Thương lắm những "nàng vọng phu" sau thảm họa Chanchu

Thứ Năm, 02/06/2016, 08:13
"Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm", đã 10 năm sau thảm họa Chanchu, đã 10 lần làng biển xã Bình Minh khắp đầu trên, xóm dưới đều cúng giỗ người thân đúng vào ngày 19-20 tháng Tư Âm lịch, nhằm ngày 25, 26-5-2016 này. Nén hương nghi ngút khói hòa quyện nước mắt của những người đàn bà làng biển.


Dẫu biết rằng, biển cho tôm cá đầy khoang, đem lại cuộc sống của ngư dân. Nhưng biển của 10 năm về trước, trong cơn bão Chanchu cũng đã tước đi 87 người đàn ông của gia đình, ngư chài của xã. Về thăm Bình Minh những ngày này, sao thương quá những "nàng vọng phu"…

Nỗi lòng ở xóm "Vọng phu"

Trong ngày giỗ lần thứ 10 này, chúng tôi về xã Bình Minh, ghé thăm từng căn nhà, gặp gỡ từng góa phụ Chanchu và lắng nghe nhiều nỗi niềm của họ. Cũng chia sẻ cùng họ cuộc sống trong 10 năm qua và hiện tại. Tính theo ngày giỗ kỵ thì ngày 19-20 tháng Tư Âm lịch này (nhằm ngày 25-26/5/2016) là ngày giỗ chung của 87 nạn nhân trong cơn bão Chanchu năm 2006 ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Trong ngày giỗ chung này, nhiều con em của các nạn nhân đã không được ở nhà để lo giỗ cho bố của mình, họ không thể bỏ biển dù biển đã "lấy" đi người thân của mình.

Thua tôi 2 tuổi, nhưng nét khắc khổ, già nua đã sớm hằn sâu trên khuôn mặt của chị Nguyễn Thị Lâu (38 tuổi, trú thôn Bình Tân, xã Bình Minh). Nghẹn trong nước mắt, chị kể với PV: "Khi tui nghe tin anh Mến (Võ Văn Mến, chồng chị Lâu) gặp nạn trong cơn bão Chanchu, cũng là lúc tui đang mang bầu con bé út chưa đầy 3 tháng. Ảnh vĩnh viễn ra đi cùng với biển, để lại cho tui gánh nặng thân cò và 6 đứa con thơ dại. 10 năm qua, quần quật với cơm áo, gạo tiền, những đứa con đã lớn, nhưng trong lòng tôi và các con vẫn cồn cào như bão biển nhà báo à"!.

Chúng tôi cũng không cầm được nước mắt, khi cô con gái út của chị Lâu tên Võ Thị Tuyết Hương (10 tuổi) lăng xăng ôm ảnh cưới của bố mẹ ra khoe. Đối với bé Hương, cha chỉ tồn tại trong bức ảnh, 10 năm qua bé vỏn vẹn, duy nhất một mong ước được cha dẫn ra ngắm biển mỗi buổi hoàng hôn như các bạn ở cùng thôn… 

10 năm qua, những người phụ nữ ở làng Chanchu vẫn chọn ngày 25 và 26-5 là ngày giỗ chung của chồng, con, người thân tử nạn trong cơn bão tháng 5-2006.

Bé Hương còn ngây ngô kể với chúng tôi, ngoài bố Mến, chú ruột của bé là anh Võ Văn Mạnh cũng "đi biển không về như ba". Năm đó, 2 anh em Mạnh - Mến cùng với hơn 20 bạn tàu ở các địa phương khác, bão Chanchu đã "giữ họ nằm lại" trong lòng biển cả…

Tại nhà bà Nguyễn Thị Tê (54 tuổi, thôn Bình Tịnh) cũng cảnh nao lòng như vậy. Trưa nay, bà Tê và các con làm đám giỗ cho ông Phạm Phú Cường. Ông Cường là một trong số 87 nạn nhân cơn bão Chanchu, có điều may mắn hơn ông Cường nằm trong số rất ít những ngư dân đã tìm thấy được thi thể. Thi thể của ông Cường được chính quyền Đà Nẵng chôn cất ở nghĩa trang.

"Hiện mộ của ổng đã được xây cất tươm tất, nhưng ước muốn của tôi là được đưa mộ của chồng về nhà để gần gia đình. Con cái tiện việc hương khói. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, chật vật từng bữa khiến đã 10 năm rồi vẫn không có tiền để đưa ông Cường về gần nhà được" - bà Tê nói trong nước mắt.

Ở thôn Bình Tịnh còn có bà Trần Thị Liên, bà Liên chọn ngày 25-5 làm giỗ chung cho chồng là ông Nguyễn Văn Ba và anh con trai Nguyễn Văn Tam. Ông Ba lúc bỏ mạng ngoài biển đã ngoài 50, nhưng anh Tam bấy giờ chỉ 24. Anh có cô người yêu cùng xóm đã hẹn ước, dự định sau chuyến câu mực xa đó về, và mấy đồng tiết kiệm gởi mẹ, sẽ soạn lễ trầu cau cùng cha mẹ sang đằng gái dạm ngõ. Tội hơn, thân xác anh Tam vĩnh viễn nằm lại với lòng biển. Vì quá thương con, nhớ chồng, bà Liên làm hai ngôi mộ liền kề cho hai cha con, trong đó có một ngôi mộ gió của anh Tam để tiện bề hương khói...

Ngày giỗ 25-5 này, các con của bà Liên đi làm ăn xa đều trở về quê, quây quần bên mâm cơm đạm bạc, thắp nén hương nhớ chồng, nhớ cha, nhớ con. Riêng anh trai kế của anh Tam thì đang theo tàu bạn đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa không thể về kịp. 

Qua Icom, anh gọi về cho mẹ và các em: "Mẹ ơi, thắp dùm con nén nhang cho cha, cho anh. Nguyện xin giúp con, trời yên biển lặng". Anh còn nói đùa: "Cá con bắt ở ngư trường Hoàng Sa là "cá sạch", chuyến này về qua được "tâm bão cá chết miền Trung" hy vọng cá sẽ bán được nhiều, sẽ có tiền sửa lại căn nhà cho mẹ, cho vợ đỡ nắng, mưa dột nát”… Nói đến đây, bà Liên nụ cười chan nước mắt.

Cuộc sống mới ở “làng Chanchu”

Hầu hết những "phụ nữ Chanchu" mà chúng tôi tiếp xúc trong ngày giỗ tròn 10 năm đều cho biết: Sau khi chồng tử nạn ngoài biển họ vất vả mưu sinh để nuôi con, không ai "đi bước nữa". Thực tế, tại "làng Chanchu" rất hiếm phụ nữ "đi bước nữa" mà ở vậy "thờ chồng nuôi con". Nếu là con gái thì cho ăn học đàng hoàng, kiếm nghề nghiệp rồi gả chồng; còn con trai đứa nào có sức khỏe thì tiếp tục nghề biển nối nghiệp cha ông, đứa nào sức khỏe kém thì kiếm việc làm trên bờ.

"Với những người phụ nữ Chanchu, dù biển đã "tước đi" người thân của chúng tôi, nhưng nghề biển đối là cuộc sống, là máu thịt. Nếu xa biển, chúng tôi chẳng biết sống như thế nào… Bà Liên, bà Tê, chị Lâu đều chia sẻ cùng chung một nỗi niềm như vậy!…

Là phụ nữ, tôi hiểu tận sâu trong nỗi lòng của những người đàn bà góa bụa ấy: Dẫu 10 năm, 20 mươi năm chăng nữa, khi nào họ còn hơi thở thì những người vợ, người mẹ ở "làng Chanchu" xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn không "tắt hy vọng". Họ sẵng sàng làm ngọn hải đăng, sẵng sàng làm hòn Vọng phu ngóng đợi một ngày nào đó, chồng và con của họ sẽ trở về.

Ảnh cưới của chị Lâu và anh Võ Văn Mến.

Cách đây đúng 10 năm, ngày 18/5/2006, cơn bão Chanchu từ Philippines đổ bộ vào Biển Đông và nhắm thẳng vào vùng biển miền Trung. Hàng ngàn ngư dân đang đánh bắt trên biển chạy lên phía Bắc tránh bão. Nhưng không may, cơn bão Chanchu không đổ bộ vào đất liền mà "đuổi" theo những ngư dân ở các tỉnh miền Trung. Hậu quả là hàng trăm ngư dân với hàng chục tàu thuyền phải bỏ mạng lại biển khơi, mà đến nay vẫn không tìm thấy thi thể.

Trong các địa phương có ngư dân đi biển ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng… thì xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có nhiều ngư dân bị nạn nhất lên đến 87 người, đông nhất trong các địa phương có ngư dân bị nạn do bão Chanchu. Xã Bình Minh vì thế cũng bị gọi "chết" cái tên làng Chanchu kể từ đó.

Đặc biệt hơn, trong số 87 ngư dân bỏ mạng do bão Chanchu ở xã Bình Minh, thì đa số nạn nhân ở thôn Bình Tịnh. Thôn này có 62 nạn nhân nên số mộ gió và người vợ mất chồng, mẹ mất con cũng là đông nhất. Và nghĩa trang Rừng Tràm của thôn có rất nhiều mộ gió, chỉ có tên, những nén nhang tưởng nhớ mà thôi.

Dọc đường theo chân bà Nguyễn Thị Nhỏ ra nghĩa trang Rừng Tràm để thắp nén hương lên mộ gió cho ông Nguyễn Hồng Nên (chồng bà Nhỏ) mà mắt tôi cứ cay cay. Bà đã gần 60 tuổi, còn chồng bà lúc bị nạn cũng mới 53 tuổi. Đi cùng chúng tôi còn có cậu bé 12 tuổi, con trai bà Nhỏ, nó cứ ngóng từng lời của mẹ, để hồi tưởng về người cha đã vĩnh viễn đi xa khi nó mới chập chững biết đi, bập bẹ tiếng ba, tiếng mẹ...

Do ông Nên là lao động chính, sau khi chồng mất mọi việc chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào đôi vai của bà nhưng cũng không thấm vào đâu. May mắn thay, để kịp thời giúp đỡ mẹ con bà Nhỏ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay hỗ trợ kinh phí cho bà Nhỏ và các con được đủ đầy, không bị thiếu ăn từng bữa. Nay 4 đứa con của bà Nhỏ đứa lớn đã đi làm, mấy đứa nhỏ được học hành đến nơi đến chốn và có học lực khá trở lên.

Vậy mà, bà Nhỏ lại nói: "10 năm qua không ngày nào tui không ra ngóng tàu về bến cá. Niềm tin và hy vọng một ngày nào đó ông Nên trở về không hề lụi tàn theo thời gian mô nhà báo à!"…

Sẵn sàng làm ngọn hải đăng, làm hòn Vọng phu ngóng đợi những người đàn ông đi biển ở "làng Chanchu" sẽ trở về.

Theo tìm hiểu tập tục ở địa phương nơi đây, chúng tôi biết được: Dân làng chài biển miền Trung thường quan niệm, chỉ khi nào nhìn thấy được thi thể, thì lúc đó mới tin là mình đã mất người thân thật sự. Vẫn còn những ngôi mộ gió ở kia, tươm tất, sạch đẹp đấy, nhưng bên dưới chỉ là cát và hình nộm thì những người thân của họ vẫn còn nuôi hy vọng.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch xã Bình Minh - cho biết, trong thảm họa Chanchu, xã có 87 người bị chết, trong đó có 50 ông chồng, 37 người con; đã có 7 người tìm được thi thể. Sau 10 năm các tổ chức, cá nhân hỗ trợ giúp đỡ vật chất, tinh thần cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên con cái các nạn nhân đều được đi học và được cấp học bổng…

"Đến bây giờ tình hình đời sống của người dân có thân nhân bị chết trong cơn bão Chanchu cơ bản ổn định", ông Tám nói. Bên cạnh đó, địa phương cũng rất quan tâm đến các gia đình này, tạo điều kiện cho họ vào các xí nghiệp, cơ sở làm công nhân để đảm bảo cuộc sống. Đến nay tỉ lệ hộ nghèo của các hộ Chanchu còn chưa đến 10%... Cố gắng sẽ kéo giảm tỉ lệ các hộ này xuống thấp hơn nữa.

Ngày hội bầu cử của toàn dân đã qua gần một tuần, nhưng khắp xã Bình Minh vẫn rợp bóng cờ hoa. "Những người phụ nữ Chanchu" cứ lưu luyến, rảo bước hết con đường liên thôn, liên xã trải nhựa phẳng lỳ để chia tay chúng tôi. Giữa cát trắng, nắng gió tôi đã thấy nhiều ngôi nhà ngói, nhà cao tầng mới mọc lên. Thanh niên trong xã quần áo tinh tươm, cưỡi xe máy giá trị lên đến hàng chục triệu đồng… điều đó minh chứng cho cuộc sống của người dân Bình Minh đã khấm khá hơn, đã qua cơn nghèo khó.

Hoài Thu
.
.
.