Phận nữ cào ngao trên biển ở Tiền Hải (Thái Bình):

Em biết ra đi là nguy hiểm lắm, nhưng không thể không đi…

Thứ Ba, 27/01/2015, 16:18
Một vụ tai nạn chìm thuyền vô cùng đau thương đã xảy ra tại khu vực cửa lạch bến Giang Long, thuộc xã Nam Thịnh (Tiền Hải, Thái Bình) vào rạng sáng 16/12/2014. Trên thuyền có 13 người, ngoài anh lái thuyền còn lại toàn những phụ nữ ra biển mưu sinh bằng nghề cào ngao.

Trong bóng tối mênh mông của trời đất, những người phụ nữ ấy chới với trong nước biển lạnh. Quần áo mưa, rồi ủng nặng, những trang phục lao động ấy vẫn dùng dằng trên người khiến 5 người phụ nữ đã chìm nghỉm xuống đáy lạch. Người đàn ông chèo thuyền sau khi cố cứu được vợ đưa vào bờ, quay lại cứu những người tiếp theo cũng đã không bao giờ quay vào bờ được nữa. Anh là con trai duy nhất trong một gia đình có 5 người con…

Chuyến đi cào ngao đầy “giông tố”

Cho đến bây giờ, những người còn sống sót trong chuyến đi biển cào ngao hôm ấy vẫn bàng hoàng, bởi họ không thể xóa được ký ức kinh khủng về chuyến đi đầy “giông tố”. Chuyến đi đã cướp đi mạng sống của những người bạn, những người họ hàng vẫn hằng ngày cùng họ ra biển cào ngao.

Khi về xã Nam Hồng (Tiền Hải), trong đám ma của chị Đinh Thị Miền, một nạn nhân chết trong vụ chìm thuyền, chúng tôi thấy một người phụ nữ ngồi co ro bên cạnh bàn thờ của người xấu số. Gương mặt chị rất căng thẳng, mệt mỏi, đôi lúc nước mắt lại ứa ra. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết đó là chị Phạm Thị Thoa (SN 1980), chị dâu của chị Miền, là một trong 13 người có mặt trên thuyền nhưng may mắn sống sót. Ngồi nói chuyện với chúng tôi nhưng sự thất thần thi thoảng vẫn trở về trong đôi mắt người đàn bà lam lũ vùng biển này.

Chị kể rằng, khoảng 15h ngày 15/12/2014, đội cào ngao của chị gồm 12 người phụ nữ (gồm toàn bạn bè, người thân) lên chiếc thuyền của anh Đinh Văn Sỹ chở ra khu vực cào ngao. Cái nghề cào ngao ở biển Tiền Hải thường theo con nước. Họ thường theo thuyền ra bãi vạng ở ngoài biển để chờ con nước xuống. Khi nước xuống, họ cào ngao trên bãi vạng ấy, được bao nhiêu thì đổ lên thuyền. Chờ đến khi con nước lên, họ theo thuyền chở về bờ.

Chị Thoa kể: “Khi đã cào được khoảng 7-8 tạ ngao thì chúng tôi bắt đầu lên thuyền trở về. Ngao để khoang giữa, còn mọi người ngồi ở hai đầu thuyền. Khi cào ngao, chúng tôi ai cũng mặc một bộ quần áo mưa, đi ủng. Trời lạnh, có người còn mặc thêm cả áo bạt bên ngoài. Xong việc, tất cả mọi người vẫn nguyên quần áo như thế lên thuyền trở về. Trời không mưa nhưng lạnh, mọi người bắt đầu thiu thiu ngủ do mệt, tôi thì vẫn tỉnh táo. Thuyền chạy đến cửa con lạch, cách bờ khoảng 400-500m thì đột nhiên đầu mũi thuyền chúc xuống…”.

Chị Thoa cho biết, lúc này anh Đinh Văn Sỹ (người thuê thuyền và trực tiếp lái) hô lên: “Mọi người bình tĩnh, ngồi yên”. Những người đang ngủ đều choàng tỉnh dậy. Mọi người bíu chặt lấy thuyền. Một chị kêu lên: “Giữ chặt lấy thuyền nhé, có chết thì chồng con còn biết mình ở chỗ này mà tìm xác!”. Tuy nhiên, một lúc sau thì thuyền chìm dần, tất cả đều bị hẫng chân trên nước nên rời tay khỏi con thuyền. Mọi người hoảng hốt, tìm cách cố ngoi lên hoặc bơi vào bờ.

“Lúc đấy mình xác định chỉ có chết, vì quần áo trên người nặng, lại mặc thêm áo bạt, chân đi ủng nên không bơi được. Nhưng sau mình chợt nghĩ ra, giật cởi áo bạt, cố ngoi lên, rồi bám được vào miếng gỗ của thuyền. Cứ thế, mình nhoài vào phía bờ, một lúc sau thì thấy chân chạm cát….”, chị Thoa nhớ lại.

Khi chân chạm cát, biết mình đã sống, chị cứ đứng dưới nước gào hét lên: “Các cô, các bác ơi! Cứu chúng cháu với! Thuyền chìm, chúng cháu sắp chết hết rồi”. Lúc đó có 3 chiếc còng còng (thuyền nan, chèo bằng tay, 2 người đi) đi qua và vớt được 5 người. Riêng chị Thoa và chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1955), trú thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh, thì tự ngoi được vào bờ.

Trời rét, quần áo ướt nhẹp càng khiến cái lạnh như thấm vào xương tủy. 7 người còn sống sót ôm lấy nhau cho đỡ lạnh và cùng ngóng về phía ngoài xa, nơi còn 6 người đồng hành không biết sống chết ra sao. Lúc này, những chiếc còng còng lại tiếp tục chạy ra cứu vớt, nhưng không ai còn thấy bóng dáng chiếc thuyền và những người còn lại. Nhìn thấy mặt nước phẳng lặng, những người còn sống ôm nhau khóc. Họ biết rằng, những người bạn kia đã không còn nữa…

Lúc này, khi nhận được tin, nhiều người dân ở xã Nam Thịnh, những người thân của những người trên thuyền đã chạy ra. Lực lượng Công an xã, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương cũng đã có mặt để phối hợp tìm kiếm những người đang gặp nạn ngoài con lạch. Những chiếc chăn ấm trùm lên những người vừa được cứu thoát. Họ được người thân lần lượt đưa về nhà.

Trên bờ lúc này khá đông người, sự thẫn thờ hiện rõ trên gương mặt những người thân của 6 người đang mất tích ngoài con lạch. Cũng là dân đi biển, họ đã biết rằng, với từng đấy thời gian trong nước biển lạnh, chắc chắn sẽ không còn ai có thể sống sót. Trên các thuyền cứu nạn, mọi người thả câu để tìm người bị nạn bên dưới biển. Trời sáng dần, lần lượt 6 thi thể các nạn nhân được tìm thấy và đưa lên bờ. Tất cả các thi thể đều tái nhợt vì nước lạnh. Cả khúc ven bờ lặng đi trong nước mắt của những gia đình có người thân thiệt mạng…

Nỗi đau nghẹn đắng xóm làng

Chúng tôi có mặt ở thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh lúc 9h sáng hôm sau, khi các gia đình có người thiệt mạng đang tổ chức đám tang cho người thân. Không khí tang thương bao trùm trong thôn; tiếng kèn, tiếng hát thánh ca cầu nguyện cho người đã chết vang lên ở khắp nơi. Gia đình chị Phạm Thị Nga (SN 1970) và chị Trương Thị Mây (SN 1981), trú cùng thôn, đang tất bật lo đám tang và chuẩn bị đưa thi thể hai chị ra nhà thờ Giáo xứ Hợp Châu. Trên đoạn đường gần đó, gia đình chị Trương Thị Huyền và gia đình anh Đinh Văn Sỹ (người lái thuyền) cũng đang đưa quan tài của anh chị ra nhà thờ làm lễ. Người dân hai thôn Thiện Châu và Thiện Tường chung một nỗi đau, họ cùng tập trung tại nhà thờ để làm lễ tiễn đưa các nạn nhân xấu số trong vụ đắm thuyền.

Anh Trương Văn Điền (SN 1965), chồng chị Phạm Thị Nga, buồn bã kể lại: “Vợ đi từ 15h hôm trước, đến 5h sáng hôm sau thì tôi nghe tin thuyền đắm liền chạy ra nhưng không kịp nữa, mọi người đã chìm hết rồi. Bản thân vợ tôi sau đó lực lượng cứu hộ cũng phải dùng câu để vớt lên…”. Vợ đi cào ngao thuê, còn chồng chuyên bốc vác, vận chuyển cũng đã được 20 năm trời, nhưng anh Điền chưa bao giờ lường được tai họa lại cướp đi người vợ, người mẹ của hai đứa con anh. Cũng chung cảnh ngộ với anh Điền là anh Nguyễn Văn Quân (SN 1982), chồng của chị Trương Thị Huyền (SN 1989), trú thôn Lộc Trung, xã Nam Hưng. Trước căn nhà mới xây nhưng chưa kịp quét vôi, anh Quân nghẹn ngào nói: “Trước mình đi buôn gỗ, nhưng gần đây không tiêu thụ được nữa nên đành ở nhà trông con cho vợ đi cào ngao. Cô ấy cũng vừa đi một chuyến 7 ngày liền, định đợt này xong thì hai vợ chồng gọi người vào quét vôi để đón Tết, vậy mà…”. Anh chị đã có hai người con, nhưng đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ mới 3 tuổi. Ở tuổi đó, chúng có lẽ cũng chưa ý thức hết sự mất mát của bản thân và gia đình…

Rời xã Nam Hưng, chúng tôi đến nhà chị Trương Thị Huyền (SN 1963), ở thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh, cũng là một trong những nạn nhân thiệt mạng trong vụ đắm thuyền sáng 16/12/2014. Những giọt nước mắt mặn chát lăn dài trên hai gò má ông Trương Quang Đoán (86 tuổi), bố đẻ chị Huyền, bởi sự ra đi của người con gái hàng ngày vẫn sống và chăm sóc ông bà quá đột ngột. “Hằng ngày cứ  chiều là nó theo thuyền ra bãi cào ngao, 5h sáng hôm sau lại trở về, gọi bố mở cửa thay quần áo và đi ngủ, kết thúc một đêm lao động vất vả. Bây giờ thì không còn nữa rồi…” – ông Đoán cho biết. Cũng theo người thân của chị Huyền, dù ông Đoán có 5 người con nhưng chị Huyền là điểm tựa cả về kinh tế lẫn tinh thần khi là người trực tiếp sống cùng và chăm sóc cho bố mẹ. Bà Ngô Thị Cậy, mẹ chị Huyền năm nay đã 80 tuổi và bị tai biến nằm liệt giường từ 10 năm nay, mọi sinh hoạt đều nhờ vào bàn tay của chị Huyền gánh vác…

Xót xa nhất là gia đình ông Đinh Văn Tiến, trú thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh, có hai người con là anh Đinh Văn Sỹ (SN 1989) và chị Đinh Thị Miền (SN 1988) thì cả hai đều thiệt mạng, trong đó anh Sỹ là con trai độc nhất. Trong chuyến đi ra bãi cào ngao định mệnh chiều 15-12 có cả vợ anh Sỹ. Khi thuyền chìm, anh cứu được vợ đưa vào bờ, song khi quay ra để cứu chị gái là chị Miền thì không quay vào được nữa. Càng đau đớn hơn khi trong vụ việc này có nhiều người bị thiệt mạng là anh em, họ hàng trong cùng một gia đình. Chị Trương Thị Mây là chị dâu của chị Trương Thị Huyền (SN 1989). Hay chị Phạm Thị Nga cũng là người bà con của gia đình anh Sỹ…

Theo chị Trần Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh, số người dân trong xã ra biển làm nghề cào ngao, trông coi bãi vạng vào thời vụ rất đông (70-80%). Số phụ nữ tham gia cào ngao thì chiếm đến 90%. Những người phụ nữ ở xã Nam Thịnh, Nam Hưng khi chúng tôi gặp và hỏi chuyện hầu hết đều đang làm công việc cào ngao ngoài biển. Theo họ, mỗi ngày đi làm như vậy, dù vất vả, dù thức đêm hôm nhưng cũng được hơn 100 ngàn đồng. Nếu không làm, thu nhập gia đình họ với gánh nặng cơm áo, con cái học hành không biết trông vào đâu. Chị Phạm Thị Thoa, người may mắn sống sót mà chúng tôi gặp được cũng trăn trở khi chúng tôi hỏi ngày mai có đi cào ngao nữa không. Chị bảo: “Em sợ lắm. Em có 3 cháu nhỏ, nếu đi mà không về thì biết ai chăm sóc các cháu. Nhưng nếu không đi thì biết làm gì khác…”. Những người dân ở các xã ven biển này cũng thế, họ bảo rằng, vì cuộc sống, ngày mai họ vẫn sẽ tiếp tục ra biển để cào ngao…

Chúng tôi chỉ biết cầu mong trời yên bể lặng, những chuyến ra biển của những người phụ nữ mưu sinh bằng nghề cào ngao sẽ tránh được những hiểm nguy nơi biển khơi…

T. Hòa - Quỳnh Vinh
.
.
.