“1 tập trung” ở Vùng 5 Hải quân

Thứ Ba, 13/12/2016, 10:19
Lính thời bình rèn kỹ năng quân sự và giỏi chính trị. Vùng 5 có nhiều khẩu hiệu gắn với những con số, nhưng trên hết có “1 tập trung”: Tập trung xây dựng Vùng thực sự mạnh về chính trị. Ðiều này thấm nhuần đến từng chiến sĩ và truyền sang cả người dân vùng biển đảo này.


Thực hiện sáng tạo 7 nội dung về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, từ chỉ huy tới quản lý các cấp, Vùng 5 Hải quân đề ra các chủ trương cụ thể như “3 đột phá”, “5 biết’, “3 gặp”, “2 giải quyết”, “2 chất lượng”, “2 nêu cao”, “4 xây 6 chống”… hay các phương châm cụ thể như “chi bộ 4 tốt”, “1 giảm”, “1 tăng”, “3 thực chất”, “2 sát”, “2 nâng”… tất cả đều nhằm “1 tập trung” là tập trung xây dựng Vùng vững mạnh về chính trị.

Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” được đánh giá cao khi nở hoa trên vùng biển phía Nam Tổ quốc.

Công tác Đảng, công tác chính trị đi đầu trong việc triển khai nhiệm vụ tuần tiễu bảo vệ vùng biển, thực hiện đường lối đối ngoại quân sự, huấn luyện chiến sĩ… Trong mục tiêu hàng đầu “1 tập trung” này, phải mở đầu bằng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác Đảng, công tác chính trị.

Vùng 5 Hải quân nghiên cứu, vận dụng, bổ sung các nội dung sát với nhiệm vụ thực tiễn của đơn vị để triển khai tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ.

Vùng tổ chức gần 700 buổi thông báo thời sự chính trị tuần, 36 buổi nói chuyện thời sự tháng trong một năm cho 8 nghìn lượt cán bộ chiến sĩ.

Hệ thống truyền thanh nội bộ cũng được triển khai, các hội nghị rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm được tổ chức kịp thời, nhanh chóng triển khai các chủ trương chính sách mới, nâng cao chất lượng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh trên hướng biển.

Chính ủy Vùng, Đại tá Đoàn Văn Chiều nhấn mạnh: Nói 100 câu hay không bằng một việc làm tốt. Phải làm sao để các điều hay đi vào thực tiễn một cách sinh động, hành động là cách tốt nhất để nêu gương. Nói đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị là phải thể hiện trên hành động.

Vùng 5 Hải quân nghiên cứu, vận dụng, bổ sung các nội dung sát với nhiệm vụ thực tiễn của đơn vị để triển khai tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ.

Chỉ huy, cán bộ, đảng viên thể hiện cái mới ấy trong công tác, mỗi chuyến tuần tra, huấn luyện, làm nhiệm vụ được giao…

Nghe thấy nhiều con số, nhưng là những chủ trương được cụ thể hóa, ngắn gọn cho dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra. Quan trọng nhất, các biện pháp này được triển khai một cách đồng bộ, phối hợp với nhau để nhằm một mục tiêu cụ thể.

Quản lý một vùng biển rộng, với gần 150 đảo nhỏ, các đơn vị thường xuyên công tác độc lập, dưới tác động phức tạp của cuộc sống, nhưng 6 tháng đầu năm 2016 này, hơn 80% tổ chức cơ sở và đảng viên vẫn đạt danh hiệu tiên tiến, vững mạnh.

Không chỉ giữ mình tốt, xây dựng các mô hình công tác Đảng, công tác chính trị tại các đơn vị… Vùng 5 Hải quân còn tạo ra thế trận nhân dân trên biển vững vàng. Đó là nhờ thực hiện hiệu quả công tác dân vận, tuyên truyền về biển đảo, giúp đỡ, chia sẻ, gắn bó với dân, góp phần làm tốt công tác phối hợp hiệp đồng với các lực lượng quản lý biển đảo…

Nhiều cuộc vận động mang lại gắn kết quân dân sâu nặng: Giọt nước nghĩa tình, Hũ gạo tình thương, Ngôi nhà 100 đồng, Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương…

Công tác chính trị tạo nên những hiệu quả lớn đóng góp lớn vào thành tích của Vùng. Tư lệnh Vùng, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Sở cho biết, từ kinh nghiệm này, Vùng sẽ phát huy, tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức công tác Đảng, công tác chính trị trong việc huấn luyện chiến đấu, diễn tập, tuần tra, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy của Hải quân nhân dân…

Một nhiệm vụ quan trọng của người lính thời bình là làm công tác đối ngoại. Giữa các cuộc điện thoại phối hợp tổ chức cuộc gặp thường niên với các đồng nghiệp Campuchia, Đại tá Đoàn Văn Chiều giải thích: Đã có 22 cuộc gặp, mỗi năm 2 lần, cùng nhau tổng kết, giải quyết, rút kinh nghiệm với nhau trên tinh thần rất láng giềng thân thiện để giữ vững an ninh, chủ quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng biển làm ăn hòa bình như bao đời.

Không chỉ duy trì đường dây nóng với hải quân láng giềng, Vùng 5 Hải quân Việt Nam mỗi năm có 4 cuộc tuần tra chung với Hải quân Campuchia, 2 chuyến tuần tra chung với Hải quân Thái Lan kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trên biển, phối hợp giải quyết các sự cố, tai nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển. Đường lối đối ngoại của Việt Nam được triển khai nhuần nhuyễn trên vùng biển này, tăng hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, cùng xây dựng vùng biển an ninh, hòa bình, phát triển.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bảy kể lại một kỷ niệm khó quên của đời quân ngũ khi tháng 5-1997, cả tàu tuần tra của anh vớt được 7 thanh niên trẻ không còn quần áo trôi dạt ngoài biển lúc 3 giờ chiều. Đến 6 giờ tối, vớt thêm 6 người nữa, cả tàu rớt nước mắt soi đèn pha cả đêm. Lúc ấy sóng lớn nhấp nhô, sóng cao như núi, tàu đi gần nhau mà không nhìn thấy nhau..

Một chuyến đi tuần khác, tàu chạy trên biển Cà Mau đúng lúc giao thừa. Thời ấy chưa có sóng điện thoại, muốn gọi điện chúc Tết gia đình không được, anh hem chỉ kéo chuông buồng máy leng keng, tự chào đón năm mới, chào biển, chào đất mẹ.

Đi lên từ lính, nên các chỉ huy Vùng 5 đến ngày Tết rất hiểu lính, cấp cho anh em thẻ điện thoại 50.000 đồng gọi điện về nhà chúc Tết cha mẹ.

Đó chỉ là một cách để chiến sĩ nối lòng với đất mẹ, để vững vàng chắc tay súng tuần tra nơi biển xa, giữa sóng to gió lớn. Đại tá Chính ủy Đoàn Văn Chiều cho rằng, nói gì thì nói, cũng phải lo cho đời sống chiến sĩ, cả vật chất và tinh thần để anh em yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều câu chuyện cảm động được truyền nhau kể ở đảo này. Có chiến sĩ đang đi tuần tra dài ngày trên biển, ở quê người thân gặp tai nạn. Vùng 5 cử cán bộ về tận quê hỗ trợ tận tình như người nhà. Có chiến sĩ ngỡ ngàng khi về phép, lên làm giấy tờ, được lĩnh 3 triệu đồng, hay đợt 6 người về phép lĩnh “một cục” 25 triệu đồng, đi bộ đội nơi đảo xa mà như đi làm kinh tế vậy.

Đúng như làm kinh tế, như bộ đội từ thời thành lập vẫn tăng gia sản suất, tự cung tự cấp thêm. Thiếu tá Nguyễn Tiến Bảy, đội trưởng sản xuất kể: Anh em tự làm cả, vừa ngon, vừa an toàn, vừa rẻ. Vườn rau, trại gà, trại heo, ở biển nuôi cả heo rừng cải thiện cho bộ đội không chỉ no, mà còn ngon.

Khó khăn nào cũng vượt qua. Ở hải đảo, đất thì cát, nước thì mặn… anh em cải tạo hết, làm mùn biến đất cát thành đất thịt, làm “nhà máy” nước ngọt lấy nước tưới, đánh bắt, nuôi trồng đủ loại cây, con, từ heo rừng đến cá biển…

Đi bộ đội, mà lại là hải quân, cái gì cũng biết làm, cái gì cũng được học, đào tạo, thực hành… Sao làm được như vậy? Thiếu tá Bảy giải thích: Ngay từ khâu tiếp nhận đã tìm cách phát hiện năng khiếu, người tài để bố trí phân công, đào tạo nâng cao, rèn luyện tay nghề.

Lúa trồng được, máy xay xát làm được, người cho vào đất liền học, thực tập… rồi về chỉ nhau. Ai có nghề gì truyền nhau nghề đó, một người giỏi một nghề biết nhiều nghề. Đi hải quân về, cái gì cũng biết làm. Một gia đình nói chân thành: thằng con tôi ở nhà chẳng biết gì, đi hải quân ở đây, về nhà cái gì cũng biết, cũng làm được. Đi bộ đội mà như đi học nghề, rèn nghề.

Thiếu tá Bảy chỉ cười đơn giản: “Tư tưởng không thông thì bình tông không nổi”, bộ đội là môi trường đào tạo, rèn luyện tay nghề. Cán bộ chiến sĩ đóng biển đảo xa, phục vụ lâu dài, có vợ, gia đình được cấp đất làm nhà hoặc ở nhà công vụ. Gia đình từ đất liền kéo nhau ra thăm rất ngạc nhiên, được bố trí ở nhà công vụ 5 tầng như chung cư to đẹp, thiết kế hiện đại, có vườn hoa, nhà trẻ, có đủ đồ nội thất, dịch vụ…

Cô giáo Nguyễn Thị Định, có chồng đang phục vụ tại đảo, đang ở trọ, được phân vào nhà công vụ rất mừng. Cô nói ở sướng, lại như nhà của mình, tiện nghi đầy đủ. Nhà sát biển rất thoáng mát, lại rất an ninh, hàng xóm toàn đồng đội, rất tình nghĩa.

Bà Hồ Thị Quyền, tuổi gần 80, dắt cháu từ Nghệ An vào thăm con đang phục vụ tại đảo đủng đỉnh bảo: “Ai ngờ đi thăm con bộ đội mà có nhà khang trang, lại vui hơn ở quê. Kinh tế dồi dào, trồng rau, tăng gia tại chỗ, có vườn hoa, vườn cho trẻ con chơi, sướng quá đi thôi.” 

Gắn với dân, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dân, các chiến sĩ Hải quân Vùng 5 còn giúp dân xây dựng cuộc sống mới. 6 đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận đã giúp 320 ngày công sửa chữa 6 căn nhà, làm 5km đường, vệ sinh 5,8km bờ biển, trồng 200 cây xanh, cấp 570 m3 nước ngọt, chữa cháy 53 ha rừng, góp 22 triệu đồng và 450 kg gạo cho các gia đình khó khăn… là những con số “bề nổi” tổng kết.

Cái được hơn cả, là xây dựng thế trận trong lòng dân, tạo sức mạnh tổng hợp vững chắc, lực lượng hỗ trợ đắc lực, cùng tập trung bảo vệ và xây dựng vùng biển đảo Tây Nam vững mạnh chính trị, an toàn, giàu đẹp.

Long Viên
.
.
.