Vầng trăng khóc bên dòng sông Nhật Lệ

Thứ Hai, 08/04/2013, 15:22

Men theo bờ cát trắng của dòng Nhật Lệ, tôi tìm về nhà cựu binh Đỗ Đức Địu và chị Phạm Thị Nức ở Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Trở về sau cuộc chiến, chất độc da cam đã lần lượt cướp đi của họ 12 đứa con. Người dân xã Võ Ninh nói rằng, nhiều buổi chiều vẫn thấy vợ chồng ông Địu ngồi trước mộ trên cát trắng khóc con, có lẽ vì khóc nhiều quá nên nỗi đau của họ đã lên đến tột cùng nên không còn nghe thành tiếng.

Gặp nhau lần này, anh bắt tay tôi thật chặt, giọt nước mắt chảy tràn trên gò má "giờ bên cạnh nỗi đau vợ chồng tui còn có một niềm vui". Những nỗi đau và niềm vui của người cựu chiến binh thời hậu chiến nghe cứ nghẹn ngào.

15 lần mang nặng đẻ đau… 12 lần tiễn con trong nước mắt

Năm 1972, cũng như bao thanh niên thôn Hà Thiệp, Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, anh Đỗ Đức Địu lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Làng bên người con gái anh yêu dấu Phạm Thị Nức cũng ra trận làm cô thanh niên xung phong. Tình yêu của họ được thử thách trong bom đạn chiến tranh. Anh Địu đóng quân ở chiến trường Khe Sanh, A Lưới, những nơi được coi là tọa độ lửa, và là nơi máy bay địch thả bom chất độc hoá học cháy cả núi rừng.

Năm 1973 anh Địu, chị Nức xin đơn vị cho về phép, họ nên vợ nên chồng. Tưởng rồi hạnh phúc sẽ đến với cặp vợ chồng trẻ này, nhưng vì anh Địu, chị Nức đều có thời gian chiến đấu trong vùng bị nhiễm chất độc da cam nên nỗi đau đã đeo đẳng họ suốt cuộc đời. Một năm sau ngày cưới họ sinh con trong niềm vui sướng, hân hoan của người thân họ hàng. Đứa trẻ bụ bẫm tưởng là phần thưởng xứng đáng cho anh lính trẻ Đỗ Đức Địu.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn, đứa trẻ bụ bẫm con anh Địu đã bị bệnh vàng da, mắt mờ rồi chết. Nỗi đau của anh Địu, chị Nức cũng dần lắng xuống và họ hi vọng vào lần sinh sau. Năm 1976 chị sinh đứa thứ hai, năm 1977 có đứa thứ ba, năm 1978 sinh đứa tiếp theo...Mỗi lần sinh con là một lần hi vọng, nhưng nỗi đau xé lòng đã ập đến đối với cặp vợ chồng trẻ này. Vợ chồng anh Địu thắp nhang cầu khấn khắp nơi, nhưng nước mắt của họ vẫn liên tục ngấm sâu vào lòng cát theo phần mộ các con. 12 lần sinh 12 đứa con từ từ bỏ anh chị ra đi. Nước mắt của anh Địu, chị Nức đã cạn dần.

Trước mắt tôi là chị Nức, người mẹ đã 15 lần sinh nở và mỗi năm phải làm 12 lần giỗ con, chị không khóc mà đôi mắt ráo hoảng khô khốc như chưa bao giờ khô đến thế.

Tận cùng nỗi đau phải sống

Còn lại ba đứa con, chỉ có đứa đầu may mắn lành lặn, xây dựng được gia đình. Đem lại niềm hạnh phúc lớn nhất cho anh chị. Còn lại con gái Đỗ Thị Hằng sinh 1990 và Đỗ Thị Nga sinh 1994, hai mắt đều bị mờ, nghễnh ngãng chỉ biết khóc và cười.

Hàng chục năm qua, chỉ có hai việc cuốn hết cuộc sống của anh Địu, chị Nức là hàng năm làm 12 lần giỗ cho các con và chạy chữa thuốc men, chăm sóc hai đứa con bị chất độc da cam...

Vợ chồng anh Địu chăm sóc 2 đứa con bị chất độc da cam còn lại.

Chị Nức kể: "Con bé Hằng khi sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh. Lớn lên đến trường cháu học giỏi nhất, nhì lớp. Mỗi lần đi họp phụ huynh cho con, nghe cô khen cháu ngoan, học giỏi nỗi đau trong tôi như chùng xuống. Nhiều đêm anh Địu cứ ngồi bần thần trước sân nghe con Hằng đọc bài, tui biết anh cũng phần nào đỡ đau đớn về những đứa con đã mất...".

Nhưng niềm vui của anh Địu, chị Nức đã bị cướp mất khi Hằng học đến lớp 6 trường làng. Một buổi sáng mùa đông, em lên cơn co giật từ đó nụ cười thường trực, hồn nhiên của em đã biến mất và những giọt nước mắt tiếp tục lăn dài trên gò má mẹ, cha. Hàng chục năm trời, anh Địu vạy mượn khắp nơi đưa con ra Hà Nội chữa bệnh não úng thuỷ, nhưng đều bất thành. Anh đưa bàn tay gầy guộc lau vội nước mắt "Không ít lần tui định nhảy lầu bệnh viện hoặc tìm đến cái chết, nhưng rồi nghĩ đến vợ và 2 đứa con ngây dại, và không ai chăm sóc phần mộ cho 12 đứa con đã chết nên tôi lại phải sống".

Cái nắng chớm hè như nung chảy bờ sông Nhật Lệ, tay cầm bó nhang, anh Địu dẫn tôi ra thăm mộ các cháu. 12 ngôi mộ nhỏ bé nằm tựa vào nhau giữa chang chang cồn cát. Anh Địu nhẹ nhàng bốc cát vun lên từng ngôi mộ cho các cháu, 12 ngôi mộ đánh số từ 1-12 không ghi tên tuổi, anh Địu khóc "con chết còn nhỏ nên tui chưa kịp đặt tên, con gái cứ gọi là mẹt, con trai gọi là cu, con mất tui đánh theo số, do các cháu mất vào mỗi đứa một tháng nên mỗi năm phải làm 12 cái giỗ". Tiếng anh thảng vào thinh không của tiếng gió gào sóng chiều Nhật Lệ.

Trăng thượng huyền đã mọc

Ba đứa con của anh Địu, chị Nức còn sống, hai đứa bị chất độc da cam, may sao chỉ có đứa con gái đầu Đỗ Thị Bình, sinh năm 1981 là tương đối lành lặn. Bình lớn như bông hoa đồng nội. Người dân thôn Hà Thiệp vẫn thường tấm tắc khen nét đẹp thuỳ mị của Bình và ai gặp cô cũng nghĩ: Bình chính là niềm động viên để vợ chồng anh Địu sống.

Trải qua bao sóng gió, vợ chồng Bình và Hải hạnh phúc bên 2 đứa con khoẻ mạnh.

Học xong phổ thông, Đỗ Thị Bình ra Hà Nội vào học Trường Trung cấp Y tế, học nghề, nhưng rồi không nói ra song anh Địu biết cô con gái xinh đẹp của mình ít nhiều cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam như các em khi Bình đổ bệnh và phải bỏ học về quê. Hàng ngày nhìn cha mẹ gồng lưng chăm sóc các em lòng Bình thắt lại, cô mở hiệu may để động viên, giúp đỡ cha mẹ phần nào trang trải cuộc sống. Đến tuổi lấy chồng, không ít người làng thấy Bình đẹp và thục hiền vậy đó. Song nỗi đau da cam mà gia đình anh Địu gánh chịu vẫn gây âu lo cho nhiều thanh niên làng khi nghĩ chuyện kết tóc xe tơ với Đỗ Thị Bình.

Thế rồi bên chiếc bàn may của mình Bình đã gặp Hải ở làng bên. Bên những câu chuyện phiếm, những ly cà phê, những buổi hẹn hò đã gắn kết họ lại với nhau. Lời thề hẹn nên vợ nên chồng của họ đã làm xúc động bao người dân thôn Hà Thiệp. Nhưng cha mẹ Hải nhất quyết không cho hai người đến với nhau. Bởi giản đơn gia đình chỉ có mỗi mình Hải là con trai, lấy Bình lỡ may cô bị nhiễm bệnh thì sao! Suốt mấy năm trời Bình và Hải vẫn đấu tranh cho tình yêu của mình. Có nhiều lúc Hải bị quản chặt trong nhà.

Nhiều đêm trăng sáng Hải đã vượt sông Nhật Lệ đến với người mình yêu. Trước sự ngăn cản của gia đình, nhiều lúc hai người đã nghĩ tới hành động quyên sinh, nhưng rồi sự thắp sáng của tình yêu đã giúp họ tìm lối đi cho cuộc tình của mình. Bình mang thai và họ tổ chức lễ cưới. Ngày cưới của Bình và Hải ít nhiều thiếu đi sự chia sẻ của gia đình nhưng đám cưới của họ được coi là đám cưới vui nhất thôn Hà Thiệp. Người trong và ngoài làng ai cũng cầu chúc cho anh Địu, chị Nức, cầu chúc cho cặp vợ chồng trẻ vượt qua khổ hạnh của cuộc sống để hạnh phúc.

Ông trời như thấu suốt bất hạnh của họ nên đã soi xuống cho đôi trẻ những ánh sáng bình yên. Đứa con gái đầu lòng ra đời bụ bẫm, khoẻ mạnh mang đến hạnh phúc vô bờ cho vợ chồng anh Địu, chị Nức và cặp vợ chồng trẻ Bình, Hải. Những khó khăn trong cuộc sống thường nhật vẫn còn đó, nhưng trong căn nhà của Hải luôn đầy ắp tiếng cười. Tình yêu, sự sẻ chia và đồng cảm của Bình và Hải đã chiến thắng nỗi đau da cam và những mặc cảm hắt hủi của người đời.

Chia tay gia đình anh Địu, tôi ra về khi mặt trời đã khuất bóng. Từ căn nhà nhỏ của anh tiếng ru cháu của chị Nức  "Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây" êm như tiếng đàn trong suốt cứ ngân vang theo bước chân của chúng tôi ra khỏi thôn Hà Thiệp

Dương Sông Lam
.
.
.