Chuẩn bị xét xử đường dây giả danh cơ quan pháp luật lừa đảo

Chủ Nhật, 20/05/2018, 08:34
Thủ đoạn gọi điện thoại giả danh công an, kiểm sát tới bị hại để dọa họ có liên quan đến một vụ án hình sự và yêu cầu bị hại chuyển tiền đã khá cũ, nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”. Điều này khiến một số người hoài nghi, hay bị hại “có tật giật mình” nên mới chuyển tiền cho bọn lừa đảo.

Tuy nhiên, qua vụ án dưới đây, đã hé lộ một phần nào nguyên nhân bị hại “tự nguyện” chuyển tiền cho bọn lừa đảo là do tâm lý bị hại muốn chứng minh “vô can”.

Theo dự kiến, ngày 24-5 tới, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ đưa vụ án lừa đảo qua điện thoại để chiếm đoạt tài sản ra xét xử sơ thẩm. Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp đã có cáo trạng truy tố Ma Thiếu Quân, Tô Văn Báo (tức Huynh), Vương Quang Đằng, Hoàng Thị Luyến và Lộc Thị Loan (đều trú tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BHLS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Cáo trạng nêu, khoảng tháng 5-2016, Hoàng Chấn Lâm (quốc tịch Trung Quốc) có bàn bạc với Ma Thiếu Quân, Tô Văn Báo, Vương Quang Đằng, Hoàng Thị Luyến và Lộc Thị Loan dùng chứng minh nhân dân (CMND) của mình mở thẻ ATM tại các ngân hàng ở thành phố Lạng Sơn.

Sau khi mở thẻ xong, các đối tượng trên sẽ cung cấp thông tin về số tài khoản, họ tên, số CMND cho Lâm để sử dụng vào mục đích lừa các bị hại chuyển tiền vào các tài khoản này. Đổi lại, Lâm sẽ trả công cho mỗi đối tượng 600 ngàn đồng/ngày/người.

Các đối tượng đã dùng thủ đoạn giả danh Công an, Viện Kiểm sát… gọi điện cho các bị hại, nói với họ đang liên quan đến một vụ án hình sự, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho bị hại, rồi yêu cầu bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Điển hình là một số vụ sau:

Trưa 4-7-2016, chị Nguyễn Thị N., trú tại phường 10, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia, có một người tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo chị N. còn nợ cước viễn thông gần 9 triệu đồng, nếu thắc mắc thì bấm phím 0, liên hệ với Công an TP Hà Nội để giải quyết.

Xét xử một đối tượng người nước ngoài giả danh Công an gọi điện thoại để lừa đảo. Ảnh minh họa của CTV.

Một lát sau, chị N. lại nhận được cuộc gọi vào số máy di động của chị, người gọi tự xưng là Thiếu tá Lý Hoàng Phong, cán bộ Công an TP Hà Nội. Phong nói chị N. liên quan đến đường dây tội phạm có tổ chức, hiện Công an đã bắt được nhiều đối tượng. Phong nối máy để chị N. nói chuyện với một người khác tự xưng là Đại tá Trần Trung Kiên, Kiên hỏi chị N. có mở tài khoản nào ở ngân hàng không, chị N. thật thà đáp là có 10 sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Sacombank, với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Kiên yêu cầu chị N. phải chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của Công an TP Hà Nội để kiểm tra có liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền hay không; nếu không liên quan thì trong vòng 24 giờ sẽ trả lại, nếu không sẽ bị bắt khẩn cấp và tạm giam 3 tháng để điều tra. Vì muốn chứng minh mình vô can, tiền gửi tiết kiệm là “tiền sạch”, chị N. đã chuyển 640 triệu đồng vào một tài khoản mở tại Ngân hàng Viettinbank.

Đến chiều, chị N. tiếp tục chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản trên. Sau khi chị N. chuyển tiền xong, về nhà có người gọi điện thoại, tự xưng là Vương Quang Đằng, cán bộ Công an TP Hà Nội yêu cầu chị N. tiếp tục chuyển 650 triệu đồng vào một tài khoản tại ngân hàng Sacombank. Sau đó, theo yêu cầu của Đằng, chị N. tiếp tục chuyển 90 triệu đồng vào một tài khoản tại ngân hàng ACB.

Sau khi “dàn dựng” lừa chị N. chuyển tiền vào tài khoản, các đối tượng  gồm Hoàng Chấn Lâm cùng với Quân, Đằng đến ngân hàng Sacombank Chi nhánh Lạng Sơn rút 650 triệu đồng để Lâm mang sang Trung Quốc.

Cũng bằng thủ đoạn tương tự, chị Nguyễn Thị H., trú tại phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP Hà Nội bị nhóm đối tượng này gọi điện đe dọa, yêu cầu chuyển hơn 1,8 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Ngoài ra, nhóm đối tượng này còn gây thêm 5 vụ lừa đảo khác, chiếm đoạt của các bị hại nhiều tỷ đồng. Trong đó, vai trò của Hoàng Chấn Lâm là chủ mưu, chỉ đạo Quân, Báo, Đằng và Luyến đi mở thẻ ATM để rút tiền lừa đảo được. Tuy nhiên, do Lâm là người Trung Quốc, nên chưa xác định được nhân thân lai lịch để xử lý, vì vậy cơ quan tiến hành tố tụng đã tách tài liệu về đối tượng này để điều tra xử lý sau.

Qua vụ án này, lại một lần nữa nhắc nhở người dân là cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc không bao giờ gọi điện thoại cho đương sự mà phải triệu tập hoặc mời đương sự lên làm việc bằng giấy mời do Cảnh sát khu vực đưa tới cho đương sự.

Đồng thời, cơ quan tố tụng cũng không bao giờ yêu cầu đương sự chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Vì vậy, nếu gặp phải các trường hợp tương tự, người dân cần bĩnh tĩnh, không làm theo sự chỉ dẫn của bọn chúng và báo ngay cho cơ quan Công an biết để xử lý.

Đào Minh Khoa
.
.
.