Thương một kiếp người

Thứ Năm, 19/04/2018, 13:29
Sinh ra đã chứng kiến cảnh cha mẹ ly hôn, cuộc sống theo mẹ nay đây mai đó khiến cho tuổi thơ của Hoàng Văn Khải ở xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng, Nam Định) là cả một chuỗi ngày ám ảnh. Khải lớn lên không may gặp tai nạn khiến đôi chân liệt vĩnh viễn. Từ đó vợ ôm con bỏ đi, để anh tự sống, tự xoay xở với những cơn đau triền miên…


"Người của bệnh viện"

Khắp cả Khoa Liền vết thương (Bệnh viện Bỏng Lê Hữu Trác) không mấy ai xa lạ với bệnh nhân đặc biệt Hoàng Văn Khải. Khải không chỉ đặc biệt với căn bệnh liệt nửa người đang mang, anh còn được mọi người biết với hoàn cảnh éo le. 

Các bệnh nhân nói với nhau: "Khải là người của bệnh viện. Điều lạ là anh chỉ nằm viện có một mình mà không có người thân thích giúp đỡ. 

Bị chúng tôi đánh thức sau những viên thuốc an thần mà bác sĩ vừa cho uống, Khải hốt hoảng vì lại có người lạ đến hỏi thăm. Anh bảo, anh nằm viện ở đây mấy năm chẳng bao giờ có ai hỏi thăm cả, người thân còn không có nói gì đến người lạ.  

Dù bị liệt nửa người (từ phần bụng xuống) nhưng mọi sinh hoạt anh đều phải làm mà không có người thân giúp đỡ. Xót xa hơn, bữa ăn tối thiểu hằng ngày anh đều nhờ vào những bệnh nhân cùng phòng. Lúc thì xin họ bát cháo, khi lại xin bát cơm, chén nước. 

Anh Nguyễn Văn Minh (người nhà của một bệnh nhân cùng phòng) lắc đầu: "Anh ấy nằm ở đây có một mình thôi. Vợ thì bỏ đi theo người khác, con bé ở với bà ngoại, bố mẹ cũng chẳng ai còn nữa. Hằng ngày thấy anh ấy thui thủi một mình mà không cầm lòng được. Nghĩ thương, đến bữa tôi thường mua thêm cơm cho anh ấy ăn cùng.

 Nếu hôm nào cuối tuần có các đoàn từ thiện đến phát cháo, cơm miễn phí là tôi lại đi lấy cho anh ấy ăn. Khải là người tốt, gần đây anh ấy tình nguyện cho một bệnh nhân khác chiếc xe lăn đã gắn bó với mình nhiều năm. Tôi có nói thì Khải bảo bạn ấy có hoàn cảnh khó khăn hơn em, bạn ấy cần hơn em".

Anh Khải kể lại hoàn cảnh của mình.

Dù liệt nửa người, vết hoại tử ngày một nặng hơn, nhưng mọi sinh hoạt cá nhân Khải đều tự lo. Anh bảo: "Cũng may là đôi chân bị liệt nhưng em còn đôi tay khỏe mạnh. Ban đầu nằm ở đây tự chăm sóc cũng khó khăn lắm nhưng dần dần cũng quen đi, tự mình phải làm hết".  

Mấy ngày nay Khải gày đi trông thấy, đôi mắt u buồn càng trũng sâu hơn. Anh vừa mới biết tin, bệnh viện không đủ điều kiện nhân lực và vật lực để cắt bỏ chân phải bị hoại tử. Vì sức khỏe anh yếu, hoại tử ngày càng loang rộng và ăn sâu vào khớp đầu gối, các bác sĩ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. 

"Sáng hôm qua là lịch mổ cắt bỏ chân của em nhưng sau khi kiểm tra lại các bác sĩ đã dừng ca mổ. Họ bảo em phải về quê, vào bệnh viện huyện, chuyển lên tỉnh sau đó lên Bệnh viện Việt Đức mới xử lý được. Em cứ nghĩ đến di chuyển là ngại lắm vì có một mình, lại phải nhờ mọi người ở đây bế ra xe khách, rồi lại nhờ nhà xe bế xuống" - anh Khải cho hay.

Vết thương từng giờ hành hạ chẳng làm người đàn ông nản chí. Nhưng khi nhắc đến chuyện cuộc đời mình thì anh lại bật khóc như một đứa trẻ. 

Anh bảo, cả đời anh chẳng có lấy nổi một ngày vui vẻ, hạnh phúc.  Khi vừa lên 3, cậu bé Hoàng Văn Khải đã rơi vào bi kịch khi bố mẹ không ở được với nhau. Em được mẹ đưa về quê ở Phù Cừ, Hưng Yên sống cùng bà ngoại. 

Cuộc sống của mẹ cũng chẳng khấm khá, làm ngày làm đêm cũng chẳng lo nổi cho con và mẹ già ngày ba bữa. Dẫu biết ở với bố sẽ là rất khó khăn cho một cậu bé lên ba, nhưng mẹ anh vẫn phải cắn răng đưa con đi vì không thể cáng đáng nổi. Sau một năm em lại được mẹ đưa về Nam Định ở cùng bố với lý do hoàn cảnh. 

"Em ở với bố được vài năm thì bố cũng có gia đình riêng. Anh biết rồi đấy, tình cảm cũng bị san sẻ đi nhiều, con riêng của bố rồi dì nữa. Biết tin ấy, mẹ em không chịu nổi lại về Nam Định đưa em về nhà ngoại. Mẹ bảo, thôi thì nghèo khó, mẹ con cùng vượt qua" - Khải ngậm ngùi.

Khi bà ngoại mất, mẹ Khải quyết định dắt con lên Hà Nội để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Đất chật người đông, lại không có nghề nghiệp, mẹ con Khải nhiều hôm phải bấm bụng nhịn đói, ôm nhau ngủ nơi gầm cầu chờ trời sáng. 

Trong lúc lang thang không biết đi đâu thì bà được một người cùng quê mách ở bãi Phúc Xá (Long Biên) là nơi dành cho những người vô gia cư. Thế là hai mẹ con lại bồng bế nhau dạt về bãi Phúc Xá, cắm tạm túp lều để ở. 

Có lẽ, đó là những tháng ngày mà anh không thể quên. Khải được mẹ để ở túp lều nhỏ một mình, bà đi khắp nơi làm thuê, rồi nhặt rác. Dù cuộc sống thiếu thốn, lang bạt nhưng hai mẹ con Khải đôi lúc vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được ở bên nhau. 

Những tưởng cuộc sống cứ vậy êm trôi thì một ngày biết tin mẹ đã tìm được một người đàn ông và quyết định theo người đó. Một lần nữa, Khải lại rơi vào bi kịch "không biết đi đâu về đâu". 

Anh chẳng thể theo mẹ được, không thể sống chung với người đàn ông mà không phải cha mình, cũng chẳng thể hòa hợp với những đứa em chỉ có chung dòng máu mẹ. 

"Mẹ nói với em, mẹ không thể mang con theo được. Con đã lớn khôn hãy về quê ngoại mà sống, làm ăn lương thiện rồi lấy vợ sinh con. Em đã không nghe mà lại trở về quê nội ở Nam Định, vì em nghĩ đã về thì phải về quê nội, ở với bà nội" - Khải nhớ lại.

Anh Khải sẽ phải chuyển viện để cắt chân phải đã bị hoại tử.

Bi kịch tiếp nối bi kịch

Ở với bà nội chẳng được bao lâu thì bà cũng mất, lúc này Khải đã trở thành một thanh niên trai tráng. Dù hoàn cảnh éo le, nhưng Khải lại được nhiều người quý mến bởi cái nết hay lam hay làm, thật thà và vui vẻ với mọi người. Anh chẳng khó khăn gì để kiếm được người vợ ưng ý ở cùng thôn. 

Học hành không có, ruộng vườn thì không, Khải quyết định cùng người vợ trẻ vào Tây Nguyên lập nghiệp. Dù khó khăn, vất vả nhưng đôi vợ chồng trẻ luôn động viên nhau làm ăn, rồi sẽ có ngày khấm khá hơn. Khải đi học lái xe rồi chạy xe tải cho một ông chủ ở trong đó. 

Từ khi lái xe thu nhập của hai vợ chồng khá lên trông thấy, niềm vui nối tiếp niềm vui khi họ lại có với nhau một bé gái xinh xắn. Anh bảo: "Dù khó khăn vất vả nhưng hai vợ chồng em đều có sức khỏe. Hai đứa động viên nhau, cùng làm ăn để gia đình khá hơn, nuôi con cái thành người. Đời em đã khổ nên không thể để cho đời con em phải khổ theo nữa".

Thế rồi, số phận một lần nữa lại cố tình trêu ngươi người đàn ông bất hạnh. Trong một lần đi chở hàng, gặp địa hình hiểm trở xe của Khải đã bị lật ngửa. Anh may mắn thoát chết trong gang tấc nhưng lại bị chấn thương ở cột sống. 

Khi đó bác sĩ kết luận, khả năng bị liệt nửa người là rất cao, nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng chạy chữa chờ đợi điều kỳ diệu. Mỗi lần đi thăm khám là một lần anh nhận được tin buồn, bao nhiêu bệnh viện đều lắc đầu, tiền thì mất mà tật vẫn phải mang. 

Chẳng còn cơ hội để thay đổi cuộc sống, vợ chồng con cái lại bồng bế nhau về quê sinh sống. Dù khó khăn chồng chất nhưng dường như con người Khải đã quá quen với nó. Anh nói với vợ mình, bệnh tật thì đã thế này, dù bị liệt đôi chân thì anh vẫn còn đôi bàn tay khỏe mạnh. 

Cùng nhau lên Hà Nội mà tìm cách làm ăn, chả có lẽ cứ nằm đây mà đợi chết. Thế là hai vợ chồng lại dìu dắt nhau lên Hà Nội, họ thuê một phòng trọ nhỏ ở khu vực Trương Định để tiện cho việc lấy rau ở chợ đầu mối Lĩnh Nam về bán.

Nhiều người dù không quen biết cũng đã đến động viên chia sẻ.

Ngày ngày, vợ Khải ra chợ đầu mối lấy rau rồi cùng chồng về bán lẻ tại các khu chợ quanh khu vực Trương Định. Khi ấy vợ chồng cũng bắt đầu có tí của để ra, nhưng điều khiến anh vui nhất là lại được những người bạn thân cùng quê bên cạnh giúp đỡ. 

Khi ấy anh được một người bạn thân tên T .(cùng quê) qua lại giúp đỡ và động viên. Thấy vợ vất vả, Khải có ý nhờ bạn mình sáng đi làm qua chở vợ ra chợ đầu mối Lĩnh Nam để lấy hàng. Người bạn vui vẻ nhận lời mà không nói lại một lời. 

Đúng như câu "tin bạn mất vợ", Khải nhận được tin của người thân là vợ mình đã ngoại tình với người bạn thân kia. Ban đầu Khải không tin nhưng sau những bằng chứng được đưa ra thì anh đã hoàn toàn suy sụp. 

Anh đã mất vợ, mất luôn người anh em chiến hữu nhiều năm. Khải nhớ lại: "Lúc đầu em cũng không tin đâu, nhưng sau mọi người đưa bằng chứng em mới tin. Em còn cầm tờ giấy đây, cô ấy nhận là có quan hệ với T. mà".

Hiện thời Khải cũng không còn nuối tiếc nhiều, đơn giản vì anh nghĩ mình bệnh tật cũng nên giải phóng cho vợ, không muốn vì mình là người khác phải khổ theo. 

Nhưng điều khiến anh đau nhất lại là đứa con nhỏ còn chưa vào lớp 1. Chẳng có lẽ con mình lại lặp lại bi kịch của bố ngày trước? Chẳng có lẽ nó lại phải sống cảnh có cha mà không mẹ? Họ ra tòa, tòa xử con gái được theo mẹ, mẹ chăm sóc, bố chỉ có trách nhiệm hằng tháng. 

Có lẽ việc xử con gái theo mẹ cũng chẳng khiến người đàn bà kia vui vẻ. Bởi sau đó chị này đã gửi con gái nhỏ ở nhà bà ngoại kế (mẹ kế của chị) để đi theo người tình. 

"Thôi cũng may là bà ngoại ở một mình, cũng không có con cái gì. Em cũng lên nói chuyện với bà là thôi thì bà chăm sóc cháu cho con, con bệnh tật thế này lo sao được cho cháu. Bà vui vẻ, chăm sóc và yêu thương bé lắm" - Khải tâm sự.

Nói đến đây Khải lại không cầm được nước mắt, anh nói không rõ lời: "Sang tuần có khi em bảo bà cho cháu nghỉ học ít bữa lên chăm sóc em ở viện. Biết cháu không làm được việc gì vì mới học lớp 3 nhưng em muốn nó ở bên, muốn hai bố con được ở cạnh nhau".
Song Anh
.
.
.