Chuyện đời của một phụ nữ trẻ nhiễm HIV:

Tôi không “lỗi hẹn” với cuộc sống

Thứ Năm, 31/03/2016, 12:30
Gần 4 năm sau cuộc gặp lần thứ nhất, tôi trở lại khu phố Phú Hiệp 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên tìm gặp Nguyễn Thị Thu Mai, 32 tuổi - một phụ nữ trẻ giàu nghị lực sống, vượt qua mọi trở ngại sau 10 năm nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch (HIV).


Vẫn âm giọng chân chất và gương mặt kiên nghị luôn hiện hữu nét vẻ tự tin, lạc quan với cuộc sống. Người phụ nữ ấy nói rằng: “Vượt lên số phận nghiệt ngã, đớn đau và bất hạnh, tôi luôn tự nhủ mình không nên lỗi hẹn với cuộc sống”.

Tuổi thơ bất hạnh và số phận nghiệt ngã

Mở đầu câu chuyện, tôi cẩn trọng giải thích quyền bảo đảm bí mật đời tư của công dân theo quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự, cùng các chế định tại điểm d, khoản 2, điều 8 Luật phòng chống nhiễm HIV/AIDS và Nghị định 69/2011/NĐ-CP ngày 8-8-2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng - môi trường y tế và phòng chống HIV/AIDS, thế nhưng Mai nói rằng: 

“Hầu hết những người nhiễm HIV/AIDS đều chủ động né tránh tiếp xúc báo chí, thậm chí người thân của họ còn tìm mọi cách ngăn cản, xua đuổi và đe dọa những ai tìm hiểu về nhân thân và số phận người nhiễm HIV/AIDS. Riêng em không hề né tránh sự thật nên anh cứ công khai tên tuổi, thông tin và hình ảnh của em, vì em tin câu chuyện về đời tư và số phận nghiệt ngã của em sẽ là thông điệp nhân văn gửi đến nhiều người, đặc biệt là những người có cùng số phận như em”.

Sau 10 năm nhiễm HIV, Nguyễn Thị Thu Mai vẫn vượt qua mọi trở ngại bằng niềm tin yêu cuộc sống.

Và sau một hồi trầm tư như để lắng lòng suy tưởng, Mai tâm sự bằng giọng trầm buồn: “Từ thời thơ ấu, em đã sớm vấp phải bất hạnh khi người đàn ông gieo giọt máu rơi để em sinh ra trong cõi đời này đã né tránh trách nhiệm. Cứ tưởng đến khi trưởng thành cuộc đời em sẽ được bù đắp những mất mát hôm qua bằng những niềm vui mới, nào ngờ số phận nghiệt ngã đã khiến cho em thêm đớn đau bất hạnh...”. 

Nói tới đó, đôi mắt Mai ngấn lệ, ẩn chứa xót xa, khiến cho tôi lo ngại khi khơi dậy nỗi buồn quá khứ của một phụ nữ trẻ đã nếm trải nhiều vị đắng cuộc đời. Dường như cảm nhận được điều đó nên người mẹ của Mai – bà Trần Thị Nhẫn, 70 tuổi, đang ngồi kế bên ngỏ lời chia sẻ: “Thời trước tui cùng nhiều người con gái ở làng này lấy chồng từ khi mới thành niên. Ba đứa con mang họ Đỗ lần lượt chào đời, nhưng đột nhiên chồng tui bỏ đi biệt tích khi tui mới ba mươi tuổi, một mình tui vất vả nuôi nấng tụi nhỏ. Trong tình cảnh đó, một người đàn ông cùng làng thường xuyên lui tới giúp đỡ nhiều chuyện, như lợp lại mái tranh dột nát, giằng chống vách nhà. Lúc đầu chỉ là tình làng nghĩa xóm, nhưng một thời gian sau đó do yếu mềm lòng nên tui sa ngã trước những lời tán tỉnh của ông ấy”. 

Ngừng một lát bà Nhẫn tiếp tục trải lòng bằng đoạn kết câu chuyện đầy bi kịch: “Nào ngờ khi nghe tui mang thai, người đàn ông đó im lặng, chẳng ngó ngàng gì khi tui sinh con, bỏ mặc mẹ con tui khó khăn, chật vật”.

Cho dù vất vả trong cuộc mưu sinh, nhưng bà Nhẫn vẫn nỗ lực vượt khó, cho bé Mai đến trường và đã tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2002. Mai tâm sự: “Trong tâm thức của em luôn cháy bỏng ước mơ trở thành cô giáo, nhưng do gia cảnh nghèo khó, người mẹ gầy yếu, ba anh chị đã lập gia đình riêng, nên em phải đi phụ hồ cho những nhóm thợ xây dựng ở địa phương để kiếm cơm”. 

Từ cuộc mưu sinh đó, Mai tình cờ gặp gỡ Nguyễn Trọng Kh – một chàng trai quê ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Mối tình chân chất, dễ thương như bản tính hiền lành của Kh và vẻ đẹp mộc mạc của Mai đã đưa họ bước tới hôn nhân vào giữa năm 2003, rồi cùng sinh sống ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. 

Mỗi ngày vợ chồng cần mẫn với nghề thợ xây và phụ hồ để kiếm tiền. Khi bé Nguyễn Thị Ngọc Bích chào đời cuối năm 2004, cuộc sống thường nhật của họ thêm nhiều khó khăn, nên Kh vào Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh làm thuê, vì tiền công thợ xây dựng ở đó khá cao. Vài ba lần trong năm, Kh về Phú Yên thăm vợ con và dúi vào tay Mai những đồng tiền dành dụm được.

Tưởng rằng cuộc sống gia đình trôi qua bình lặng, nào ngờ tai họa ập đến cuối tháng Giêng năm 2006, khi Mai nhận được tin người chồng lâm bệnh nặng, phải điều trị nội trú ở Bệnh viện Chợ Rẫy rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Mai nhớ lại: “Vào tới bệnh viện, suốt đêm em ngồi bên chồng dò hỏi bệnh trạng, nhưng anh ấy im lặng không nói câu nào. Đến khi thấy em ngồi khóc anh Kh mới tiết lộ bị u ác tính trực tràng. Vài ngày sau, em đưa chồng về nhà uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng anh ấy cứ lầm lì trên giường, xoay mặt vào vách và né tránh những người đến thăm”. 

Gần một tháng sau, Mai đưa Kh về với cha mẹ ruột ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định theo ước muốn của chồng. Mới hơn một tuần sức khỏe của Kh suy kiệt trầm trọng, người mẹ tất tả ngược xuôi tìm thầy thuốc đông y, nhưng mới uống vài bát Kh choáng mệt, ngất xỉu, phải đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. 

Mai kể : “Do anh Kh sốt cao và tiêu chảy kéo dài, nên bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu. Và điều bất ngờ xảy ra khiến cho em hoang mang lo sợ bởi anh Kh đã nhiễm HIV. Sáng hôm sau, khi người chị chồng đưa đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, em đã gục ngã, gào khóc thảm thiết vì biết mình cũng... nhiễm HIV. Nhiều lần em gặng hỏi nguyên do nhiễm bệnh nhưng anh Kh không chỉ lắc đầu từ chối, mà còn lớn tiếng gắt gỏng...”.

Hơn một tháng sau Nguyễn Trọng Kh vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh u ác tính trực tràng. Mai bồng đứa con gái 16 tháng tuổi trở về quê nhà, nhưng tâm trí luôn nghĩ đến cái chết đang treo phía trước cuộc đời mình. Suốt ngày đêm, nước mắt cứ tuôn chảy trên đôi gò má rám nắng khiến người phụ nữ trẻ cảm nhận nỗi đau đớn, tuyệt vọng. Cuộc sống đối với Mai lúc này chỉ là những gam màu đen, vài lần cô đã nghĩ đến chuyện tự giải thoát cuộc đời mình bằng một liều thuốc ngủ, nhưng hình ảnh đứa con vô tội đang say giấc nồng cứ hiện hữu trong tâm trí khiến cho Mai đắn đo, day dứt, nên cô không thể từ bỏ tình mẫu tử thiêng liêng.

Vươn dậy bằng niềm tin và nghị lực

Sau nhiều lời can khuyên chân tình của người mẹ và các anh chị trong gia đình, Mai tìm đến Trung tâm phòng chống HIV/AISD Phú Yên. Lần thứ hai xét nghiệm máu với kết quả dương tính HIV, Mai được các bác sĩ cấp thuốc ARV và tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phòng tránh các bệnh nhiễm trùng cơ hội. 

Nghiệt ngã thay, nguồn tin “con Mai bị si da” như vết dầu loang nhanh trên mặt nước, chỉ vài tuần sau nhiều người dân thị trấn Hòa Hiệp Trung và một số địa phương khác ở huyện Đông Hòa đều biết qua kênh... truyền miệng với nhiều chi tiết thêu dệt. Từ đó, Mai cùng đứa con phải sống cách biệt mọi người, vì mỗi khi ra đường luôn chạm phải những ánh mắt lạnh nhạt và nhiều lời xì xào thiếu tế nhị. Không những thế, đã có kẻ “xấu mồm, độc miệng” rêu rao rằng: “Chồng chết vì sida thì đằng nào vài ba tháng nữa cũng đến lượt vợ con đoàn tụ ông bà”. 

Mai tâm sự: “Thời gian đó em vấp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Không ai thuê đóng gạch, phụ hồ, gặt lúa... vì nhiều người tìm cách né tránh mẹ con em. Không chịu đựng nổi nhiều lời gièm pha cay nghiệt, nên má em cũng tự né tránh những người trong làng”.

Người xưa bảo “Trong họa có phúc”. Kết quả xét nghiệm cháu Bích không có HIV chính là chữ phúc. Chữ phúc đó đã thắp lửa niềm tin cuộc sống cho Mai đứng dậy bằng nghị lực. Mỗi tháng Mai cùng nhóm đồng đẳng ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Phú Yên dành 9 buổi tiếp cận các tụ điểm văn hóa, khách sạn, chợ, bến xe... để tuyên truyền các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV, cấp phát bao cao su. 

Để có được những bữa cơm đạm bạc, ngoài việc canh tác 1,5 sào ruộng lúa, Mai phải lọc cọc xe đạp đi mua phế liệu để kiếm tiền mỗi ngày với mức thu nhập ít ỏi nên phải dè xẻn từng đồng trong chi tiêu. Tưởng đã an phận, có ngờ đâu giữa năm 1999 người mẹ ruột mắc bệnh hiểm nghèo, phải bán một phần đất đang lưu cư để có tiền vào Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh điều trị. 

Một mình Mai chăm lo cho mẹ già, con nhỏ nên đời sống thường nhật thiếu trước, hụt sau. Khó khăn chồng chất nhưng Mai không chỉ lạc quan, tin yêu cuộc sống mà còn cùng nhóm đồng đẳng kiên trì tiếp cận, thuyết phục một số trường hợp bị nhiễm HIV không tìm đến lối thoát tiêu cực, vượt lên số phận nghiệt ngã bằng nghị lực sống...

Tạm biệt Mai trong ánh chiều vàng vọt, tôi đọc được phía sau ánh mắt của người phụ nữ này là khát vọng sống đẹp. Tôi tin ngoài những liều thuốc ARV, cộng đồng xã hội sẽ dành cho Mai và những người nhiễm HIV một liều thuốc đặc biệt khác, đó là tình người gắn liền với sự cảm thông, chia sẻ để họ vượt qua bi kịch số phận, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.