Vụ 7 học sinh tử nạn trên bãi biển Cần Giờ, TP.HCM:

Tiếng khóc than tơi bời thị trấn nhỏ

Thứ Sáu, 24/01/2014, 17:32
Sáng 30/12, thi thể của 7 em học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) tử nạn tại bãi biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh đã được đội cứu hộ tìm thấy. Tiếng khóc, tiếng than xé lòng từ người thân của các em vang lên cùng với nén hương nghi ngút khói trong đêm lạnh tới 18oC của TP Hồ Chí Minh làm cho bầu không khí trở lên tang thương, thảm thiết. Họ không ngờ rằng, chuyến đi tham quan du lịch do nhà trường tổ chức lại trở thành chuyến đi định mệnh của 7 người con trong 7 gia đình.

Chưa bao giờ bãi biển Cần Giờ buồn thảm đến thế! Sau khi đã tìm kiếm đủ 7 thi thể, các em đã được chuyển về cho gia đình để lo hậu sự. Chiều cuối năm, thị trấn Dầu Tiếng (Bình Dương) bao phủ cả khu vực với một màu tang tóc bi thương. Không chỉ gia đình nạn nhân xót xa, đau đớn, mà chứng kiến cảnh tang tóc đó, người ngoài như chúng tôi cũng không khỏi bàng hoàng, quặn thắt ruột gan.

Chuyến đi định mệnh

Chiều 29/12, tại bãi biển Cần Giờ, Tp Hồ Chí Minh vang lên tiếng kêu cứu thất thanh từ những em học sinh đang vui đùa ở nơi đây. Khi mọi người chạy đến, đã có 7 em học sinh bị sóng cuốn ra xa trong lúc đang tắm biển. Nhớ lại thời khắc kinh hoàng đó, Vũ Ngọc Tuấn (14 tuổi), một trong số các nam sinh sống sót đầy may mắn vẫn còn nguyên vẹn nỗi hoảng sợ. “Nhớ đến cái chết của các bạn và sự thoát chết đầy may mắn của mình, em vẫn còn rùng mình ám ảnh. Suốt đêm qua và cả ngày nay em không ngủ được vì cứ nhắm mắt lại là hình ảnh các bạn và những cơn sóng dữ cứ lẩn quẩn trong đầu”, cậu học trò chia sẻ.

Tuấn kể, trưa đó, sau khi ăn cơm xong tại khu Phi Lao 1, bãi biển 30-4, huyện Cần Giờ, Tuấn cùng 11 người bạn học chung trường, chung lớp rủ nhau xuống biển tắm. Tuy nhiên, không hiểu sao sóng dồn dập và nhiều gió đẩy cả nhóm dạt về phía một công trình lấn biển đang xây dựng. Bất ngờ cả nhóm có cảm giác cát dưới chân sụp xuống và không biết bằng cách nào Tuấn và vài người bạn khác đã thoát ra được, chạy nhanh vào bờ, trong khi 7 người bạn còn lại bị ngọn sóng khá lớn đổ ập vào và chỉ trong tích tắc, tất cả bị cuốn trôi mất tích. Vô cùng hốt hoảng, Tuấn vội chạy vào báo tin dữ cho các thầy cô và hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Hưng Phát.

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi có 7 em học sinh tử nạn khi tắm biển.

Bà Hoàng Thị Lan, mẹ của Tuấn nhớ lại: “Xế chiều, tôi và các phụ huynh nhận tin dữ. Dù được các cô điện thoại trấn an con của mình bình an nhưng chúng tôi vẫn lo sợ, chờ trước cổng trường và đến tận khuya bọn trẻ mới về đến. Vô cùng mừng khi thấy con mình còn sống nhưng cũng thật thương tâm cho những đứa trẻ không may thiệt mạng”.

Thầy Nguyễn Văn Giáp, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, người cùng tắm biển với các học sinh gặp nạn, đau đớn: “Lúc đó, tôi cùng với các em học sinh tắm biển, trên bãi lúc này cũng có nhiều du khách. Đang tắm, tôi cảm nhận gió đang lớn nên kêu các em vào bờ. Khi vài em học sinh quay vào thì bước trúng vùng cát mềm nên các em hoảng hốt quơ quào. Tôi vừa ôm một học sinh và cầu cứu lực lượng cứu hộ trên bãi biển. Thế nhưng, sóng đã cuốn các em ra xa…”.

Theo bà Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau kỳ thi học kỳ, nhà trường tuyển chọn những học sinh đạt thành tích trong học kỳ 1 cho đi tham quan chiến khu Rừng Sác kết hợp vui chơi tắm biển. Chuyến đi này trường đã phối hợp với Công ty Du lịch Hưng Phát (Bình Dương) để tổ chức. Bản thân bà cũng vô cùng sững sờ khi biết học trò của mình gặp nạn trên biển. 

Được biết, rạng sáng 29/12, ba ôtô 50 chỗ của công ty du lịch đến trường đón 96 học sinh cùng 19 giáo viên. Sau khi tham quan chiến khu Rừng Sác, đảo khỉ, 11h30, đoàn trở về Khu du lịch Phi Lao 1 ăn trưa. Vào khoảng 13h cùng ngày, có 12 học sinh đang tắm thì bị sóng biển cuốn đi mất 7 nam sinh trong nhóm. Nhận tin báo, lực lượng chức năng huyện Cần Giờ, Bộ đội Biên phòng đã nhanh chóng đến hiện trường. Nạn nhân đầu tiên được tìm thấy là em Nguyễn Hoàng Long (học sinh lớp 8), Long được đưa đi cấp cứu tại BV huyện Cần Giờ nhưng đã tử vong trước đó. Đội cứu hộ, cứu nạn thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh  và Công an tỉnh Bình Dương cũng được điều động đến hiện trường phối hợp tìm kiếm. Đến sau 18h, thi thể em Võ Thành Luân được phát hiện.

Em Luân, người con duy nhất của gia đình đã mãi mãi ra đi.

Ông Lâm Văn Trường, người làm ở nhà hàng Phi Lao cho biết, nhà hàng nhận đặt 100 suất cơm trưa cho học sinh từ 2 hôm trước, nhưng sau đó phía trường hồi lại 4 suất. Trưa nay, khi thấy 3 xe của đoàn đến, nhân viên nhà hàng tiến hành dọn cơm luôn cho các em. Sau đó, một nhóm học sinh, thầy giáo bỏ lại đồ đạc ở chỗ ăn ra bãi biển tắm. "Các em đùa nghịch dưới biển hơn một giờ. Tôi thấy 2 học sinh nam chạy vào hốt hoảng báo là các bạn bị chết đuối. Nhiều thầy cô giáo cùng lực lượng cứu hộ chạy ra tìm kiếm. Lúc đó nước đang dâng cao, sóng rất to. Canô chạy ra cứu mà cứ bị đánh dạt vào bờ", ông Trường cho biết.

Cũng theo ông Trường, hai học sinh thoát nạn khi chạy vào có kể là thấy nhóm bạn vẫy tay cầu cứu nhưng do nước sâu nên cả hai không dám ra xa mà tìm người giúp đỡ. "Một em có nói là trong lúc hoảng loạn bị bạn Tâm nắm chặt tay, đứt cả vòng dây đeo ở tay", ông Trường cho biết.

Theo ông Huỳnh Cách Mạng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: “Sự việc xảy ra đầy bất ngờ và hết sức đau lòng đối với các gia đình cũng như chính quyền địa phương. Sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai hơn 150 người gồm lực lượng cứu hộ, cứu nạn, Công an, dân quân phối hợp với Bộ đội Biên phòng và quần chúng nhân dân tích cực tìm kiếm”. Trong thời tiết lạnh 18oC của TP Hồ Chí Minh, đội công tác cứu hộ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn và tìm kiếm thi thể của các em học sinh mất tích. Đến 6h30’ ngày 30/12, thi thể của các em học sinh xấu số lần lược được đoàn công tác tìm thấy. Danh tính của 7 nạn nhân nhanh chóng được xác định là các em Nguyễn Hoàng Long, Lê Tường Duy, Lê Công Hận, Võ Tấn Tài, Đoàn Minh Tâm, Võ Thành Luân, Nguyễn Phan Thành Lâm,

Các thi thể được quy tập về Bệnh viện Cần Giờ để thân nhân đến nhận dạng rồi chuyển thẳng về Bình Dương. Được biết, những thi thể bị nước biển cuốn đi xa nhất nằm cách hiện trường đến 10km. Trước mắt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 5 triệu đồng.

Tiếng khóc xé lòng của người nhà nạn nhân quặn thắt biển đêm

Từ chiều đến tối 29/12, hàng chục phụ huynh và người thân của các học sinh gặp nạn đã đau đớn, vật vã tại bãi biển để cầu nguyện, mong sớm tìm kiếm được thi thể các em. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng này, không ít người dân địa phương mủi lòng rơi nước mắt. Ánh đèn tìm kiếm cứu nạn lập lòe suốt đêm. Mỗi lần tìm được thi thể của nạn nhân xấu số, người nhà của các em lại ùa ra, chật kín bãi biển, tiếng nấc nghẹn, tiếng hờn tủi vang lên nức nở biển đêm. 23h ngày 29/12, sóng biển Cần Giờ mạnh khiến công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn 7 học sinh bị mất tích tại bãi tắm 30-4 thuộc bãi biển Cần Giờ phải tạm dừng. Tuy vậy, rất đông phụ huynh vẫn đứng ở bãi biển thắp hương, ngóng tin con.

Mẹ học sinh Nguyễn Phan Thành Lâm ôm ba lô của con than khóc: “Trời ơi, không biết giờ này con tôi đang trôi dạt ở đâu...”. Cha Lâm đau đớn, khóc không thành tiếng. Ông ngồi động viên vợ và thỉnh thoảng gọi về cho người thân ở nhà chuẩn bị lo hậu sự cho con mình.

Nhiều học sinh đến thắp nhang chào vĩnh biệt người bạn của mình.

Đau đớn tột cùng trước sự ra đi của đứa con duy nhất, ông Võ Thành Long ngã quỵ khi vừa bước ra khỏi nhà xác Bệnh viện huyện Cần Giờ. Tiếng khóc của ông chất chứa đau khổ khi nói với vợ: “Đúng là thằng Luân (Võ Thành Luân - PV) rồi bà ơi. Nó nằm mở mắt trong đó, mình mẩy tím tái”. Nghe vậy, tất cả người thân đứng trong sân bệnh viện òa khóc trước sự ra đi bất ngờ này. Trong lúc chờ làm thủ tục, ông Long nghẹn ngào: “Nhà tôi chỉ có một mình thằng Luân là con trai. Trước hôm đi chơi, nó háo hức nói đi tham quan chiến khu để tận mắt thấy được những gì mình học trên sách vở. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết, vậy mà nó bỏ vợ chồng tôi mà đi. Nghe thầy cô gọi điện báo, hai vợ chồng cùng mấy người thân tức tốc đón xe xuống. Trên đường đi, tôi nguyện cầu điều kỳ diệu sẽ đến, vậy mà…”. Người đàn ông ngoài 40 tuổi này bỏ lửng câu nói rồi tiếp tục quay sang an ủi người vợ ngã quỵ dưới đất vì tin dữ.

Trong tiếng nấc nghẹn, bà Nguyễn Thị Cẩm Loan, mẹ học sinh Đoàn Minh Tâm cho biết, em là con trai duy nhất của hai vợ chồng bà. Sau kỳ thi học kỳ, Tâm về xin bố mẹ đi tham quan cùng nhà trường. Dù không muốn con đi chơi mà không có cha mẹ bên cạnh nhưng vì thương con, hai vợ chồng bấm bụng cho Tâm 400.000 đồng đóng lệ phí. "Đêm trước chuyến đi hầu như nó không ngủ vì nôn nao, háo hức. 2h sáng, tôi thức dậy chuẩn bị đồ đạc nhưng Tâm đã tự xếp 2 bộ quần áo vào balô. Bình thường đi xa, tôi chuẩn bị đồ cho con nhưng không biết sáng nay có linh tính gì không mà nó tự làm", bà Loan khóc. Người mẹ này đã chuẩn bị thêm một chai nước, 2 ổ bánh mì cho Tâm và chở con đến cổng trường. "Tôi có đưa con hơn 100.000 đồng dằn túi và dặn đến nơi nhớ gọi về. Thấy tôi dặn dò hoài nó bảo: “Mẹ cho con chơi xả láng một lần đi'", bà Loan nhớ lại.

Trong khi đó, người thân của em Võ Tấn Tài, một trong 7 em học sinh tử nạn, ngậm ngùi nói: “Thằng bé ở nhà học giỏi và hiếu thảo lắm. Nó mới thi xong nên gia đình cũng muốn để cho nó thoải mái. Hồi sáng nó đi, tôi liên tục gọi điện nhắc nhở nó cẩn thận. Ai ngờ đầu giờ chiều nghe tin báo, cả gia đình không tin. Vì nó đi theo đoàn, làm sao xảy ra chết đuối được. Khi được xe của trường chở xuống đây nhận túi xách của cháu ai cũng như chết lặng”.

Cả thị trấn sũng màu tang tóc

Thị trấn nhỏ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) khá nhỏ nên thông tin 7 em học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm gặp nạn đã khiến cả thị trấn xôn xao. Sau khi đưa thi thể 7 học sinh xấu số trở về nhà riêng, hàng xóm láng giềng ghé qua rất đông. Nhìn cảnh phụ huynh, người thân các em gục ngã khóc không thành tiếng bên thi thể con mình, nhiều người không cầm được nước mắt tiếc thương.

Người thân và phụ huynh của học sinh tử nạn tại bãi biển 30-4 đang tập trung trên bờ để cầu nguyện cho lực lượng chức năng sớm tìm được tung tích các cháu.

Trong căn nhà nhỏ vách ván đơn sơ gần chợ Dầu Tiếng mà cha mẹ em Võ Thành Luân vẫn còn tá túc chung cùng cha mẹ, chiếc quan tài của Luân được đặt trước hiên nhà, có rất đông người thân của cha mẹ và bạn bè em đến viếng. Nỗi đau mất con quá lớn nên người mẹ trẻ Trần Thị Thu Dung đã ngã quỵ. Là người đàn ông trụ cột trong gia đình nhưng tai họa ập xuống quá nhanh khiến người cha Võ Đức Long thẫn thờ như người mất hồn. Anh cho biết: “Trước kia kinh tế khó khăn nên sau khi sinh Luân, lo làm ăn, chúng tôi chỉ đẻ một đứa để tập trung nuôi con ăn học thật tốt. Giờ nó chẳng còn nữa thì tất cả cũng hết. Tôi đã 40 tuổi, giờ còn sinh con gì nữa…”. Sau một hồi xúc động, anh Long cho biết thêm, khoảng 15h ngày xảy ra sự việc, anh nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm thông báo: “Luân đi lạc trong rừng, hiện chưa được tìm thấy”. Nghe vậy, anh Long đón xe để xuống Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, lúc này anh có linh tính có chuyện chẳng lành nên tiếp tục gọi điện vào số máy của con trai thì có một người bắt máy và xưng danh “Công an huyện Cần Giờ”. Lúc này, anh Long đã nghĩ đến chuyến tham quan định mệnh của đứa con trai mình. Khi anh xuống được hơn 1 giờ đồng hồ thì mọi người cũng tìm thấy thi thể của Luân. “Khi tìm thấy xác trên biển, Luân chỉ trầy xước trên mặt, chắc do va chạm vào đá. Tôi không thể tưởng tượng được tại sao các thầy cô giáo lại cho các em tắm ở nơi đang thi công công trình không có cứu hộ như vậy. Các cháu chết quá thương tâm…”, anh Long gạt những giọt nước mắt xót xa lăn trên má.

Cách nhà Luân vài trăm mét, gia quyến em Võ Tấn Tài cũng vừa tẩm liệm em vào áo quan trong sự đau đớn tột cùng của ông bà, cha mẹ và những người thân.

Nhiều tuyến đường ở thị trấn, những lá cờ tang ủ rủ trong chiều tà đầy sương mù cuối năm khiến không khí càng thêm ảm đạm. Hầu như tất cả các thầy trò Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đều thay phiên nhau đi cúng viếng những em học trò xấu số.

Bà Nguyễn Thị Tươi (80 tuổi) ngậm ngùi: “Ở đây gần cả đời người, tôi chưa bao giờ thấy thị trấn Dầu Tiếng lại trong cảnh đại tang như thế này. Điều đau thương nhất lại là sự ra đi quá oan uổng của những đứa trẻ còn tuổi ăn, tuổi học khiến những mái đầu bạc phải thương khóc tiễn đưa kẻ đầu xanh!”.

Ngày đầu tiên của năm mới, 2014, linh cữu các em sẽ được gia đình, người thân, thầy cô và bạn bè đưa về an táng tại Nghĩa trang nhân dân huyện Dầu Tiếng.

Vì sao nên nỗi?

Theo ghi nhận của PV, hiện trường học sinh gặp nạn ở nhà hàng Phi Lao thuộc bãi biển 30-4, huyện Cần Giờ. Khu vực trên đang được xây dựng tường thành cải tạo bờ biển nhưng chỉ được rào chắn bằng lưới B40. Chị Nguyễn Thị Ngân, người dân sống gần đó cho hay: “Nơi các em học sinh nam gặp nạn đang được đổ cát để cải tạo xây dựng bờ biển. Bình thường, khu vực này nước rất xoáy, đang thi công nên có nhiều trũng nước rất xoáy. Rất có thể học sinh bị giật ra xa, nước cuốn trôi. Thời điểm trên có rất nhiều bảo vệ công trình cải tạo bờ biển nhưng không ngăn cản mà để các em xuống tắm”.

Chị Nguyễn Thị Thu Phượng, mẹ của em Nguyễn Hoàng Long, nạn nhân được tìm thấy đầu tiên luôn gào khóc đòi con. Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người không thể cầm được nước mắt.

Nhiều ý kiến bức xúc tương tự cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của 7 em học sinh là sự mất an toàn tại bãi biển Cần Giờ và sự vô trách nhiệm của Ban quản lý Khu nghỉ mát 30-4. Đây không phải là lần đầu tiên bãi tắm 30-4 của huyện Cần Giờ xảy ra sự việc đau lòng như thế này, mà trước đó, tại khu vực này đã xảy ra nhiều vụ đuối nước khác khiến nhiều người thiệt mạng. Nhiều du khách và người dân chứng kiến vụ việc cho biết, nếu như đơn vị tổ chức chuyến đi thật chặt chẽ và được sự quan tâm từ Ban quản lý khu nghỉ mát thì đã không xảy ra sự cố đau lòng này.

Không cần phải nói thêm về nỗi đau quá lớn của gia đình các nạn nhân trước sự mất mát quá lớn và bất ngờ này. Nhưng đằng sau vụ việc thương tâm với những nỗi đau xé lòng này là hồi chuông báo động, là những bài học quá đắt giá về việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh trong các hoạt động ngoại khóa, tham quan, du lịch. Rất nhiều cha mẹ học sinh bức xúc về việc các thầy cô giáo trong trường và phía Công ty Du lịch Hưng Phát (Dĩ An, Bình Dương) đã không có trách nhiệm trong việc đưa các em đi tham quan, nhất là lúc tắm biển. Khu vực các em tắm không phải là điểm du lịch mà đang thi công xây dựng, nhân viên công ty du lịch cũng như các thầy cô không nhắc nhở. Ông Dương Thế Phương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết, trước mắt Sở và Phòng GD&ĐT huyện Dầu Tiếng kết hợp với nhà trường tổ chức thăm hỏi và động viên, đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình các em bị nạn. Sau đó, Sở sẽ yêu cầu các tập thể, cá nhân liên quan báo cáo để có biện pháp xử lý trách nhiệm.

Nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ việc, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đang được điều tra, làm rõ. Nhưng trong lúc chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, vụ việc đã khiến dư luận, trong đó đặc biệt là các bậc phụ huynh, vô cùng lo lắng cho sự an toàn của con em mình trong các chuyến tham quan, dã ngoại do nhà trường tổ chức

Gia Linh – Cát Tường
.
.
.