Tết của những người không mong Tết

Thứ Tư, 29/01/2014, 09:06

Ngày Tết chính là dịp để mọi người sum họp cùng gia đình, cùng ngồi đợi nồi bánh chưng, ôn lại những kỷ niệm, những vui buồn của một năm đã qua. Vì thế mà ai ai cũng mong đến ngày Tết để được gặp những người thân, trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhưng trong thực tế cuộc sống này vẫn có những người không mong ngày đó, họ là những con người mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, cuộc sống của họ leo lắt như đèn dầu trước gió, chưa biết sẽ tắt khi nào.

Những kiếp người ‘‘sống mòn”

Ai đã từng đọc tác phẩm “Sống mòn” của nhà văn Nam Cao chắc đều biết được cái cảnh “sống không bằng chết” của những nhân vật trong truyện thời kỳ đầu của cách mạng. Tưởng chừng những cảnh đó chỉ có trong những trang tiểu thuyết, trong hoàn cảnh của xã hội thực dân nửa phong kiến. Vậy mà nó lại đang tồn tại ngay cạnh chúng ta, trong lòng Thủ đô phồn hoa, náo nhiệt. Họ là những con người mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo như: ung thư, suy thận…

Trong cái lạnh cắt da thịt của những ngày giáp Tết, chúng tôi đến ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), đã là buổi trưa nhưng trong xóm nhỏ này vẫn không ngớt người đi lại. Nhìn qua thôi cũng biết chủ yếu là những bệnh nhân chạy thận, người thì đi khám bệnh về, người thì xách nước đi bán mong kiếm thêm ít tiền cho bữa cơm tối được no đủ hơn.

Đi sâu vào trong ngách 121, khung cảnh đã thay đổi hoàn toàn. Không còn nhà cao tầng, không còn những hàng quán thay vào đó là những khu nhà trọ lụp xụp, dường như cái rét làm nó càng tồi tàn hơn. Đây chính là khu người ta vẫn gọi là “xóm chạy thận”. Vừa bước vào ngõ, chúng tôi may mắn gặp ngay bác Nguyễn Văn Tấn (SN 1940, quê Hiệp Hòa, Bắc Giang), người được tất cả thành viên trong xóm nghèo này kính trọng bầu lên làm “trưởng xóm”.

Xóm chạy thận.

Cuộc đời của bác trưởng xóm “hữu danh vô thực” cũng thật lắm gian nan: “Tôi ở đây chạy thận đã 11 năm, từ những ngày đầu xuống đã ở trong xóm này rồi.  Trước đây Tết thì còn hay về chứ từ khi bà nhà tôi mất vì căn bệnh ung thư, rồi thì đứa con gái đầu cũng không may qua đời thì tôi thường đón Tết với bà con tại đây chứ không về quê nữa”. Bác Tấn cho biết thêm: “Tất cả những người sống trong xóm này đều mang trong mình căn bệnh quái ác đó là suy thận. Người mắc bệnh này không chết được ngay nhưng không làm ăn gì được cả chỉ sống dựa vào người thân thôi. Đúng là sống chẳng bằng chết mà”.

Đi một vòng quanh xóm chúng tôi quyết định vào căn phòng nhỏ của chị Hoàng Thị Tuất (quê Hòa Bình), lúc này chị đang miệt mài với một tấm vải thêu, chị chia sẻ: “Tôi ở xóm này đã 13 năm rồi, những ngày đầu còn khỏe thì vẫn đi may thuê kiếm thêm được ít tiền ăn chứ bây giờ yếu lắm rồi ngày mong sao kiếm được 10 ngìn ăn một bữa cũng là may lắm rồi”. Gia cảnh của chị cũng thật đáng thương, chồng chị là bộ đội về hưu với đồng lương ít ỏi không đủ để nuôi 2 con rồi lại chu cấp cho một người ốm yếu như chị. Cậu con trai lớn mới học hết cấp ba phải từ bỏ ước mơ đại học để đi làm kiếm thêm phụ giúp gia đình chữa bệnh cho mẹ, rồi còn đứa em gái cũng mang trong mình những di chứng quái ác của mẹ. Chị Tuất nói mà nước mắt đã chảy dài trên hai má: “Mình bệnh tật lâu ngày nó thành chai sạn rồi. Chỉ thương các con thôi, nhiều khi nghĩ đến đứa con gái mà cảm thấy mình thật có lỗi với con”.

Trăm kiếp người chung một số phận

Rời “xóm chạy thận” chung tôi đến cổng Bệnh viện K (cơ sở 2, xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), đây được coi là nơi của những người mang trong mình căn bệnh “thừa chết thiếu sống”, đó là bệnh ung thư. Ngồi uống cốc trà nóng cho đỡ những cơn run vì rét mới biết bác bán quán trà đá tên Nguyễn Mạnh Cường (SN 1953, quê Ninh Bình) cũng là người đang phải kiếm sống từng ngày để chăm sóc người vợ mình mắc bệnh ung thư.

Bác Cường cho biết: “Bà nhà tôi mắc bệnh ung thư đã mấy năm rồi, bao nhiêu tiền của đều bỏ vào những lần xạ trị bằng hóa chất. Giờ hết tiền chỉ còn biết ngồi đây mong sao ngày kiếm được vài đồng cộng với tiền con cái gửi lên để chữa bệnh cho bà ấy. Kéo dài được ngày nào vui ngày đấy thôi anh ạ”.

Anh Trần Văn Hùng (SN 1976, quê Chương Mỹ, Hà Nội), người chạy xe ôm gần cổng Bệnh viện K, kiếm thêm tiền cho vợ chữa bệnh ung thư vú cho biết thêm: “Đã mắc bệnh này thì có giàu cũng thành nghèo vì nó tốn tiền lắm, lại không thể chữa khỏi được. Vợ tôi mỗi lần lên đây xạ trị mất nửa tháng là mất cả chục triệu rồi. Thử hỏi chỉ làm ruộng thì lấy đâu ra được tiền mà chữa mãi. Thôi thì còn nước còn tát, mình phải cố gắng hết sức thôi.

Không chỉ đơn thuần là tiền chữa bệnh, còn đủ thứ tiền đổ lên đầu những con người khốn khổ này. Nào tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước, tiền sinh hoạt hằng ngày. Để duy trì cuộc sống họ phải làm tất cả những công việc như: chạy xe ôm, bán nước, rửa bát, phụ xây… Miễn sao kiếm được vài chục để sống mong những ngày sau tươi sáng hơn.

Tết của những người không mong Tết

Dù không mong muốn nhưng họ cũng chẳng thể dừng được thời gian. Khi không khí Tết đã bắt đầu tràn ngập đường phố Hà Thành thì trong xóm nhỏ tiêu điều kia cũng bắt đầu có những hương vị của ngày Tết. Hương vị này được mang đến từ những người hảo tâm, từ đoàn sinh viên trường Đại học Y Hà Nội. Họ đang cùng người bệnh chuẩn bị những đồ dùng cần thiết để đón một cái Tết tuy không đầy đủ về vật chất nhưng ấm áp về tinh thần.

Bác Nguyễn Văn Tấn.

Bác Tấn (trưởng xóm chạy thận) vui vẻ nói: “Năm nay xóm dự định đón Tết vào ngày lễ Giáng sinh để ai còn khỏe thì về quê ăn Tết với gia đình ở quê. Cũng như mọi năm các cháu thanh niên trẻ khỏe trong xóm đang chuẩn bị để gói bánh trưng, với lại cũng phải có cây đào cho có không khí chứ”. Bác cho biết thêm: “Năm nay xóm dự định làm 15 mâm cơ đấy anh à. Vì ngoài bệnh nhân còn các nhà hảo tâm, đặc biệt là các cháu sinh viên Trường Đại học Y cũng sang tham gia. Toàn là các cháu đi quyên góp, ủng hộ mới có Tết chứ ở đây toàn bệnh nhân nghèo ăn không đủ thì lấy đâu ra tiền”.

Chị Tuất cũng bùi ngùi chia sẻ: “Thực sự là không mong ngày Tết vì bệnh tật thế này Tết có ăn uống được gì đâu, chỉ tội tốn kém cho chồng con. Nhưng trẻ con thì thích Tết lắm nên cũng phải cố gắng vui vẻ cho các con yên lòng”. Khi được hỏi năm nay chị sẽ đón Tết ở đâu chị nói: “Cũng như mọi năm tôi đón Tết cùng mọi người trong xóm, tuy thiếu thốn nhưng mà vui, có những lúc như thế này mới thấy tình cảm nó quý giá thế nào. Khoảng 28, 29 âm lịch thì người nhà đón về quê với các con. Nhưng cũng chỉ được 3 ngày gần con thôi vì khoảng mùng 3 Tết là phải xuống viện để điều trị rồi”.

Bác Cường (Bệnh viện K) cũng có đồng quan điểm với chị Tuất: “Lo ăn từng ngày đã khổ rồi. Tết đến gọi là về nhà gặp con cái cho vui thôi chứ ăn uống được gì đâu. Có mấy cái bánh chưng các cháu sinh viên biếu ăn chẳng hết lại gói ghém đem về quê. Về được mấy ngày lại phải lên vừa tốn kém lại mệt lắm”.

Nghe bác Cường nói vậy anh Hùng vẻ mặt buồn rượi cũng nói thêm: “Nhà cháu còn con nhỏ nên Tết phải mua cho mỗi đứa bộ quần áo mới bác ạ, dù nghèo đói cũng phải cố gắng không sợ các cháu tủi thân. Tiền chẳng có đâu nhưng cũng phải làm đầy đủ để kiếm thêm được chút tiền cho cái Tết nó tươm tất, cho vợ con khỏi khổ.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng họ có cùng điểm chung đó là mang trong mình những căn bệnh “thừa chết thiếu sống”, và đều bị cái nghèo đeo đẳng mãi không chịu buông tha. Nhưng đó chính là sợi dây tình thương kéo những con người này xích lại gần nhau hơn, yêu thương, giúp đỡ nhau vượt lên trên cái đáng sợ nhất của con người là cái chết để sống tốt đẹp hơn. Mong rằng Tết này mọi điều tốt lành nhất sẽ đến với những người bệnh “sợ đến Tết”

Luật Văn
.
.
.