Thương cảnh bà cụ câm và ông cụ điếc bẩm sinh sống đơn độc

Thứ Ba, 25/11/2014, 10:30
Khi sinh ra, hai anh em cụ Phan Thị Tuy và Phan Văn Mẫn thôn An Lão, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) đã không may mắn như bao đứa trẻ khác vì bị câm, điếc bẩm sinh và trí tuệ kém phát triển. Hai cụ chẳng biết làm gì hơn ngoài việc ăn, ngủ và đi lang thang. Khi còn nhỏ thì có cha mẹ chăm sóc, khi cha mẹ già yếu mất đi, người anh trai và em trai, chỗ dựa duy nhất của hai cụ cũng không còn, hai cụ chẳng biết bấu víu vào ai.

Một buổi chiều thu se lạnh, chúng tôi tìm về ngôi nhà của hai cụ Mẫn và Tuy. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, liêu xiêu, nằm khuất trong cùng một con ngõ hẻm. Nghe tiếng gọi cửa, cụ Tuy thì ú ớ chỉ trỏ huyên thuyên. Còn cụ Mẫn mắt mờ dò dẫm từng bước ra ngoài hiên nhà. Rất may có cụ Hưng, là em dâu của hai cụ ngày ngày vẫn vào dọn dẹp cơm nước, nên chúng tôi mới có thể nói chuyện và tìm hiểu về gia cảnh của hai cụ.

Cụ Hưng kể: Nhà chồng cụ có bốn anh chị em, cha mẹ lâm bệnh nặng nên mất sớm. Bốn anh em đùm bọc rau cháo nuôi nhau sống qua ngày dưới sự giúp đỡ của bà con hàng xóm láng giềng. Nhưng khổ nỗi, cụ Tuy, cụ Mẫn từ khi sinh ra đã bị câm, điếc bẩm sinh nên bao nhiêu gánh nặng đều dồn hết lên vai người anh cả và chồng cụ Hưng. Cả ngày hai cụ chẳng biết làm gì hơn ngoài việc ăn và lang thang hết trong nhà, ngoài xóm. Người ta nói gì cũng chẳng hiểu, chỉ biết ú ớ chỉ trỏ linh tinh. Chẳng may người anh cả và chồng cụ Hưng đều bị bệnh mất sớm, chỉ còn lại cụ Mẫn và cụ Tuy sống lạnh lẽo, đơn độc không con, không cháu nơi cuối xóm. Mọi việc trong nhà đều đến tay cụ Hưng. Cứ hàng ngày cụ Hưng lại đi bộ hơn 1 cây số vào cơm nước, dọn dẹp nhà cửa cho hai cụ rồi lại trở ra trông cháu cho các con đi làm. Cuộc sống nhà cụ Hưng cũng khó khăn nên chẳng giúp được hai cụ gì nhiều.

Hai anh em cụ Mẫn và cụ Tuy cầm điếc cẩm sinh rất cần sự giúp đỡ.

Nhìn ngôi nhà đơn sơ, chẳng có gì đáng giá, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Tất cả gia tài của hai cụ là hai chiếc giường ọp ẹp, một chiếc quạt điện nhỏ nhưng đã hỏng vì những lần cụ Mẫn nghịch, phá trong vô thức, dăm ba cái bát mẻ vành, vài đôi đũa cọc cạch và mấy bộ quần áo rách nằm im lìm trên dây phơi được làm bằng cây tre vắt ngang giữa nhà. Cuộc sống vô thức của hai cụ cứ thế lặng lẽ trôi qua bao năm nay. Cụ Hưng bảo: "Có lần cụ Tuy cứ lang thang ăn xin khắp ngõ này nhà kia, rồi ú ớ chả biết gì với gì. Chỗ nào có đám cưới, đám giỗ hay chợ búa đông người là lại thấy cụ có mặt ở đó. Có những hôm, cụ lang thang xuống tận mãi dưới khu vực thị xã Phúc Yên, may mà có người trong xóm gặp và đưa về nhà. Khổ lắm cháu ạ".

Gần chục năm trở lại đây, do nghèo khó, không có điều kiện được ăn uống, chăm sóc đầy đủ, mắt cụ Mẫn cứ mờ dần đi, đi đâu cũng phải chống gậy, quờ quạng. Nhà chỉ còn hơn 1 sào ruộng, nhưng từ bé các cụ có làm được gì đâu nên đành để cho người cháu (con ông anh cả) canh tác. Được xét chế độ tàn tật, mỗi tháng hai cụ được xã trợ cấp cho 600 nghìn đồng/ tháng, ngôi nhà hai cụ đang ở cũng được chính quyền hỗ trợ kinh phí xây dựng cho, nhưng cuộc sống của hai cụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bữa ăn hàng ngày chẳng có gì nhiều nhặn ngoài ít gạo và rau đều do các cháu mang cho. Mọi người trong thôn ai cũng cảm thương cho hoàn cảnh của hai cụ, có mớ rau, bát gạo, hay đồng quà tấm bánh, họ lại mang biếu hai cụ để giúp các cụ sống qua ngày.

Đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hi, lẽ ra phải nhận được sự phụng dưỡng, chăm sóc của con cháu nhưng hoàn cảnh bất hạnh không cho hai cụ được hưởng cái niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Hai cụ vẫn phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của người em dâu duy nhất và của hàng xóm láng giềng. Cụ Hưng thở dài buồn bã: "Tôi năm nay cũng đã 73 tuổi rồi, còn sức thì còn chăm hai cụ. Nhà chồng chỉ còn hai cụ đây nên tôi phải làm cho tròn trách nhiệm của một người em dâu, chị dâu. Nhưng chỉ sợ đến khi tôi mất đi, chẳng còn ai chăm lo cho các cụ hàng ngày. Các cháu đều đi làm công nhân cả, lại bận con cái nên chắc cũng chỉ chạy qua chạy lại được thôi".

Trong ngôi nhà tù mù ánh đèn điện, gió lùa rít đến ghê tai, hình ảnh hai cụ già như những bóng đèn le lói, chẳng biết phụt tắt bất cứ lúc nào khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Hi vọng rằng hai cụ sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ, chia sẻ của các cá nhân, các nhà hảo tâm để giúp các cụ vơi đi phần nào sự cơ cực, cô đơn của tuổi già hiu quạnh.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Cụ Phan Văn Mẫn cụ Phan Thị Tuy ở thôn An Lão, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hoặc Báo Công an nhân dân 92 Nguyễn Du - quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (SĐT: 0438222157)

Ngọc Trâm
.
.
.