Tần tảo một đời nuôi con chồng bị chất độc da cam

Thứ Ba, 16/06/2015, 17:00
Chấp nhận về làm vợ lẽ của một anh thương binh đau ốm, khi mà anh đã có tới 5 người con riêng, ai cũng bảo chị "rước họa" vào thân. Nghe vậy chị chỉ cười, không hề than vãn gì về lựa chọn của mình. Cho đến nay, khi chồng đã mất hơn 20 năm, một mình chị quần quật làm lụng chỉ để chăm cho những đứa con của chồng, trong đó có những đứa bị chất độc da cam, cả ngày chỉ ngẩn ngơ. Thế nhưng, nỗi lo của chị trong suốt phần đời còn lại cũng chỉ về mấy đứa con riêng của chồng. Chị chỉ lo rằng, đến khi sức khỏe đã yếu rồi mất đi, không còn ai có thể chăm sóc chúng nữa.
Cơ duyên kì lạ

Đó là cuộc đời kì lạ của chị Hà Thị Đông (55 tuổi, thôn Thuận An, xã Song Mai, TP Bắc Giang) mà khi ai nhắc đến cũng phải có chút thán phục pha lẫn sự nuối tiếc. Theo như lời kể, chị là con đầu lòng trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ăn còn phải chạy từng bữa nên chị Đông chỉ được học hết lớp 1 cho biết mặt chữ rồi về nhà làm ruộng. Nhưng cũng vì là con đầu lòng nên trách nhiệm gánh trên vai cũng vô cùng nặng nề, đến khi các em đã yên bề gia thất thì chị vẫn một mình lẻ bóng dù đã qua cái tuổi xuân xanh từ rất lâu rồi.

Chị kể rằng, thời thiếu nữ chị cũng được nhiều người yêu mến, nhiều anh cũng muốn làm quen để nên duyên vợ chồng với một cô gái hiền lành, phúc hậu, lại chăm chỉ, chịu khó như vậy. Thế nhưng, thương bố mẹ, thương các em và gia cảnh nghèo khổ, chị quyết tâm gác hạnh phúc của mình sang một bên để làm lụng, phụ giúp gia đình.

Tưởng chừng cứ sống như vậy cho đến hết cuộc đời, nhưng một cơ duyên kì lạ đã khiến chị Đông gặp anh Phạm Văn Thức (69 tuổi, người cùng thôn) là thương binh nặng, vợ mất vì bệnh tật đã nhiều năm. Nói "kì lạ" bởi khi nhắc đến chuyện của chị Đông, ai cũng lắc đầu thương chị số khổ.

Chị Đông và người con gái tật nguyền - con riêng của chồng.

Từ chối biết bao nhiêu lời tỏ tình để rồi lấy một anh thương binh đã qua một đời vợ và 5 đứa con, trong đó có hai đứa bị nhiễm chất độc màu da cam, nói về lựa chọn kì lạ của mình, chị Đông tâm sự, do mến cái tính chân chất thật thà, lại thương anh sức khỏe yếu, phải gà trống nuôi con nên chị gật đầu đồng ý về làm vợ anh. Đám cưới diễn ra hết sức đơn giản được tổ chức vào năm 1983, chị đã trở thành một người vợ và người mẹ của 5 đứa con.

Do anh Thức thường xuyên đau ốm  nên hầu như mọi việc trong nhà đều tới tay chị Đông. Mỗi khi thời tiết thay đổi, vết thương từ chiến tranh lại hành hạ chồng khiến chị Đông khóc hết nước mắt, tìm mọi cách để khiến anh bớt đau. Vì thế, ngoài cái ăn, cái mặc cho các con lại phải lo thuốc thang cho chồng, cuộc sống vốn đã khốn khó, vất vả nay lại càng vất vả hơn. Tài sản lớn nhất lúc ấy của gia đình chị chỉ là một chiếc xe đạp cũ.

"Bánh đúc có xương"

Vợ đầu của anh Thức mất khi các con vẫn còn nhỏ. Tiếng là được 5 người con, nhưng chỉ có 3 người vẹn nguyên, lành lặn. Anh con trai cả bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên đôi khi không được bình thường cho lắm. Nhưng nặng hơn cả là cô co n gái thứ tư, Phạm Thị Bốn. Sinh năm 1970, năm nay đã sang tuổi tứ tuần mà Bốn vẫn ngây ngô như đứa trẻ lên ba. Cả nhà phải làm cái cũi để nhốt Bốn lại, tránh khi cơn điên loạn nổi lên, cô lại đập phá, đánh tất cả mọi người. Mọi sinh hoạt hàng ngày của Bốn đều do một tay chị Đông lo liệu.

Cuộc sống ngày càng khốn khó, ngoài việc làm đồng áng, chị Đông còn nhận làm thuê cho các nhà xung quanh để kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi gia đình. Nhiều người thương chị nên cũng tạo điều kiện giúp đỡ. Nói về gia cảnh của chị, ai cũng thấy thương cho người phụ nữ đã một đời sống vì gia đình, vì các em, đến khi lấy chồng cũng phải vất vả vì chồng và những đứa con không do mình sinh ra.

Chị Đông bên những di vật của chồng.

Nhưng khi nói về cuộc sống của mình, chị Đông tâm sự: "Mình đã chọn như thế thì mình phải chịu đựng, là người phụ nữ của gia đình nên công việc đến tay cũng là lẽ dĩ nhiên. Nhiều người cứ bảo tôi rằng sao đường quang không chọn lại đâm đầu bụi rậm nhưng tôi nghĩ rằng đó là cái duyên số nên không tránh được...".

Cuộc sống vẫn cứ thế trôi qua đầy gian lao và vất vả đối với người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng mang trên mình biết bao trách nhiệm. Nhưng đến năm 2000, chồng chị Đông tái phát căn bệnh cũ và có dấu hiệu ngày càng nặng. Vốn sức khỏe đã yếu, khi trở bệnh anh Thức chỉ biết nằm một chỗ, vật lộn với những cơn đau tưởng như chết đi sống lại.

Thương chồng, chị Đông cố gắng làm việc nhiều hơn, vay mượn người thân quen để lo lắng thuốc thang cho chồng. Căn nhà vốn đã xiêu vẹo rách nát nay có đồ gì đáng giá cũng đội nón ra đi để có thêm tiền trang trải. Những ngày anh nằm tại Bệnh viện Bắc Giang, chị tất tả đi đi về về, vừa lo chạy chữa cho chồng lại phải chăm lo cái ăn, cái uống, lo sinh hoạt cho cô con gái bị chất độc da cam. 

Những cơn đau ốm của anh Thức kéo dài đến năm 2004, khi sức khỏe của anh không còn để chống chọi với bệnh tật, anh ra đi để lại chị Đông cùng 5 đứa con. Thiếu đi hình bóng người chồng, căn nhà bỗng trở nên hiu quạnh. Mỗi khi nhớ lại, chị Đông lại nghẹn ngào nhưng chị không khóc vì giờ đây chị vừa là mẹ cũng vừa là bố của những đứa con.

Sau khi chồng mất, chị Đông lại tiếp tục lo cày cuốc trả nợ và để ra một khoản tiền dựng vợ, gả chồng cho những đứa con lành lặn của anh Thức. Khi các con yên bề gia thất, chị và đứa con nhiễm chất độc da cam sống với nhau, ngôi nhà càng trở nên trống vắng hơn bao giờ hết.

Chị tâm sự: "Tôi với chồng không có con chung, bao nhiêu năm nay tôi đã coi các con của chồng như là con ruột của mình. Khi chúng nó đi hết mình cũng thấy trống vắng, giờ chỉ còn tôi với con Bốn sống với nhau. Số phận cho chúng tôi thành người một nhà thì mình cứ làm hết trách nhiệm của người mẹ".

Chất độc da cam khiến Bốn cả ngày chỉ ngẩn ngơ.

Cuộc sống của hai mẹ con cứ êm đềm trôi qua cho đến khi một sự việc đau lòng ngoài ý muốn đã khiến lương tâm người mẹ kế bị giày vò, day dứt mãi không thôi. Theo như lời kể của chị Đông, cách đây một năm, khi đó chị Đông đang mải làm đồng, chị để Bốn ở nhà như mọi khi. Chẳng may, Bốn bị kẻ gian lẩn vào nhà và giở trò đồi bại. Khi chị Đông phát hiện ra sự việc thì cái thai trong bụng Bốn đã lớn.

Nhìn đứa con ngây ngô không biết chuyện gì đã xảy ra, chị Đông càng đau đớn, dằn vặt tự trách mình. Chuyện đã lỡ làng, chị Đông lại tất tả chạy ngược, chạy xuôi lo cho Bốn sinh nở được mẹ tròn con vuông. Càng thương Bốn bao nhiêu, chị Đông lại càng trách mình bấy nhiêu. Vuốt nước mắt, chị Đông tâm sự: "Tôi có tội với con, có tội với chồng vì không chăm sóc nó cẩn thận. Nếu tôi để ý hơn thì chuyện này sẽ không xảy ra với Bốn".

Anh Phạm Văn Thước, con trai ông Thức, cho biết: "Mẹ Đông không sinh ra chúng tôi nhưng là người nuôi nấng và ở bên cạnh cả gia đình những lúc khốn khó nhất. Nếu không có mẹ Đông thì không biết chúng tôi và em Bốn sẽ ra sao. Sự việc xảy ra là ngoài ý muốn nhưng thấy mẹ Đông cứ day dứt và tự trách mình mãi khiến chúng tôi cũng thấy áy náy".

Sống day dứt, tự dằn vặt bản thân nên sức khỏe của chị Đông ngày càng đi xuống. Thời gian gần đây khi đi khám bệnh, chị Đông phát hiện bị bệnh gan cần phải chữa trị. Vốn đã nghèo, tiền thuốc thang nuôi con đã rất khó khăn, nay lại tiền thuốc cho mình nên nhiều đêm chị nằm thao thức không thôi. Thế nhưng, người mẹ này cho biết, cái chị lo không phải vấn đề tiền nong, chị lo nhất là nhỡ không may căn bệnh trở nặng, chị mất đi thì liệu có ai chăm sóc đứa con bị chất độc màu da cam kia không.

Cho đến cuối đời, người phụ nữ cả đời vất vả vì gia đình này cũng chỉ biết lo cho người khác. Dẫu không phải đứa con dứt ruột sinh ra nhưng sau từng ấy năm, không đứa con riêng nào của chồng trách chị một câu. Bởi lẽ, chị đã sống và chăm sóc những đứa con ấy bằng tình thương của một người mẹ đích thực.

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.