Bài học cảnh giác về chuyện lừa đảo xin việc làm

Thứ Hai, 09/03/2015, 08:43
Sát Tết Ất Mùi 2015, đối tượng càng liên tục gọi điện lôi kéo và yêu cầu chuyển tiền nhanh để “chung” cho “sếp”, nếu không “sếp” sẽ nhận người khác vào làm việc. Đối tượng tự xưng là người quen của “cán bộ lớn” ở ngân hàng đã “tung chiêu” để thúc giục những người có con em cần việc làm nhanh chóng giao tiền cho chúng...

Chị S., ở huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, đã 26 Tết vẫn còn đi hỏi mượn tiền người thân để lo việc cho con. Chị kể, phải đưa tiền ngay trước Tết cho người nhận xin việc mới lo được một suất con gái vào ngân hàng làm việc. Không kịp bữa cơm, 12h trưa, chị phóng xe máy đến gặp tôi để mượn tiền và hỏi thêm thông tin.

Chị S. cho biết, cô ấy tên H. quen biết với mình và có người quen thân với “sếp lớn” ngân hàng, chỉ cần đưa 300 triệu đồng sẽ giúp cho một suất vào một ngân hàng ở Gia Lai làm việc. Đầu tiên, đối tượng bảo nhận vào làm tạp vụ, phục vụ rót nước pha trà, sau đó đến đợt tuyển sẽ lo vào chính thức.

Để đánh vào lòng tin của nhiều người, đối tượng còn dẫn ra những tên tuổi thật đang làm việc ở ngân hàng và tự nhận rằng chính mình đã xin họ vào làm việc ở đó. Chị S. quá tin đối tượng nên đã chạy tiền lo cho cháu kịp thời theo lời đối tượng yêu cầu. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu chị S. hẹn đối tượng H. đến tại nhà tôi để nhận tiền thì đối tượng đã “biến mất”...

Khi tìm hiểu ra thì chị S. mới vỡ chuyện rằng, đối tượng H. cũng là một “mắt xích” của đường dây lừa đảo ở Chư Sê, Gia Lai, vừa bị cơ quan Công an triệt phá.

Các đối tượng lừa xin việc bị Công an tỉnh Gia Lai phát hiện.

Thượng tá Phạm Hữu Đức, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (PC45), Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa bắt giữ đối tượng Huỳnh Minh Tùng (33 tuổi) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là đối tượng lừa đảo khá tinh vi, đánh trúng vào điểm yếu của những người dân ở vùng huyện miền núi, có con em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng nhưng chưa tìm được việc làm. Nhiều gia đình ở vùng quê ít có thông tin và quan hệ xã hội hạn chế nên dễ bị đối tượng lừa đảo lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.  

Cụ thể như đối tượng Huỳnh Minh Tùng, quê Bình Định, không có việc làm nên lang thang vào TP Hồ Chí Minh tìm kế sinh sống. Năm 2008, Tùng lang thang lên các tỉnh Tây Nguyên để kiếm việc làm. Để kiếm tiền ăn chơi, Tùng nghĩ cách giả danh cán bộ của Bộ Công an để lừa đảo.

Đầu năm 2014, một lần đến thuê phòng ở trọ tại nhà nghỉ Thanh Tâm do chị Vũ Thị Sen làm chủ, ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai. Huỳnh Minh Tùng đã tìm cách làm quen và tìm hiểu về gia đình chủ nhà nghỉ.

Nắm được thông tin chị Vũ Thị Sen có con gái tốt nghiệp đại học ra trường đã gần một năm nhưng chưa có việc làm nên Tùng đặt vấn đề giúp đỡ. Đầu tiên, Tùng tự giới thiệu mình là “cán bộ Công an ở Bộ” về nên quen biết khá nhiều người có địa vị trong xã hội. Tùng “khua môi, múa mép” bảo với chủ nhà rằng, sẽ lo cho cháu vào làm việc ở Công an tỉnh Gia Lai một cách dễ dàng. Để sớm được việc, Tùng bắt chị Sen phải chi tiền nhiều lần, tổng cộng mất 258 triệu đồng, mà cuối cùng vẫn không xin được việc.

Để lấy lòng nhiều người, Tùng còn tự xưng là con cháu của một số cán bộ lãnh đạo Công an ở các tỉnh Tây Nguyên, có khả năng lo việc cho những sinh viên tốt nghiệp ngành ngoài vào ngành Công an. Ngoài việc lừa chạy việc, Tùng còn lừa việc chạy án cho những cá nhân liên quan... để chiếm đoạt tiền.

Cũng từ đầu mối chị Vũ Thị Sen, Tùng còn nhận hồ sơ của 5 người khác có nhu cầu xin việc cho con rồi hứa hẹn giúp đỡ và đã nhận tiền của các cá nhân chuyển cho Tùng 765 triệu đồng. Ngoài ra, chị Sen còn giới thiệu cho chị Hà Chi ở Chư Sê, Gia Lai, gặp Tùng để nhờ xin việc cho con và đã chuyển cho Tùng 2 lần, tổng cộng 120 triệu đồng, nhưng vẫn không xin được việc. Sau khi nhận tiền của các nạn nhân, Tùng không xin được việc, mà trốn tránh, kéo dài dây dưa không trả lại tiền...

Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, Công an các tỉnh Tây Nguyên tiếp nhận điều tra, xử lý hàng chục trường hợp tố cáo bị lừa đảo xin việc làm với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không đủ cơ sở để xử lý hình sự với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, quá trình nhận tiền giữa người đưa và nhận không thể hiện rõ nội dung nhận tiền xin việc làm, mà chỉ nhận nợ nên chỉ là tranh chấp dân sự. Nhiều người vì quá tin lời “đường mật” của đối tượng lừa đảo, chỉ giao tiền mà không có chứng cứ pháp lý nên cam chịu cảnh tiền mất tật mang.

Ngọc Như
.
.
.