Dấn thân lấy tiền cho chồng chữa bệnh ung thư

Thứ Tư, 26/08/2015, 13:30
Chị là người đàn bà bất hạnh, cưới chồng hơn 10 năm, chạy đôn chạy đáo khắp các bệnh viện từ Nam chí Bắc mới có được mụn con thì chồng gục ngã bởi căn bệnh ung thư. Suốt 5 năm qua, chị giấu chồng con, rời quê vào thành phố hành nghề bán dâm để kiếm tiền chữa bệnh cho chồng, nuôi con nhỏ.

Cơ cực, tủi nhục và bị khinh rẻ ê chề, song nghĩ đến chồng con, chị cắn răng chịu đựng, miễn là có tiền để mua thuốc cắt cơn đau cho chồng và con trai được đến lớp.

Tôi tình cờ biết đến hoàn cảnh xót xa của chị từ một người bạn đồng nghiệp, thông qua đứa em gái của người này. Chuyện bắt đầu từ một sáng cách đây khoảng hai tuần trước, chúng tôi đang ngồi đàm đạo chuyện nghề với nhau thì cô em gái anh này điện thoại cầu cứu, kể chuyện về chị. 

Theo lời cô gái này thì chị đang chuẩn bị “đi khách”, chẳng may Cảnh sát khu vực phụ trách xông đến kiểm tra, chị chỉ kịp đẩy người khách kia chạy đi, rồi tự mình níu chân anh cảnh sát nọ để “đỡ đạn” cho “thượng đế”. Rượt đuổi vị khách làng chơi không thành, anh Cảnh sát quay lại đưa chị về trụ sở Công an phường để xử lý.

Dấn thân lấy tiền cho chồng chữa bệnh ung thư

Từ câu chuyện này, tôi đã chạy đi tìm chị, lùng sục khắp các quán cà phê, cắt tóc, gội đầu trên địa bàn phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An), sau cùng cũng thấy chị. Gương mặt đầy phấn son, nhưng vẫn không che phủ hết được vết thâm còn hằn trên gương mặt, chị buồn rầu cho biết, chuyện xảy ra giữa chị với anh Cảnh sát khu vực, chỉ là sự hiểu nhầm không đáng tiếc. Nhưng tôi biết, chị ngại va chạm, nhất là khi chị còn bám đường, làm cái nghề buôn phấn bán hương này ở đây, nên cũng không truy vấn gì thêm. 

Xoay qua hỏi về dòng đời đẩy đưa khiến chị lạc vào con đường nhơ nhớp này, chị xa xăm, đời chị là một chuỗi những bất hạnh bủa vây. 47 tuổi, chị vẫn phải hành nghề bán dâm, và ở vào cái tuổi này, để “cạnh tranh” được với những thiếu nữ 8X, 9X là rất khó khăn, song như chị bảo, có lẽ khách của chị phần lớn là quen biết, họ quá hiểu hoàn cảnh của chị nên tìm đến để giúp đỡ, an ủi và động viên chị vượt qua nghịch cảnh.

Cũng bởi vậy mà chị vẫn trụ lại được ở phố, vẫn “đi khách” đều, chứ mỗi tháng chị phải trả 5 triệu tiền thuê nhà, rồi còn phải sinh hoạt, ăn uống, ngoài ra phần lớn “thu nhập” có được, chị phải gửi về quê nuôi con, chăm chồng, chị vẫn đảm bảo được một cách chu toàn.

Kể về những năm tháng thăng trầm của đời mình, chị chậm rãi cho biết, bản thân chị sinh ra trong gia đình nghèo ở vùng quê lúa Yên Thành (Nghệ An). Vì nghèo nên chị không được học hành đầy đủ như bao chúng bạn, sau thoát ly khỏi ruộng đồng như nghề may. 

Chị gặp anh cách đây hơn 20 năm về trước, khi đó chị là một thiếu nữ đẹp, còn anh là kỹ sư xây dựng giỏi, quê ở một tỉnh phía Bắc, lang thang theo những công trình khắp cả nước và khi đang thi công một khách sạn tiêu chuẩn 4 sao trên địa bàn Nghệ An thì gặp chị, hai người đã đến với nhau bằng một tình yêu sét đánh, nhưng sau những giông gió phận người, đến giờ phút này anh chị vẫn bên nhau, cũng đủ để minh chứng sự lựa chọn ngày trước là đúng đắn. 

Cưới nhau rồi, anh vẫn rày đây mai đó, chị cần mẫn may vá góp đồng vốn vun vén cho tổ ấm tương lai. Nhưng rồi, sau nhiều năm cưới nhau, niềm mong mỏi lớn nhất là có đứa con chung, thì anh chị vẫn chưa được tận hưởng, chị ngày đêm héo hon đợi chồng, mong đến ngày được đón nhận thiên chức làm mẹ. Sau 5 năm ngày cưới, vẫn là vợ chồng son, anh chị đưa nhau đi khám thì mới hay, lỗi là tại anh.

Cùng anh vượt qua nỗi thất vọng bản thân, hai vợ chồng bỏ cả công việc, hết vào Bệnh viện Từ Dũ lại ra Viện 108, nhưng kết quả vẫn là con số không tròn trĩnh. Mãi đến năm thứ 11 kỷ niệm ngày cưới, chị mới đón nhận tin vui từ kết quả thụ tinh nhân tạo, và cháu trai ra đời kháu khỉnh sau đó đã cứu vãn cuộc hôn nhân của anh chị. 

Tưởng hạnh phúc đã mỉm cười, thì khi cháu bé tròn 4 tuổi, anh ngã bệnh, đau đớn hơn nữa là sau đó, anh được kết luận là bị ung thư. Thêm một lần nữa trời đất như sụp đổ trước mắt chị, anh cũng đau buồn lắm, mấy lần toan tìm đến cái chết để kết thúc tất cả, nhưng nghĩ đến vợ con lại nghiến răng chịu đựng.

Nỗi niềm người vợ “làm gái”

Chống chọi với bệnh tật một thời gian, anh vẫn cố đến công trường, nhưng đến lúc không còn khả năng đứng vững, anh chấp nhận bỏ về quê, sống với vợ con và bắt đầu cuộc chiến xạ trị gian nan, chung sống với hóa chất trong phần đời còn lại. 

“Anh ấy giỏi và hiền lành lắm, nhiều công trình, khách sạn, tòa nhà cao tầng trên địa bàn TP Vinh và ở các đô thị lớn dọc dải đất miền Trung, quá trình thi công gặp sự cố đều phải nhờ đến anh để đưa ra phương án khắc phục. Giờ về nhà, rất yêu thương vợ con, những khi không bị cơn đau hành hạ, anh lại nấu ăn, giặt giũ và đưa đón con đến trường, hai bố con quấn quýt nhau lắm”, chị kể mà nước mắt cứ rơm rớm chực trào.

Chị Phạm Thị Kim O., 5 năm bám dâm để chăm chồng ung thư trực tràng.

Tiếp dòng tâm sự, chị kể thêm, từ ngày anh chạy hóa chất, con đến trường, lại lo tiền ăn, tiền điện, tiền nước hằng ngày, nghề thợ may bấp bênh mình chị không kham nổi, nên phải nói dối chồng con vào Vinh để làm thêm, chứ kỳ thực là kinh doanh bằng vốn tự có. 

Hằng tháng, chị thuê kiốt kinh doanh 5 triệu đồng để bán cà phê, thực chất là để hoạt động mại dâm trá hình. Mỗi tháng, chị dành một vài ngày để về thăm chồng con, chu cấp tiền bạc rồi lại vội vã vào ngay vì sợ mất khách. Phải công nhận chị đẹp, nhưng ở cái tuổi ngoại tứ tuần, làm nghề này cũng rất khó khăn. 

Chị cũng cho biết, ngày trước gia cảnh chị nghèo lắm, nhưng giờ thì không còn khó khăn nữa, thậm chí anh chị em đều có vai vế, chức vụ trong xã hội, nhưng chị không muốn ỉ lại. Chị bảo, em dâu là giáo viên, em rể làm ở cơ quan nhà nước to nhất nhì tỉnh, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ nhưng chị không thể ăn bám suốt đời được, nhất là chồng chị, anh ấy có lòng tự trọng rất cao.

Nhắc đến chồng chị, tôi bảo chắc chị đi làm nghề này, chồng con không hề hay biết. Ngay lập tức, chị nhìn trước ngó sau rồi khẽ khàng bảo, chị giấu bặt, nói dối là vào bán hàng cho một đại lý, và dĩ nhiên là anh tin tuyệt đối, cả đứa con của chị cũng vậy. 

Chị cho biết thêm, anh có một sức sống diệu kỳ, đã 5 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, hóa trị, xạ trị đã trải qua, nhưng anh vẫn có đủ sức khỏe để gượng dậy, lo cho con trai ngày hai buổi tới trường. Đã nhiều lần, chị toan bỏ nghề, về sống vườn rau vườn cà với chồng con, nhưng được dăm bữa nửa tháng sự túng quẫn và tận mắt chứng kiến cơn đau hành hạ chồng, chị lại không đành lòng, đôi chân vô định cứ thế bước lại lối mòn quá khứ.

Trong mắt chồng và con trai, chị vẫn là người vợ, người mẹ tảo tần, rời quê lúa chân ướt chân ráo chen chân vào chốn thị thành để mưu sinh bằng sức lao động bản thân, mà không biết rằng chị đang kinh doanh “vốn tự có”. Chị bảo, làm nghề gì cũng có nỗi khổ riêng, thậm chí chị nhiều khi còn thấy nhục nhã khi phải tiếp những đứa trẻ trâu nhưng bị chúng “hành” đủ chiêu trò quái đản. Nhưng, sợ và ám ảnh nhất vẫn là những lần bị Cảnh sát truy quét rồi lập biên bản vi phạm và trục xuất về địa phương. 

Nếu một ngày nào đó, chị cũng phải chung số phận như bao cô gái trẻ khác mà chị đã từng chứng kiến, điều chị nghĩ đến đầu tiên không phải danh dự, nhân phẩm, mà nỗi lo như đã bám riết, thường trực chị trong suốt hơn 2.000 ngày đã qua: Ấy là, lấy đâu ra tiền để con ăn học, chồng có thuốc chữa trị những khi đau ốm, bệnh tật hành hạ? Nỗi khổ tâm ấy, đã và đang dằn vặt chị đến cuối cuộc đời.

Hà Thư
.
.
.