Vấn nạn nhiễm khuẩn Listeria

Thứ Năm, 15/03/2018, 13:10
Nhiều quốc gia châu Phi đã thu hồi thịt nhiễm khuẩn Listeria sau khi các siêu thị và nhà bán lẻ tại Nam Phi bắt đầu thu hồi số sản phẩm thịt đông lạnh bị nhiễm loại vi khuẩn gây chết người này.

Được biết, các siêu thị và cửa hàng bán lẻ ở Nam Phi đã thu hồi quy mô lớn các sản phẩm thịt do hãng Enterprise và Rainbow Chickens sản xuất vì cho rằng nhà máy chế biến thực phẩm Enterprise Food, là nguồn gốc làm bùng phát dịch nhiễm khuẩn Listeria. 

Viện Truyền nhiễm quốc gia Nam Phi (NICD) cho biết, dịch nhiễm khuẩn Listeria từng bùng phát ở quốc gia này từ tháng 1-2017 với 948 ca nhiễm và cướp đi sinh mạng của ít nhất 180 người. 

Sau khi thông tin kể trên được đăng tải, nhiều người tiêu dùng và các nhà bán lẻ đã tập trung bên ngoài các cơ sở chế biến của hãng Enterprise ở Nam Phi đòi hoàn tiền cho những sản phẩm ăn liền mà họ đã mua, kể cả xúc xích. 

Bộ Y tế Nam Phi đang theo sát diễn biến của đợt bùng phát được cho bắt nguồn từ nhà máy thịt Enterprise tại thành phố Polokwane và Germiston, bất chấp Tiger Brands, công ty mẹ của Enterprise đã bác bỏ cáo buộc này. 

Được biết, chuỗi siêu thị lớn thứ hai Nam Phi Pick n Pay (khoảng 1.420 cơ sở) vừa tuyên bố, đã thu hồi toàn bộ số sản phẩm đến từ các khu chế xuất mà cơ quan y tế xác nhận bị nhiễm khuẩn Listeria. Toàn bộ số tủ lạnh và khu vực chuẩn bị thực phẩm trong siêu thị đều được làm sạch để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Vi khuẩn Listeria.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Aaron Motsoaledi cho biết, các chuyên gia y tế đã phát hiện vi khuẩn Listeria trong một số thực phẩm của nhà máy chế biến thực phẩm Enterprise Food ở Polokwane, thủ phủ của tỉnh Limpopo. 

Sản phẩm từ hai cơ sở chế biến thực phẩm khác của Enterprise Food ở gần thành phố Johannesburg và tỉnh Free State cũng được cho đã nhiễm vi khuẩn Listeria. 

Nhưng Giám đốc điều hành Tập đoàn Tiger Brands Lawrence MacDougall, chủ sở hữu hãng Enterprise đã bác bỏ cáo buộc cho rằng, các sản phẩm của họ là nguyên nhân gây ra những trường hợp tử vong trước đó. 

Theo giới truyền thông, 5 quốc gia thuộc Cộng đồng Phát triển Nam Phi gồm Zambia, Namibia, Mozambique, Malawi và Uganda đã ra lệnh cấm sản phẩm chế biến từ thịt của Nam Phi nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch nhiễm khuẩn gây chết người này. 

Tiếp theo 5 nước châu Phi kể trên, Bộ Y tế Kenya cũng ra thông báo cấm nhập khẩu và buôn bán các sản phẩm thịt chế biến sẵn từ Nam Phi. Theo lệnh cấm của Bộ Y tế Kenya, toàn bộ các hãng bán lẻ của nước này phải ngừng bán và dỡ bỏ các sản phẩm thịt chế biến sẵn nhập khẩu từ Nam Phi khỏi các kệ hàng. Bên cạnh đó, các công ty nhập khẩu và các cửa hàng buộc phải thu hồi những sản phẩm nêu trên nhằm ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn Listeria.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng bùng phát Listeria tại Nam Phi được đánh giá có quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay với hơn 900 trường hợp nhiễm bệnh trong hơn 1 năm qua. 

Ông Peter Ben Embarek, người quản lý bộ phận an toàn thực phẩm thế giới của WHO coi đây là đợt bùng phát dịch Listeria lớn nhất trên thế giới từng được ghi nhận. 

Khuẩn Listeria có tên khoa học đầy đủ là Listeria monocytogenes, là loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong rau, quả đông lạnh, một số loại quả sống, phomát mềm, thịt nguội, hải sản xông khói và đóng hộp có thể gây ra các tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. 

Vi khuẩn này thường không gây bệnh, chỉ tấn công những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.

Một siêu thị tại Nam Phi.
Trong khi đó, giới chức Australia thông báo, lại có thêm 1 trường hợp bị chết do nhiễm Listeria sau khi ăn dưa lưới và đây là trường hợp tử vong thứ 4 tại Australia vì bị nhiễm loại vi khuẩn kể trên. 

Gần 10 ngày trước (3-3), Cơ quan quản lý thực phẩm bang New South Wales cho biết, có 3 người đã tử vong và 12 người phải điều trị do ăn dưa lưới nhiễm khuẩn Listeria và các nạn nhân đều là người cao tuổi. 

Giới chức y tế Australia bắt đầu quan tâm tới những trường hợp nhiễm khuẩn Listeria sau khi Cơ quan quản lý thực phẩm bang New South Wales thông báo, có 10 người phải nhập viện do nhiễm vi khuẩn này với các triệu chứng sốt và tiêu chảy. 

Hiện đơn vị trồng loại dưa này đã ngừng hoạt động để tiến hành điều tra và toàn bộ sản phẩm dưa lưới đang bán tại các siêu thị cũng đã được thu hồi.

Liên minh châu Âu (EU) từng báo động về tình trạng phát triển của Listeria do ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, chỉ riêng trong năm 2013 đã có 191 người tử vong và 1.763 trường hợp nhiễm Listeria tại EU, tăng 8,6% so với năm 2012. Điều này cho thấy xu hướng nhiễm khuẩn Listeria tại châu Âu đã gia tăng kể từ năm 2008.
Trọng Hậu
.
.
.