Ngày đầu xét xử phúc thẩm vụ góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank:

Cựu Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn xin rút kháng cáo

Thứ Ba, 19/06/2018, 16:39
Ngày 19-6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử ông Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam-PVN) cùng đồng phạm trong vụ góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Thẩm phán Nguyễn Vinh Quang được phân công làm chủ tọa phiên tòa này.

Hai Thẩm phán khác tham gia Hội đồng xét xử là Bùi Xuân Trọng và Nguyễn Phương Hạnh. Hai Kiểm sát viên đại diện Viện KSND cấp cao thực hành quyền công tố là Lê Quang Minh và Phạm Ngọc Vỹ. Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm có 14 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án này.

Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại phiên toà phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nhằm làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước khi dùng 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank của ông Đinh La Thăng và đồng phạm, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã triệu tập bị án Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank tới tòa với tư cách người làm chứng.

Các bị cáo trong vụ án đã làm đơn kháng cáo này gồm: Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn (56 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN); Vũ Khánh Trường (54 tuổi, cựu Thành viên HĐTV PVN); Nguyễn Thanh Liêm (53 tuổi, cựu Thành viên HĐTV PVN); Phan Đình Đức (58 tuổi, cựu Thành viên HĐTV PVN); Ninh Văn Quỳnh (60 tuổi, cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) và Nguyễn Xuân Thắng (cựu Thành viên HĐTV PVN). Trong đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Hà Nội, bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại cả về tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự.

Ngay khi phiên toà phúc thẩm bắt đầu, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo cả hình phạt tù và phần bồi thường dân sự.

Hội đồng xét xử.

Theo bản án sơ thẩm, ông Sơn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PVN và phụ trách tài chính kế toán. Trên cơ sở các báo cáo, đề xuất của ông Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính Kế toán và kiểm toán PVN), ông Sơn ký các văn bản nội bộ gửi các thành viên Hội đồng thành viên PVN báo cáo đề xuất xin ý kiến chấp thuận phương án điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Oceanbank và PVN góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ 20%.

Trên cơ sở các văn bản này, Hội đồng thành viên PVN đã biểu quyết, ban hành nghị quyết chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của Oceanbank năm 2010 và PVN góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng.

Ông Sơn còn ký quyết định chuyển 100 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank, nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank là 800 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ 20% vốn điều lệ mới của Oceanbank (4.000 tỷ đồng).

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PVN, ông Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank. Vì thế ông Sơn biết rõ năng lực kinh doanh và tình trạng thua lỗ, yếu kém của Oceanbank nhưng vẫn đề xuất PVN góp vốn vào Oceanbank.

Ông Sơn cũng biết việc đầu tư ra ngoài công ty mẹ trong lĩnh vực ngân hàng phải báo cáo Chính phủ và phải trình Chính phủ phê duyệt chủ trương.

Ông Sơn cũng biết rõ Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không cho phép 1 cổ đông là tổ chức được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, nhưng vẫn ký văn bản đề xuất lên Hội đồng thành viên ra nghị quyết góp bổ sung vốn duy trì tỷ lệ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank và ký quyết định thực hiện việc chuyển tiền 100 tỷ đồng vượt quá tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ của Oceanbank. Tại phiên toà sơ thẩm, ông Sơn bị tuyên phạt 30 tháng tù, buộc bồi thường 15 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm xác định, ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc thực hiện hành vi làm trái gây hậu quả mất vốn 800 tỷ đồng của PVN. Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt ông Thăng 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên toà phúc thẩm tòa, ông Thăng không trình ra được chứng cứ gì mới. Nhưng luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Thăng) cung cấp cho Hội đồng xét xử tài liệu về 2 pháp nhân từng đồng ý mua cổ phần của PVN tại Oceanbank.

Để làm rõ hành vi của ông Thăng, luật sư Hoài đề nghị Hội đồng xét xử mời đại diện Văn phòng Chính phủ (cơ quan truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ) về việc PVN góp vốn, sử dụng vốn vốn, thoái vốn.

Luật sư Hoài cũng đề nghị Hội đồng xét xử mời đại diện Bộ Công thương (cơ quan được cho là đã có văn bản đồng ý để PVN góp vốn vào Oceanbank) và đại diện Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Hải Dương để làm rõ việc đơn vị này đã chấp thuận, trả lời PVN về việc không cần phải xin phép cơ quan chức năng trong việc góp vốn.

Sau khi hội ý, Chủ toạ phiên toà cho biết, phiên xử phúc thẩm diễn ra dài ngày. Vì thế trong quá trình xét xử, nếu thầy cần thiết thì Hội đồng xét xử sẽ triệu tập những cơ quan trên để làm rõ nội dung vụ án.

Nguyễn Hưng
.
.
.