Trái tim không tật nguyền

Thứ Năm, 28/07/2016, 15:10
Để được sống trọn vẹn vì người mình yêu là chuỗi ngày đấu tranh gian khổ và đầy sóng gió với Kim Chi. Cô phải chấp nhận chuyện bậc sinh thành từ mặt, họ hàng xa lánh. Cha mẹ đều bảo, đã tàn tật thì nên chấp nhận cuộc đời trong bốn bức tường, ra xã hội sẽ trở thành gánh nặng. Nhưng cô đã chứng minh một chân lý: Dù thể xác khiếm khuyết nhưng trái tim không bao giờ tật nguyền.


Tại sao không cho em ước mơ?

"Có lẽ mọi thứ trên thế gian tạo hóa sinh ra đều phải có đôi có cặp và hai chúng em không nằm ngoài quy luật đó" - cô gái "chim cánh cụt" Nguyễn Thị Kim Chi (SN 1988) triết lý với chúng tôi. Định mệnh khiến cô gái bị bại liệt, thân hình méo mó gặp chàng trai mù mãi tận vùng nước mặn đồng chua để cùng nắm tay nhau vượt qua gian truân ngặt nghèo.

Hai con người, hai cảnh đời éo le nhưng trái tim cùng nhịp đập. Chung một mái nhà, cả hai đã dìu nhau qua biết bao đắng cay, sóng gió. Hạnh phúc với họ cũng chỉ đơn giản là san sẻ gánh nặng, sớt chia những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày.

Nếu so với những người tàn tật thì Kim Chi không có gì đặc biệt, nhưng cô có một điểm khiến ai gặp lần đầu cũng phải ấn tượng, đó là cái "duyên" nói chuyện, am hiểu sự đời. Cô tự hào bởi bản thân luôn lạc quan khi tạo hóa cũng công bằng, không cho mình đôi chân, bàn tay thì đã bù vào khối óc. Chính sự thông minh, sâu sắc đã cứu cuộc đời Kim Chi ra khỏi bốn bức tường nhàm chán, u mê của một cơ thể bại liệt.

Kim Chi đã vượt lên chính mình bằng nỗ lực phi thường.

Kim Chi tâm sự: "Lúc mới bị bại liệt, em nằm một chỗ, gia đình không ai tin và hi vọng gì về em mặc dù em đã phân tích và nói lý lẽ rất nhiều. Tại sao không cho em lối thoát? Tại sao cứ phải mặc định người tàn tật thì không làm được gì, thậm chí không có quyền mơ ước?".

Gia đình Kim Chi (Bến Cầu, Tây Ninh) nghèo lắm, đến nỗi cả tuổi thơ của cô bé chưa từng biết đến một bữa no. Cha mẹ em quanh năm đi làm mướn cho các chủ rẫy nhưng vẫn không đủ ăn. Khát khao cháy bỏng của một đứa trẻ ngày ấy là sau này được ăn một bữa cơm thật no với chiếc đùi gà bóng nhẫy. Nghèo khó, đói ăn khiến cô bé không được học chữ, nhìn chúng bạn tung tăng cắp sách đến trường, Kim Chi chỉ biết ôm cột nhà khóc ròng. 

14 tuổi, Kim Chi bị đau khớp chân, chỗ đau cứ nhức nhối và lan dần ra các khớp khác như đầu gối, các đầu ngón tay. Bệnh viện chẩn đoán, Chi bị bệnh thấp khớp, bệnh này rất khó chữa và dễ di chứng qua tim. Không có tiền thuốc men nên gia đình bất lực nhìn Kim Chi quằn quại với bệnh tật. Thời gian sau, các khớp trên cơ thể Chi bắt đầu co rút, các cơ tiêu biến. Thân thể tròn trịa, đang trên đà phát triển của lứa tuổi trăng tròn bỗng vẹo vọ, co quắp, cô bé nằm liệt một chỗ, không thể tự ăn uống hay vệ sinh. Kim Chi khóc rất nhiều, đã hơn một lần Chi nghĩ đến cái chết để giải thoát nỗi đau. Nhưng trí óc của một cô bé vốn thông minh, lanh lẹ đã tự xóa bỏ “lối thoát” tiêu cực ấy.

Những ngày bại liệt nằm một chỗ trong bốn bức tường, Chi mới có điều kiện tiếp cận chữ viết. Cô bé suy nghĩ, bản thân dị tật đã khổ nhưng thêm mù chữ thì cả đời sẽ trở thành kẻ ăn bám vô dụng và cô bé đã quyết tâm tự học chữ trên nền nhà. Cơ thể cứng đơ, chỉ cần cử động nhẹ là các khớp xương đau buốt, nhức tới tận đầu. Mỗi lần nhúc nhích ngón tay, cơn đau thấu vào tim, nhói lên óc.

Kim Chi đã cố, mỗi ngày cố chịu đau một chút, đau riết thành chai lì, ý chí phải chiến thắng. Các bạn hàng xóm cho sách cũ, Kim Chi tự mày mò ghép vần. Từ nào chưa hiểu thì tranh thủ hỏi bạn. Học hết sách lớp một, Chi tập đánh vần trên báo, tập đọc, tập viết cho đến khi thành thạo. 

Học chữ xong, Kim Chi quyết định xin đi học nghề để tự lo cuộc sống. Vừa nghe con nói, người cha gạt phắt: "Con đã tàn tật rồi ra ngoài lại trở thành gánh nặng cho xã hội, trời bắt mình phải thế nên con phải cam chịu cho hết kiếp nạn này".

Kim Chi bật khóc vì người lớn không tin, không cho cô cơ hội làm người. Không cam tâm chấp nhận số phận, Kim Chi đã lặng lẽ gói ghém quần áo rời nhà đi đến Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) xin học. Cha giận quá đã tuyên bố từ mặt con gái, còn mẹ chỉ biết khóc mà thôi. Kim Chi được dạy xâu cườm làm trang trí cho các túi xách. Với bản tính thông minh, cần cù và ham học, cô gái tật nguyền đã thành nghề rồi được trung tâm giữ lại làm giáo viên.

Anh ấy bù cho em đôi chân

Trong những học viên của trung tâm, Chi đặc biệt để ý đến Bùi Văn Quẹo (SN 1991). Nhà Quẹo ở cù lao Dung, vùng quê nghèo của tỉnh Sóc Trăng, cha bỏ mẹ con Quẹo đi từ ngày cậu chưa được một tuổi. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau. Một ngày đang trên đường đi học về, Quẹo bỗng thấy mắt nhòa đi, bầu trời trước mặt tối sầm lại, cậu đổ xuống đường. Đi khám người ta bảo Quẹo mắc bệnh cườm nước. Không có tiền chạy chữa nên Quẹo bị mù, dập tắt tương lai. Năm ấy, Quẹo đang học lớp 11.

Bằng tiếng đàn da diết, Quẹo đã vực dậy ước mơ của riêng mình.

Tất cả vuột khỏi tầm tay, Quẹo cùng mẹ lên TP Hồ Chí Minh kiếm kế sinh nhai. Vốn liếng của hai mẹ con không có gì ngoài giọng hát "trời phú" của cậu con mù lòa.

Ngày cũng như đêm, mẹ dắt Quẹo ra đường gào thét những bài nhạc buồn, những câu vọng cổ não nề rồi chìa nón mong người qua đường ném cho vài đồng bạc lẻ. Hành nghề một thời gian, Quẹo được vài nơi thuê đi hát trong các dịp thôi nôi, đám cưới, thậm chí cả đám ma. Có chút tiền, Quẹo đi học đàn để bổ sung vào hành trang "hát bụi đường phố". Học được vài tháng hết tiền đóng học phí, Quẹo bị trung tâm đuổi. Lang bạt mãi cuối cùng hai mẹ con dạt về Củ Chi, được một người tốt đưa vào trung tâm dạy nghề và đã gặp Kim Chi, để bắt đầu một mối tình cổ tích.

Thấy hoàn cảnh Quẹo bất hạnh quá, cô bé tật nguyền đem lòng thương cảm, rồi chẳng biết từ bao giờ, tình thương đã phát triển thành tình yêu. Quẹo mặc cảm với đôi mắt mù lòa, với thân thể còm cõi của một đấng nam nhi nên có phần e dè với tình cảm của cô gái. Kim Chi chủ động "tấn công" bằng sự khao khát muốn yêu và được yêu.

Còn đôi mắt, Chi nhận ra Quẹo là một chàng trai không đẹp về ngoại hình nhưng hiền lành, chất phác, sống tình nghĩa. Cô yêu Quẹo vì lẽ đó. Ngoài 20 tuổi, đây là lần đầu tiên Quẹo được người con gái bày tỏ tình cảm, cậu rung động đến tê tái. Không thể chiêm ngưỡng nhan sắc của nửa kia, nhưng Quẹo cảm nhận trọn vẹn tấm chân tình của "đàn chị" dành cho mình. Mẹ thấy con trai tìm được hạnh phúc nên thanh thản trở về quê.

Kim Chi hạnh phúc thông báo cho gia đình biết cô đã tìm được "một nửa" của đời mình. Đang hình dung viễn cảnh lộng lẫy, lung linh ngày ra mắt thì Kim Chi nhận được lời tuyên bố hằn học, đay nghiến của cha: "Mày mà yêu nó tao từ mặt. Mày đã ngồi xe lăn rồi còn đeo thêm người mù nữa thì làm ăn thế nào". Vậy là hai lần cha từ mặt, hai lần mang tiếng bất hiếu với bậc sinh thành, Kim Chi vẫn quyết tâm đi theo tiếng gọi con tim. 

Hạnh phúc với đôi vợ chồng khuyết tật đơn giản là sự chia sẻ.

Cặp tình nhân rời trung tâm dạy nghề dắt nhau xuống Bình Dương thuê trọ. Có sẵn cái nghề lận lưng, Kim Chi mua ruột túi xách về gia công bằng hạt cườm rồi mang ra đường bán dạo. Một nghề không đủ sống, Chi bàn với chồng lấy vé số bán cộng với ngón nghề hát "bụi" của Quẹo nữa, cũng không phải chết đói.

Trên những cung đường quen thuộc của TP Thủ Dầu Một, ngày ngày người ta vẫn thấy chàng trai mù đẩy xe lăn cô gái bại liệt vừa bán túi xách hạt cườm vừa rao vé số và phục vụ đánh đàn, ca hát miễn phí. Kim Chi tâm sự: "Anh ấy bù cho em đôi chân, còn em thay anh ấy đôi mắt. Chúng em thật sự hạnh phúc, tình yêu đã cho chúng em nghị lực sống".

Âm thầm theo dõi, thấy con gái hạnh phúc bên người chồng khiếm thị, cha Kim Chi bắt đầu nguôi giận. Ông cử vợ xuống Bình Dương thăm con gái xem sống ra sao. Tuy không nói ra, nhưng Kim Chi cảm nhận được sự chấp nhận của cha mình, đã đến lúc cô dẫn chồng về nhà ra mắt họ hàng. Còn Quẹo không giấu được niềm vui, cậu tủm tỉm cười nắm tay cô vợ nhỏ nhắn, bé xinh: "Chúng em sẽ sống tốt và sẽ có những đứa con khỏe mạnh".

Trước khi tạm biệt, Quẹo kéo tay chúng tôi lại để nghe cậu đờn một bản tình ca: "Làm sao thấy được khoảng trời mênh mông với ánh nắng vàng buổi sáng… đôi hố mắt sâu tắt lịm tự bao giờ. Người ta bảo rằng ánh bình minh đẹp lắm, nhưng tôi không thể nhìn từ lúc ầu ơ…".

Ngọc Thiện
.
.
.