới được hưởng từ năm 2005) nhưng trong thời "bão giá" này, khoản tiền đó có đáng là bao.

Rời khỏi ngôi nhà chú Hằng, bước chân tôi nặng trĩu... Tôi cứ bị ám ảnh bởi câu nói trong nước mắt của cô Nhũn: "Cháu ạ, cô chẳng mong gì hơn, chỉ mong sao cô chú chết sau các em cho các em đỡ khổ". Còn nỗi đau nào đau hơn???

Rất mong các nhà hảo tâm và những tấm lòng nhân hậu của các bạn giúp đỡ cho gia đình chú Hằng để họ có cuộc sống ổn định hơn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về  Vũ Văn Hằng - thôn Bắc Phong - xã Kiến Thiết - huyện Tiên Lãng - TP Hải Phòng. ĐT: 0313.912.027

PV
.
.
.